Lịch sử các phiên bản Windows từ trước tới nay
Trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lịch sử [các phiên bản Windows] từ trước tới nay xem chúng có gì cải tiến và nổi bật nhé!
Cho đến thời điểm hiện tại, Windows đã ra đời và phát triển được hơn 35 năm và trở thành hệ điều hành được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới từ trước đến nay. Qua nhiều thay đổi về kỹ thuật, phiên bản ngày nay của Windows đã được phát triển hơn rất nhiều so với phiên bản đầu tiên là Windows 1.0. Hãy cùng điểm qua những phiên bản của Windows qua các thời đại dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.
1. Windows 1.0 (1985)
Trong các phiên bản Windows thì Windows 1.0 là phiên bản đầu tiên của hệ điều hành Windows được ra mắt vào ngày 20/11/1985. Phiên bản này chỉ có một vài tiện ích cơ bản như: chương trình đồ họa Windows Paint, bộ soạn thảo văn bản Windows Write, bộ lịch biểu, notepad, máy tính và một đồng hồ.
Vì còn nhiều mặt hạn chế như không cho phép chồng xếp các cửa sổ hay chỉ có một số hộp thoại mới được chồng lên các cửa sổ khác, ... nên phiên bản Windows 1.0 không được sử dụng phổ biến cho lắm.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Ngoài Windows 1.0, Microsoft còn nâng cấp chúng lên thành Windows 1.02 (05/1986), Windows 1.03 (08/1986) và phiên bản cuối cùng là Windows 1.04 (04/1987).
2. Windows 2.0 (1987)
Đứng thứ hai trong danh sách các phiên bản Windows là Windows 2.0, được tung ra thị trường vào ngày 09/12/1987 với nhiều tính năng tiện ích hơn Windows 1.0 đó là: cho phép các cửa sổ được xếp chồng lên nhau, cải tiến về đồ họa, nâng cấp thanh tác vụ đồng thời cải tiến khả năng hỗ trợ thẻ nhớ ngoài.
Ngoài ra, Windows 2.0 còn cung cấp các công cụ quen thuộc với người dùng, như ứng dụng đơn giản (Paint, Terminal, Clock) và trình quản lý tập tin có tên gọi MS-DOS Executive.
Windows 2.0 cũng được phát triển bổ sung đến phiên bản 2.11 (13/03/1989) thì ngừng hỗ trợ và thay thế bằng phiên bản mới Windows 3.0.
3. Windows 3.0 (1990)
Windows 3.0 là phiên bản windows được sử dụng rộng rãi hơn so với 2 phiên bản trước rất nhiều. Phiên bản này được ra mắt vào ngày 22/05/1990 và là phiên bản hệ điều hành đa nhiệm đích thực đầu tiên được bán khoảng 10 triệu bản copy trong vòng 2 năm.
Vào thời điểm lúc đó, Windows 3.0 đã được cải tiến rất nhiều và trang bị một loạt tính năng mới như: Program Manager, Solitaire, hỗ trợ VGA, bộ nhớ ảo và một cái nhìn 3D mới mẻ. Bên cạnh đó, Windows 3.0 còn xuất hiện những thay đổi khác đổi ở trình quản lý file, hỗ trợ 60 màu, độ ổn định và tốc độ cũng tăng lên, … Đặc biệt, Windows 3.0 đã giành được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các hãng thứ 3.
Hai năm sau đó, Windows 3.0 đã được nâng cấp thành Windows 3.1 vào ngày 01/03/1992. Ngoài tích hợp những tính năng hiện đại mà 3.0 đã có, 3.1 còn có khả năng hiển thị các font TrueType – làm cho Windows trở thành một nền tảng quan trọng cho các máy desktop. Một điểm mới nữa trong Windows 3.1 được rất nhiều người quan tâm đó chính là bộ bảo vệ màn hình (screensaver) và hoạt động kéo và thả.
4. Windows 95 (1995)
Microsoft tiếp tục phát triển hệ điều hành phiên bản Windows 95 và cho ra mắt vào gày 24/08/1995 với hàng loạt tính năng mới vượt trội khiến sự ra đời Windows 95 trở thành một sự kiện mang tính lịch sử, tạo ra một sức hút rất vĩ đại.
