Hiểu phép liên kết câu, liên kết đoạn văn đơn giản và bài tập
Phép liên kết là việc dùng các từ ngữ, cụm từ để nhằm giúp các câu, đoạn văn trong văn bản liên kết chặt chẽ với nhau, gồm liên kết nội dung và liên kết hình thức.
Trong tiếng Việt, phép liên kết đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nhờ có nó mà các câu trong đoạn văn mới có được sự liên kết, thống nhất và mạch lạc hơn bao giờ hết. Trong bài viết hôm nay, hãy cùng freetuts đi sâu tìm hiểu về khái niệm, các dạng và một số ví dụ, bài tập liên quan đến phép liên kết nhé.
Tìm hiểu về phép liên kết trong tiếng Việt
Phép liên kết là gì? tìm hiểu về phép liên kết trong tiếng Việt.
Khái niệm phép liên kết
Phép liên kết trong Tiếng Việt là việc dùng những từ ngữ, hoặc cụm từ ngữ để nhằm giúp cho các câu, các đoạn văn, các phần của văn bản liên kết chặt chẽ với nhau, thể hiện mối quan hệ giữa chúng. Phép liên kết có nhiều loại, nhưng thường được chia thành hai loại chính là liên kết về hình thức và liên kết về nội dung.
Tác dụng của phép liên kết
Phép liên kết trong tiếng Việt đóng vai trò quan trọng góp phần tạo nên sự mạch lạc, thống nhất và chặt chẽ cho văn bản. Khi viết văn, người viết cần chú ý sử dụng các phép liên kết phù hợp để tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa các câu, các đoạn văn hoặc các phần văn bản, giúp cho văn bản có tính chặt chẽ và logic nhất có thể.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Các phép liên kết về nội dung thường gặp
Phép liên kết về nội dung là việc sử dụng ngữ pháp dùng để kết nối các câu, các đoạn văn, các phần văn bản với nhau về mặt nội dung, tạo nên sự liên kết chặt chẽ giữa chúng. Phép liên kết về nội dung gồm có:
Liên kết về chủ đề
Là việc các câu, các đoạn văn, các phần văn bản đều xoay quanh một chủ đề nhất định, tạo nên sự thống nhất về nội dung.
Liên kết logic
Là các câu, các đoạn văn, các phần văn bản được sắp xếp theo một bố cục hợp lý, tạo nên sự mạch lạc về nội dung.
Các phép liên kết về hình thức phổ biến nhất
Phép liên kết về hình thức là dùng các phương tiện ngữ pháp dùng để kết nối các câu, các đoạn văn, các phần văn bản với nhau về mặt hình thức, tạo nên một sự liên kết vô cùng chặt chẽ và hợp lý. Phép liên kết về hình thức gồm có:
Phép liên kết nối
Phép nối là việc sử dụng các từ hoặc cụm từ có nội dung chỉ quan hệ để liên kết giữa hai câu văn, câu sau làm rõ ý câu trước.
Một số phương tiện liên kết thường được sử dụng trong phép nối như: và, còn, thì, tuy, nhưng, nên, mà, nếu,...Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các từ ngữ có nghĩa chuyển tiếp để dùng trong phép nối như: do đó, tuy nhiên, tóm lại, nhìn chung, vậy nên, vậy thì,...
Ví dụ: "Giai cấp công nhân chẳng những đấu tranh để tự giải phóng cả loài người khỏi áp bức, bóc lột, cho nên lợi ích của giai cấp công nhân và lợi ích của nhân dân là nhất trí". (trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Phương tiện liên kết được sử dụng trong phép nối ở trên là “cho nên”
Phép liên kết lặp
Phép lặp hay được gọi là phép lặp từ vựng, là việc sử dụng lặp lại một cụm từ hoặc một từ hoặc cú pháp giữa hai câu văn nhằm mục đích liên kết hai câu văn lại với hau. Có ba loại phép lặp là: lặp từ ngữ, lặp cấu trúc và lặp ngữ âm.
Ví dụ phép lặp từ ngữ:
Tập thể dục là một thói quen rất tốt. Người chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày sẽ có một sức khỏe vô cùng dẻo dai.
Từ “tập thể dục” được lặp lại 2 lần giúp người đọc hiểu rõ tác dụng mà tập thể dục sẽ mang lại.
Ví dụ phép lặp ngữ âm:
“Em đi ngoảnh mặt nhìn anh
Chao ôi đôi mắt hiền lành làm sao
Tương như tất cả ngọt ngào
Ở trong trời đất đồn vào mắt em.”
(Trích thơ của Xuân Diệu)
Ta có thể thấy ở câu 1 và 2, âm “anh” được lặp lại ở từ anh và “lành”, câu 3 và 4 thì âm “ao” được lặp lại ở cụm từ “ngào” và “vào”
Ví dụ phép lặp cấu trúc:
Muốn đặt chân lên đỉnh núi cao, bạn phải bắt đầu đi lên từ chân núi. Muốn làm được việc lớn thành công, bạn phải bắt đầu từ việc nhỏ.
Phép lặp “muốn….phải bắt đầu…” được lặp lại để tạo sự liên kết và thống nhất cho câu văn.
Phép liên kết thế
Phép thế là việc dùng các từ ngữ ý nghĩa tương đồng để tạo tính liên kết giữa các phần của văn bản chứa chúng. Hoặc hiểu một cách đơn giản hơn thì phép thế là việc câu sau sử dụng từ đồng nghĩa có tác dụng thay thế cho từ ở câu đứng trước.
Có hai loại phép thế là: Thế đại từ, và thế đồng nghĩa.
