Chi tiết các cách tạo file mới trong Photoshop
Bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách tạo file mới trong Photoshop hay còn gọi là tạo trắng mới trong PTS.
Tạo file làm việc trong PS là những thao tác rất đơn giản nhưng từ phiên bản Photoshop CC 2020, hộp thoại tạo file mới đã có nhiều bổ sung giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tất cả những cách tạo một file mới trong PS nhé!
I. Phân biệt cách tạo file mới và mở ảnh trong Photoshop
Trước khi bắt đầu, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu sự khác biệt giữa việc tạo một file làm việc mới trong Photoshop và mở một hình ảnh có sẵn.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
1. Khi nào thì tạo một file Photoshop mới?
Khi tạo một file PSD mới thì đơn giản chúng ta sẽ tạo một file làm việc trống (Background) mặc định có màu trắng, sau đó bạn có thể nhập / chèn (Insert) hình ảnh, đồ họa và các nội dung khác vào đó.
Thông thường việc tạo file mới trong Photoshop sẽ phù hợp để bắt đầu thiết kế, cho dù in hay đăng tải lên website thì chúng đều hoàn hảo.
Chỉ cần tạo một file làm việc mới với kích thước bạn cần sau đó thêm và sắp xếp các phần tử khác theo ý muốn. Các file làm việc mới cũng rất tuyệt để vẽ tranh kỹ thuật số bằng bút vẽ (Brush) của Photoshop.
Về cơ bản, bất cứ khi nào bạn muốn bắt đầu với một file PSD trắng và sau đó chèn hình ảnh, thêm hiệu ứng và sáng tạo nội dung thì sẽ cần tạo file PSD mới. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những cách để tạo nó trong bài hướng dẫn này.
2. Khi nào thì mở ảnh có sẵn trong Photoshop
Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia, thay vì tạo một file PTS mới thì rất có thể sẽ muốn bắt đầu bằng cách mở hình ảnh có sẵn với Photoshop. Mở file ảnh trong Photoshop khác với việc tạo file mới vì hình ảnh sẽ xác định kích thước của tài liệu.
II. Cách tạo file mới trong Photoshop
Để tạo một file làm việc mới trong Photoshop, mình sẽ chỉ bạn cách dùng hộp thoại New Document và một số cách khác.
1. Tạo file làm việc mới trong Photoshop từ màn hình chính
Theo mặc định, khi bạn khởi chạy Photoshop CC mà chưa mở hình ảnh hoặc đơn giản là không có file nào đang mở thì “Màn hình chính” sẽ hiện ra.
Nội dung trên “Màn hình chính” (Home Screen) sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng thông thường thì bạn sẽ thấy các hộp khác nhau mà bạn có thể nhấp vào để học Photoshop hoặc xem các tính năng trong phiên bản mới nhất.
Đặc biệt nếu đã làm việc trên một số hình ảnh hoặc file tài liệu trước đó, bạn sẽ thấy chúng được hiển thị dưới dạng hình thu nhỏ mà bạn có thể nhấp vào để nhanh chóng mở lại chúng:
Home Screen (Màn hình chính) của Photoshop
Để tạo file mới trong Photoshop từ “Màn hình chính”, bạn hãy nhấp vào nút Create New… ở cột bên trái:
Nhấp vào nút "Create New......" trên màn hình chính (Home Screen)
2. Tạo file mới từ thanh Menu
Một cách khác để tạo file mới trong Photoshop chọn File -> New trên thanh menu.
Hoặc bạn có thể nhấn phím tắt Ctrl + N
(Win) / Command + N
(Mac):
Chọn File và bấm New trên thanh công cụ để tạo file trắng
III. Hộp thoại New Document của Photoshop
Sau khi bạn thực hiện thao tác ở mục II thì với bất kỳ cách nào, hộp thoại New Document sẽ hiện ra.
