KIẾN THỨC LÀM VĂN
CÁC CHỦ ĐỀ
BÀI MỚI NHẤT
MỚI CẬP NHẬT

Tổng hợp các tác giả văn học trung đại Việt Nam

Văn học trung đại Việt Nam đã trả qua một giai đoạn hình thành và phát triển rất dài. Nó kéo dài gần 10 thế kỉ. Trong khoảng thời gian ấy, lĩnh vực thơ ca Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều danh sĩ. Họ vừa là nhà văn, nhà thơ và hoạt động trên triều chính. Nhờ đó, kho tàng văn học của chúng ta thật đồ sộ và được nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ.

Ngay bây giờ, các bạn hãy cùng mình tìm hiểu khái quát về tiểu sử, cuộc đời và các tác phẩm tiêu biểu được lưu lại của các tác giả văn học trung đại Việt Nam nhé.

Tổng hợp các tác giả Văn học Trung đại Việt Nam

1. Đồng Kiên Cương (7.5.1284 – 3.3.1330): Đạo hiệu là Pháp Loa, thiền sư, nhà thơ, quê châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, nay là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, là ông Tổ thứ hai dòng Thiền Trúc Lâm. Đồng Kiên Cương được nhận định là người có phong thái siêu thoát, ông xứng đáng được gọi là người không lường. Ông biên soạn và chú giải nhiều tác phẩm Phật học như Tham thiền chỉ yếu; Phát nguyện văn; Thượng sĩ ngữ lục; Thạch thất mị ngữ; hiện còn lại hai bài thơ Nhập tục luyến thanh và Thị đệ tử.

2. Nguyễn Miên Trinh (03.02.1820 – 18.11.1897): Nhà thơ, con thứ 11 của vua Minh Mạng, tước Tuy Lý vương. Miên Trinh không chỉ là nhà trí thức uyên bác mà còn là một người mang tâm hồn phóng khoáng, giản phát, biết sống chân thật, biết đối nhân xử thế...Thơ ông có rất nhiều bài, nhưng có lẽ đặc sắc nhất vẫn là những bài phản ảnh thực trạng xã hội, tuy số lượng không nhiều.Tác phẩm chính: Vỹ Dã hợp tập; Nữ phạm diễn nghĩa từ . Ông cùng Miên Thẩm tổ chức Tùng Vân thi xã.

3. Nguyễn Miên Thẩm (11.12.1819 – 30.3.1870): Nhà thơ, quê kinh đô Huế, con thứ 10 vua Minh Mạng, tước Tùng Thiện Vương.Ông đến với mọi người đều bằng tấm lòng chân thực, khiêm tốn, phóng khoáng; không hề phân biệt địa vị, tuổi tác hay sang hèn. Tác phẩm: Thương Sơn thi tập; Thương Sơn từ tập; Thương Sơn thi thoại; Thương Sơn văn di; Thương Sơn ngoại tập; Nạp bị văn tập; Học giá chí; Thức cốc thiên; Nam cầm phổ; Lịch đại thi nhân tiểu sử; Nữ phạm diễn nghĩa từ v.v.

4. Trần Anh Tông (25.10.1276 – 21.4.1320): Tên thật Trần Thuyên, là nhà vua thứ tư của nhà Trần 21 năm (1293-1314) và làm Thái thượng hoàng 6 năm. Trần Anh Tông là vị vua "sáng suốt, thận trọng về hình phạt" và " tính tình khiêm tốn hòa nhã, hòa mục với người trong họ, mọi việc của triều đình đều tự mình quyết đoán." Tác phẩm: Thuỷ vân tuỳ bút ngự tập; Hiệu đính công văn cách thức; Pháp sự tân văn; 5 bài thơ chép trong Trần triều thế phả hành trạng; 12 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục; Dược thạch châm.

5. Trí Bảo Thiền Sư (? – 19.5.1190): Họ Nguyễn, không rõ tên, là cậu ruột danh nhân Tô Hiến Thành, người Ô Diên, đất Vĩnh Khang, nay thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội, ông ngộ đạo, giảng kinh sách cho nhiều đệ tử.Mới đầu chuyên tâm tu hành khổ hạnh nhưng không nắm được giáo lý Thiền học. Về sau nhờ có người dìu dắt, mới giác ngộ, trở thành một nhà lý luận xuất sắc của đạo Thiền, “nói ngang nói dọc như lửa toé trong đá. Tác phẩm còn lại: Bài kệ về tri thức, in trong tập Thiền uyển tập anh ngữ lục

6. Phan Huy Chú (1782 – 28.5 – 1840): Nhà thơ, nhà sử học Việt Nam.Tác động của dòng dõi tài danh, hiếu học và những quan hệ trí tuệ đã ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, tính cách của Phan Huy Chú. Phan Huy Chú là một nhà bác học, danh nhân văn hóa Việt Nam, với tài danh lỗi lạc về bách khoa thư. Công trình nổi tiếng nhất của ông là Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển chia làm 10 chí như Dư địa chí, Hình luật chí, Văn học chí…, có thể coi như bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có Hoàng Việt địa dư chí và các tập thơ văn là Hoa thiều ngâm lục; Dương trình kí kiến.

7. Nguyễn Miên Bửu (30.5.1820 – 08.3.1854): Nhà thơ, con thứ 12 vua Minh Mạng, tước Tương An Quận vương. Cùng với 2 anh Miên Thẩm, Miên Trinh lập Tùng Vân thi xã. Ông nổi tiếng về thơ, rất sở trường về quốc âm, đặt ra điền từ, thường có nhiều bài hay, sánh ngang với Tùng Thiện Vương và Tuy Lý Vương. Các tác phẩm chính: Khiêm Trai thi tập (14 quyển); Khiêm Trai văn tập (2 quyển), ông còn viết nhiều thơ Nôm nhưng thất lạc hầu hết.

8. Phan Văn Trị (1830 – 22.6.1910): Nhà thơ, chí sĩ, quê huyện Bảo An, tỉnh Gia Định, nay thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Đậu Cử nhân nhưng không chịu ra làm quan, mà mở trường dạy học. Trước khi thực dân Pháp đến, Phan Văn Trị thường vịnh cảnh, vịnh vật để bày tỏ chí hướng, ước muốn giúp đời, cứu dân hoặc để phê phán những người bất tài, hám danh. Đến khi quân Pháp chiếm đóng Nam Kỳ, ông làm thơ yêu nước.Tác phẩm: Thơ tự thuật (Nôm), và còn gần 100 bài thơ khác như Con mèo; Cái cối xay; Hột lúa; Con rận, nổi tiếng với chùm họa lại 10 bài thơ của Tôn Thọ Tường.

9. Hoàng Kế Viêm (21.7.1820 (Âl.) – 1909): Còn có tên là Hoàng Tá Viêm, tự Nhật Trường, hiệu Tùng An, nhà văn, danh thần triều Nguyễn, quê phủ (nay là huyện) Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ông làm quan đến chức Thượng thư bộ Công, Thái tử Thiếu bảo sung đại thần viện Cơ mật. Hoàng Kế Viêm bản chất rất bao dung, vốn có tài lâm cơ đoán định, lay chuyển chẳng dời, được xem là một tay đảm đương vậy.. Tác phẩm: Phê thi trần hoàn; Tiên công sự tích biệt lục; Khôn y lục; …..

10. Lý Thái Tông (29.7.1000 – 1054): Tên thực là Lý Phật Mã, sau đổi là Lý Đức Chính, con Thái Tổ Lý Công Uẩn, nối ngôi 27 năm, miếu hiệu là Thái Tông. Ông là vị hoàng đế sáng suốt, tinh thông Phật học. Vua là người trầm mặc, cơ trí, biết trước mọi việc Tác phẩm còn lại: Hình thư (sử, 3 quyển), một bài kệ chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục.

