Cách sửa lỗi Google Play gây hao pin trên Android
Trong bài này mình sẽ hướng dẫn các bạn cách sửa lỗi Dịch vụ Google Play gây hao pin nhanh trên Android, đây là một trong những phần mềm được cài sẵn trên các thiết bị [Android].
[Dịch vụ Google Play] có vai trò rất quan trọng trên điện thoại, đây là gói cài đặt API của Google cho phép các ứng dụng trên điện thoại của bạn có thể kết nối với nhau, cũng như cung cấp cho người dùng các thông tin liên quan đến vị trí. Tuy nhiên, điểm yếu của dịch vụ này đó là nó làm cạn kiệt pin của điện thoại rất nhanh.
Nguyên nhân gây ra lỗi hao pin của dịch vụ Google Play có thể là do chúng phải sử dụng các tính năng như xác định vị trí, số liệu, kết nối wifi quá nhiều lần hoặc ứng dụng hoạt động bị lỗi.
Dù với lý do nào, thì các bạn nên tham khảo các cách sửa lỗi mà mình sẽ hướng dẫn dưới đây để giúp bạn khắc phục lỗi này và giúp Dịch vụ Google Play hoạt động ổn định hơn.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
1. Cách phát hiện lỗi hao pin của Dịch vụ Google Play
Cũng rất đơn giản để phát hiện xem Dịch vụ Google Play có gây hao pin trên thiết bị Android của mình hay không mà không cần phải cài đặt thêm ứng dụng nào để kiểm tra. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Truy cập vào phần Cài đặt và nhấn vào mục Ứng dụng & thông báo.
Bước 2: Tiếp đó nhấn vào Xem tất cả ứng dụng, trong danh sách ứng dụng này bạn hãy tìm đến tên Dịch vụ Google Play và nhấn vào đó.
Bước 3: Nhấn vào mục Nâng cao --> Pin.
Tại đây sẽ hiển thị bao nhiêu phần trăm pin đã được sử dụng kể từ lần sạc cuối cùng. Nếu tỷ lệ phần trăm pin mà ứng dụng này đã sử dụng vượt quá hai con số, thì rõ ràng dịch vụ này đang gây tốn pin nhiều cho điện thoại và bạn cần phải tìm cách để giải quyết vấn đề nhanh.
2. Quản lý ứng dụng gây lỗi hao pin
Nếu nhìn nhận công bằng thì bản thân Dịch vụ Google Play không thực sự gây tốn pin của điện thoại. Như mình đã nói trước đó, đó là do các ứng dụng khác trên điện thoại yêu cầu Dịch vụ Google Play phải truy cập vào vị trí, kết nối mạng, dữ liệu và chạy trong nền quá thường xuyên thì mới gây ra sự cố này.
Vì vậy, một khi bạn thấy Dịch vụ Google Play đang làm tốn pin của điện thoại, thì điều đầu tiên mà bạn nên làm đó là kiểm tra xem ứng dụng nào thực sự khiến nó gây ra lỗi hao pin này.
Hiện nay, người dùng Android có thể sử dụng một số ứng dụng của bên thứ ba để kiểm tra, trong đó mình xin giới thiệu đến các bạn các ứng dụng tốt nhất như BetterBatteryStats hoặc Greenify. Các ứng dụng này sẽ cung cấp cho bạn các thông tin chi tiết nhất về thời lượng pin mà các ứng dụng trên điện thoại đang sử dụng. Sau đó, khi tìm được phần mềm gây hao pin nhất thì bạn có thể gỡ cài đặt các ứng dụng đó hoặc xóa quyền truy cập của chúng nếu bạn muốn.
3. Xóa bộ nhớ cache và dữ liệu của Dịch vụ Google Play
Một cách đơn giản khác mà bạn nên thử đó là xóa bộ nhớ cache của Dịch vụ Google Play, điều này giúp bạn xóa bớt các dữ liệu thừa của dịch vụ này để tránh gây tiêu hao pin nhiều hơn.
