Các hàm logic trong Excel: AND, OR và NOT và cách sử dụng
Trong bài này mình sẽ giới thiệu các bạn các hàm logic trong Excel như: AND, OR, NOT. Đây là các hàm luận lý (Logical) được sử dụng rất nhiều trong quá trình xử lý công thức Excel.
Nếu các bạn chưa biết hết về các hàm luận lý thông dụng này thì hãy theo dõi bài viết dưới đây nhé.
Trước tiên mình muốn giới thiệu sơ lược về hàm IF. Vì hàm này chúng ta chưa được học, nhưng những ví dụ trong bài có sử dụng nên bạn cần phải hiểu cách dùng của nó.
1. Công dụng hàm IF trong Excel
Hàm IF là hàm điều kiện trọng Excel, được sử dụng riêng lẻ hay kết hợp với các hàm khác rất nhiều. Cách sử dụng hàm IF cũng rất dễ như cái tên của nó vậy.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Cú pháp của nó như sau:
IF (logical_test, [value_if_true], [value_if_false])
Trong đó:
- Logical_test: Là điều kiện kiểm tra, có thể là một giá trị hoặc là môt biểu thức logic.
- Value_if_true: Là kết quả trả về nếu Logical_test có giá trị TRUE
- Value_if_false: Là kết quả trả về nếu Logical_test có giá trị FALSE
IF(TRUE, "a", "b") = a IF(FALSE, "a", "b") = b
Ví dụ: Trong bảng dưới đây là tổng hợp tỷ số ghi bàn của các cầu thủ, hãy xem các cầu thủ đó có vượt qua kỳ kiểm tra hay không với điều kiện là tỉ số ghi bàn >= 60 thì "pass" còn dưới là "fail".
IF(B2>=60,"pass","fail")
Ta thấy kết quả trả về như hình, trong đó có 3 kết quả là "pass" vì kết quả ghi bàn là 93, 60 và 78 thỏa mãn điều kiện >=60, còn 2 kết quả "fail" vì tỷ số ghi bàn có 58 và 41 không thỏa mãn điều kiện >=60
đưa ra.
Tóm lại: Hàm IF có ba tham số truyền vào, tham số đầu tiên là công thức điều kiện, nếu công thức này đúng thì nó trả về tham số thứ 2, ngược lại nó sẽ trả về tham số thứ 3.
Bây giờ ta sẽ sử dụng hàm IF này để viết các ví dụ liên quan đến xử lý logic trong Excel.
2. Hàm AND trong Excel
Hàm AND trong excel là hàm sẽ trả về kết quả là TRUE nếu tất cả các đối số của hàm có giá trị là TRUE, và trả về kết quả là FALSE nếu có ít nhất một đối số của hàm có giá trị là FALSE.
Hàm AND ít khi được dùng độc lập, mà thường được dùng để tạo công thức cho các hàm kiểm tra logic như hàm IF chẳng hạn.
Cú pháp như sau:
AND(Logical1; [Logical2]; [Logical3]; …)
Trong đó:
- Logical1: Bắt buộc
- Logical 2, Logical 3, …: Tùy chọn
AND(TRUE, TRUE) = TRUE AND(TRUE, FALSE) = FALSE AND(FALSE, TRUE) = FALSE AND(FALSE, FALSE, FALSE) = FALSE AND(TRUE, FALSE, FALSE) = FALSE AND(FALSE, TRUE, FALSE) = FALSE AND(TRUE, TRUE, TRUE) = TRUE
Ví dụ:
Dùng hàm AND kiểm tra xem tỷ số ghi bàn của các cầu thủ có thỏa mãn với các điều kiện đưa ra , Score 1 >= 60, Score 2 >= 90.
AND(B2>=60,C2>=90)
Ta thấy hai ô D3 và D5 thỏa mãn cả hai điều kiện nên kết quả trả về là TRUE. Còn ô D2, D4 và D6 có một hoặc cả 2 điều kiện không thỏa mãn nên trả về là "FALSE".
Nếu bạn muốn thay dữ liệu in ra ở cột D là Pass hoặc Fail thì sử dụng kết hợp với lệnh if.
IF(AND(B2>=60,C2>=90), "Pass", "Fail")
3. Hàm OR trong Excel
Hàm OR cũng là một hàm kiểm tra logic trong Excel. Kết quả của hàm OR sẽ trả về TRUE nếu có ít nhất một điều kiện logic nào nào trả về TRUE, và FALSE nếu tất cả điều kiện trả về FALSE.
Cú pháp:
OR (logical 1, [logical 2], …)
Trong Đó:
- Logical 1: Bắt buộc là một giá trị logic.
- Logical 2: Tùy chọn là một giá trị logic, có thể lcó nhiều điều kiện khác nhau.
OR(TRUE, TRUE) = TRUE OR(TRUE, FALSE) = TRUE OR(FALSE, TRUE) = TRUE OR(FALSE, FALSE) = FALSE
Ví dụ:
Hãy kiểm tra kết quả ghi bàn của các cầu thủ trong bảng sau, nếu kết quả ghi bàn Score >= 60 hoặc kết quả Score 2 >= 60 thì trả về TRUE.
OR(B2>=60,C2>=60)
Ta thấy, trên hình chỉ có hàng cuối cùng là cả 2 điều kiện đều không thỏa mãn nên trả về "FALSE", những hàng còn lại trả về "TRUE".
4. Hàm NOT trong Excel
Hàm NOT trong Excel trả về giá trị nghịch đảo.
NOT(TRUE) = FALSE NOT(FALSE) = TRUE NOT(NOT(TRUE)) = TRUE NOT(NOT(FALSE)) = FALSE
Cú pháp:
NOT (logical)
Trong Đó: Logical bà bắt buộc, đây là một giá trị hoặc một biểu thức trả về TRUE hoặc FALSE.
Ví dụ: Sử dụng hàm NOT để kiểm tra những cầu thủ có Score 1 >= 60 hoặc Score 2 >= 60, chỉ cần một trong hai điều kiện đúng thì trả về FALSE, ngược lại trả về TRUE.
NOT(OR(B2>=60,C2>=60))
Như vậy chỉ có kết quả cuối cùng là không thỏa mãn cả 2 tiêu chí đưa ra.
Trên là cách dùng các hàm kiểm tra logic trong Excel ở mức cơ bản nhất. Mục đích bài này là bạn phải hiểu rõ ý nghĩa của từng hàm, còn về thực hành thì hãy xem ở phần bài tập Excel nhé.