Sự khác nhau giữa Sleep và Hibernate trong Windows
Bài viết này mình sẽ giới thiệu chế độ Sleep và Hibernate trong Windows cũng như hướng dẫn bạn cách cài đặt chế độ ngủ cho máy tính.
Windows cung cấp một số tùy chọn để tiết kiệm điện khi bạn không sử dụng PC. Các tùy chọn này bao gồm Sleep, Hibernate và Hybrid Sleep, chúng đặc biệt hữu ích nếu bạn đang dùng một chiếc máy tính xách tay. Trong bài viết này mình sẽ giải thích và phân tích sự khác biệt giữa các chế độ tiết kiệm năng lượng này.
1. Chế độ Sleep là gì?
Sleep hay còn gọi là chế độ ngủ đông, là cách tắt máy tính tạm thời, lúc này tất cả các hoạt động trên máy tính sẽ bị dừng lại nhưng mọi tài liệu và ứng dụng đang mở vẫn chạy trên bộ nhớ RAM. Vì thế nếu là máy tính để bàn thì chế độ này yêu cầu bạn không được ngắt nguồn điện.
Về mặt kỹ thuật, máy tính vẫn hoạt động nhưng chỉ sử dụng một chút năng lượng. Bạn có thể nhanh chóng khởi động lại máy tính và tiếp tục hoạt động bình thường, đầy đủ năng lượng trong vòng vài giây. Chế độ Sleep về cơ bản giống như chế độ “Chờ”. Sleep máy rất hữu ích khi bạn muốn tạm dừng hoạt động của máy tính trong một khoảng thời gian ngắn.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Với hiệu quả sử dụng năng lượng của máy tính ngày nay, chế độ sleep có thể tiết kiệm một lượng năng lượng đáng kể. Máy tính xách tay trung bình sử dụng 15-60 watt điện năng khi hoạt động và chỉ 2 watt ở chế độ Sleep. Máy tính để bàn thông thường sử dụng 80-320 watt nhưng chỉ 5-10 watt ở chế độ Sleep. Do đó tắt máy tính vào cuối ngày là không cần thiết vì chế độ Sleep hiệu quả mà sử dụng một lượng điện năng không đáng kể.
2. Chế độ Hibernate là gì?
Chế độ Hibernate rất giống với Sleep nhưng thay vì lưu các file và ứng dụng đang chạy vào RAM, nó sẽ lưu chúng vào ổ cứng của bạn. Điều này cho phép máy tính tắt hoàn toàn, có nghĩa là khi máy tính của bạn ở chế độ Hibernate thì nó sẽ sử dụng điện năng bằng "không" và bạn có thể ngắt toàn bộ nguồn điện.
Khi bật máy tính thì nó sẽ tiếp tục mọi thứ mà bạn đã dừng lại. Nó chỉ mất nhiều hơn một chút thời gian để khởi động so với chế độ Sleep (nếu bạn có SSD, sự khác biệt là không đáng kể như với ổ cứng truyền thống).
Bạn nên tắt máy với chế độ này khi không sử dụng máy trong một thời gian dài (1 đêm, nửa ngày, một vài ngày), điều này sẽ giúp bạn không cần thiết phải đóng file / ứng dụng đang mở.
3. Chế độ Hybrid Sleep là gì?
Chế độ Hybrid Sleep là sự kết hợp của chế độ Sleep và Hibernate
Chế độ này thường dành cho máy tính để bàn PC. Nó sẽ đưa mọi file làm việc và ứng dụng đang mở vào bộ nhớ RAM + ổ cứng sau đó đặt máy tính ở trạng thái tiết kiệm năng lượng, cho phép bạn nhanh chóng đánh thức máy tính và tiếp tục công việc.
Chế độ Hybrid Sleep được bật theo mặc định trong Windows trên máy tính để bàn và bị tắt trên máy tính xách tay. Khi được bật, nó sẽ tự động đưa máy tính của bạn vào chế độ Hybrid Sleep khi tắt máy tính với chế độ Sleep.
