Bạn có thể sử dụng lại linh kiện cũ nào khi Build PC mới?
Quá trình build PC mới rất vui, thú vị và...đắt tiền. Vì thế việc cân nhắc sử dụng lại những linh kiện cũ thay vì vứt bỏ toàn bộ là một ý tưởng tuyệt vời.
Tuy nhiên không phải ai cũng đủ kiến thức để biết linh kiện nào nên vứt hoặc tiếp tục sử dụng khi build PC mới , vì thế trong bài viết này mình sẽ phân tích từng linh kiện xem chúng ta có thể sử dụng lại thứ gì khi bắt đầu xây dựng một cấu hình máy tính mới nha!
Bạn có thực sự cần các bộ phận hoàn toàn mới không?
Hầu hết khi nói đến việc build PC mới, mọi người đều nghĩ đến những linh kiện mới với lý do hoàn toàn chính đáng. Khi build PC thì điều đầu tiên chúng ta cần là nó phải có hiệu suất tốt và ổn định hơn máy trước đây. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ vứt bỏ toàn bộ linh kiện cũ.
Hãy cùng xem xét các thành phần chính của PC từ “đáng giữ lại nhất” cho đến “không nên giữ lại”, đồng thời phân tích chi tiết mỗi loại để phù hợp với từng trường hợp cụ thể nha!
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
1. Giữ các thiết bị ngoại vi
Tất nhiên trong khi Build PC mới, bạn có thể tiết kiệm tiền bằng cách giữ lại các thiết bị ngoại vi cũ của mình. Chúng bao gồm màn hình, bàn phím, chuột, loa, webcam, tai nghe và tất cả các thiết bị ngoại vi “nhỏ” khác. Ngay cả khi bạn muốn nâng cấp, thật dễ dàng để mua thứ gì đó sau đó cắm nó vào.
2. Ứng cử viên hàng đầu “cần giữ”
Các linh kiện sau đây là thành phần rất dễ để lưu giữ và sử dụng lại khi Build PC mới. Có thể đối với nhiều người thì đây là những mặt hàng khá cơ bản, nhưng chi phí của chúng có thể cao nếu ngân sách của bạn eo hẹp.
Vỏ Case và quạt tản nhiệt
Vỏ máy tính Corsair Crystal Series 680X RGB High Airflow
Trong số tất cả các thành phần bạn có thể sử dụng lại từ PC cũ thì vỏ case là ứng cử viên có khả năng cao nhất. Nếu bạn có vỏ case chất lượng tốt thì không có lý do gì để chúng ta phải thay đổi nó.
Tuy nhiên nếu bạn có một vỏ case “đời tống” (xem ảnh ở đầu bài viết) thì việc vứt nó đi cũng là một ý kiến hay. Những vỏ case cũ này thường được Build sẵn từ Dell, HP và Lenovo.
Những vỏ máy tính kiểu cũ này không được xây dựng thân thiện với người dùng. Tất cả các linh kiện đều được nhét vào trong, nắp được đóng lại và mọi thứ đều bị che đằng sau đó khiến những game thủ khó khăn khi muốn “show hàng” bên trong PC. Đôi khi những vỏ case này thậm chí không đủ rộng để lắp một bo mạch chủ kích thước tiêu chuẩn, đây là yếu tố quan trọng cần cân nhắc.
Mặt khác thì các vỏ máy hiện đại giúp dễ dàng gắn các thành phần, rộng rãi cho việc bổ sung hay nâng cấp linh kiện, v.v, có được luồng không khí thoải mái và được thiết kế với tính năng quản lý dây cáp thông minh.
Cuối cùng nếu bạn không định giữ lại vỏ case, hãy tháo những chiếc quạt tản nhiệt gắn trên đó (nếu có, nếu còn hoạt động), chỉ cần cần đảm bảo vệ sinh nó sạch sẽ thì việc dùng quạt tản nhiệt cũ sẽ không có vấn đề gì.