Các khách hàng muốn mua được những bản copy đầu tiên của hệ điều hành này đã phải xếp thành những hàng dài bên ngoài các cửa hàng từ nửa đêm để mua chúng như tình trạng xếp hàng để mua những chiếc iPhone với phiên bản mới nhất vừa ra mắt hiện nay.
Windows 95 là hệ điều hành được đánh giá rất thân thiện với người dùng cùng với giao diện mới, có khả năng thay thế Trình quản lý chương trình bằng Menu Start, thanh điều hướng và Windows Explorer. Bên cạnh đó, Recycle Bin cũng đã xuất hiện trong phiên bản Windows này.
Một số tính năng nổi bật của Windows 95 tại thời điểm hiện tại đó là hỗ trợ được các ứng dụng 32-bit, phần cứng Plug and Play, đa nhiệm ưu tiên, tên tệp tin dài đến 255 ký tự và cung cấp tăng tính ổn định hơn người tiền nhiệm, ...
5. Windows 98 (1998)
Thêm một sự thay đổi mạnh mẽ về cả giao diện lẫn tính năng đã xuất hiện trong phiên bản Windows 98. Phiên bản này được ra mắt vào ngày 25/06/1998 với diện mạo rất đẹp mắt cùng các cải tiến vượt bậc như: hỗ trợ các thiết bị USB tổng hợp, ACPI, chia sẻ kết nối mạng, chế độ ngủ đông và các thiết lập đa màn hình.
Microsoft cũng đã phát hành phiên bản nâng cấp của Windows 98 là "Second Edition" vào năm 1999. Tuy nhiên phiên bản này không được chú ý cho lắm vì không có quá nhiều thay đổi so với phiên bản cũ.
6. Windows ME (2000)
Phiên bản windows kế nhiệm của Windows 98 đó chính là Windows ME (Millennium Edition) - được ra mắt vào ngày 14/9/2000. Windows ME cũng đã nâng cấp thêm khá nhiều tính năng mới như Internet Explorer 5.5, Windows Media Player 7 và bổ sung thêm ứng dụng Windows Movie Maker, System Restore, …
Tuy nhiên, một số nâng cấp này đã làm cho hệ thống hoạt động chậm đi và dễ bị treo. Có thể nói đây là phiên bản không thành công nhất của Microsoft, đây cũng là phiên bản hệ điều hành có tuổi thọ ngắn nhất chỉ trong vòng 1 năm.
7. Windows 2000 (2000)
Windows 2000 thường được viết tắt là “W2K”, được ra mắt vào ngày 17/2/2000 với giao diện rất đẹp mắt và tinh tế cùng với 5 phiên bản phiên bản khác nhau đó là: Professional, Server, Advanced Server, Datacenter Server và Small Business Server.
Những phiên bản này ra đời dựa trên hệ điều hành Windows NT và được bổ sung tính năng hỗ trợ cập nhật phần mềm tự động qua Internet cùng hệ thống mã hóa Encrypting File System và Active Directoty cho doanh nghiệp.
Từ phiên bản này trở đi, Microsoft đã bổ sung thêm tính năng hỗ trợ cập nhật phần mềm tự động qua Internet.
8. Windows XP (2001)
Phiên bản Windows XP được tung ra thị trường vào ngày 25/10/2001 và được đánh giá là một trong những phiên bản thành công nhất của Microsoft. Phiên bản này ra đời nhằm hướng đến các máy tính dùng trong gia đình và kinh doanh.
Windows XP bao gồm các phiên bản sau: Starter Edition, Home Edition, Home Premium, Professional.
Vì là sự kết hợp của bản Windows 2000 và các bản Windows dành cho người dùng gia đình nên Windows XP ổn định hơn rất nhiều và giao diện cũng tốt hơn hẳn các đàn anh đi trước với thiết kế hiện đại hơn cùng nhiều màu sắc hơn. Bên cạnh đó, Windows XP còn được trang bị rất nhiề tính năng mới như thay đổi hình nền của Themes, remote desktop điều khiển máy tính từ xa.
Cho đến thời điểm hiện tại, Windows XP vẫn là một trong những phiên bản Windows được sử dụng nhiều nhất.