Hình ảnh dưới đây là hộp thoại New Document trong phiên bản Photoshop CC 2020, ở một số bản PTS cũ hơn sẽ có hộp thoại khác mà mình sẽ giới thiệu trong phần cuối của bài viết:
Hộp thoại New Document mặc định trong Photoshop CC
1. Chọn kích thước file được áp dụng gần đây
Ở trên cùng hộp thoại là một hàng các danh mục bao gồm Recent (Gần đây), Saved (Đã lưu), Photo (Ảnh), Print (In), v.v.
Theo mặc định, tab Recent được chọn sẵn và nó cho phép bạn chọn nhanh bất kỳ kích thước nào được sử dụng gần đây. Giả sử trong phiên làm việc trước đó, bạn đã tạo một file PSD có kích thước là 16x12 cm thì ngay lập tức kích thước đó sẽ hiển thị để bạn chọn nó dễ dàng.
Hãy bấm chuột trái vào hình thu nhỏ của bất kỳ mẫu hay kích thước đã sử dụng gần đây, sau đó nhấp vào nút Create ở góc dưới cùng bên phải của hộp thoại để tạo file mới trong Photoshop. Hoặc cách nhanh hơn là click đúp vào hình thu nhỏ.
Trong trường hợp của mình thì tất cả những gì trong hộp thoại New Document hiển thị là kích thước mặc định của Photoshop, cùng với đó là một số mẫu có sẵn từ Adobe. Việc sử dụng các mẫu vượt ra ngoài phạm vi của bài hướng dẫn này, vì vậy mình sẽ tập trung vào cách tạo file mới:
Mọi kích thước file PSD được sử dụng gần đây đều xuất hiện trong danh mục Recent
2. Chọn Preset để tạo file mới trong Photoshop
Ngoài việc chọn kích thước đã thiết lập gần đây, bạn có thể chọn những kích thước “cài đặt trước” (Preset) có sẵn trong mục Photo:
Chọn tab Photo
Bạn có thể thấy trong mục BLANK DOCUMENT PRESETS có những kích thước “cài đặt trước” có sẵn ở dạng hình thu nhỏ. Bạn có thể xem toàn bộ bằng cách bấm vào View All Presets +.
Nhấp vào tùy chọn "View All Presets +"
Sau đó cuộn xuống để xem toàn bộ kích thước có sẵn, nếu tìm thấy một kích thước phù hợp với nhu cầu thì bạn hãy click đúp vào để tạo file PSD mới với đúng kích thước hiển thị.
Trong ví dụ này mình sẽ chọn Landscape, 8x10:
Chọn kích thước file có sẵn
3. Bảng Preset Details
Các thuộc tính của Presets (cài đặt trước / kích thước file có sẵn) trong bảng Preset Details nằm dọc theo bên phải hộp thoại.
Trong ví dụ này, ngay sau khi mình chọn Preset "Landscape, 8 x 10" thì bảng Preset Details hiện ra. Bạn có thể thay đổi kích thước mặc định hoặc chấp nhận những thiết đặt như chiều rộng là 10 inch và chiều cao là 8 inch.
Nó cũng đặt độ phân giải thành 300 pixel / inch, đây là độ phân giải tiêu chuẩn cho bản in:
Bảng Preset Details trong hộp thoại New Document
4. Tạo file mới
Nếu đã hài lòng với các thông số của file psd mới, bạn hãy nhấp vào nút Create ở góc bên phải dưới cùng của hộp thoại:
Nhấp vào nút Create để tạo file mới trong Photoshop
Thao tác này sẽ đóng hộp thoại New Document và mở file mới trong Photoshop:
File làm việc mới được tạo
IV. Cách xem kích thước file PSD mới tạo
Nếu bạn chưa chắc chắn về kích thước của file photoshop mới tạo và muốn kiểm tra, thay đổi thông số này thì hãy làm theo bước sau:
Trên thanh Menu hãy bấm vào Image và chọn Image Size…
Hoặc bấm tổ hợp phím Ctrl + Alt + I
(Win) / Control + Command + I
(MAC).
Chọn Image -> Image Size...