Bộ nguồn (PSU)
Corsair RM 550x
Có thể giữ lại bộ nguồn khi nâng cấp máy tính hay không là câu hỏi của rất nhiều người. Mình xin tả lời là "có thể" và PSU rất đáng để giữ lại trong nhiều trường hợp.
Đầu tiên là nếu chúng vẫn còn bảo hành, nhiều PSU chất lượng cao có thể được bảo hành lên đến 10 năm. Tất nhiên vấn đề còn lại là tính phù hợp với các linh kiện mới của bạn.
Giả sử trong quá trình nâng cấp mà bạn mua thêm một chiếc VGA RX 580 rồi vẫn muốn sử dụng lại cục nguồn công suất thực 300W? Điều này là khả thi nhưng chắc chắn máy của bạn sẽ sập nguồn sau khi chạy một trò chơi nhẹ nhàng như Battlefield 5. Thậm chí bộ nguồn 300W có thể sẽ “phát nổ”, trục trặc về điện áp làm hỏng linh kiện trong toàn bộ PC mới của bạn, v.v.
Vì thế đảm bảo bạn nắm rõ các kiến thức về bộ nguồn PSU trước khi nâng cấp. Điều này có thể kiểm tra đơn giản theo các bước sau:
1. Check toàn bộ công suất yêu cầu của các linh kiện trong máy tính mới (chuột, bàn phím, quạt tản nhiệt, main, RAM, ổ cứng, card màn hình, v.v)
Ví dụ: Bạn có thể tìm trên google: công suất yêu cầu của VGA Gtx 1080, CPU core i3 9100f, Ram Dell 16GB DDR4, v.v.
2. Tính tổng công suất của tất cả các linh kiện sau đó so sánh với bộ nguồn cũ.
Các bạn lưu ý bộ nguồn phải là “công suất thực” nha (khác với công suất cực đại), bình thường bộ nguồn 500W CST sẽ có giá không dưới 500k.
Nếu toàn bộ linh kiện bên trong PC yêu cầu công suất không vượt quá “công suất thực” của bộ nguồn thì bạn có thể an tâm sử dụng nhé! Còn ngược lại thì đã đến lúc cho bộ nguồn cũ nghỉ hưu và sắm một PSU mới.
3. Linh kiện "có thể giữ lại”
Các thành phần sau có thể sẽ hoạt động tốt nhưng có thể sẽ không đem lại hiệu suất mà bạn mong muốn từ một PC mới.
Card đồ họa
Card màn hình GTX 1050 EVGA
Card đồ họa là một trong những thành phần dễ dàng nhất để đưa ra quyết định. Nếu bạn chỉ cần nó để chơi một trò chơi duy nhất, ví dụ như “Liên Minh Huyền Thoại” thì bạn có thể giữ GPU của mình, miễn là trò chơi vẫn chạy tốt trên Card đó.
Cụ thể thì một card đồ họa thuộc dạng “đồ cổ” GT 630 vẫn chạy tốt LOL ở thiết lập Very High Settings với 50-60 fps (2020).
Tuy nhiên nếu bạn muốn chơi các tựa game bom tấn hấp dẫn AAA, hãy kiểm tra cấu hình để chơi game và yêu cầu cấu hình tối thiểu của mỗi trò chơi. Bạn sẽ nhanh chóng biết có cần phải mua card mới hay không.
Ví dụ khi mình đang muốn chơi game Just Cause 4 thì thông tin từ nhà sản xuất yêu cầu máy tính phải có card đồ họa NVIDIA GeForce GTX 760 trở lên. Vì thế nếu mình đang có card mạnh hơn nó nữa và sẽ không cần phải nâng cấp.
Đương nhiên việc giữ lại card đồ họa cũ đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải chấp nhận chơi game ở mức FPS tiêu chuẩn khoảng 30 đến 60 khung hình / giây (1080p). Nếu bạn muốn hơn 60 FPS, độ phân giải cao hơn hoặc các tính năng chơi game mới nhất thì đương nhiên card đồ họa mới là cần thiết.