11. Hưng Đạo Đại Vương (1226? – 03.9 (20.8 âl).1300): Tên thật là Trần Quốc Tuấn, danh tướng trong lịch sử Việt Nam, nhà văn chính luận với áng Hịch tướng sĩ bất hủ, quê ở phủ Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định. Ông là một tấm lòng tận tụy đối với đất nước, là ý muốn đoàn kết mọi tầng lớp trong dân tộc thành một lực lượng thống nhất, là tinh thần yêu thương dân. Ông cũng là tác giả bộ Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp tông bí truyền thư (đã thất lạc).

12. Trần Minh Tông (04.9.1300 – 10.3.1357): Nhà thơ, vua thứ 5 nhà Trần, miếu hiệu là Minh Tông, sinh tại Thăng Long, quê phủ Thiên Trường, Nam Định. Ông ở ngôi 15 năm, làm Thái thượng hoàng 28 năm. Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày. Tác phẩm: Minh Tông thi tập, bị thất lạc nhiều, nay chỉ còn lại khoảng 25 bài, được chép trong Việt âm thi tập.

13. Trần Tế Xương (10.8.1870 – 29.01.1907): Tên khai sinh là Trần Duy Uyên, sau đổi thành Trần Cao Xương, rồi Trần Tế Xương, nhà thơ trào phúng xuất sắc, nổi tiếng với tên gọi Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Những sáng tác của ông là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển. Thơ ông in rải rác trên các báo, sau này được tập hợp trong Thơ Trần Tế Xương.

14. Nguyễn Du (03.01.1766-(1765?) (16?)18.9.1820): Nhà thơ. Năm 1965, ông được UNESCO tôn vinh là Danh nhân Văn hóa thế giới. Qua các tác phẩm của Nguyễn Du, nét nổi bật chính là sự đề cao xúc cảm. Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành,... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Tác phẩm chữ Nôm và chữ Hán Truyện Kiều; Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu; Văn tế thập loại chúng sinh; Thanh Hiên thi tập; Bắc hành tạp lục….

15. Trần Thánh Tông (25.9.1240 – ?.6.1290): Tên thật là Trần Hoảng, Ông sinh ra tại đất Thăng Long - Đại Việt, nay là Hà Nội - Việt Nam. Ông làm vua 21 năm, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông. Thơ của Trần Thánh Tông "giàu chất trữ tình, kết hợp nhuần nhị giữa tinh thần tự hào về đất nước, về dân tộc của người chiến thắng, với tình yêu cuộc sống yên vui, thanh bình và phong độ ung dung, phóng khoáng của một người biết tự tin, lạc quan." Tác phẩm: Cơ cừu lục; Di hậu lục; Hoàng tông ngọc điệp; Trần Thánh – tông thi tập.

16. Chân Không Thiền Sư (? – 05.10.1100): Tên thật là Vương Hải Thiềm, quê làng Phù Đổng huyện Tiên Du, Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình quý tộc, nhưng mồ côi từ thuở nhỏ, nhờ khổ công học tập, nên 15 tuổi đã hiểu nhiều sách vở. Ông làu thông sử sách, nghiên cứu đạo Phật một cách uyên thâm, giảng kinh Pháp hoa trong cung vua Lý Nhân Tông. Tác phẩm còn lại: một bài kệ Diệu bản.

17. Ngô Thì Sĩ (15.7.1726 – 22.10.1780): Nhà thơ, nhà sử học, tự Thế Lộc, hiệu Ngọ Phong, quê huyện Thanh Oai nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Ông là cha của Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hương đều là những danh sĩ, nhà thơ, nhà văn. Là một chính khách, một quan chức, nhưng bên cạnh đó, ở Ngô Thì Sĩ còn nổi bật lên một tư chất khác, đó là một tâm hồn nghệ sĩ, một con người đa cảm. Ở ông, mọi rung động đều mãnh liệt, sâu sắc. Ông luôn nhìn thấu tâm tư con người và cảm thông cùng họ, từ những bâng khuâng vì một duyên cớ mơ hồ đến những trăn trở, day dứt về số phận, cuộc sống...Tác phẩm: Việt sử tiêu án; Anh ngôn thi tập; Quan lan thi tập; Thanh động tập; Khuê ai lục; Cách tệ sách…

18. Mạc Thiên Tích(19.4.1706 – 01.11.1780): Tên của ông là Mạc Thiên Tứ, tự là Sĩ Lân. Ông là một nhà thơ, đại quan thời chúa Nguyễn, tước Tông Đức hầu. Là người học rộng, có tài văn thơ, ông đã lập thi xã Chiêu Anh các. Tác phẩm: Hà Tiên thập vịnh; Thụ Đức hiên tứ cảnh; Hà Tiên quốc âm thập vịnh; Lư Khê nhàn điếu.

19. Lê Hữu Trác (12.11.1720(*) – 1791): Còn có tên là Lê Hữu Huân, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, danh Nho và danh y, quê ở Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), nhưng phần lớn cuộc đời sống ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông đã xây dựng được một nền y học dân tộc toàn diện về lý luận, phương pháp điều trị, cách dùng dược vật Việt Nam. Ông để lại nhiều tác phẩm lớn như Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển chắt lọc tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam và các cuốn Lĩnh Nam bản thảo, Thượng kinh kí sự không chỉ có giá trị về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.

20. Đặng Xuân Bảng (18.7.1828 – 07.12.1910): Nhà văn, dịch giả, nhà sử học, quê phủ Xuân Trường, nay là huyện Xuân Thuỷ, tỉnh Nam Định.Đặng Xuân Bảng có quan niệm nhìn nhận về công nghiệp, thủ công nghiệp, nêu cao vai trò của công nghiệp thủ công, buôn bán là điểm tiến bộ. Ông có khối lượng trước tác khá lớn: về sử học: Sử học di khảo; Việt sử cương mục tiết yếu,… về văn học: Tuyên Quang tỉnh phú; Nam Phương danh vật dị khảo; Như Tuyên thi tập; Thiện Đình Khiêm Trai văn tập…

21. Phạm Qúy Thích (25.12.1760 – 16.5.1825): Tự Dữ Đạo, hiệu Lập Trai, biệt hiệu Thảo Đường Cư sĩ, nhà thơ, nhà giáo, danh sĩ cuối đời Hậu Lê đầu đời Nguyễn. Quê huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, nay thuộc tỉnh Hải Dương, có làm quan một thời gian, tước Thích An hầu. Thơ của ông thường rất buồn. Thiên nhiên trong thơ thường là những cảnh chiều hôm, đêm tối. Chùa chiền trong thơ ông thường mang những nét tàn tạ...Nhìn chung, khuynh hướng hoài cổ là nét chủ đạo trong toàn bộ sáng tác của Phạm Quý Thích… .Tác phẩm: Thảo Đường thi nguyên tập; Lập Trai văn tập; Thiên Nam long thủ liệt truyện; Chu dịch vấn đáp toát yếu…

22. Chu Văn An (25.8.1292 – 12.1370): Nhà văn, nhà giáo dục Việt Nam thời Trần. Chu Văn An luôn hướng học trò của mình đến những giá trị nhân văn, lễ nghĩa. Ông truyền đạo Nho gia cho các học trò theo học. Hành đạo theo con đường chân chính, thanh liêm, trái tim không pha màu u tối, đó là những chân lý dạy các trò của mình. Ông nổi tiếng cương trực, tiết tháo, thể hiện rõ nhất trong Thất trảm sớ. Các tác phẩm khác: Tiều ẩn thi tập; Tiều ẩn quốc ngữ thi tập; Tứ thư thuyết ước; Giang đình tác; Nguyệt tịch bộ Tiên Du sơn tùng kính; Thứ vận tặng Thủy Vân đạo nhân; Xuân đán…

23. Đỗ Pháp Thuận (915 – 990): Thiền sư và nhà thơ, chưa rõ quê quán. Ông có kiến thức uyên bác và tài văn thơ, đã tích cực khuông phò triều Tiền Lê nên được phong Pháp sư. Ðang vào lúc nhà Tiền Lê dựng nghiệp, trù kế hoạch định sách lược, sư tham dự đắc lực. Ðến khi thiên hạ thái bình, sư không nhận phong thưởng. Bài Quốc tộ (Vận nước) của ông là bài thơ sớm nhất mở đầu cho văn học viết Việt Nam thời kì tự chủ. Chiếu dời đô (1010: 1000 năm ra đời): Văn bản chiếu chỉ do vua Lý Thái Tổ tự tay viết và ban hành để chuyển kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư ra thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Bài văn 214 chữ nổi tiếng bởi ý nghĩa và tác dụng đặc biệt của nó.