Hybrid Sleep rất hữu ích cho máy tính để bàn trong trường hợp mất điện. Vì khi nguồn điện được cấp trở lại, Windows có thể khôi phục công việc của bạn từ ổ cứng nếu dữ liệu từ bộ nhớ RAM không thể truy cập được.
4. Cách tắt máy tính ở chế độ Sleep hoặc Hibernate
Trong Windows 10 thì các tùy chọn Hibernate và Sleep hiển thị trong nút Power trong menu Start.
Trong Windows 7, các tùy chọn Sleep và Hibernate có trong danh sách xổ ra ở nút mũi tên bên cạnh nút Shutdown của menu Start.
Nếu bạn không thấy tùy chọn Sleep hoặc Hibernate thì có thể vì một trong những lý do sau:
- Card màn hình của bạn có thể không hỗ trợ chế độ Sleep. Hãy tham khảo tài liệu thông số card màn hình cũng như cập nhật Driver thường xuyên.
- Nếu không đăng nhập bằng tài khoản Administrator, có thể bạn sẽ cần tài khoản quản trị viên cấp thêm quyền.
- Chế độ tiết kiệm năng lượng của Windows được bật hoặc tắt trong BIOS. Để thay đổi trạng thái của chế độ này, hãy truy cập vào thiết lập BIOS sau đó thay đổi chế độ Enable / Disable ở phần Power-saving mode. Cuối cùng khởi động lại máy tính và kiểm tra.
- Nếu bạn không thấy tùy chọn Hibernate trong Windows 7, có thể là do Hybrid Sleep đã được bật thay thế. Mình sẽ giải thích cách bật và tắt chế độ Hybrid Sleep trong phần sau của bài viết này.
- Nếu bạn không thấy tùy chọn Hibernate trong Windows 8 hoặc 10, đó là do tùy chọn này bị ẩn theo mặc định. Bạn có thể tham khảo bài viết sau để kích hoạt tính năng này: Cách bật / tắt chế độ Hibernate trên Windows 10.
5. Cách mở máy tính ở chế độ Sleep hoặc Hibernate
Hầu hết các máy tính có thể mở ở chế độ ngủ đông bằng cách nhấn nút nguồn. Tuy nhiên mọi máy tính đều khác nhau: Bạn có thể chỉ cần nhấn một nút trên bàn phím, nhấp / di chuột hay mở nắp máy tính xách tay lên. Tham khảo tài liệu về máy tính của bạn hoặc trang web của nhà sản xuất để biết thông tin về cách khởi động máy tính từ trạng thái ngủ đông.
6. Cách bật và tắt tùy chọn chế độ Hybrid Sleep
Bước 1: Để bật hoặc tắt tùy chọn Hybrid Sleep thì chúng ta cần mở Control Panel.
Trong Windows 10, hãy nhấp vào biểu tượng tìm kiếm trên thanh Taskbar, nhập Control Panel sau đó nhấp vào “Control Panel” trong kết quả tìm kiếm.
Trong Windows 7, chọn “Control Panel” từ menu Start.
Bước 2: Chọn cài đặt System and Security.
Bước 3: Nhấp vào cài đặt Power Options.
Bước 4: Trên cửa sổ Choose or customize a power plan, bạn hãy nhấp vào liên kết “Change plan settings” ở bên phải tùy chọn Balanced (recommended).
Bước 5: Ở cửa sổ tiếp theo, bạn hãy nhấp vào liên kết “Change advanced power settings”.
Bước 6: Trong hộp thoại Power Options, bạn hãy bấm vào liên kết “Change settings that are currently unavailable”.
Bước 7: Nhấp vào dấu cộng bên cạnh Sleep để mở rộng các tùy chọn (nếu chúng chưa được mở rộng).
Bước 8: Nhấp vào dấu cộng bên cạnh Allow Hybrid Sleep. Chọn “Off” trong một hoặc cả hai danh sách thả xuống.
