Phân tích nhân vật Thanh Dưới bóng Hoàng Lan hay, điểm cao
Phân tích nhân vật Thanh trong truyện ngắn Dưới bóng Hoàng Lan của Thạch Lam, hướng dẫn lên dàn ý chi tiết và chia sẻ các bài văn mẫu hay, đạt điểm cao nhất.
Chắc hẳn các em học sinh lớp 10 đã quá quen thuộc với đề bài phân tích nhân vật Thanh trong truyện ngắn Dưới bóng Hoàng Lan của Thạch Lam đúng không nào, bởi vì đây là một đề bài tập làm văn thường xuất hiện trong các kỳ thi quan trọng.
Tuy nhiên, chắc hẳn còn rất nhiều em không biết cách phân tích chủ đề này sao cho hay và ấn tượng. Chính vì thế trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn cách lập dàn ý chi tiết và chia sẻ thêm một số bài văn mẫu hay cho các em cùng tham khảo nhé!
Dàn ý phân tích nhân vật Thanh trong truyện ngắn Dưới bóng Hoàng Lan
Hướng dẫn cách lập dàn ý cho bài phân tích Thanh trong truyện ngắn Dưới bóng Hoàng Lan
Cấu trúc của một bài phân tích nhân vật Thanh trong truyện ngắn Dưới bóng Hoàng Lan sẽ bao gồm 3 phần mở bài, thân bài, kết bài, nội dung cụ thể như sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Phần mở bài
Ở phần mở bài, các em cần nêu bật được những nội dung cơ bản như sau:
- Giới thiệu nhà văn Thạch Lam, ông là ai?, nổi tiếng ở giai đoạn nào? có những tác phẩm nào hay, nổi bật, chủ để các tác phẩm của ông là gì?...
- Giới thiệu tác phẩm “Dưới bóng Hoàng Lan”, tác phẩm được viết vào năm nào?, có nội dung gì?...
- Giới thiệu khái quát về nhân vật Thanh.
Phần thân bài
Thân bài là phần quan trọng nhất của một bài tập làm văn, ở phần này, các em nên chú ý phân tích những nội dung sau:
Giới thiệu về hoàn cảnh của Thanh
- Cha mẹ cậu mất sớm, từ nhỏ cậu đã được bà chăm sóc, mặc dù có nhiều vất vả nhưng hai bà cháu luôn vui vẻ và nương tựa vào nhau.
- Hiện nay, cậu trở về thăm nhà sau hơn 2 năm xa quê.
⟹ Từ đây, chúng ta có thể rút ra kết luận Thanh là một người yêu quê hương, yêu bà, yêu gia đình.
Phân tích tâm trạng của Thanh khi vừa mới trở về nhà sau 2 năm xa cách
- Thanh xúc động, nghẹn ngào khi nhìn thấy những cảnh vật xưa cũ vãn không có gì thay đổi.
- Cậu rất trân trọng từng khoảnh khắc ở đây khi nhanh chóng tận hưởng sự bình yên tại quê nhà: Cậu nằm xuống một cách khoan khoái, tâm hồn cảm thấy nhẹ nhõm,...
⟹ Qua đây, ta thấy được tình yêu quê hương da diết của Thanh.
Tâm trạng của Thanh khi gặp lại người bà kính yêu
- Cậu cất tiếng gọi “Bà ơi!” trong sự bồi hồi và nghẹn ngào.
- Khi thấy bóng dáng quen thuộc của bà, cậu như vỡ òa vì sung sướng.
- Sau đó cậu chợt chùng xuống khi nghĩ về những ngày mình đi xa, chỉ có một mình bà bơ vơ trong căn nhà nhỏ.
⟹ Bà đối với Thanh là một niềm tự hào, là điều đáng trân quý nhất, và cậu cũng là một người cháu hiếu thảo.
Nêu tâm trạng của nhân vật Thanh khi trở về Dưới bóng cây Hoàng Lan
- Khi phát hiện ra mùi hương thơm thoang thoảng của hoa Hòang Lan, những kỷ niệm ngày xưa trong Thanh ùa về.