24. Nguyễn Nguyên Ức (1080 – 07.6.1151): Nhà văn, thiền sư, pháp danh Viên Thông, người hương Cổ Hiền nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, sau chuyển về thành Thăng Long. Ông xuất gia thọ giới với sư Viên Học, rồi trụ trì ở chùa Quốc Ân, nối truyền tâm ấn, đứng hàng thế hệ thứ 18 dòng thiền Nam Phương. Ông là người tài giỏi, được vua nhà Lý phong đến chức Hộ quốc sư. Tương truyền, ông có hơn 1000 bài thơ phú, tập hợp trong Viên Thông thi tập, nhưng hầu hết bị thất truyền.

25. Tín Học Thiền Sư (? – 1190): Họ Tô, không rõ tên, Tín Học là pháp hiệu, người làng Chu Minh, phủ Thiên Đức; trụ trì chùa Quang Đính trên núi Không Lộ (Sơn Tây), nay thuộc Hà Nội. Tác phẩm còn lại: Bài kệ Sơn lâm hổ báo, chép trong tập Thiền uyển tập anh ngữ lục.

26. Trần Tung (1230 – 1291): Còn gọi là Tuệ Trung Thượng sĩ, nhà thiền học, nhà thơ, con cả Trần Liễu, anh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, có công lớn trong cả ba cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Ông được phong tước Hưng Ninh vương. Do sinh ra trong một gia đình có nhiều nghịch cảnh, sớm được theo học thiền sư Tiêu Dao và lại trực tiếp tham dự vào những thời khắc quyết định vận mệnh đất nước nên ông nhận rõ chân tính cuộc đời và chọn lối sống hòa ái, tự tại. Tư tưởng chính của Tuệ Trung Thượng sĩ thể hiện qua lời đáp dành cho câu hỏi tông chỉ thiền là gì của vua Trần Nhân Tông: "Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác" Thơ ông viết bằng tiếng Hán, được tập hợp lại trong Thượng Sĩ ngữ lục.

27. Lê Văn Hưu (1230 – 09.4.1322): Sử gia, nhà văn, danh sĩ đời Trần Thái Tông, quê Đông Sơn, trấn Thanh Hoá, nay là huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ông đỗ Bảng nhãn năm 1247, làm quan đến chức Thượng thư bộ Binh, tước Nhân Uyên hầu. Lê Văn Hưu vừa có tài, vừa có hạnh, làm thầy Chiêu-Minh-Vương, đổi làm Kiểm-Pháp-Quan, sửa sách Việt chí. Văn Hưu là người chép sử giỏi đời Trần, Phu Tiên là bậc cổ lão của thánh triều, đều vâng chiếu biên soạn lịch sử nước nhà, tìm khắp các tài liệu còn sót lại, tập hợp thành sách. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông: Đại Việt sử ký.

28. Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320): Nhà thơ, danh tướng thời Trần, văn võ toàn tài, quê huyện Đường Hào (sau gọi Mỹ Hào), nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ thuở nhỏ, cậu bé Ngũ Lão đã tỏ ra khác thường, tính tình khẳng khái. Phạm Ngũ Lão cũng là một trang nam nhi hết lòng vì nước, cả công lao và danh tiếng đều vang xa. Tác phẩm có Thuật hoài (Tỏ lòng, chép trong Toàn Việt thi lục); Khóc Hưng Đạo vương (chép trong Thần tích xã Phù Ủng).

29. Đỗ Khắc Chung (1247 – 1330): Còn gọi là Trần Khắc Chung, nhà thơ, danh thần đời Trần, quê ở Giáp Sơn, nay là huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, được ban họ vua, làm tới chức Thiếu sư. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét Trần Khắc Chung là người hay tỏ vẻ, làm chuyện khác thường để gây sự chú ý từ các chị em công chúa, hoàng phi. Tác phẩm: 2 bài thơ Vịnh cúc I và II.

30. Đoàn Nhữ Hài (1280 – 1335): Nhà văn, danh thần đời Trần, quê huyện Trường Tân, nay thuộc huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, làm quan đến Hành khiển Khu mật viện, khi mất được truy phong Thượng đẳng Phúc thần. Ông là người có năng lực hoạt động về ngoại giao và nội trị, lần lượt nắm giữ các chức vụ Ngự sử trung tán, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thiên tử chiêu dụ sứ, Kinh lược Nghệ An. Tác phẩm còn lại: Nghĩ Anh Tông Hoàng đế tạ Thượng hoàng biểu.

31. Nguyễn Trung Ngạn (1289(1) – 1370): Tự là Bang Trực, hiệu Giới Hiên, làm quan đến chức Đại học sĩ Trụ quốc Khai huyện bá, tước Thân Quốc công…Lúc nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, được đương thời tôn vinh là “thần đồng”. Ông làm quan trải qua 5 triều vua Trần, xuất sắc trên mọi phương diện chính trị, quân sự, ngoại giao, luật pháp, sử học... Tác phẩm: Giới Hiên thi tập; Hình luật thư; Hoàng triều đại điển; Ma nhai kỹ công bi.

32. Trần Nghệ Tông (1321 – 1394): Tên thật là Trần Phủ, con thứ ba vua Trần Minh Tông, sau loạn Dương Nhật Lễ lên làm vua ba năm rồi nhường ngôi cho em. Nghệ Tông tính trời hòa nhã, giữ lòng kính cẩn, lo sợ. Nhưng uy vũ không đủ để đánh lui giặc ngoài, sáng suốt không đủ để phân biệt lời gièm. Tác phẩm: Bảo hoà điện dư bút; Trần Nghệ Tông thi tập (chép trong Toàn Việt thi tập).

33. Nguyễn Bá Tĩnh (1330 -?): Pháp hiệu Tuệ Tĩnh, nhà thơ, danh y đời Trần, quê huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Hoàng giáp nhưng không ra làm quan mà đi tu.Ông được cử đi sứ Trung Quốc, vua Minh phong ông hiệu Đại y thiền sư. Tuệ Tĩnh đã không dừng lại ở vị trí một thầy thuốc chữa bệnh, ông còn tự mình truyền bá phương pháp vệ sinh, tổ chức cơ sở chữa bệnh trong nhà chùa và trong làng xóm. Tuệ Tĩnh xót thương cho số phận của mình và luôn đau đáu nỗi niềm một ngày được quay lại quê hương, thoát khỏi cảnh đất khách quê người thể hiện qua việc ông đã khóc trong lễ nhậm chức của mình tại triều đình nhà Minh và cho tới ngày nay, trên bia mộ của ông vẫn còn dòng chữ "Ai về nước Nam cho tôi về với". Tác phẩm: Hồng nghĩa giác tư y thư; Nam dược thần hiệu; Thiền tông khoá hư lục.