Theo mặc định, Windows yêu cầu mật khẩu để truy cập máy tính khi bạn khởi động từ trạng thái ngủ đông. Bạn có thể sử dụng hộp thoại Power Options để tắt tính năng này.
Chọn Balanced -> Require a password on wakeup -> On Battery: Off -> Plugged in: Off.
Tại thời điểm này, bạn có thể nhấp vào “OK” để lưu các thay đổi. Tuy nhiên nếu muốn ngăn máy tính tự động tắt, auto ngủ đông thì hãy để hộp thoại Power Options mở, chúng ta sẽ thay đổi một vài cài đặt trong hộp thoại này trong phần tiếp theo.
7. Cách ngăn máy tính tự động ngủ đông (thay đổi thời gian chờ)
Khi không sử dụng máy tính, Windows mặc định sẽ chuyển sang chế độ ngủ đông sau một khoảng thời gian nhất định. Tính năng tiết kiệm năng lượng này đôi khi gây khó chịu vì làm gián đoạn công việc của chúng ta, vì thế mình sẽ chỉ bạn cách thay đổi thời gian máy tính tự động tắt khi không làm việc hoặc vô hiệu hóa hoàn toàn tính năng này.
Bước 1: Nếu chưa mở hộp thoại Power Options, hãy truy cập Control Panel và làm tương tự các bước ở phần trước.
Bước 2: Bấm đúp vào tùy chọn “Sleep” sau đó tiếp tục click đúp vào “Sleep after”. Nếu bạn đang sử dụng máy tính xách tay, hãy nhấp vào On battery (khi sử dụng pin) và Plugged in (khi cắm dây sạc) để kích hoạt hộp chỉnh sửa.
Bước 3: Thay đổi thời gian máy tính tự động chuyển về chế độ ngủ đông bằng cách nhập thời gian vào ô chỉnh sửa (đơn vị “phút”), nếu bạn nhập “0” sẽ tương đương với “Never”, có nghĩa là máy tính sẽ không bao giờ tự động chuyển về chế độ ngủ đông khi không hoạt động.
Đối với máy tính của mình, mình thường đặt khoảng thời gian nay trong khoảng 2 tiếng. Đơn giản vì có thể mình đang tải một file nào đó có dung lượng nặng, không muốn làm gián đoạn quá trình này thì đây là một con số hợp lý. Tuy nhiên với máy tính xách tay, bạn nên để khoảng thời gian này thấp vì chúng ta sẽ không muốn làm hỏng viên pin của mình.
Bạn cũng nên thực hiện thao tác tương tự với tùy chọn “Hibernate after”.
Ngoài ra bạn cũng có thể thay đổi khoảng thời gian máy tính tự tắt màn hình, tức là mọi ứng dụng và các chương trình đều đang chạy, chỉ có màn hình là bị tắt tạm thời cho tới khi bạn thực hiện thao tác bất kỳ. Dưới đây là cách thực hiện:
Bước 1: Click đúp vào tùy chọn “Display”.
Bước 2: Click đúp vào “Turn off display after”.
Bước 3: Thay đổi giá trị trong mục On battery (khi sử dụng pin) và Plugged in (khi cắm sạc) thành “Never”. Bạn cũng có thể chỉ định một khoảng thời gian cụ thể (đơn vị “phút”).
Bước 4: Nhấp vào “OK” để lưu các thay đổi sau đó nhấp vào nút “X” ở góc trên bên phải của cửa sổ Control Panel để đóng nó.
Giờ đây bạn đã thông minh hơn trong việc tùy chỉnh các chế độ tiết kiệm điện. Nếu đang sử dụng máy tính xách tay, lựa chọn tốt nhất rất có thể là Hibernate vì nó tiết kiệm điện hơn so với Sleep và Hybrid Sleep.
Bài viết chia sẻ sự khác biệt giữa Sleep và Hibernate trong Windows tới đây là kết thúc. Nếu bạn còn thắc mắc gì thì đừng ngần ngại để lại comment, mình sẽ giải đáp trong thời gian sớm nhất.