Ví dụ về phép thế đại từ:
Mai là cô hàng xóm sát bên nhà tôi, nhà cô ấy trồng rất nhiều loại hoa đẹp.
Cụm từ Mai ở vế đầu đã được thay thế bởi từ “cô ấy” ở câu sau.
Ví dụ về phép thế từ đồng nghĩa:
Thằng con út của ông Tư vừa mới chết trận. Nó hy sinh trong trận chiến ác liệt tối qua.
Cụm từ “hy sinh” đã được thay thế cho từ “chết trận”.
Phép nghịch đối
Phép nghịch đối là việc sử dụng các từ ngữ trái nghĩa nhằm mục đích liên kết các câu văn lại với nhau. Các phương tiện liên kết thường gặp là: Từ trái nghĩa, từ ngữ phủ định,...
Ví dụ phép nghịch đối dùng từ trái nghĩa:
Gia đình mất hẳn vui. Bà khổ, Liên khổ, mà ngay chính cả y cũng khổ (Trích Nam Cao)
Ví dụ về phép liên kết
Cùng freetuts tìm hiểu thêm một số ví dụ liên quan đến phép liên kết để hiểu rõ hơn về kiến thức quan trọng này nhé.
Ví dụ 1: Mỗi buổi sáng, em đều dậy sớm để tập thể dục và chuẩn bị sách vở đến trường. Dậy sớm là một thói quen rất tốt.
Câu trên sử dụng phép lặp từ “dậy sớm”.
Ví dụ 2: Tôi thấy hoa là một cô gái rất xinh. Còn bạn tôi thì bảo cô ấy rất đẹp.
Phép thế đồng nghĩa “xinh” và “đẹp”.
Ví dụ 3:
Con người Việt Nam có thể không có vóc dáng to hơn người Mỹ. Con người Việt Nam có thể không có nước da trắng như người Châu Âu. Nhưng con người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng lại thông minh, nhanh nhẹn.
Phép lặp lại cấu trúc “Con người Việt Nam…” làm nổi bật hình ảnh kiên cường của con người Việt Nam.
Bài tập về phép liên kết
Như vậy, các em đã nắm được khái niệm phép liên kết rồi đúng không nào, bây giờ hãy cùng áp dụng để làm một số dạng bài tập sau nha.
Dạng 1: Xác định các phép liên kết trong câu
Ví dụ: Hãy xác định các phép liên kết được sử dụng trong các đoạn văn sau đây.
a. Người Pháp đã đổ máu rất nhiều. Dân ta hy sinh cũng không ít.
b. Cai lệ tắt vào mặt chị dậu một cái đánh bốp, Chị Dậu vừa nghiến hai hàm răng, túm lấy cổ hắn, ấn giúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng vẻo trên mặt đất.
c. “Cái cò, cái Vạc, cái Nông / Ba cái cùng béo vặt lông cái nào”
d. Chị ơi, em… em - Nó bỏ lửng không nói tiếp. Tôi bỏ bát bún đang ăn dở nhìn nó khó hiểu. Thảo nào trong lúc nói chuyện, tôi có cảm giác như nó định nói chuyện gì đó nhưng còn ngại ngần.
- Chị tính xem em nên đi học hay đi bộ đội? - Nó nhìn tôi không chớp mắt.
(Trích Mặt trời bé con của tôi)
Bài giải:
a. Phép liên kết sử dụng trong câu văn trên là phép thế từ đồng nghĩa “hy sinh” thay thế cho “đổ máu”.
b. Phép liên kết sử dụng trong đoạn văn trên là thế từ đồng nghĩa: “Chị dậu” được thay bằng “Người đàn bà lực điền”, “Cai lệ” được thay bằng “anh chàng nghiện”.
c. Phép thế “Ba cái” thay thế cho “Cái cò, cái Vạc, Cái Nông”.
d. Phép thế nội dung: các câu văn đều xoay quanh cuộc trò chuyện của hai chị em Nguyên. Phép thế từ đồng nghĩa: Nguyên - nó.
Dạng 2: Chỉ ra lỗi sử dụng các phép liên kết và sửa lỗi
Ví dụ: Hãy chỉ ra lỗi sai trong đoạn văn dưới đây.
a. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng trời, cuối cùng Sơn Tinh vẫn vững vàng mà sức Thủy Tinh đã kiệt. Thần Nước đành rút quân. Tuy nhiên oán nặng thù sâu, hằng năm Thủy Tinh làm mưa làm gió, bão lụt dâng nước đánh Sơn Tinh.
b. Một nhà kia có hai anh em, cha mẹ mất sớm. Họ chăm lo làm lụng nên trong nhà cũng đủ ăn. Rồi hai anh em lấy vợ. Tóm lại từ khi có vợ, người anh sinh ra lười biếng, bao nhiêu công việc khó nhọc đều trút cho vợ chồng em.
Bài giải:
a. Lỗi sai ở đây là việc dùng sai phương tiện liên kết, từ “tuy nhiên” phải thay bằng từ “bởi vì” hoặc “từ đó”.
b. Lỗi sai là dùng cụm từ liên kết “tóm lại”, đúng ra phải dùng từ “tuy nhiên” thì câu sau mới hợp lý với câu trước.
Như vậy, trong bài viết trên đây, freetuts.net đã chia sẻ cho các bạn kiến thức liên quan đến các phép liên kết trong văn bản, tác dụng của chúng và một số ví dụ, dạng bài tập liên quan. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích cho các em học sinh lớp 9 trong quá trình học môn Văn học, chúc các em học tập tốt và đạt kết quả cao nhé!