34. Thái Thuận (1440 – ?): Tự là Nghĩa Hoà, hiệu Lục Khê, biệt hiệu Lã Đường, quê huyện Siêu Loại, nay là Thuận Thành, Bắc Giang. Ông được Lê Thánh Tông ban cho là Tao Đàn Phó Nguyên soái. Thơ Thái Thuận có phong cách độc đáo, ít khi rơi vào khuôn sáo, thù tạc như thơ ca của nhiều tác giả cùng thời, nhất là những tác giả cung đình. Thơ ông ít có những nét bút hoành tráng, khí phách, tình cảm mạnh mẽ, sắc màu thắm rực như thơ Nguyễn Trãi, cũng ít có giọng khoa trương, tự đắc thường thấy trong thơ Lê Thánh Tông. Thơ ông thanh thoát, bình dị, không màu mè, hoa mỹ, tứ thơ mới mẻ, độc đáo, phóng khoáng giàu chất hiện thực, đậm đà ý vị trữ tình..Tác phẩm: Lã Đường thi cảo (gồm 4 quyển) và còn có 157 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

35. Nguyễn Nhân Bồng (1450 – ?): Còn có tên là Nguyễn Trọng Ý, người huyện Võ Giàng tỉnh Bắc Ninh, nhà thơ, có chân trong hội Tao Đàn, được Lê Thánh Tông cho đổi quốc tính thành Lê Trọng Ý, làm quan tới chức Lễ bộ Tả thị lang. Theo Toàn Việt thị lục của Lê Qúy Đôn thì ông là người giỏi thơ Nôm. Di tác của Nguyễn Nhân Bồng khá nhiều, nhưng được chép tản mát trong nhiều thư tịch, hiện không thống kê được số lượng và cũng chưa thể tập hợp được hoàn chỉnh. Tác phẩm: Vịnh Tiêu Tương bát cảnh phú (quốc âm); 19 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục.

36. Hoàng Diệu (10.02.1828 – 08.3.1882): Nhà thơ, nhà chí sĩ yêu nước, tự Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trãi, quê Diên Phước, Quảng Nam; đậu Phó bảng năm 1853, được bổ làm Tri huyện Tuy Phước, Bình Định, sau được thăng Tri phủ Lạng Giang (Bắc Giang), Án sát Nam Định, rồi Bố chính Bắc Ninh. Hoàng Diệu quan tâm ổn định chăm lo đời sống của dân chúng trong công bằng và trật tự. Bên cạnh việc triều chính, ông còn sáng tác thơ. Những tác phẩm của ông độc đáo và mang âm hưởng đặc sắc.Tác phẩm chính: Di biểu (tờ biểu để lại trước lúc chết) còn gọi là Trần tình biểu.

37. Dương Khuê (1839 – 06.3.1902): Nhà thơ, hiệu Vân Trì, quê Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, nay thuộc Hà Nội), đỗ Tiến sĩ năm 1868, làm quan đến chức Thượng thư. Là một viên chức buổi giao thời, đường làm quan không mấy suôn sẻ..., vì thế các sáng tác của ông, chính là một phương tiện giúp ông giải tỏa những bất mãn đối với hiện thực...Tuy có làm thơ chữ Hán, nhưng ông nổi tiếng nhờ những bài ca trù. Với sự tinh luyện về ngôn ngữ và sự hài hòa trong thanh điệu của ông, khiến những bài ấy luôn cuốn hút người nghe. Ông sáng tác nhiều bài thơ chữ Nôm làm lời cho các bài hát ca trù nổi tiếng. Tác phẩm chính: Hồng hồng, Tuyết tuyết; Vân Trì thi thảo; Động Hương Tích; Gặp cô đào cũ; Thăm cô đào ốm; Tặng cô đào Ngọ; Tặng cô đào Cúc; Chơi hát ngẫu hứng; …

38. Phan Huy Ích (9.01.1751 – 12.3.1822): Nhà văn, tên thật là Phan Công Huệ, tự là Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am, quê làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, nay là huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; năm 1775 đỗ đồng Tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ Lễ. Phan Huy Ích thực sự là người có tài năng không những về chính trị, văn chương và có tâm huyết với thời cuộc. Những chính tích của Phan Huy Ích, nhất là trong công việc ngoại giao là đóng góp quan trọng, là chiến công của ông đối với triều đại Tây Sơn. Ngoài ra, ông còn là nhà trước tác lớn, có công lao đối với nền văn học và văn hóa dân tộc. Ông sáng tác nhiều bằng cả chữ Hán và chữ Nôm. Tác phẩm chính: Dụ Am ngâm lục tập; Dụ Am văn tập; Cúc Đường bách vịnh thi tập; bản dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn.

39. Nguyễn Đình Chiểu (01.7.1822 – 03.7.1888): Nhà thơ, nhà văn hóa, một nhân cách điển hình yêu nước thương dân. Ông quê Tân Bình, Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh; đỗ Tú tài, mở trường dạy học và bốc thuốc. Ông là nhà thơ có quan niệm văn chương nhất quán. Ông chủ trương dùng văn chương biểu hiện đạo lý và chiến đấu cho sự nghiệp chính nghĩa. Nói khác hơn, ông làm thơ là để "chở đạo, sửa đời và dạy người". Vì vậy, mỗi vần thơ của ông đều ngụ ý khen chê công bằng, rạch ròi, và đều bộc lộ một tấm lòng thương dân yêu nước của ông. Ông thường dùng chữ Nôm, và bằng ngôn ngữ nghệ thuật bình dị, giàu sức gợi cảm khiến cho tác phẩm của ông có sức thu hút mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với nhân dân miền Nam. Tác phẩm chính: Lục Vân Tiên (truyện thơ); Dương Từ – Hà Mậu (truyện thơ); Chạy Tây (1859); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (văn tế, 1861); Ngư tiều y thuật vấn đáp (truyện thơ); Mười hai bài thơ và bài văn tế Trương Định (1864); Mười bài thơ điếu Phan Tòng (1868), Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh (1874); …

40. Phan Chu Trinh (09.9.1872 – 24.3.1927): Nhà văn, nhà chí sĩ cách mạng, tự Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, quê Tiên Phước, Quảng Nam. Ông đỗ Phó bảng, được bổ làm thừa biện bộ Lễ, sau từ quan để hoạt động cách mạng, chủ trương đấu tranh ôn hoà; bị bắt và đày ra Côn Đảo rồi đưa sang Pháp; năm 1925 về nước hoạt động và mất ở Sài Gòn. Phan Chu Trinh luôn có ý thức dùng văn chương để làm Cách mạng. Những sáng tác của ông nổi tiếng với áng văn chính luận đầy tính hùng biện, có lập luận đanh thép. Ông còn sáng tác thơ, tất cả đều thấm nhuần tư tưởng yêu nước. Tác phẩm chính: Đầu Pháp chính phủ thư (bản điều trần, 1906)); Tỉnh quốc hồn ca (1907 – 1922); Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (1912-1913) Santé thi tập (thơ, 1925); Tây Hồ thi tập (thập thơ); …

41. Nguyễn Trãi (1380 – 19.9.1442): Nhà văn, nhà chính trị, nhà tư tưởng kiệt xuất, hiệu Ức Trai, quê huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Nguyễn Trãi được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam, tư tưởng của ông là sản phẩm văn hóa Việt Nam thời đại Hậu Lê. Nguyễn Trãi là nhà văn chính luận kiệt xuất, những tác phẩm văn chính luận của ông có luận điểm vững chắc, lập luận chặt chẽ với giọng điệu linh hoạt. Ông còn là nhà thơ trữ tình xuất sắc.Tác phẩm chính: Quân trung từ mệnh tập; Bình Ngô đại cáo; Ức trai thi tập; Dư địa chí; Chí Linh sơn phú; Quốc âm thi tập; … Ức trai thi tập (1480)