Để thực hiện phương pháp này, bạn hãy đi tới Cài đặt -> Ứng dụng và thông báo -> Dịch vụ Google Play -> Bộ nhớ và bộ đệm -> Xóa bộ nhớ cache.
Nếu điện thoại vẫn bị hao pin, thì bạn nên xóa dữ liệu của Dịch vụ Google Play, tuy nhiên điều này sẽ yêu cầu bạn phải đăng nhập lại vào tài khoản Google của mình sau khi thực hiện xong.
Để thực hiện thao tác này, bạn hãy đi tới phần Cài đặt -> Ứng dụng và thông báo -> Dịch vụ Google Play -> Bộ nhớ và bộ đệm -> Xóa bộ nhớ.
4. Khắc phục lỗi bằng cách tắt chế độ tự động đồng bộ hóa
Nếu bạn có nhiều tài khoản được kết nối với Dịch vụ Google Play, thì đó cũng có thể là nguyên nhân gây ra lỗi hao pin. Vì Dịch vụ Google Play cần phải truy cập vào vị trí của bạn để biết các sự kiện, email hay thông báo mới, nên nó sẽ liên tục chạy trong nền và làm đầy bộ nhớ nhiều hơn.
Bạn có thể khắc phục điều này bằng cách tắt chế độ tự động đồng bộ hóa cho nhiều tài khoản khác nhau, chẳng hạn như email, Lịch và Google Drive, cũng như các ứng dụng của bên thứ ba. Để thực hiện việc này, hãy đi tới Cài đặt -> Tài khoản, sau đó nhấn từng tài khoản để xem đồng bộ hóa đang được bật hay tắt.
Nếu chế độ đồng bộ hóa đã được bật, thì bạn hãy nhấn vào tài khoản đó để kiểm soát các tùy chọn đồng bộ hóa khác nhau cho ứng dụng đó. Thế nhưng, việc tự động đồng bộ hóa sẽ rất quan trọng với một số ứng dụng nhất định, do đó bạn hãy xem xét và bật chế độ này lên đối với ứng dụng phù hợp và tắt chế độ tự động đồng bộ hóa đối với các ứng dụng ít quan trọng hơn.
Bất cứ khi nào Dịch vụ Google Play Services cố gắng tiến hành đồng bộ hóa dữ liệu nhưng đều thất bại, thì rõ ràng máy bạn đang gặp lỗi đồng bộ hóa. Những lỗi này cũng có thể là lý do khiến điện thoại tụt pin nhanh hơn trước. Do đó bạn hãy kiểm tra xem các ứng dụng như danh bạ, lịch và tài khoản Gmail của bạn và xem liệu có phát hiện ra thêm bất kỳ lỗi nào không.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử xóa và đăng nhập lại tài khoản Google để thử khắc phục lỗi đồng bộ hóa đó, hoặc tiến hành tắt dữ liệu di động hơn một phút rồi bật lên lại để kiểm tra lỗi này đã được khắc phục hay chưa.
5. Kiểm tra các ứng dụng có quyền truy cập vào vị trí
Có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại sẽ yêu cầu truy cập vào vị trí của người dùng. Vấn đề là các ứng dụng này sẽ yêu cầu thông qua Dịch vụ Google Play, sau đó sử dụng GPS để có được thông tin đó.
Giờ bạn hãy mở danh sách các ứng dụng đang yêu cầu quyền truy cập vào vị trí và tắt quyền này đi bằng các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào phần Cài đặt -> Ứng dụng & thông báo -> Giấy phép ứng dụng -> Vị trí.
Bước 2: Tại đây, sẽ là danh sách các ứng dụng đang được cấp quyền truy cập vào vị trí. Bạn chỉ cần nhấn vào tên ứng dụng bất kỳ và nhấn vào ô Từ chối để tắt quyền truy cập vào vị trí là xong.
Vậy là mình đã hướng dẫn các bạn cách sửa lỗi Dịch vụ Google Play gây hao pin nhanh trên Android. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích đối với các bạn. Chúc các bạn thực hiện thành công!