Làm quen với giao diện Photoshop
Bài viết này mình sẽ giới thiệu giao diện Photoshop CC 2020 cực kỳ chi tiết, những ai mới học Photoshop thì đây là kiến thức không thể bỏ qua,
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thành phần trong giao diện của Adobe Photoshop và các công dụng cơ bản, bao gồm thanh menu, thanh Options, không gian làm việc và các bảng điều khiển.
Không chỉ với người mới mà đa phần người sử dụng PTS lâu năm cũng chưa nắm rõ các thành phần có sẵn trong giao diện của Photoshop. Thực tế thì mình cũng nằm trong số đó, bởi vì mình đã “học chạy” rồi mới “học bò” nên vẫn chưa khám phá hết các công cụ đó.
1. Giao diện Photoshop
Đây là giao diện khi vừa mở hình ảnh trong Photoshop. Bạn có thể yên tâm rằng chức năng và các công cụ trong Photoshop trên Windows và Mac là tương đương, chỉ khác nhau về phím tắt và một Menu duy nhất (xem ở mục 5 - thanh Menu).
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Dưới đây là một hình ảnh mình lấy từ Adobe Stock:
Giao diện Photoshop CC
2. Cửa sổ Document của Photoshop
Cửa sổ Document (cửa số tài liệu) là khu vực lớn ở trung tâm của giao diện mà hình ảnh được hiển thị. Đó cũng là nơi chúng ta chỉnh sửa hình ảnh.
- Khu vực thực tế nơi hình ảnh hiển thị được gọi là canvas.
- Vùng tối bao quanh hình ảnh là pasteboard. Pasteboard không thực sự phục vụ mục đích nào khác ngoài việc lấp đầy khoảng trống xung quanh hình ảnh, khi bản thân hình ảnh quá nhỏ để lấp đầy toàn bộ cửa sổ Document:
Cửa sổ Document hiển thị hình ảnh
Tab Document
Ở đầu cửa sổ Document là "tab document", nó sẽ hiển thị tên file đang mở ("AdobeStock_145722872.jpeg") và mức thu phóng hiện tại (25%). Tab document cũng là cách để chúng ta chuyển đổi giữa các cửa sổ tài liệu khi mở nhiều hơn một hình ảnh trong Photoshop.
The Document window tab
Mức thu phóng và thanh trạng thái
Ở dưới cùng bên trái cửa sổ Document, chúng ta sẽ thấy thêm thông tin về hình ảnh. Mức thu phóng hiện tại được hiển thị giống như tab document.
Ở bên phải mức thu phóng là thanh trạng thái (Status Bar). Theo mặc định thì thanh trạng thái hiển thị cấu hình màu của hình ảnh. Trong trường hợp của mình đó là Adobe RGB (1998). Ảnh của bạn có thể ở một loại màu khác như sRGB IEC61966-2.1.
Mức thu phóng hiện tại của tài liệu (bên trái) và thanh trạng thái (bên phải)
Nhấp và giữ trên thanh trạng thái để xem thông tin bổ sung về hình ảnh, chẳng hạn như thông tin về chiều rộng và chiều cao, độ phân giải và màu sắc (Channels):
Thanh trạng thái hiển thị thêm thông tin về hình ảnh khi bạn bấm giữ nó
Bạn cũng có thể thay đổi loại thông tin mà thanh trạng thái hiển thị. Nhấp vào mũi tên ở bên phải của thanh trạng thái để mở menu nơi bạn có thể chọn xem các chi tiết khác nhau như Document Size (kích thước file) hoặc Dimensions (chiều rộng, chiều cao và độ phân giải). Mình sẽ đặt nó mặc định là Document Profile:
Sử dụng thanh trạng thái để xem nhiều loại thông tin về file làm việc của bạn (file ảnh jpg, png / file *.psd)
3. Thanh công cụ
Thanh công cụ (hay còn gọi là hộp công cụ hoặc Tools panel) là nơi bạn có thể truy cập và sử dụng 70+ công cụ của Photoshop. Bạn sẽ tìm thấy nó dọc bên trái giao diện của Photoshop. Bao gồm công cụ tạo vùng chọn, chỉnh sửa hình ảnh, công cụ vẽ và tô màu, v.v.
