Layer Mask trong Photoshop là gì? Cách dùng Layer Mask dễ hiểu nhất
Bài viết này mình sẽ giới thiệu về Layer Mask trong Photoshop, hướng dẫn cách sử dụng sử dụng đơn giản nhất có thể.
Trong Adobe Photoshop thì Layer Mask được sử dụng rất nhiều trong quá trình chỉnh sửa ảnh. Từ hiệu ứng chuyển ngày thành đêm, hiệu ứng tranh nước cho tới cách xóa bóng nắng đều cần tới layer mask.
Công dụng của lớp mặt nạ này to lớn là thế nhưng mình thấy một bộ phận người dùng PTS lâu năm vẫn chưa nắm rõ cách hoạt động của nó. Nếu bạn mới học Photoshop hay cũng nằm trong số những người chưa biết cách sử dụng tính năng này thì hãy cùng tìm hiểu mặt nạ lớp trong Photoshop ngay bây giờ nhé.
I. Layer Mask trong Photoshop là gì?
Layer Mask được dịch ra tiếng Việt là “mặt nạ lớp”, với tên gọi đơn giản này thì bạn có thể hiểu nó tương tự như một chiếc mặt nạ “ngoài đời thật”.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Layer Mask không thể tự đứng một mình trong Photoshop, bắt buộc phải có ít nhất một layer để gắn lớp mặt nạ này lên đó. Layer Mask đúng nghĩa như một chiếc mặt nạ, nó sẽ chồng lên trên layer cũ và che phủ sự hiển thị. Độ che phủ được điều chỉnh bằng độ sáng / tối của layer mask, thông thường chúng ta sẽ tăng độ sáng tối của layer mask bằng cách tô màu (trắng, xám, đen).
II. Cách hoạt động cơ bản của Layer Mask trong Photoshop
Khi layer có màu “càng gần” về màu trắng thì đồng nghĩa với việc nó càng trong suốt, ngược lại khi càng gần màu đen thì độ che phủ càng cao. Khi được tô màu đen hoàn toàn thì độ che phủ là tuyệt đối, dẫn tới hệ quả là layer mask sẽ che phủ toàn bộ layer gốc và làm nó biến mất.
Nếu bạn tô màu tối (đen) vào Layer Mask thì những vùng đã tô màu sẽ bị chắn bởi một lớp mặt nạ, tương tự như việc bị xóa đi bằng công cụ Eraser Tool nhưng thực tế nó chỉ đang bị ẩn đi bởi layer mask màu đen mà thôi. Bạn hãy tìm hiểu kỹ hơn cách hoạt động của layer mask trong ví dụ ở phần tiếp theo.
III. Cách sử dụng Layer Mask trong Photoshop
Để sử dụng Layer Mask thì có rất nhiều cách, tuy nhiên trong phạm vi bài học Layer Mask căn bản thì mình sẽ chỉ làm ví dụ thật ngắn gọn và đơn giản, giúp bạn nhanh chóng nắm được cách tạo Layer Mask cũng như cách hoạt động cơ bản của nó.
Ví dụ 1: Tạo Layer Mask và tô màu bằng hộp thoại Fill
Layer Mask thông thường không thể đứng một mình trong Photoshop, vì thế trước tiên bạn cần phải có ít nhất một layer để ta có thể gắn mặt nạ lớp (thêm layer mask) cho nó. Trong ví dụ dưới đây, mình sẽ mở hai hình ảnh cùng lúc trong Photoshop.
Như bạn thấy layer thứ hai (ảnh bên phải) thì mình đã giảm Opacity (độ mờ) xuống một chút nhằm cho bạn thấy rằng layer này đang nằm đè lên layer thứ nhất một khoảng khá rộng, ở các bước tiếp theo mình sẽ tăng Opacity về 100% mặc định.
Mở hai hình ảnh cùng lúc
Sau khi mở hình ảnh, thao tác tiếp theo chúng ta sẽ làm đó là thêm layer mask:
Bước 1: Thêm layer mask.
Chọn layer muốn thêm Layer Mask sau đó bấm vào biểu tượng Add layer mask ở dưới cùng bảng điều khiển Layers.
Chọn Layer 1 và thêm layer mask cho nó
Kết quả:
- Layer Mask đã được thêm bên cạnh layer chính, bạn sẽ thấy có một biểu tượng liên kết (hình mắt xích) giữa hai layer
- Mặc định thì Layer Mask khi được tạo sẽ có màu trắng, bạn có thể nhìn vào hình thu nhỏ để nhận biết
- Vì Layer Mask hiện tại có màu trắng nên tổng thể bức ảnh vẫn chưa có gì thay đổi
Layer Mask vừa được tạo
Bước 2: Tô màu cho Layer Mask.
Hãy cùng tô màu cho Layer Mask và xem điều gì xảy ra, bạn hãy chọn Edit trên thanh Menu và bấm vào Fill hoặc bấm nhanh phím tắt Shift + F5
.
Ngay sau đó thì cửa sổ Fill sẽ hiện ra, bạn hãy thiết lập các tùy chọn sau để tô màu cho Layer Mask:
- Trong hộp thoại Fill, Chọn Contents là Color
- Chọn màu trong cửa sổ Color Picker: Trong ví dụ này, mình sẽ chọn màu đen để bạn thấy rõ kết quả nhất
- Tại hộp thoại Fill, chọn Blending Mode là Normal
Cuối cùng bạn nhớ bấm OK để đóng các hộp thoại và tô màu cho layer mask theo đúng thuộc tính đã chọn.
Kết quả:
Toàn bộ Layer Mask đã được tô bằng màu đen dẫn tới hệ quả là layer cũ bị che khuất hoàn toàn, giống như trong suốt khi thay đổi Opacity = 100% vậy.
