Mua keo tản nhiệt laptop / máy tính / CPU loại nào tốt nhất?
Nếu thấy máy tính của mình nóng hơn so với bình thường thì khả năng keo tản nhiệt đã hết hạn, việc bạn cần làm lúc này là tra keo tản nhiệt mới cho CPU hoặc GPU của mình. Tuy nhiên không phải ai cũng biết loại keo tản nhiệt là gì, loại keo tản nhiệt nào tốt. Vì thế dưới đây sẽ là danh sách những keo tản nhiệt chất lượng tốt nhất mà freetuts đã tổng hợp được.
I. Keo tản nhiệt là gì?
Keo tản nhiệt thường có màu xám, so với những loại keo khác thì keo tản nhiệt không hề có tác dụng “dính” hay kết nối 2 bề mặt với nhau. Tác dụng duy nhất của keo tản nhiệt là giúp hạ bớt nhiệt độ của CPU / GPU, phân tán chúng tới những bộ phận tản nhiệt và làm mát của máy tính.
Sở dĩ được gọi là “keo” tản nhiệt vì chúng ở dạng hợp chất nhầy, đặc quánh y hệt “keo - hồ dán”. Ngoài ra thì cũng có rất nhiều người gọi dạng hợp chất này là TIM.
Nếu CPU thiếu keo tản nhiệt hoặc quá cũ, có thể khiến CPU quá nóng dẫn đến nhiều hậu quả khác nhau gây hư hại máy tính của bạn.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Tùy vào thành phần trong hợp chất của keo tản nhiệt mà mỗi loại keo có chất lượng tản nhiệt khác nhau, nhiệt độ CPU / GPU có thể giảm từ 5 đến 15 độ C.
Cho dù máy tính của bạn có sở hữu bộ tản nhiệt cao cấp nhưng thiếu đi keo tản nhiệt thì không thể phát huy hết tác dụng.
Thành phần chủ yếu trong keo tản nhiệt bao gồm:
- Kim loại: Loại keo tản nhiệt có thành phần kim loại phân tán nhiệt lượng rất tốt, tuy nhiên điểm yếu của nó là dẫn điện. Vì vậy bạn nên cẩn thận khi sử dụng loại keo này, không được làm tràn ra mainboard hay những vật liệu dẫn điện khác. Keo tản nhiệt với thành phần kim loại được ứng dụng để ép xung rất tốt vì độ bền và tính năng tản nhiệt tốt của nó.
- Silic: Thường được sản xuất ở dạng “miếng đệm nhiệt”, hay nói cách khác đây không được gọi là keo tản nhiệt. Miếng đệm nhiệt khá tiện lợi để sử dụng, tuy nhiên chất lượng tản nhiệt không được đánh giá cao như keo.
- Gốm: Keo tản nhiệt dạng gốm không có chất dẫn điện, vì thế nó rất an toàn để sử dụng, bạn có thể ưu tiên sử dụng loại này nếu không có ý định ép xung.
1. Cách sử dụng keo tản nhiệt
Mình thấy rất nhiều bạn bôi kem tản nhiệt lên CPU một cách “nhoe nhoét”. Thực tế để phát huy hết tác dụng của keo tản nhiệt ta chỉ cần nhỏ từng chút một lên bề mặt CPU, hay nói đúng hơn là nhỏ từng “hạt đậu”.
Bạn hãy nhỏ khoảng 4 đến 6 hạt đậu vừa đủ, sao cho khi đặt quạt tản nhiệt vào keo sẽ tràn vừa đủ bề mặt CPU. Bạn đặc biệt lưu ý đối với loại keo tản nhiệt dẫn điện, không được để tràn ra ngoài.
Cũng có nhiều cách khác nhau như phết keo theo hình chữ X, theo chiều dọc hay ngang...Tuy nhiên hiệu quả tản nhiệt của mọi cách là như nhau, bạn chỉ cần chú ý sử dụng lượng keo vừa đủ, không để tràn keo ra khỏi bề mặt CPU là được.
2. Cách lau sạch keo tản nhiệt cũ
Đối với hầu hết keo tản nhiệt cũ từ 6 tháng đến 1 năm đều bị biến dạng vật chất, thường ở dạng bột màu nâu. Lúc này đơn giản ta chỉ việc dùng khăn lau nhẹ vài lần là đi hết.
Vậy còn keo tản nhiệt mới thì sao ? Trường hợp này bạn có thể sử dụng dung môi isopropyl alcohol 99%, bạn có thể tìm chất này dạng đóng chai có bán rất nhiều trên Internet.