1. Hộp thoại kích thước hình ảnh
Thao tác trên sẽ mở ra hộp thoại Image Size, nơi chúng ta có thể xem và thay đổi kích thước của tài liệu.
Trong ví dụ này bạn có thể thấy chiều rộng =10 inch, chiều cao = 8 inch và độ phân giải = 300 pixel / inch:
Bạn có thể tăng giảm Width, Height và bấm OK để thay đổi kích thước file. Tuy nhiên mục đích của mình là kiểm tra các thông số này nên mình sẽ bấm Cancel để đóng lại hộp thoại Image Size:
Đóng hộp thoại Image Size mà không thực hiện bất kỳ thay đổi nào
2. Đóng file PSD
Sau đó mình sẽ đóng file làm việc mới bằng cách bấm vào File trên thanh menu và chọn Close:
Chọn File -> Close
3. Tạo một file mới khác
Vì không có tài liệu nào khác đang mở vào lúc này nên Photoshop đưa mình trở lại “Màn hình chính” (Home Screen). Mình sẽ mở hộp thoại New Document bằng cách nhấp vào nút Create New…:
Ngay sau đó thì hộp thoại New Document sẽ mở ra và hiển thị tab Recent, lần này nó không chỉ hiển thị kích thước mặc định của Photoshop mà còn hiển thị kích thước có sẵn “Landscape, 8 x 10”.
Nếu mình muốn nhanh chóng tạo file mới bằng một trong hai kích thước này thì chỉ cần click đúp vào kích thước mong muốn:
V. Tạo file mới trong Photoshop từ custom settings
Việc sử dụng Presets (kích thước có sẵn) có thể giúp tiết kiệm thời gian nhưng đa phần mọi người vẫn dùng phương pháp thủ công là tạo file mới bằng cách thiết lập thông số tùy chỉnh của riêng họ trong phần PRESET DETAILS.
1. Thiết đặt chiều rộng và chiều cao
Nếu mình muốn tạo một file mới có kích thước lẻ là 13 x 19 inch, tất cả những cần làm là đặt With (chiều rộng) = 13 inch và Height (chiều cao) = 19 inch.
Bạn có thể thay inch bằng các đơn vị đo lường khác như pixel, cm, millimeter và nhiều hơn nữa:
Nhập các giá trị chiều rộng và chiều cao tùy chỉnh
2. Hoán đổi hướng
Để thay đổi hướng của file từ dọc thành ngang và ngược lại, bạn chỉ cần nhấn vào biểu tượng dọc / ngang ở mục Orientation để hoán đổi hướng khi cần thiết:
3. Đặt độ phân giải cho bản in
Bạn cũng có thể thay đổi độ phân giải tùy chỉnh cho file làm việc trong mục Resolution. Nhưng hãy nhớ rằng độ phân giải chỉ áp dụng cho bản in, nó không ảnh hưởng đến hình ảnh được xem trực tuyến hoặc trên bất kỳ loại màn hình nào.
Đối với bản in thì độ phân giải tiêu chuẩn là 300 pixel mỗi inch. Nếu bạn không có ý định in ảnh thì có thể bỏ qua giá trị Rosolution:
Đặt giá trị độ phân giải (chỉ áp dụng cho bản in)
4. Đặt màu nền của file làm việc mới
Màu nền mặc định của file Photoshop mới là màu trắng nhưng bạn có thể chọn màu khác từ tùy chọn Background Contents:
Nếu bạn cuộn xuống sẽ thấy có tùy chọn Transparent (trong suốt) hoặc Custom (tùy chọn). Nếu muốn Background không có màu gì hãy chọn Transparent hoặc bấm vào Custom để chọn một màu bất kỳ từ bộ chọn màu (Color Picker):
5. Chế độ màu sắc
Bạn có thể thay đổi Color Mode và Bit Depth cho file làm việc mới của mình. Trong hầu hết các trường hợp thì cài đặt mặc định ( RGB Color và 8 bit ) sẽ phù hợp và là những gì bạn cần, tuy nhiên bạn có thể chọn các giá trị khác nếu cần:
6. Các tùy chọn nâng cao
Và cuối cùng nếu xoay mở Advanced Options, bạn sẽ tìm thấy các cài đặt cấu hình màu (Color Profile) và tỷ lệ khung hình pixel (Pixel Aspect Ratio) file PSD.
