4 cách giúp học sinh đặt nhiều câu hỏi trong lớp học online
Xác định vấn đề và đặt câu hỏi là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy trí tò mò của học sinh, giúp họ xem việc học như một hành trình khám phá thú vị. Thay vì học thuộc lòng bài giảng của thầy cô giáo, việc tự đặt vấn đề, tự tìm kiếm thông tin và phát triển các giải pháp để giải quyết vấn đề sẽ giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt hơn. Nếu bạn đang dẫn dắt một lớp học online, dưới đây là 4 cách để bạn thúc đẩy học sinh đưa ra nhiều câu hỏi hơn trong lớp học của mình.
1. Làm rõ lợi ích của mọi câu hỏi trong lớp học online
Để khuyến khích và phát triển học sinh đặt câu hỏi, giáo viên cần để học sinh hiểu rõ giá trị của việc đặt câu hỏi hoặc đặt ra thắc mắc đối với các buổi học trực tuyến. Có nhiều khía cạnh mà việc đặt câu hỏi sẽ giúp ích cho quá trình học tập của học sinh như: giúp học sinh theo dõi khả năng nắm bắt và tiến độ học tập, giúp học sinh tạo cơ hội hiểu sâu hơn kiến thức, giúp khơi gợi sự sáng tạo của học sinh… Khi đã hiểu rõ lợi ích của việc đặt câu hỏi, học sinh sẽ tích cực phát huy hoạt động này trong lớp học trực tuyến của bạn.
2. Thực hành đặt câu hỏi trong lớp học online
Để giúp học sinh đặt thêm nhiều câu hỏi trong lớp học trực tuyến, giáo viên cần dạy cho học sinh kỹ năng đặt câu hỏi và giúp học sinh thực hành nó. Một số kỹ năng đặt câu hỏi như cách đặt câu hỏi đi vào trọng tâm, cách đặt câu hỏi mở (tránh câu hỏi Có/Không), cách đưa ra câu hỏi phản biện với ý kiến trái chiều…
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Sau khi đã hướng dẫn học sinh kỹ năng đặt câu hỏi, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tạo một bộ 5 câu hỏi như một phần của bài tập ở lớp học trực tuyến hoặc bài tập ngoài giờ. Cuối cùng, hãy tạo cơ hội để học sinh có thể đưa ra các câu hỏi một cách tự nhiên ngay trong lớp học trực tuyến của bạn, chẳng hạn như làm rõ những điểm còn nhầm lẫn trong bài giảng, hoặc khi học sinh tò mò về ý tưởng thảo luận của một bạn cùng lớp…
3. Tán dương mọi câu hỏi của học sinh trong lớp học online
Trong lớp học trực tuyến của bạn, khi bất kỳ câu hỏi nào được học sinh đưa ra đều nên được khuyến khích. Bạn có thể thể hiện sự tán thành bằng lời nói tán thưởng trực tiếp hoặc bằng huy hiệu trong khung thảo luận trực tuyến. Điều này giúp học sinh tăng sự tự tin với câu hỏi mình đặt ra và khuyến khích họ có thêm những câu hỏi hay trong tiết học e-learning.
Ngoài ra, hãy tạo cho lớp học trực tuyến của bạn văn hóa tôn trọng các câu hỏi của bạn cùng lớp. Như vậy, mỗi học sinh đều sẽ tự hào với câu hỏi hoặc vấn đề mà họ đặt ra trong lớp học online.
4. Tạo chương trình “Wiki thảo luận” ngoài giờ học trực tuyến
Dựa trên ứng dụng thảo luận online của nền tảng dạy học trực tuyến, thầy cô có thể lập ra một không gian cho phép học sinh thảo luận mở các vấn đề. Không gian này có thể được gọi là “Wiki thảo luận”, giúp cho quá trình bày tỏ quan điểm của học sinh dễ dàng hơn. Cụ thể, học sinh có thể tự do đặt câu hỏi, theo dõi câu hỏi của các bạn cùng lớp và thậm chí trả lời câu hỏi của người khác…
Vậy vai trò của giáo viên trong các cuộc thảo luận mở này là gì? Thầy cô giáo sẽ là người theo dõi, quản lý các cuộc thảo luận, đưa ra các gợi ý mở cho các lập luận… Đồng thời, thầy cô cũng là người đưa ra đánh giá cuối cùng nếu các học sinh chưa tìm được câu trả lời hoặc có ý kiến trái chiều.
Hi vọng với 4 gợi ý từ Teachmint, các thầy cô giáo sẽ có thêm một số bí quyết để tạo sự tương tác tích cực cho học sinh trong lớp học trực tuyến của mình. Chúc các thầy cô thành công!