- Cây Hoàng Lan đã chứng kiến cậu lớn lên và trưởng thành, nơi đây cũng gắn bó với biết bao kỷ niệm đẹp.
⟹ Cây Hoàng Lan là một chi tiết hết sức quan trọng của truyện ngắn này.
Chuyện tình yêu trong sáng của Thanh với Nga
- Ngay khi vừa gặp lại Nga, cô bé hàng xóm ngày xưa, Thanh đã bị vẻ ngoài xinh đẹp của cô “hớp hồn”.
- Thanh đối xử với Nga rất nhẹ nhàng và dịu dàng, cậu cũng ôn lại những kỷ niệm đẹp với Nga dưới gốc Hoàng Lan.
- Nga cũng bày tỏ tấm lòng của mình với Thanh bằng câu nói “em nhớ anh quá”.
- Thanh đã bày tỏ và hứa hẹn với Nga rằng mình sẽ sớm trở về và sẽ ở lại lâu hơn.
⟹ Chuyện tình của họ thậ nhẹ nhàng và hết sức là dễ thương, khiến cho người đọc cảm thấy rung động.
Phần kết bài
Ở phần kết bài, các em cần rút ra quan điểm, nhận xét của bản thân về nhân vật Thanh. Ngoài ra để gây ấn tượng mạnh hơn, các em có thể liên hệ mở rộng với những tác phẩm hoặc nhân vật khác có điểm tương đồng với Thanh.
Văn mẫu phân tích nhân vật Thanh hay đạt điểm cao nhất
Một số bài văn mẫu phân tích Thanh - Dưới bóng Hoàng Lan hay nhất.
Mời các em học sinh cùng tham khảo một số bài văn, đoạn văn mẫu phân tích Thanh trong Dưới bóng Hoàng Lan hay nhất được freetuts tổng hợp dưới đây nhé.
Phân tích nhân vật Thanh trong tác phẩm Dưới bóng Hoàng Lan hay nhất
Thạch Lam được biết đến là một nhà văn chuyên viết về cuộc sống đời thường đầy giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa. Ông đã đem đến cho độc giả nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa, điển hình nhất là truyện ngắn “Dưới bóng cây Hoàng Lan”. Thông qua nhân vật Thanh, ông đã khắc họa một cậu thanh niên ưu tú với tình yêu quê hương tha thiết và tình yêu lứa đôi đầy cảm xúc.
Nội dung chính của câu chuyện kể về việc Thanh trở về thăm bà, thăm quê hương sau một thời gian xa cách, cùng lúc đó những kỷ niệm ngày xưa ùa về và quan trọng hơn cả đó chính là chuyện tình chớm nở của cậu với cô Nga hàng xóm, người bạn rất thân của cậu từ thuở còn nhỏ.
Thạch Lam mở đầu câu chuyện bằng những lời văn hết sức giản dị và nhẹ nhàng để mô tả hình ảnh thân thuộc của ngôi nhà cũ kỹ, nơi mà Thanh đã gắn bó cả tuổi thơ mình. Nào là cánh cửa gỗ khép hờ, nào là con đường nhỏ lát gạch bát tràng phủ đầy rêu, rồi mùi lá non phảng phất trong gió, cả bức tường nhỏ phủ đầy hoa…tất cả đều vẹn nguyên như ngày xưa đem đến cho Thanh một cảm giác hết sức gần gũi và thân thương.
Từ nhỏ, cha mẹ Thanh đã mất sớm, một tay bà nuôi dưỡng cậu nên người nên cậu rất gắn bó với bà. Ngay khi vừa trở về, cậu đã cất tiếng gọi “Bà ơi” để rồi khi thấy bà chống gậy bước ra, cậu mừng rỡ như một đứa trẻ. Và đối với bà, Thanh mãi mãi là một đứa trẻ bé bỏng, bà ân cần hỏi han, quan tâm cậu, nhắc cậu đi rửa mặt, nghỉ ngơi rồi lật đật đi chuẩn bị cơm vì sợ đứa cháu của mình đói bụng.