Thanh công cụ trong Photoshop
Mở rộng thanh công cụ
Theo mặc định thì thanh công cụ ở dạng một cột dài, đơn lẻ. Nhấp vào mũi tên kép ở trên cùng sẽ mở rộng thanh công cụ thành một cột đôi ngắn hơn. click lại vào các mũi tên để quay lại bố cục một cột:
Thanh công cụ khi mở rộng
Công cụ ẩn của thanh công cụ
Photoshop có rất nhiều công cụ, nhưng thực tế nó còn nhiều hơn những gì mà ta thấy trên giao diện mặc định. Hầu hết các công cụ đều có các công cụ khác được lồng vào cùng một chỗ. Bấm chuột trái vào biểu tượng của một công cụ để xem menu các công cụ khác ẩn đằng sau nó.
Ví dụ: theo mặc định, công cụ Rectangular Marquee Tool được chọn. Đây là công cụ thứ hai từ trên xuống. Nếu mình bấm chuột phải (hoặc bấm giữ chuột trái) vào biểu tượng của công cụ Rectangular Marquee Tool, một danh sách các công cụ khác sẽ xuất hiện bao gồm công cụ Elliptical Marquee Tool, Single Row Marquee Tool và Single Column Marquee Tool:
Hầu hết các vị trí trong thanh công cụ chứa nhiều công cụ khác
4. Thanh Options
Được liên kết trực tiếp với thanh công cụ là thanh tùy chọn (thanh Options). Thanh tùy chọn hiển thị các "tùy chọn" của bất kỳ "công cụ" nào mà chúng ta đã chọn từ thanh công cụ. Bạn sẽ tìm thấy thanh tùy chọn nằm ngang, song song với thanh menu ở trên cùng, ngay phía trên cửa sổ document.
1. Trong hình ảnh minh họa dưới đây, vì mình vừa chọn công cụ Rectangular Marquee nên thanh Options sẽ hiển thị các tùy chọn của công cụ Rectangular Marquee:
Các tùy chọn của công cụ đã chọn sẽ xuất hiện trong thanh Options
2. Nếu mình chọn một công cụ khác từ thanh công cụ, chẳng hạn như công cụ Crop:
Chọn công cụ Crop từ thanh Tools
3. Ngay lập tức các tùy chọn trong thanh Options thay đổi. Thay vì thấy các tùy chọn của công cụ Rectangular Marquee thì chúng giờ đây các công cụ để cắt ảnh của Crop đã xuất hiện:
Thanh Options cập nhật ngay khi chọn một công cụ mới
5. Thanh menu
Nằm ngang trên cùng của giao diện Photoshop là thanh Menu. Thanh Menu là nơi chúng ta tìm thấy nhiều tùy chọn và lệnh khác nhau, tất cả đều được nhóm thành các danh mục.
- Danh mục File có các tùy chọn như mở file ảnh, lưu hoặc đóng file làm việc.
- Danh mục Layer có các tùy chọn để làm việc chuyên sâu với các layer.
- Nhiều bộ lọc của Photoshop được tìm thấy trong menu Filter, v.v.
* Lưu ý: Danh mục "Photoshop CC" ở bên trái thanh Menu trong ảnh chụp màn hình chỉ có trên phiên bản Photoshop dành cho Mac:
Trên Windows, bạn sẽ tìm thấy những tùy chọn tương tự trong mục Help.
Thanh Menu chạy ngang ở trên cùng của giao diện Photoshop
6. Các bảng điều khiển
Dọc bên phải giao diện của Photoshop là nơi chúng ta tìm thấy các bảng điều khiển. Các bảng điều khiển cho phép truy cập vào các tùy chọn, thực hiện nhiều lệnh nâng cao và chuyên sâu.