9. Windows Vista (2007)
Sau sự thành công của Windows XP, Microsoft tiếp tục cho ra mắt phiên bản Windows Vista vào năm 2007 nhằm phát triển các tính năng mới của Windows XP đồng thời bổ sung thêm sự bảo mật và độ tin cậy, chức năng truyền thông số được cải thiện và giao diện đồ họa người dùng Aero 3D đẹp mắt.
Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi, phiên bản này không thành công và không được sử dụng phổ biến vì chúng xuất hiện khá nhiều lỗi, kém tương thích với phần cứng và không chạy trên các thiết bị cũ.
Windows Vista có 6 phiên bản khác nhau trong đó phổ biến nhất có lẽ là Home Premium. Cấu hình yêu cầu tối thiểu của phiên bản này chiếm khá nhiều lượng tài nguyên, đó là: CPU 1GHz, 1GB bộ nhớ RAM, 15GB ổ cứng và card đồ họa hỗ trợ Aero.
10. Windows 7 (2009)
Để giải quyết những hạn chế của Windows Vista, Microsoft đã vội vã cho ra đời Windows 7 để khắc phục tất cả những lỗi mà Vista mắc phải. Windows 7 chính thức ra mắt vào ngày 22/10/2009 đã được rất nhiều người quan tâm với những tính năng mới mẻ như: Chỉnh sửa taskbar, start menu cùng Aero Peek, Aero Snap và Aero Shake.
Hiện nay, Windows 7 vẫn đang rất phổ biến trong môi trường doanh nghiệp. Cấu hình cơ bản của Windows 7 khá giống Vista với 1GHz CPU, 1GB RAM, ổ cứng 16GB cho bản 32 bit hoặc 20GB cho 64 bit và tất nhiên là card đồ họa hỗ trợ Aero.
Windows 7 có 3 phiên bản khác nhau đó là: Home Premium, Windows 7 Professional và Ultimate.
11. Windows 8 (2012)
Để thay thế Windows 7 và Windows XP, Windows 8 đã được ra đời vào ngày 26/10/2012. Với sự thay đổi mạnh mẽ về giao diện như Start menu được thay bằng một Màn hình Start mới, gồm các tên ứng dụng đang trực tuyến khiến người dùng hơi lúng túng khi lần đầu sử dụng.
Bên cạnh đó, với Windows 8 người dùng có thể quay về màn hình desktop bằng cách chọn ứng dụng “Desktop”, và quay về màn hình Start bằng nút Start.
Windows 8 thích hợp với các thiết bị cảm ứng như máy tính bảng, máy AIO…
12. Windows 8.1 (2014)
Nhằm khắc phục một số hạn chế của Windows 8, phiên bản Windows 8.1 đã xuất hiện và được coi là một bản cập nhật hoàn hảo dành với hàng loạt các tính năng mới như: thiết kế lại nút bấm Start trong giao diện desktop tuy nhiên về cơ bản chức năng của nút bấm này đã thay đổi. Giờ đây thay vì gọi giao diện Start menu như trước đây, nút bấm Start lại thực hiện chức năng truy cập vào màn hình Start Screen trên Windows 8.1.
Bên cạnh đó, Windows 8.1 được trang bị thêm tùy chọn cho phép người dùng bỏ qua giao diện Start Screen và truy cập thẳng vào màn hình Desktop sau khi khởi động.
13. Windows 10 (2015)
Windows 10 được ra mắt vào ngày 29/07/2015 và được đánh giá là một trong những hệ điều hành tốt nhất mà Microsoft từng phát hành.
Phiên bản này mang trong mình nhiều sự tiến vượt trội, giao diện rất dễ sử dụng, hướng tới người dùng và tích hợp nhiều tính năng thiết thực giúp phục vụ tốt hơn cho người dùng, dù là làm việc hay giải trí
Hiện tại, Microsoft đang hướng Windows 10 trở thành dịch vụ chứ không đơn thuần là sản phẩm. Những tính năng nổi trội của Windows 10 đó là : Start Menu trở lại với nhiều cải tiến, trình duyệt web mới Edge hiện đại, trợ lý ảo Cortana toàn năng trên PC, Windows Hello xác thực sinh trắc học, ...
Trên đây là lịch sử các phiên bản Windows từ Windows 1.0 đến Windows 10. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về những hệ điều hành của Windows. Chúc bạn sức khỏe và thành công!