Trong khoảnh khắc Thanh nằm nghỉ ngơi, cậu chợt nhận ra mùi hương thoang thoảng của cây Hoàng Lan, nó như là một minh chứng sống cho sự trưởng thành từng ngày của cậu. Không biết cái cây này có tự bao giờ, cậu chỉ biết rằng từ ngày có căn nhà nhỏ này, cậu đã thấy cái cây nằm sững sững ở đó. Qua thời gian, Thanh dần trưởng thành thì cây Hoàng Lan cũng ngày một lớn dần.
Trong lúc đang miên man chìm đắm trong cảm xúc, Thanh chợt nghe thấy tiếng của một cô gái, giọng nói vừa lạ vừa quen khiến cho cậu vùng dậy chạy xuống và vui vẻ khi nhận ra cô Nga, người hàng xóm năm nào nay đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với nước da trắng ngần, mái tóc dài đen lánh buông hững hờ trên cổ khiến cậu xao xuyến.
Đoạn hội thoại giữa Thanh và Nga diễn ra hết sức nhẹ nhàng và tự nhiên, thi thoảng cũng pha chút thẹn thùng của Nga khi Thanh bất chợt hỏi rắng “Cô còn đi nhặt Hoàng Lan rơi nữa không?” Cô gái chỉ thẹn thùng đáp trả rằng “Vẫn nhặt đấy, nhưng không có ai tranh nữa”, sau đó Nga như buột miệng bày tỏ tấm lòng mình bằng câu nói hết sức thân thương “em nhớ anh quá”, cuộc hội thoại kết thúc bằng lời hứa hẹn của Thanh rằng anh sẽ sớm trở về, và sẽ ở lâu hơn nữa…
Chỉ một cử chỉ Thanh nhẹ nhàng cài bông hoa Hoàng Lan lên mái tóc của Nga cũng đã khiến cho độc giả cảm thấy rung động trước chuyện tình nhẹ nhàng và đáng yêu của hai người bạn thân từ thuở nhỏ.
Truyện ngắn “Dưới bóng Hoàng Lan” quả thực là một tác phẩm rất chi là nhẹ nhàng nhưng chứa đựng đầy tính nhân vân. Là tình yêu quê hương nồng thắm, là tình yêu với người Bà hết sức trân quý rồi cả tình yêu lứa đôi nhẹ nhàng nhưng lại sâu sắc. Đây xứng đáng là một tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Thạch Lam.
Phân tích nhân vật Thanh khi nhận ra cây Hoàng Lan đạt điểm cao nhất
Đề bài: Viết đoạn văn ngắn phân tích cảm xúc của nhân vật Thanh khi nhận ra cây Hoàng Lan
Bài viết:
Thạch Lam là một trong những cây bút sáng giá của nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, mặc dù ông sáng tác không nhiều, nhưng tác phẩm nào của ông cũng để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc bởi sự bình dị và gần gũi. Và “Dưới bóng Hoàng Lan” là một trong những tác phẩm điển hình cho điều này. Nội dung chính của truyện ngắn đề cập đến cảm xúc của Thanh trở về thăm quê sau hai năm trời xa cách, tâm trạng của anh được bộc lộ rõ nhất trong phân cảnh lúc anh nằm nghỉ ngơi và chợt nhận ra cây Hoàng Lan.
Khác với sự hào hứng, vui mừng của Thanh ở đoạn đầu khi cậu mới trở về nhà thì tâm trạng của cậu ở trích đoạn nhận ra cây Hoàng Lan lại pha chút bồi hồi và xúc động. Trong lúc nằm nghỉ ngơi trên chiếc tràng kỷ thân thuộc, Thanh chợt ngửi thấy một mùi hương quen thuộc phảng phất trong không gian này, cậu nhận ra đây chính là mùi hoa Hoàng Lan, cậu từ từ nhắm nghiền mắt, hít hà cho đã mùi hương quen thuộc rồi chìm trong miên man suy nghĩ.
Cậu không rõ cái cây này được trồng từ bao giờ, chỉ biết rằng từ ngày còn bé, Thanh cùng Nga và những người bạn hay quanh quẩn nhặt hoa dưới gốc cây. Cái cây như một minh chứng sống cho sự lớn lên và trưởng thành của cậu, nó chứng kiến biết bao kỷ niệm buồn vui, chứng kiến bà cháu nương tựa, đùm bọc nhau mà sống để rồi giờ đây Thanh đã trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, và cái cây Hoàng Lan cũng lớn dần theo năm tháng.
