Phân tích nhân vật Chí Phèo, lên dàn ý, văn mẫu chọn lọc hay
Phân tích nhân vật Chí Phèo, hướng dẫn lên dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam cao và chia sẻ bài văn mẫu hay.
Phân tích nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao là một đề tập làm văn rất hay và thường xuyên xuất hiện trong các kỳ thi quan trọng của chương trình Ngữ Văn lớp 11, bởi đây là một nhân vật vô cùng độc đáo và có nhiều ý nghĩa.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bạn học sinh gặp khó khăn khi gặp đề văn này, bởi các em không biết bắt đầu từ đâu hay phân tích những nội dung quan trọng nào. Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, freetus sẽ hướng dẫn chi tiết cách lập dàn ý cũng như chia sẻ thêm các bài văn mẫu hay để các em cùng tham khảo nhé!
Dàn ý phân tích nhân vật Chí Phèo ngắn gọn chi tiết nhất
Hướng dẫn lên dàn ý phân tích Chí Phèo chi tiết nhất.
Để có một bài phân tích Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo hay, ấn tượng nhất, các em cần lên dàn ý với 3 phần như sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Mở bài phân tích Chí Phèo
Đối với phần mở bài phân tích Chí Phèo, các em có thể chọn cách viết mở bài phân tích Chí Phèo trực tiếp hoặc mở bài phân tích Chí Phèo gián tiếp, tuy nhiên ở cả hai cách đều cần có những nội dung cơ bản sau:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm là nhà văn Nam Cao: Nói đôi nét về sự nghiệp, và cuộc đời của ông.
- Giới thiệu tác phẩm “Chí Phèo”: Đây là một trong những truyện ngắn tiêu biểu và thành công nhất của nhà văn Nam Cao.
- Giới thiệu khái quát về nhân vật Chí Phèo
Tham khảo: Lịch sử và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao
Thân bài phân tích nhân vật Chí Phèo
Các nội dung chính chần nêu được trong bài phân tích Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao như sau:
Phân tích cảnh xuất hiện của Chí Phèo:
-
Hắn vừa đi vừa chửi, chửi trời, chửi đời, chửi cà làng Vũ Đại,...người lúc nào cũng trong trạng thái say khướt, tác giả muốn giới thiệu Chí Phèo là một kẻ nát rượu, đầu đường xó chợ và không có ai quan tâm.
Phân tích Chí Phèo trước khi vào tù
- Xuất thân của Chí Phèo: Vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ nhỏ, cậu được cả làng Vũ Đại chăm sóc, nuôi nấng.
- Lớn lên, Chí Phèo là một người nông dân hiền lành, chân chất, quanh năm chăm chỉ làm thuê cho Bá Kiến.
- Là một người có lòng tự trọng khi được bà ba dụ “bóp chân” cho thì Chí tỏ ra không thích và cảm thấy nhục nhã.
Phân tích Chí Phèo sau khi vào tù
- Nguyên nhân Chí Phèo vào tù: Vì bị Bá Kiến ghen tức chuyện cậu với bà Ba nên hắn đã nham hiểm bày mưu, hãm hại khiến cho cậu phải ngồi tù oan suốt bảy, tám năm trời.
- Sau khi ra tù Chí Phèo là người như thế nào? Cậu đã thay đổi cả hình dạng lẫn tính nết.
- Biến đổi về ngoại hình: Cậu trông như thằng “săng đá”, cái đầu trọc lóc, hàm răng trắng hớn, hai mắt thì luôn gườm gườm, ngực thì xăm trổ hình rồng phượng trông gớm chết.
- Biến đổi về tính tình: Chí trở thành một kẻ nát rượu, khác hẳn với anh thanh niên hiền lành, chất phác ngày xưa.
- Chí trở thành một tên lưu manh, chuyên ăn vạ.
- Bị Bá Kiến dụ dỗ trở thảnh tay sai chuyên đi đòi nợ thuê, đâm chém mướn cho hắn.
⟹ Từ một chàng nông dân hiền lành, được cả làng Vũ Đại yêu thương, đùm bọc, giờ đây, sau khi trở thành nạn nhân của bọn cường hào ác bá, Chí Phèo trở thành “quái vật của làng Vũ Đại”, là nỗi khiếp sợ của mọi người.