3. Bao lâu thì thay mới keo tản nhiệt?
Mỗi lọ, tuýp, hoặc ống keo tản nhiệt có đủ dung lượng cho bạn dùng từ 5 đến 15 lần, thậm chí còn nhiều hơn. Vì vậy khi mua một lần bạn có thể sử dụng trong nhiều năm nếu bảo quản tốt.
Cuối cùng thì bạn nên thay mới keo tản nhiệt sau khi sử dụng từ 6 tháng đến 1 năm.
II. Top keo tản nhiệt tốt nhất cho máy tính
Sau khi đã nắm rõ keo tản nhiệt là gì, chúng ta cùng theo dõi danh sách 5 loại keo tản nhiệt mà freetuts đã chọn lọc. Mình đã loại bỏ miếng đệm nhiệt ra khỏi danh sách này vì hiệu quả của nó không được tốt.
1. Arctic MX-4
Arctic MX-4 là loại keo tản nhiệt phổ biến nhất tại thị trường Việt Nam, cũng giống hầu hết các loại keo tản nhiệt khác được đựng sẵn trong một ống tiêm. Trong hợp chất của MX-4 không có thành phần kim loại, do đó rất an toàn đối với những bạn sử dụng mainboard trần, không có vỏ Case.
Keo này có giá thành tương đối rẻ và phù hợp với máy làm việc và chơi game thông thường, tuy nhiên nhiều người sử dụng khuyến cáo bạn không nên dùng keo này trong trường hợp ép xung.
2. Noctua NT-H1
Rất nhiều bài đánh giá về nhiệt độ của CPU sau khi sử dụng Noctua NT-H1 mát hơn khoảng 3 độ. Cũng được chứa trong một ống tiêm giúp bạn dễ dàng tra keo đều trên mặt CPU của mình.
Keo tản nhiệt Noctua NT-H1 không yêu cầu thời gian cố định, do đó bạn có thể gắn ngay Fan/ quạt tản nhiệt vào sau khi tra keo. Thông thường giá của keo này rẻ hơn Arctic MX-4 một chút, nhưng đổi lại bạn sẽ có ít lượng keo hơn, sử dụng được khoảng 15 lần.
3. Thermal Grizzly Conductonaut
Được rất nhiều đánh giá tích cực, loại keo tản nhiệt này có thể làm mát CPU của bạn đi hơn 10 độ. Có thể khả năng làm mát của nó sẽ hơn bất cứ loại keo nào trong danh sách này, tuy nhiên cái giá của nó lại không hề rẻ.
Ngoài ra khi mua keo bạn cũng sẽ được tặng kèm một bộ sản phẩm “nho nhỏ”, giúp bạn có thể vọc vạch CPU và quạt tản nhiệt của mình.
*Lưu ý: Không được sử dụng keo với bề mặt nhôm vì trong thành phần có chất ăn mòn nhôm.
4. Arctic Silver 5
Loại keo này có chứa tới 99% là bạc, vì vậy nó sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tràn keo ra các thiết bị khác hoặc mainboard của bạn.
Với thành phần chính là bạc nên nó có hiệu quả dẫn nhiệt cực kỳ tốt, tuy nhiên sau khi dán keo bạn nên chờ vài tiếng sau hãng lắp quạt tản nhiệt, vì nó không thể ổn định nhanh như các loại keo khác.
5. Gelid Solutions GC Extreme
Loại keo này rất phù hợp với những ai thường xuyên phải tra keo tản nhiệt, với dung lượng từ 3.5 gram -> 10 gram, chắc chắn để dùng hết được ống này sẽ cần cả chục hay thậm chí hàng trăm chiếc CPU-VGA khác nhau.
Được đánh giá hiệu quả tản nhiệt không kém gì với những đối thủ, với giá thành phải chăng và một dung lượng lớn sẽ giúp bạn không phải lo lắng đi mua keo tản nhiệt trong thời gian dài.
III. Kết luận
Qua bài viết này chắc hẳn bạn đã biết keo tản nhiệt là gì, nắm rõ các thành phần thường có trong keo tản nhiệt để lựa chọn loại keo phù hợp với CPU / GPU của mình.
Bên cạnh đó với danh sách 5 keo tản nhiệt tốt nhất 2025 thì chắc chắn bạn sẽ tìm được một loại keo phù hợp với nhu cầu của mình.
Đừng quên chia sẻ những keo tản nhiệt tốt nhất tới bạn bè và đồng nghiệp của mình nha.