Chỉ một làn hương thơm nhẹ nhàng, một cái cây tươi mát mà khiến cho Thanh cảm thấy thật đỗi bình yên và hạnh phúc, nó giúp cậu gột rửa đi hết bao muộn phiền, bao áp lực của cuộc sống bôn ba xa xứ. Tâm hồn cậu được gột rửa và “tưới tắm” khiến cho cậu cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh và căng tràn nhựa sống.
Ngày còn bé, cây Hoàng Lan là nơi cậu vui đùa, bây giờ đây lại là nơi chứng kiến chuyện tình của cậu và Nga - cô hàng xóm xinh đẹp bắt đầu nảy nở, nó đã chứng kiến hết thảy những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Thanh.
Qua truyện ngắn “Dưới bóng cây Hoàng Lan”, Thạch Lam đã đem đến cho người đọc một câu chuyện hết sức giản dị nhưng không kém phần ngọt ngào khiến cho mọi người cảm thấy thư giãn và bình yên vì nó gợi nhớ về tình yêu quê hương, tình cảm gia đình và cả tình yêu lứa đôi.
Đoạn văn phân tích nhân vật Thanh ở đoạn văn cuối
Đề bài: Viết đoạn văn 150 - 200 chữ phân tích tâm trạng của nhân vật Thanh ở đoạn cuối truyện Dưới bóng Hoàng Lan.
Bài viết:
Trong truyện ngắn “Dưới bóng Hoàng Lan”, nhà văn Thạch Lam đã khắc họa rất tốt diễn biến tâm trạng của Thanh khi trở về thăm quê sau một thời gian dài xa cách. Khác với sự hồ hởi, phấn chấn khi mởi trở về nhà thì ở đoạn cuối, lúc phải nói lời chào tạm biệt mọi người, tâm trạng của cậu lại trở nên bồi hồi và nghẹn ngào hơn bao giờ hết.
Nó xen lẫn niềm vui vì cậu thấy bà vẫn mạnh khỏe, ngôi nhà vẫn vẹn nguyên như xưa nhưng có chút tiếc nuối vì tình cảm của cậu với cô Nga hàng xóm vừa mới chớm nở đã phải cách xa nhau. Nhưng Thanh cũng nhanh chóng tự trấn an và động viên chính mình vì cậu tin rằng, cho dù có xa cách đến đâu thì Nga vẫn một lòng chung thủy đợi cậu trở về, và mỗi năm mùa Hoàng Lan nở hoa, cô sẽ cài những bông hoa này lên tóc để nhớ về cậu. Đoạn cuối cùng vừa là kết truyện nhưng nó cũng là khởi nguồn cho tình yêu đẹp giữa Thanh và Nga.
Sơ đồ tuy duy phân tích nhân vật Thanh Dưới bóng Hoàng Lan
Ngay bên dưới đây là một số sơ đồ tư duy phân tích, cảm nhận về nhân vật Thanh trong tác phẩm Dưới bóng Hoàng Lan của Thạch Lam, mời các em học sinh cùng tham khảo thêm nhé:
Sơ đồ tư duy phân tích Thanh - Dưới bóng Hoàng Lan của Thạch Lam.
Sơ đồ tư duy cảm nhận về nhân vật Thanh Dưới bóng Hoàng Lan ngắn gọn, đủ ý.
Qua bài viết trên, freetuts.net đã hướng dẫn cách lập dàn ý cho bài văn phân tích nhân vật Thanh trong truyện ngắn Dưới bóng Hoàng Lan và chia sẻ thêm một số bài văn, đoạn văn mẫu hay nhất, hy vọng đây sẽ là những kiến thức hữu ích cho các em học sinh lớp 10.
Chúc các em học tập tốt và luôn đạt điểm cao nhé, chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các bài đăng tiếp theo để cùng nhau tìm hiểu thêm nhiều kiến thức Văn học thú vị khác nha!