Có rất nhiều bảng điều khiển khác nhau và chức năng của chúng cũng khác nhau. Quan trọng nhất và thường xuyên phải sử dụng là bảng điều khiển Layer: Từ đây bạn có thể thêm, xóa và làm việc với các layer trong file làm việc
Bạn sẽ làm quen với các bảng điều khiển khác trong những bài học sau:
Các bảng này nằm trong một cột dọc (khu vực bên phải) của giao diện Photoshop
Nhóm bảng điều khiển
Để tiết kiệm không gian trên màn hình thì Adobe đã nhóm các bảng liên quan lại với nhau. Ví dụ bảng điều khiển Layers, Channels và Paths sẽ được gộp thành một nhóm với nhau, đây là những bảng điều khiển có chức năng chỉnh sửa, thêm hiệu ứng, v.v cho layer.
Bạn hãy nhìn vào tên của bảng điều khiển, nếu nó sáng hơn các bảng khác thì có nghĩa là đang được chọn:
Bảng điều khiển Layer là một trong ba bảng được nhóm với nhau
Chuyển đổi giữa các bảng trong một nhóm
Để chuyển sang một bảng khác trong một nhóm, hãy nhấp vào tab của bảng đó:
Nhấp vào các tab trong một nhóm để chuyển đổi giữa các bảng
Cách thêm / bớt bảng điều khiển trong Photoshop
Theo mặc định, lúc đầu chỉ có một số bảng được hiển thị, còn rất nhiều bảng điều khiển khác sở hữu tính năng mạnh mẽ mà có thể bạn chưa biết đã bị ẩn đi.
1. Bạn sẽ tìm thấy danh sách đầy đủ các bảng trong danh mục Window trên thanh Menu:
Chọn danh mục Window trong thanh Menu
2. Các bảng điều khiển được liệt kê thành danh sách dài dạng cột, bạn có thể tích chọn / hoặc bỏ tích để thêm hay tắt bất kỳ bảng điều khiển nào.
Để tích chọn một bảng, hãy nhấp chuột trái vào tên của nó trong danh sách. Dấu tích ở bên trái tên của bảng điều khiển có nghĩa là bảng đó đã được mở. Bấm chuột trái vào một lần nữa để đóng nó lại nếu muốn.
Tất cả bảng điều khiển của Photoshop có thể được thêm / bớt từ menu Window
7. Thanh tìm kiếm
Điểm mới trong Photoshop CC là có thanh tìm kiếm (Search Bar). Thanh tìm kiếm cho phép chúng ta nhanh chóng tìm thấy các công cụ hoặc lệnh trong Photoshop cũng như các hướng dẫn về chủ đề khác nhau hoặc hình ảnh từ Adobe Stock.
Để sử dụng tính năng tìm kiếm, hãy nhấp vào biểu tượng tìm kiếm (kính lúp) ở phía trên bên phải của Photoshop. Bạn sẽ tìm thấy nó ngay phía trên cột “bảng điều khiển”. Nếu bạn đang sử dụng Photoshop CC nhưng không thấy biểu tượng tìm kiếm, hãy đảm bảo đang sử dụng bản Photoshop CC mới nhất.
Nhấp vào biểu tượng tìm kiếm (chỉ khả dụng trong Photoshop CC)
Nhấp vào biểu tượng sẽ mở thanh tìm kiếm. Nhập cụm từ tìm kiếm của bạn ở trên cùng và ngay sau đó thanh tìm kiếm sẽ mở rộng để hiển thị kết quả.
Ví dụ: Mình sẽ nhập "Crop". Kết quả tìm kiếm "Crop" đã tìm thấy công cụ Crop của Photoshop và công cụ Perspective Crop Tool. Nó cũng tìm thấy lệnh Crop and Straighten Photos, lệnh Trim và lệnh Crop.
Sử dụng tính năng “tìm kiếm” để nhanh chóng tìm thấy những gì bạn đang nghĩ tới
8. Không gian làm việc (Workspace)
Không gian làm việc (Workspace) là tất cả những gì đang hiển thị trên màn hình làm việc của phần mềm. Khi xét riêng về Photoshop thì chúng ta có thể thay đổi nhanh chóng giữa các Workspace khác nhau, mặc định thì Photoshop có sẵn một danh sách các mẫu sắp xếp bố cục các thành phần có trong giao diện Photoshop.