42. Ngô Thì Đạo (1732 – 9.1802): Nhà văn, dòng Ngô Gia văn phái; quê huyện Thanh Oai, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông từng giữ các chức Đại lý tự thừa, Tri phủ, , Hiến sát phó sứ kiêm ủy phủ sứ Kinh Bắc… Ngô Thì Đạo sáng tác nhiều, nhưng theo con ông là Ngô Thì Du thì các tác phẩm ấy đã "tản mát quá nửa, nay chỉ còn lại một tập bản thảo làm lúc cuối đời". Tác phẩm của ông được tập hợp thành Hoành từ Hiến sát Văn Túc công di thảo; …

43. Mạc Đĩnh Chi (1272 – 1386): Nhà văn, nhà thơ, danh sĩ, tự là Tiết Phu; quê huyện Bình Hà, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc Hải Dương). Ông đỗ trạng nguyên, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, Thượng thư tả bộc xạ kiêm Trung thư, hai lần đi sứ Trung Quốc, được tôn làm “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Trong số các nhân vật nổi tiếng thời xưa, Mạc Đĩnh Chi có lẽ là một người có nhiều giai thoại nhất. được lưu truyền ở đời, đặc biệt là những giai thoại khi ông đi sứ Trung Quốc, trong đó có giai thoại đối đáp văn chương hết sức thú vị. Trong lịch sử văn học Việt Nam, tên tuổi Mạc Đĩnh Chi gắn liền với bài Ngọc tỉnh liên phú. Tác phẩm chính: Ngọc tỉnh liên; Giao tử phú; Quá bành Trạch phỏng Đào Tiềm cựu cư; …

44. Nguyễn Sĩ Cố (? – 1312): Nhà thơ, danh sĩ; từng giữ chức Học sĩ, An phủ sứ. Ông là người đề xướng dùng chữ Nôm trong thơ văn. Tác phẩm chính: Ông có nhiều thơ Nôm và thơ chữ Hán nhưng bị thất truyền, chỉ còn lại hai bài chép trong Toàn Việt thi lục là Tụng giá Tây chinh yết Tản Viên từ và Tụng giá Tây chinh yết Bạch Hạc giang Uy Hiển Vương từ .Với số lượng thơ ít ỏi như vậy, chưa đủ để hiểu phong cách cùng những đặc điểm nghệ thuật của thơ Nguyễn Sĩ Cố. Song, theo một số nhà nghiên cứu thì đây là hai bài thơ trào phúng ra đời tương đối sớm, và có thể xem ông là người đặt cơ sở cho dòng thi ca trào phúng trong lịch sử văn học viết của Việt Nam.

45. Lê Đức Mao (1462 – 1529): Nhà thơ, danh sĩ; quê huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông học rộng, đỗ tiến sĩ nhưng không ra làm quan, giỏi làm thơ, phú, bài hát. Ông nổi tiếng về tài văn chương. Thơ văn ông nặng phần trào lộng, châm biếm. Với ngôn ngữ sắc bén khiến giới cầm quyền đương thời oán ghét. Tác phẩm của ông hiện chỉ còn Bát giáp thưởng đào văn (Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào) bằng chữ Nôm, là bài ca trù cổ nhất còn lại hiện nay.

46. Đào Duy Từ (1572 – 1634): Nhà thơ, nhà quân sự, đệ nhất khai quốc công thần triều Nguyễn; quê Tĩnh Gia, Thanh Hoá. Ông học rộng nhưng không được đi thi vì xuất thân từ gia đình ca hát, vào Đàng Trong giúp chúa Nguyễn. Thơ Nôm lục bát trong hai bài vấn của Đào Duy Từ tương đối hoàn chỉnh, âm điệu hài hòa, ngôn ngữ bình dị, trong sáng tự nhiên; tuy còn sử dụng khá nhiều từ ngữ, điển cố Hán học. Sáng tác của Đào Duy Từ là những tác phẩm Nôm xuất hiện vào loại sớm ở khu vực Đàng Trong. Ông là một tác giả có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của văn học tiếng Việt. Tác phẩm chính: Hổ trướng khu cơ; Ngoạ Long cương vãn; Tư Dung vãn.

47. Ngô Thế Vinh (1802 – 1856): Nhà thơ, nhà giáo, danh sĩ; quê Nam Trực, Nam Định. Ông đỗ tiến sĩ, làm quan đến Lang trung bộ Lễ; do can việc trường thi bị cách chức, về quê mở trường dạy học.Qua những tác phẩm còn lại đến ngày nay, có thể nói ông là bậc tri thức uyên bác về nhiều lãnh vực. Ông có để lại bản dịch bài thơ "Chức cẩm hồi văn" của Tô Huệ (Trung Quốc), (gồm 40 câu thơ thất ngôn = 280 chữ) ra thơ song thất lục bát (cũng 40 câu = 280 chữ) rất hay, đến nay chưa có bản dịch nào vượt lên trên được. Tác phẩm chính: Dương Đình phú lục; Trúc Đường phú tuyển. Hoàng Việt sách tuyển; Luận thực đại lược; Trúc Đường Chu dịch tuỳ bút; Tống sử học; Trúc Đường thi văn khảo; Bái Dương thi tập; Ca trù thể cách; Bái Dương thư tập; Trúc Đường tuỳ bút.

48. Nguyễn Thuật (1842 – 1911): Nhà thơ, sử gia, tự Hà Đình; quê Lễ Dương, (nay thuộc Thăng Bình), Quảng Nam. Ông đỗ Phó bảng, làm quan đến Hiệp tá đại học sĩ, tước An Trường tử, Thượng thư bộ Binh, sung Cơ mật viện đại thần, Tổng tài Quốc sử quán; được cử làm Phó sứ sang Bắc Kinh. Tác phẩm chính: Mỗi hoài ngâm thi thảo; Hà Đình văn tập; Hà Đình Ứng chế thi sao; Thời chính tạp luận… Ngoài ra ông còn viết chung với một số tác giả về văn học, sử học: Sử quán thư mục; Đại Nam cương giới vựng biên; Đại Nam Quốc sử tàng thư mục; Thi thảo tạp biên; …

49. Trần Thiện Chánh (1822 – 1874): Nhà thơ, chí sĩ, tự Tử Mẫn, hiệu Trừng Giang; quê Bình Long, Gia Định (nay thuộc Tp Hồ Chí Minh). Ông đỗ Cử nhân, làm quan đến Tán tương quân thứ Sơn Tây, Hồng lô tự thiếu khanh giữ chức Biện lý bộ Binh, Tuần phủ Ninh Bình. Thơ văn của thi sĩ họ Trần, được sách “Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam” nhận định là “hầu hết có liên quan đến thời cuộc, thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn”. Còn “Văn học miền Nam nơi miền đất mới thì ghi”: “thơ văn ông luôn luôn thấm đượm tinh thần chiến đấu chống Pháp đến cùng”.Tác phẩm chính: Trừng Giang thi văn tập; Nam hành thi thảo; Bắc chinh thi thảo, Trần Tử Mẫn công thi tập.