Ổ cứng
Shutterstock
Nếu có ai đó hỏi mình rằng có nên giữ lại ổ cứng khi Build PC mới hay không? Thì câu trả lời đương nhiên là có. Theo nhiều cách hiểu thì chúng có lẽ là bộ phận dễ dàng chuyển giao giữa các máy tính nhất.
Tuy nhiên mình cũng có một số lưu ý dành cho các bạn như sau:
Nếu ổ cứng hiện tại của bạn là HDD cũ thì việc dùng lại nó là không nên, đặc biệt là sử dụng nó để chứa hệ điều hành -> Việc sử dụng HDD làm ổ cứng chính chứa hệ điều hành chung quy sẽ làm tốc độ PC khá chậm. Bên cạnh đó thì giá ổ cứng tốc độ cao như NVMe và SSD hiện ngày càng giảm.
Hoặc nếu ổ cứng chính của bạn là SSD, hãy kiểm tra sức khỏe ổ cứng bằng phần mềm và nếu nó vẫn hoạt động tốt thì bạn cứ an tâm mà dùng nhé!
RAM
Bạn có thể sử dụng lại RAM cũ vì nó là một bộ linh kiện ổn định. Các loại RAM không thay đổi thường xuyên như các thế hệ CPU và GPU. Nếu vẫn có ý định giữ lại RAM, hãy đảm bảo nó tương thích với bo mạch chủ của bạn.
Ví dụ nếu bạn đang có RAM DDR3, nó sẽ không thể hoạt động trên bo mạch chủ DDR4.
Giá thành RAM hiện tại cũng đang rất ổn định, do đó bạn có thể nghĩ tới việc chọn một thanh RAM RGB sang trọng để có một case PC trông ngầu hơn.
Bộ phận tản nhiệt / làm mát CPU
Quạt tản nhiệt CPU mặc định của Intel “cùi bắp” có thể không đáng tiền, tuy nhiên đối với những quạt tản nhiệt khủng hơn như của AMD hoặc bên thứ ba sản xuất có thể là những con số lớn hơn.
Nếu bạn đang có quạt tản nhiệt cũ mà vẫn còn tốt, đương nhiên chúng ta cũng có thể dùng lại nó. Nhưng bạn cũng lưu ý rằng nó phải đủ mạnh để làm mát CPU mới của bạn (kiểm tra TDP) và cũng phải vừa với ổ cắm trên bo mạch chủ mới.
4. Các bộ phận “không nên giữ”: CPU và bo mạch chủ
Bo mạch chủ Mini-ITX chơi game Gigabyte. Gigabyte
Bây giờ mình xin đề cập tới những linh kiện mà bạn nên thay thế, đó chính là chip vi xử lý và bo mạch chủ.
Nếu bạn đang định Build PC mới thì có lẽ không nên giữ lại CPU, ngay cả khi nó đang hoạt động tốt. Điều này không có nghĩa là bạn phải vứt nó đi, ngoài bán lại trên các trang rao vặt thì chúng ta vẫn có thể dùng nó cùng bo mạch chủ cũ để dựng một PC phụ dành cho những công việc nhẹ nhàng hơn.
Cuối cùng chỉ là đừng sử dụng nó trong PC mới vì CPU là một trong những thành phần chính quyết định hiệu suất PC, vì thế chúng ta nên đầu tư cho nó ngay từ đầu.
Mainboard và CPU gần như là hai thành phần gắn liền với nhau, rất ít CPU đời mới tương thích với mainboard đời cũ và ngược lại. Vì thế tóm lại chúng ta không nên sử dụng lại hai linh kiện này khi Build PC mới.
Kết luận
Có khá nhiều phần cứng mà chúng ta có thể tận dụng lại từ PC cũ giúp tiết kiệm một khoản không nhỏ trong quá trình Build PC mới. Tuy nhiên nếu bạn giữ lại quá nhiều linh kiện cũ, có thể sẽ không nhận được hiệu suất tăng như mong đợi của một PC mới. Vì thế hãy cân nhắc kỹ việc sử dụng lại linh kiện cũ khi Build PC nha!