Hãy để thông số này mặc định nếu bạn chưa rõ về nó:
VI. Cách lưu thiết đặt / kích thước dưới dạng Preset
Nếu cần tạo file mới trong Photoshop có cùng kích thước và thông số trong tương lai, trước khi nhấp vào nút Create thì bạn có thể lưu những thiết đặt dưới dạng Preset (cài đặt trước / kích thước có sẵn).
1. Hãy nhấp vào biểu tượng Save ở đầu bảng PRESET DETAILS:
Nhấp vào biểu tượng lưu
2. Đặt tên cho Preset của bạn. Mình sẽ đặt là "Landscape, 13 x 19".
3. Để lưu nó, hãy nhấp vào Save Preset:
4. Hộp thoại New Document sẽ chuyển sang danh mục Saved, tại tab này bạn sẽ tìm thấy các Preset (thiết lập tùy chỉnh mới) cùng với bất kỳ Preset nào khác mà bạn đã tạo.
Để sử dụng nó thì bạn chỉ cần mở tab Saved và click đúp vào hình thu nhỏ của Preset:
Cách xóa Preset đã lưu
Để xóa cài đặt trước đã lưu, hãy nhấp vào biểu tượng thùng rác ở phía trên bên phải của hình thu nhỏ:
Nhấp vào thùng rác để xóa kích thước cài đặt sẵn
VII. Sử dụng hộp thoại Legacy “New Document” của Photoshop
Trước đó mình đã đề cập đến hai phiên bản của hộp thoại New Document của Photoshop. Từ đầu bài viết tới giờ, mình đều sử dụng phiên bản mới và to hơn.
Vậy phiên bản cũ hơn của hộp thoại New Document sử dụng như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay nhé. Cá nhân mình thích nó hơn vì hộp thoại nhỏ gọn và sắp xếp hợp lý, Adobe gọi phiên bản nhỏ hơn này là hộp thoại Legacy “New Document” và ẩn nó trong những bản Photoshop CC mới nhất.
1. Để chuyển sang phiên bản cũ này, bạn hãy làm theo bước sau:
- Trên PC chạy Windows: Chọn Edit trên thanh Menu và bấm vào Preferences -> General…(Hoặc bấm tổ hợp phím
Ctrl + K
) - Trên máy Mac: Chọn Photoshop CC trên thanh menu và bấm vào Preferences -> General…(Hoặc bấm tổ hợp phím
Command + K
)
Chọn Edit (Win) / Photoshop CC (Mac)> Preferences> General
2. Trong mục General, hãy tích vào tùy chọn Use Legacy “New Document” Interface sau đó bấm OK để đóng hộp thoại:
Bật tùy chọn sử dụng giao diện tạo file mới “cũ” hơn trong Photoshop
3. Tạo một file mới bằng cách bấm vào File trên thanh menu và chọn New…:
Chọn File -> New
4. Kết quả là hộp thoại Legacy New document hiện ra, với tất cả các thiết đặt giống hộp thoại New Document “mới” nhưng có một thiết kế nhỏ gọn, hợp lý hơn:
Phiên bản hộp thoại New Document cũ hơn của PTS
Nếu bạn không thích phiên bản cũ này thì chỉ cần quay lại General của Photoshop và bỏ chọn Use Legacy “New Document” Interface:
Bài viết "Cách tạo file mới trong Photoshop" đến đây là kết thúc. Mình tin rằng với những hướng dẫn chi tiết này thì bạn có thể dễ dàng tạo file trắng mới trong PTS với kích thước "chuẩn không phải chỉnh" :)
Đừng quên chia sẻ bài viết tới bạn bè và đồng nghiệp khi thấy hữu ích nhé.
Nguồn: photoshopessentials