50. Học Lạc (1842 – 1915): Nhà thơ trào phúng, tên thật là Nguyễn Văn Lạc, hiệu là Sầm Giang; quê Mĩ Chánh, Mĩ Tho (nay là Tiền Giang). Ông nổi tiếng thơ văn, nhưng không đi thi, sống bằng nghề dạy học, bốc thuốc, bói dịch.Ông có tài làm thơ Nôm, xuất khẩu thành thi. Thơ Học Lạc hiện chỉ còn trên mười bài, đa phần là thơ quốc âm luật đường vần trắc. Tác phẩm chính: Ông Làng hát bội; Mĩ Tho tức cảnh; Con tôm; Ngồi trăng; Thuộc Nhiêu tức cảnh; Tức cảnh ban chiều; Tạ hương đảng; Chó chết trôi;…

51. Ngô Giáp Đậu (1852 – ?): Nhà văn, sử gia, nhà giáo dục, hiệu Tam Thanh, biệt hiệu Sự Sự Trai; quê Tả Thanh Oai, nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ cử nhân, làm quan từ chức Giáo thụ đến chức Đốc học. Ông sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm. Tác phẩm chính: Hoàng Việt hưng long chí; Trung học Việt sử toát yếu; Hiện Kim Bắc Kì địa dư sử; Đại Nam quốc tuý; ông còn sửa chữa, bổ sung văn bản tập Lĩnh Nam chích quái; Ngô gia thế phả; Trung học Việt sử biên niên toát yếu; …

52. Chu Mạnh Trinh (1862 – 1905): Nhà thơ, danh sĩ, tự Cán Thần, hiệu Trúc Vân; quê Đông Yên (nay là Khoái Châu), Hưng Yên. Ông đậu tiến sĩ, làm quan đến Án sát. Từ bé đã nổi tiếng thông minh, có tài văn chương. Tác phẩm của Chu Mạnh Trinh giàu tính nhân văn, lãng mạn, tình cảm chủ nghĩa. Những sáng tác của ông lại thể hiện tình cảm yêu nước, đề cao văn hóa dân tộc. Tác phẩm chính: Trúc Văn thi tập; Thanh Tâm Tài Nhân thi tập; Hương Sơn phong cảnh; Hương Sơn hành trình.

53. Bùi Hữu Nghĩa (1807 – 1872): Còn có tên là Bùi Quang Nghĩa, nhà thơ, hiệu Nghi Chi; quê phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (nay thuộc thành phố Cần Thơ). Ông đỗ Giải nguyên, làm quan đến Tri phủ, nhưng bị vu cáo may thoát án tử, từ quan về dạy học, viết thơ văn chống Pháp kịch liệt. Cảm hứng nổi bật trong thơ Bùi Hữu Nghĩa là nỗi niềm chua xót và tấm lòng vàng đá đối với đất nước, sự khao khát được trở lại một thuở thăng bình theo lý tưởng Nho giáo. Ông thường vịnh vật để tỏ thái độ khinh thị bọn người có địa vị trong xã hội đương thời, bất tài và hãnh tiến; vịnh các nhân vật lịch sử để bộc bạch tâm sự bất đắc chí, sinh không gặp thời..Tác phẩm chính: Văn tế vợ, Văn tế con gái; Khóc vợ (thơ); Đi thuyền qua núi Sập (thơ); Quan công thất thủ (thơ); Kim Thạch Kỳ duyên (tuồng);…

54. Nguyễn Văn Siêu (1799 – 1872): Nhà thơ, danh sĩ, tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình; quê Thanh Trì, Hà Nội. Ông đậu Phó bảng, giữ các chức quan Chủ sự bộ Lễ, Phó sứ sang nhà Thanh, Học sĩ Viện tập hiền, Án sát Hà Tĩnh và Hưng Yên, sau từ quan về quê dạy học, viết sách. Tác phẩm chính: Phương Đình dư địa chí; Chư kinh khảo ước; Chư sử khảo thích; Tứ thư bị giảng; Phương Đình tuỳ bút lục; Phương Đình thi loại; Phương Đình văn loại;…

55. Vũ Phạm Khải (1807 – 1872): Nhà thơ, danh sĩ, tự là Đông Dương, hiệu Ngu Sơn, Dưỡng Trai, Phượng Trì; quê Yên Mô, Ninh Bình. Ông đỗ Cử nhân, từng giữ các chức Lang trung bộ Hình, Tham biện nội các, Toản tu Quốc sử quán, Hàn lâm Trực học sĩ, Bố chính Thái Nguyên, sau xin về quê giúp dân khai khẩn đất hoang.Vũ Phạm Khải là nhà thơ, nhà văn, chủ yếu chiến đấu bằng bút mực. Nhưng mỗi khi cần, lại tự nguyện gác bút nghiên xông ra chiến trận, dù đôi khi không thuộc trách nhiệm được giao. Tác phẩm chính: Ngu Sơn toàn tập; Lịch đại chính hình thông khảo; Đông Dương văn tập; Trần Lê ngoại truyện; Phượng Trì văn tập; Thực lục tiền biên;…

56. Phạm Phú Thứ (1821 – 1882): Nhà thơ, danh sĩ, tên thật là Phạm Hào, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu Trúc Ân, Giá Viên; quê Diên Phước, Quảng Nam. Ông đỗ đồng tiến sĩ, từng làm Tổng đốc, Thương chính đại thần, Khởi cư chú, Thượng thư bộ Hộ, Phó sứ trong phái bộ sang Pháp. Ông là người Việt Nam đầu tiên cho in sách về khoa học kĩ thuật, kiến nghị triều canh tân đất nước. Nói về thơ của Phạm Phú Thứ, trong Từ điển bách khoa toàn thư có đoạn: "Một số bài thơ trong "Giá Viên thi tập" bộc lộ cảm xúc của người chưa quên mình "vốn là học trò nghèo ở thôn quê", chia sẻ nỗi vui buồn với ngư dân, nông dân trong cuộc sống hằng ngày của họ". Tác phẩm chính: Tây Phù thi thảo; Giá Viên biệt lục (còn gọi Tây hành nhật kí); Trúc Đường thi văn tập; Bác vật tân biên; Hàng hải kim châm;…

57. Nguyễn Thiếp (24.9.1723 – 6.2.1804): Nhà văn, nhà giáo và là danh sĩ cuối đời Hậu Lê và Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp. Ngoài ra, ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, hoặc do ông tự đặt, hoặc do người đương thời xưng tặng, chẳng hạn như: Khải Xuyên (có sách chép là Khải Chuyên), Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử, … Nguyễn Huệ (tức vua Quang Trung) gọi ông là La Sơn phu tử, là La Sơn tiên sinh. Tác phẩm: La Sơn tiên sinh thi tập, Hạnh Am di văn. Đọc Hạnh Am thi thảo, bên cạnh những bài ca ngợi thú ẩn dật, vẫn thấy tấm lòng của ông gắn bó với đời, với quê hương, và than thở cho cảnh suy vi của thế thái nhân tình... Nhìn chung, thơ ông giản dị, mộc mạc, được Phan Huy Chú khen là "thơ đều tao nhã thanh thoát, lý thú thung dung, thực là lời nói của người có đức, các tao nhân ngâm khách (khác) không thể sánh được" (Văn tịch chí).

58. Sương Nguyệt Anh (8.3.1864 – 20.1.1921): Tên thật là Nguyễn Thị Khuê, tự là Nguyệt Anh, nhà thơ, quê ở Ba Tri, Bến Tre, là con gái tác gia Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài bút danh Sương Nguyệt Anh, bà còn ký nhiều bút hiệu khác như: Xuân Khuê, Nguyệt Nga, Nguyệt Anh… Sương Nguyệt Anh sáng tác nhiều, nhưng không gom thành tập. Nay chỉ còn tản mác một số bài thơ, như: Đoan Ngọ nhật điếu Khuất Nguyên, Tức sự , Chinh Phụ thi, Thưởng bạch Mai, Vịnh ni cô, vua Thành Thái vào Nam, cảm tác khi lính Việt đi Âu chiến…Và vài bài vè, như: Vè tiểu yêu, Vè Thầy Hỷ, Vè đánh đề…Nhắc đến Sương Nguyệt Anh, người ta còn thấy lại nơi bà một tấm gương hoạt động cho phái nữ lưu; người ta không quên một cây bút rắn rỏi đã từng nêu trên tờ Nữ giới chung nhiều vấn đề lý thú về phận sự đàn bà đối với gia đình và xã hội. Trong buổi giao thời, phụ nữ nước nhà vừa ra khỏi khuê môn để tiếp xúc với văn hóa Âu Tây, bà Sương Nguyệt Anh rất xứng đáng là nữ sĩ tiền phong trên đất Việt

