Cách test máy Android trước khi mua điện thoại cũ
Việc mua một chiếc điện thoại Android cũ có thể sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền kha khá, nếu như bạn biết cách kiểm tra và mua một chiếc điện thoại cũ đã qua sử dụng từ một cửa hàng đáng tin cậy và uy tín.
Nhưng rõ ràng rằng việc mua điện thoại cũ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro cao nếu chẳng may bạn mua phải một chiếc điện thoại giả, hàng lô, kém chất lượng… Vì vậy, không có cách nào đảm bảo và tốt hơn bằng cách tự mình kiểm tra và test cẩn thận chiếc điện thoại cũ đó trước khi có ý định mua chúng.
Bài viết dưới đây, mình sẽ hướng dẫn các bạn cách test máy Android mà bạn cần nắm rõ trước khi mua điện thoại cũ.
1. Kiểm tra ngoại hình
Điều đầu tiên mà bạn cần kiểm tra đó là ngoại hình của chiếc điện thoại cũ đó. Bạn nên kiểm tra kỹ càng các vết trầy xước trên màn hình và quan trọng hơn là trên cụm ống kính camera ở cả mặt trước và sau. Điều này sẽ rất quan trọng, các vết xước nhỏ trên ống kính máy ảnh tưởng như vô hại nhưng thực chất nó có thể làm giảm đáng kể chất lượng hình ảnh được chụp, đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng yếu.
Nếu ống kính máy ảnh sạch sẽ và hiển thị ở trạng thái tốt, hãy kiểm tra khung viền bao quanh điện thoại, bạn kiểm tra xem có xuất hiện các vết xước, lồi lõm hay va chạm lớn thể hiện ra bên ngoài máy không, vì rất có thể những vết xước hay dấu hiệu lạ nào cũng sẽ có nguy cơ gây ảnh hưởng đến các linh kiện bên trong máy.
Đồng thời bạn nên kiểm tra các nút bấm như phím nguồn, tăng - giảm âm lượng có phản hồi tốt không, các phím bấm này vẫn còn nguyên vẹn hay bị lung lay, dễ rơi ra?
Về mặt âm thanh, bạn hãy thử test bằng cách bật một bài hát và để max âm lượng, nhằm kiểm tra độ trong và độ rè của âm lượng điện thoại khi phát ra nghe như thế nào.
2. Kiểm tra màn hình, cảm biến
Bạn hãy bật nguồn thiết bị và vào phần cài đặt điện thoại. Nếu tùy chọn nhà phát triển chưa được bật, bạn có thể bật chế độ này bằng cách đi tới phần cài đặt --> Giới thiệu về điện thoại --> nhấn 7 lần vào mục Số phiên bản.
Lúc này, chế độ Tùy chọn nhà phát triển sẽ được bật.
Bạn vào mục này để kiểm tra hiển thị số lần nhấn và tùy chọn vị trí con trỏ.
Bây giờ chạm vào màn hình ở tất cả các nơi để kiểm tra xem có bất kỳ góc chết hay bị liệt cảm ứng ở một vị trí trên màn hình này không. Đồng thời kiểm tra màn hình bằng cách đặt hình nền màu đen toàn bộ để xác định xem trên màn hình có vị trí nào bị hở sáng hay không.
Ngoài ra, bạn nên kiểm tra các cảm biến ánh sáng, cảm biến chuyển động, vân tay, khuôn mặt.. bằng ứng dụng AnTuTu Benchmark.
3. Kiểm tra cổng sạc và khe cắm
Cổng sạc là một trong những cổng kết nối quan trọng nhất trên thiết bị điện thoại, vì vậy bạn đừng chỉ kiểm tra nó với bộ sạc của bạn. Nếu chẳng may phần cứng bên trong máy đã bị hư hỏng, bạn sẽ không thể truyền dữ liệu qua máy tính cũng như không phát hiện thấy thiết bị của bạn. Vậy nên, hãy kết nối điện thoại của bạn với máy tính bằng Cáp USB đáng tin cậy và kiểm tra xem nó có phát hiện ra điện thoại của bạn không.