Mask được dịch ra tiếng Việt là "mặt nạ" vì vậy bạn có thể hiểu đơn giản:
- Khi đeo mặt nạ màu trắng (trong suốt) thì vẫn có thể nhìn xuyên qua và thấy bên dưới lớp mặt nạ có gì
- Khi đeo mặt nạ màu đen thì hình ảnh của lớp bên dưới đã bị che khuất, hình ảnh có thể mờ dần -> hoặc biến mất khi mặt nạ có màu đen đậm hoàn toàn
Chuyện gì sẽ xảy ra khi tô một màu khác ngoài "trắng" và "đen" lên Layer Mask trong Photoshop?
Trong ví dụ này mình sẽ tô màu đỏ cho Layer Mask.
Kết quả: Layer Mask có một màu xám nhạt cho dù trước đó mình đã cố tô màu đỏ cho nó, hệ quả là layer cũ phía dưới layer Mask trở nên "mờ ảo".
Kết luận:
- Layer Mask không thể tô màu khác ngoài những màu có trong dải màu "trắng" và "đen" (ví dụ như trắng, đen, xám).
- Khi Layer Mask được tô màu càng đậm, càng đen thì độ che phủ lên layer cũ sẽ càng mạnh.
Ví dụ 2: Tô màu cho layer mask bằng Brush
Ngoài cách tô màu lên toàn bộ layer mask, bạn có thể tô màu từng chút một để tạo nên nhiều hiệu ứng rất thú vị.
Bước 1: Chọn Brush Tool trên thanh công cụ.
Bước 2: Để có kết quả tốt nhất, bạn nên bấm vào tùy chọn Brush trên thanh Options và chọn brush có tên Soft Round trong thư mục General Brushes, giảm Opacity (độ mờ) xuống mức vừa phải từ 10% -> 50%.
Bước 3: Chọn màu đen ở mẫu màu để bắt đầu tô màu cho Layer Mask.
Vì Layer Mask đang có màu trắng nên hình ảnh phía sau có thể nhìn thấy rõ ràng, để làm mờ hoặc ẩn một vài chi tiết đi thì chỉ cần tô màu đen, tuy nhiên thay vì tô màu toàn bộ (Fill) như ví dụ 1 thì chúng ta sẽ dùng Brush để tô màu.
Chọn màu đen
Bước 4: Tô màu lên Layer Mask trong Photoshop với Brush.
Mình sẽ tô màu vào layer mask một cách "nhẹ nhàng". Vì giá trị Opacity thấp nên chúng ta có thể tạo ra hiệu ứng mờ ảo giống ví dụ sau đây, mình đã tô màu đen bằng Brush vào vùng khoanh màu xanh lá.
* Lưu ý: Trong suất quá trình thao tác, làm việc với layer mask thì bạn phải click chuột trái vào hình thu nhỏ để chọn nó trong bảng điều khiển Layer, nếu không thì khi dùng Brush thay vì tô lên layer mask, bạn sẽ tô vào layer gốc hoặc layer nào đó khác được chọn.
Bạn có thể nhìn vào ảnh thu nhỏ của Layer Mask để hình dung rõ hơn những gì đã vẽ, một khoảng màu đen xuất hiện trên Layer Mask che đi hình ảnh từ layer gốc.
Hình ảnh thu nhỏ của Layer Mask (đang được chọn)
Bước 5: Mình sẽ thu nhỏ kích cỡ Brush lại một chút sau đó tô màu đen vào sát vật thể để ẩn những vùng không cần thiết đi.
Tuy nhiên bạn có thể thấy vùng nền phía sau có một phần do mình "đã tô màu đen quá tay", khiến bức ảnh trông như bị xóa -> khuyết một phần và để lộ layer Background trống trơn phía dưới.
Ngoài cách dùng phím tắt Ctrl + Z
để hoàn tác (undo bước 5), bạn có thể chọn màu nền thành màu trắng để tô vào layer giúp sửa lỗi "tô màu đen quá đậm" ở bước 5.
Chọn màu trắng sau đó tô vào những vùng trước đó đã "tô màu đen quá tay".
Kết quả: Khi tô màu trắng vào thì ta đã lấy lại được những chi tiết đằng sau layer mask, hay nói đơn giản hơn thì "tô màu trắng" vào layer mask khiến nó trở nên vô hình và để lộ layer ảnh chính.
Ví dụ sử dụng Layer Mask
Qua hai ví dụ trên chắc hẳn bạn đã nắm được cơ bản công dụng và cách sử dụng Layer Mask trong Photoshop. Nếu biết sử dụng Layer Mask đúng cách thì còn tạo ra vô số hiệu ứng thú vị khác, nếu bạn quan tâm thì có thể tìm tới mục thủ thuật Photoshop của freetuts để xem những bài hướng dẫn dùng Layer Mask nâng cao hơn nhé.
IV. Cách xóa Layer Mask
Để gỡ bỏ Layer Mask đã tạo, bạn hãy thực hiện một trong hai cách đơn giản sau:
Cách 1: Để xóa layer Mask, bạn hãy bấm chuột phải hình thu nhỏ của layer mask (bên cạnh layer thông thường) và chọn Delete Layer Mask.
Cách 2: Click chuột trái vào hình thu nhỏ của layer mask và bấm vào biểu tượng thùng rác ở dưới cùng góc bên phải bảng điều khiển Layers.
Bài hướng dẫn cách sử dụng Layer Mask trong Photoshop đến đây là kết thúc, bạn đừng quên chia sẻ bài học này tới mọi người để cùng nâng cao kỹ năng làm việc với Photoshop nha.