Để các bạn dễ hiểu hơn thì mình sẽ làm một ví dụ “ví von” như sau:
- Giả sử bạn đang làm việc trên hai chiếc bàn đặt ở hai bên tay “trái” và “phải”. Chiếc bàn thứ nhất thì bạn đặt trên đó công cụ A, B, C còn chiếc bàn thứ hai thì đặt trên đó công cụ X, Y, Z.
- Nếu đang làm việc trên bàn thứ nhất mà bạn muốn dùng công cụ trên bàn thứ hai, thay vì phải vất vả đem từng công cụ từ bàn thứ hai sang bàn thứ nhất -> thì bạn chỉ việc xoay người sang bàn thứ hai để làm việc và sử dụng các công cụ X, Y, Z trên đó.
- Bạn hãy hình dung Workspace giống như “chiếc bàn” trong ví dụ trên, nó giúp việc sắp xếp các công cụ trong không gian làm việc trở nên linh hoạt hơn. Tiết kiệm thời gian sắp xếp bố cục các công cụ, bảng điều khiển có trong giao diện Photoshop.
Workspace có thể kiểm soát các bảng điều khiển của Photoshop được hiển thị trên màn hình, cùng với đó là cách mà các bảng đó được sắp xếp (bố cục / vị trí). Workspace cũng có thể thay đổi bố cục của các công cụ trong “thanh công cụ”, các mục trong thanh Menu cùng với các phím tắt, v.v.
Theo mặc định thì Photoshop sử dụng không gian làm việc được gọi là Essentials. Workspace Essentials là một không gian làm việc chung, đa năng với bố cục giao diện phù hợp với nhiều loại tác vụ khác nhau.
Có nhiều không gian làm việc khác để bạn lựa chọn. Chúng ta có thể chuyển đổi giữa các không gian làm việc bằng cách sử dụng tùy chọn Workspace ở phía trên bên phải của Photoshop. Trong Photoshop CC, tùy chọn Workspace được biểu thị bằng một biểu tượng. Trong Photoshop CS6, đó là một hộp lựa chọn, với tên của không gian làm việc hiện đang được chọn được hiển thị trong hộp:
Biểu tượng Workspace trong Photoshop CC
Nhấp vào biểu tượng (hoặc hộp lựa chọn) để mở menu các không gian làm việc khác mà chúng ta có thể chọn. Photoshop bao gồm một số Workspace tích hợp sẵn nhưng bạn có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp với thói quen và nhu cầu của bản thân.
Như mình đã đề cập thì Essentials là không gian làm việc chung, đa năng. Nếu bạn là một nhà thiết kế web thì co thể chuyển sang không gian làm việc Graphic and Web. Để chỉnh sửa hình ảnh thì Photography workspace là một lựa chọn tốt. Theo dõi sự thay đổi của bảng điều khiển và thanh công cụ khi bạn chuyển đổi giữa các Workspace khác nhau.
Đa phần mọi người đều dùng Workspace Essentials (mặc định) và vì thế, tất cả các bài hướng dẫn cũng sử dụng không gian làm việc này nên mình khuyên bạn đừng thay đổi Workspace khi bắt đầu học Photoshop:
Sử dụng menu Workspace để dễ dàng chuyển đổi giữa các không gian làm việc
Bài giới thiệu giao diện Photoshop đến đây là kết thúc, mình tin chắc rằng bạn đã nắm được cơ bản các thành phần có trong giao diện của Photoshop như thanh công cụ, thanh menu và các bảng điều khiển, v.v. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách sử dụng chi tiết hơn ở những bài học tiếp theo nhé!
Đừng quên chia sẻ bài viết cho bạn bè hay đồng nghiệp để cùng nâng cao kỹ năng làm việc với Adobe Photoshop.