Để kiểm tra khe cắm thẻ nhớ, bạn nên lắp thẻ SD vào điện thoại đó và kiểm tra xem điện thoại này có nhận được dữ liệu từ chiếc thẻ nhớ hay không cũng như kiểm tra xem có sự cố nào xảy ra không.
Về phần jack cắm tai nghe, bạn nên thử và kiểm tra jack âm thanh bằng cách cắm một chiếc tai nghe có chất lượng tốt để đánh giá và kiểm tra chất lượng âm thanh có ổn không.
Ngoài ra, bạn nên kiểm tra thử cả hai khe cắm thẻ SIM để chắc chắn chúng có được kết nối mạng chuẩn 3G / 4G trên cả hai khe này hay không.
4. Kiểm tra số IMEI
Đây là việc làm cũng khá đơn giản nhưng cũng rất quan trọng, nó sẽ cho biết điện thoại bạn muốn mua có phải là hàng chính hãng, chất lượng hay không.
Những con số IMEI này thường được in ở mặt sau chiếc điện thoại. Bạn nên ghi nhớ dãy số đó và đối chiếu với số IMEI được hiện ra trong điện thoại, nếu các dãy số này trùng nhau thì bạn có thể tạm yên tâm vì nó là cùng một máy, còn nếu số IMEI khác nhau, chứng tỏ điện thoại bạn đang cầm là hàng lô, hàng dựng, bị lắp ráp và thay thế linh kiện vào trong máy. Nếu gặp trường hợp này, tuyệt đối không được mua chiếc điện thoại đó.
5. Kiểm tra pin
Nếu pin có thể tháo rời, bạn hãy tháo pin ra và kiểm tra xem pin có bị biến dạng hoặc phồng lên hay không. Điều này sẽ đánh giá được tuổi đời của chiếc điện thoại này và bạn nên cân nhắc khi muốn mua chúng.
Còn trong trường hợp điện thoại không thể tháo rời pin, bạn có thể sạc điện thoại trong vòng 15 đến 20 phút. Nếu không thấy điện thoại bị nóng lên đột ngột hoặc pin sạc nhanh một cách bất thường thì đó vẫn có thể là pin tốt.
Ngoài ra, bạn có thể vào phần Điện thoại và quay số *#*#4636#*#* để tìm hiểu thông tin về pin thông qua menu kiểm tra pin được cài sẵn trên các điện thoại Android.
6. Kiểm tra phần mềm
Nếu bạn đang muốn mua một chiếc điện thoại cũ, hãy đảm bảo rằng phần mềm ít nhất mà nó đang chạy là Android 8 trở lên. Điều này sẽ giúp bạn có được trải nghiệm những tính năng mới mẻ và thú vị hơn trên các phiên bản Android mới thay vì các phiên bản Android cũ đã không còn được cập nhật nữa, cũng như sẽ giúp bạn an tâm hơn về an toàn bảo mật, vẫn được hỗ trợ cập nhật thường xuyên để đảm bảo máy luôn chạy mượt mà và ổn định nhất.
Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra xem có bất kỳ ứng dụng đáng ngờ nào được cài đặt sẵn trên chiếc điện thoại đó không. Nếu bạn tìm thấy các ứng dụng tiềm ẩn nguy cơ cao, bạn nên xóa và gỡ cài đặt nó đi hoặc chạy các phần mềm chống vi-rút để đảm bảo tối đa.
7. Kiểm tra bằng ứng dụng test
Nếu bạn không có nhiều thời gian và công sức để tự tay test một chiếc điện thoại Android cũ nào đó, hãy nhờ đến sự trợ giúp của các phần mềm ứng dụng test chuyên dụng có thể kể đến như TestM, Phone Doctor Plus, AnTuTu Benchmark… mà bạn dễ dàng tải về từ CH Play để kiểm tra với mức độ tin tưởng rất tốt và đáng tin cậy.
Trên đây là những cách test máy Android trước khi mua điện thoại cũ mà bạn nên nắm rõ và tìm hiểu kỹ càng, để tránh việc mua phải những thiết bị kém chất lượng và gây ra những rủi ro về sau. Chúc các bạn thực hiện thành công!