59. Lê Qúi Đôn (2.8.1726 – 2.4.1784): Nhà văn, nhà khảo cứu thời kì trung đại Việt Nam, tự Duẫn Hậu, tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương, hiệu Quế Đường; là quan thời Lê trung hưng, quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam; nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là con trai cả của ông Lê Phú Thứ (sau đổi là Lê Trọng Thứ), đỗ Tiến sĩ năm Bảo Thái thứ 2 (Giáp Thìn, 1721), và làm quan trải đến chức Hình bộ Thượng thư, tước Nghĩa Phái hầu. Ông là người đã biên tập, trước thuật rất nhiều sách, đến nay đã thất lạc khá nhiều. Tác phẩm chính: Dịch kinh phu thuyết (Lời bàn nông nổi về Kinh Dịch), Thư kinh diễn nghĩa (Giảng nghĩa Kinh Thư), Quần thư khảo biện (Xét bàn các sách), Thánh mô hiền phạm lục (Chép về mẫu mực của các bậc thánh hiền), Vân Đài loại ngữ (Lời nói, chia ra từng loại, ở nơi đọc sách), Toàn Việt thi lục (Chép đủ thơ nước Việt), Quế Đường thi tập (Tập thơ của Quế Đường), …

60. Nguyễn Thông (22.6.1827 – 27.8.1884): Tự Hi Phần, hiệu Kì Xuyên, biệt hiệu Độn Am, nhà thơ, danh sĩ Việt Nam nửa đầu thế kỷ 19, quê ở phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay thuộc xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Thi đỗ cử nhân, từng làm quan ở An Giang, khi thực dân Pháp xâm lược, ông xin cầm quân về Nam, sau này Nam Kì lục tỉnh bị mất, ông ra làm quan ở Quảng Ngãi, vận động nhân dân làm thủy lợi, trồng cấy, làm được nhiều việc có ích cho dân. Thơ văn Nguyễn Thông là tấm lòng ưu ái đối với những người xấu số, sự quan tâm đến nghề làm ruộng và gắn bó với đời sống của nông dân. Ông ca ngợi và xót thương những người hy sinh trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Nổi bật và bao trùm là tấm lòng yêu mến quê hương mà ông phải lìa bỏ vì không chịu sống trên đất kẻ thù đã chiếm đóng...Tác phẩm chính: Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Vâng mệnh san định, xem xét cương mục lịch sử nước Việt), Kì Xuyên thi sao (Tập chép thơ của Kì Xuyên), Kì Xuyên vǎn sao (Tập chép văn của Kì Xuyên)…

61. Ngô Thì Hương (17.10.1774 – 1.1.1821): Còn có tên là Vị, tự Thành Phủ, hiệu Ước Trai, nhà văn Việt Nam cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19, quê ở huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngô Thì Hương không viết nhiều, nhưng những bài viết về gia đình, về bản thân; hoặc ghi chép về người thực, việc thực...đều là những tác phẩm giàu cảm xúc, có nhiều tư liệu quý. Quyển Mai dịch thú dư là tập thơ thể hiện rõ phong cách của ông. Về nghệ thuật, ông có cách viết nhẹ nhàng nhưng dí dỏm, sâu sắc. Đó là nét ít gặp trong thơ chữ Hán. Tác phẩm chính: Mai dịch thú dư (Cỗ xe sứ trạm, kí sự), Thù phụng toàn tập (Toàn tập xướng họa, thơ), Thành Phủ công di thảo (Bản thảo để lại của ông Thành Phủ, do hậu nhân sưu tập).

62. Ngô Thì Nhậm, còn gọi là Ngô Thời Nhiệm (25/10/1746 – 1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, về Phật học lại có đạo hiệu là Hải Lượng, là danh sĩ, nhà văn đời hậu Lê và Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh. Tác phẩm nổi bật: Doãn thi văn tập (văn, thơ), Yên đài thu vịnh (thơ),…

63. Ngô Thì Chí (1753 – 1788) là nhà văn Việt Nam ở thế kỷ 18 thời Lê trung hưng.Ngô Thì Chí tên chữ là Học Tốn, hiệu là Uyên Mật, là người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay là thuộc huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội)..Tác phẩm của Ngô Thì Chí có:Học Phi thi tập, Học Phi văn tập, Quốc sử tiệp lục , Hào thiên khoa sớ và 7 hồi đầu của quyển Hoàng Lê nhất thống chí.

64. Lí Thái Tông (29.7.1000 – 1054): Tên thực là Lí Phật Mã, sau đổi là Lí Đức Chính, con Thái Tổ Lí Công Uẩn, nối ngôi 27 năm, miếu hiệu là Thái Tông. Ông là vị hoàng đế sáng suốt, tinh thông Phật học. Tác phẩm còn lại: Hình thư (sử, 3 quyển), một bài kệ chép trong Thiền uyển tập anh ngữ lục.

65. Lí Đạo Tái (1254 – 1334): Tức thiền sư Huyền Quang, người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang. Nay là làng Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Học giỏi, đỗ cả thi hương, thi hội. Tác phẩm chính: Ngọc Tiên tập (tập thơ Ngọc Tiên), Chư phẩm kinh (Kinh các phẩm), Công văn tập (Tập công văn dùng trong nhà chùa), …

66. Trương Hán Siêu (? – 1354): Danh sĩ thời Trần, tên tự là Thăng Phủ, hiệu Đôn Tẩu, quê ở làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên (nay là phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), là môn khách của Trần Quốc Tuấn, tính tình cương nghị, học vấn uyên thâm. Tác phẩm của ông hiện chỉ còn bài Bạch Đằng giang phú, được đánh giá là một áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử văn học yêu nước Việt Nam, một áng văn chứa chan niềm tự hào dân tộc, có ý nghĩa tổng kết lại chiến thắng Bạch Đằng thời bấy giờ.

67. Lí Tử Tấn (1378 – 1454): Nhà thơ Việt Nam thời Lê sơ, hiệu là Chuyết Am quê ở làng Triều Đông (sau đổi là Triều Liệt), huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Tân Minh huyện Thường Tín, Hà Nội). Nhìn chung, không gian thơ của Lý Tử Tấn là một không gian nhẹ nhàng, trong tĩnh. Cái không gian như vậy chỉ có thể thấy trong thế giới tinh thần tĩnh tại Á Đông xưa. Tuy nhiên, ông vẫn là một nhà nho (ra làm quan) nhập thế, luôn làm tròn chức trách của mình, nhưng không hề bị công danh làm lụy. Tác phẩm chính: Chuyết Am thi tập (Tập thơ của Chuyết Am) nhưng hiện chỉ còn 5 bài phú chép trong Quần hiền phú tập do Hoàng Tụy Phu (1414-?) sưu tập, và 73 bài thơ chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726-1784).

68. Nguyễn Kiều (1694 – 1771): hiệu là Hạo Hiên, nhà thơ Việt Nam, quê ở làng Phú Xá, huyện Từ Liêm (nay là huyện Từ Liêm, Hà Nội). Đỗ Tiến sĩ năm 1715 và làm quan triều Lê, nổi tiếng hay chữ. Năm 1742, lấy nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm vợ kế; cùng năm, đi sứ Thanh. Năm 1748, được bổ chức đốc đồng Nghệ An, trên đường đưa gia đình đi theo, Đoàn Thị Điểm cảm nặng rồi mất. Tác phẩm chính: Hạo Hiên thi tập (Tập thơ của Hạo Hiên).

69. Nguyễn Hành (1771 – 1824): Tên thật là Nguyễn Đạm, tự là Tử Kính, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu Ngọ Nam và Nhật Nam, nhà thơ Việt Nam được người đương thời liệt vào An Nam ngũ tuyệt. Là con của Nguyễn Điều, là cháu nội Nguyễn Nghiễm, và gọi Nguyễn Du là chú ruột. Là người giỏi thơ văn, theo tư tưởng truyền thống, bất hợp tác với nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Về sáng tác ông có để lại 2 tập thơ chữ Hán: Quan Đông hải (Xem biển Đông), Minh quyên thi tập (Tập thơ chim quyên kêu).

70. Trương Quốc Dụng (1797 – 1864): Nhà văn, danh sĩ thời Nguyễn, là người có công chấn hưng lịch pháp Việt Nam, tự là Dĩ Hành, quê tại làng Phong Phú; nay là xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Tác phẩm chính: Trương Nhu Trung thi tập (Tập thơ Trương Nhu Trung), Thoái thực ký văn (Ghi chép những điều nghe được lúc lui về dùng cơm), Chiếu biểu luận thức (Bàn về cách thức của chiếu, biểu), Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (Kính vâng san định sử Việt đại cương và chi tiết làm tấm gương soi suốt cổ kim), …

71. Trần Thiện Chánh (1822 – 1874): Nhà thơ, chí sĩ, tự Tử Mẫn, hiệu Trừng Giang; quê Bình Long, Gia Định (nay thuộc Tp Hồ Chí Minh). Ông đỗ Cử nhân, làm quan đến Tán tương quân thứ Sơn Tây, Hồng lô tự thiếu khanh giữ chức Biện lý bộ Binh, Tuần phủ Ninh Bình. Tác phẩm chính: Trừng Giang thi văn tập; Nam hành thi thảo; Bắc chinh thi thảo, Trần Tử Mẫn công thi tập.

72. Bà Huyện Thanh Quan(1805-1848), tên thật là Nguyễn Thị Hinh; là người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ), Hà Nội[2]. Cha bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông.Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi. Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật, nhưng rất uyên bác như: Thăng Long thành hoài cổ, Qua chùa Trấn Bắc, Qua Đèo Ngang, Chiều hôm nhớ nhà

73. Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) nữ nhà thơ nổi tiếng thời trung đại Việt Nam, thi sĩ Xuân Diệu đã mạo muội tôn Hồ Xuân Hương làm Bà chúa thơ Nôm. Các tác phẩm của bà được đánh giá là “thanh thanh tục tục”, hàm ý sâu xa. Thơ Hồ Xuân Hương luôn được trình bày theo phong cách thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt, bút pháp được nhận định là điêu luyện nhưng phần chữ Nôm nhiều phần đặc sắc hơn chữ Hán. Ý tưởng trong thơ cũng rất táo bạo, dù là điều cấm kị đối với lễ giáo đương thời Tác phẩm: Lưu Hương ký, Xuân Hương thi tập.

74. Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuỗm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công. Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ,… cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.

75. Cao Bá Quát (1809 – 1855), hiệu Mẫn Hiên, Chu Thần. Cao Bá Quát là nhà thơ lớn nhất trong khuynh hướng phê phán hiện thực của văn học nửa đầu thế kỷ XIX. Ðóng góp của thơ văn Cao Bá Quát trước hết là ở nội dung, cái hơn người của ông là nội dung tư tưởng, là lòng dũng cảm, là sự sáng suốt cả về chính trị lẫn văn hóa. Tác phẩm: Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di thảo, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập.

76. Đoàn Thị Điểm (1705-1749), hiệu: Hồng Hà Nữ Sĩ, là nữ sĩ Việt Nam thời Lê trung hưng. Bà là tác giả tập Truyền kỳ tân phả (chữ Hán), và tác giả của truyện thơ Chinh phụ ngâm (bản chữ Nôm- 412 câu thơ)- được bà dịch từ nguyên bản Chinh phụ ngâm khúc (viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn).

77. Phạm Thái (1777-1813), còn gọi Phạm Đan Phượng, Phạm Phượng Sinh, hiệu Chiêu Lì (hoặc Chiêu Lỳ); là một danh sĩ ở cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam. Tác phẩm: Chiến tụng Tây hồ phú, Sơ kính tân trang, Văn tế Trương Quỳnh.

78. Phạm Đình Hổ (1768 – 1839), tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, bút hiệu Đông Dã Tiều, biệt hiệu Chiêu Hổ tiên sinh, là một danh sĩ sống ở giai đoạn cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Nhờ đọc nhiều, đi nhiều, ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị thuộc đủ mọi lĩnh vực như luận lý, lịch sử, địa dư, trước thuật…

79. Nguyễn Quang Bích (07.5.1832 – 05.01.1890): Còn có tên là Ngô Quang Bích, hiệu Ngư Phong, nhà thơ và là lãnh tụ cuộc kháng chiến chống Pháp tại vùng Tây Bắc, quê Kiến Xương, Nam Định, nay thuộc tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Đình nguyên, làm quan đến Tuần phủ Hưng Hoá, tổ chức nghĩa quân chống Pháp trong 10 năm gây nhiều tổn thất cho địch. Tác phẩm chính: Ngư phong thi tập (Tập thơ Ngư Phong, 1884 – 1889); ông là người được vua giao duyệt bộ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục; …

Lời kết: Các bạn vừa được tham khảo khái quát về những tác giả tiêu biểu của văn học trung đại. Hi vọng các bạn sẽ nắm bắt được tiểu sử và một số tác phẩm của các tác giả nổi tiếng trên.

Cùng chuyên mục:

Mở bài Vợ nhặt của Kim Lân được chọn lọc hay nhất 2024

Mở bài Vợ nhặt của Kim Lân được chọn lọc hay nhất 2024

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa

Phân tích nhân vật anh thanh niên trong truyện Lặng lẽ Sa Pa

Gợi ý mở bài Từ ấy của Tố Hữu hay và đầy đủ ý nhất

Gợi ý mở bài Từ ấy của Tố Hữu hay và đầy đủ ý nhất

Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, lên dàn ý chi tiết

Phân tích Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, lên dàn ý chi tiết

Phân tích Chị em Thúy Kiều, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Chị em Thúy Kiều, lên dàn ý và bài văn mẫu

Mở bài Vợ chồng A Phủ, mẫu phân tích chọn lọc hay nhất

Mở bài Vợ chồng A Phủ, mẫu phân tích chọn lọc hay nhất

Bài văn tả mẹ lớp 2, 3, 4, 5, tổng hợp dàn ý hay nhất

Bài văn tả mẹ lớp 2, 3, 4, 5, tổng hợp dàn ý hay nhất

Mở bài Người lái đò sông Đà hay nhất được tuyển chọn

Mở bài Người lái đò sông Đà hay nhất được tuyển chọn

Hiểu phép liên kết câu, liên kết đoạn văn đơn giản và bài tập

Hiểu phép liên kết câu, liên kết đoạn văn đơn giản và bài tập

Phân tích Bếp lửa của Bằng Việt, lập dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Bếp lửa của Bằng Việt, lập dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Tây Tiến của Quang Dũng, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Tây Tiến của Quang Dũng, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Vội vàng của Xuân Diệu, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Vội vàng của Xuân Diệu, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ, dàn ý chi tiết và bài văn mẫu

Phân tích Đây thôn Vĩ Dạ, dàn ý chi tiết và bài văn mẫu

Phân tích nhân vật ông Hai, lên dàn ý chi tiết & bài văn mẫu

Phân tích nhân vật ông Hai, lên dàn ý chi tiết & bài văn mẫu

Phân tích Đồng chí của Chính Hữu, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Đồng chí của Chính Hữu, lên dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận, dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Đoàn thuyền đánh cá Huy Cận, dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính và bài văn mẫu

Phân tích bài thơ về tiểu đội xe không kính và bài văn mẫu

Cách làm bài văn nghị luận xã hội, lập dàn ý và bài văn mẫu

Cách làm bài văn nghị luận xã hội, lập dàn ý và bài văn mẫu

Phân tích Chiều tối (Mộ), lên dàn ý và bài văn mẫu chọn lọc

Phân tích Chiều tối (Mộ), lên dàn ý và bài văn mẫu chọn lọc

Top