Phân tích Chí Phèo khi gặp Thị Nở
- Tình huống gặp gỡ Thị Nở: Trong một đêm say khướt, khi trở về túp liều của mình, hắn bắt gặp Thị Nở đang ngủ quên trong vườn chuối, sẵn có chút men trong người, hắn liều xấn vào và hai người đã ăn nằm với nhau.
- Sự biến chuyển trong tâm lí của Chí Phèo (Sau khi gặp Thị Nở, Chí Phèo đã thay đổi như thế nào): Hắn lần đầu tiên cảm nhận sự tỉnh táo của bản thân, những âm thanh bình dị của cuộc sống sau những chuỗi ngày say khướt, hắn cũng nhớ về ngày xưa mình từng ước mơ có một gia đình nhỏ, hạnh phúc, hắn cảm nhận thấy sự cô đơn,...
- Khi nhận được bát cháo hành từ Thị Nợ: Chí Phèo thậm chí rơi nước mắt vì lần đầu tiên cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương từ người khác.
- Hắn khát khao có một cuộc sống hạnh phúc với Thị Nở.
- Tập trung phân tích, cảm nhận về hình ảnh giọt nước mắt của Chí Phèo và khi tỉnh rượu, Chí Phèo cảm nhận những gì về thế giới xung quanh
Phân tích bi kịch của Chí Phèo khi bị tước đoạt quyền làm người
- Nguyên nhân Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người (Nguyên nhân Chí Phèo bị tha hóa): Bà cô của Thị Nở ngăn cấm, không cho Thị Nở lấy Chí Phèo vì Chí Phèo là đứa mồ côi, chuyên rạch mặt ăn vạ nên bị mọi người ruồng rẫy, xa lánh.
- Diễn biến tâm trạng hành động của Chí Phèo khi bị cự tuyệt: Ban đầu hắn ngờ ngợ, không tin nhưng khi tìm hiểu được lý do thì hắn trở nên tuyệt vọng.
- Cũng chính vào giây phút đó, bi kịch của cuộc đời Chí đã diễn ra, hắn cầm con dao xong tới nhà Bá Kiến, đâm chết ông ta rồi tự sát.
Phân tích ý nghĩa việc Chí Phèo giết Bá Kiến và tự sát
- Trước là trả thù cho bản thân, vì chính hắn ta đã khiến cho cuộc đời cậu phải thay đổi, bị vướng vào vòng lao lý, tù tội rồi trở thành kẻ rạch mặt ăn vạ, đòi nợ thuê,...
- Sau là thực hiện sứ mệnh trừ gian diệt ác, vì ngoài cậu ra, còn rất nhiều người bị tên Bá Kiến bắt nạt, giày xéo trong suốt thời gian qua.
- Là thể hiện cho việc khát khao được trở thành người lương thiện của Chí Phèo
- Những câu nói cuối cùng của Chí Phèo trước khi giết Bá Kiến được diện đạt bằng những hình thức câu văn nào? Diễn tả theo hình thức phản đối và thể hiện sự tuyệt vọng của hắn.
Kết bài phân tích Chí Phèo
Rút ra kết luận và nhận xét về hình tượng nhân vật Chí Phèo. Và qua đó truyền tải những thông điệp của tác phẩm là lên án chế độ thực dân phong kiến, lên án những định kiến bất công đã dồn con người vào bước đường cùng…
Văn mẫu phân tích nhân vật Chí Phèo hay nhất được chọn lọc
Tổng hợp văn mẫu phân tích Chí Phèo trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.
Sau khi đã biết được dàn ý cho bài phân tích Chí Phèo, mời các em học sinh cùng tham khảo thêm một số bài văn, đoạn văn mẫu hay mà freetuts đã tổng hợp dưới đây để tìm thêm ý tưởng cho bài viết của mình nha.
Phân tích nhân vật Chí Phèo của học sinh giỏi hay nhất
Nhắc đến nhà văn Nam Cao thì không thể nào không nhắc đến “Chí Phèo”, nó không chỉ là một truyện ngắn xuất sắc nhất trong những tác phẩm của ông, mà còn là một tác phẩm ấn tượng nhất với đề tài viết về cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng 8. Tác giả đã thành công xây dựng hình tượng Chí Phèo, một người nông dân nghèo khó cơ cực phải chịu biết bao bi kịch và sự bất công của bọn cường hào ác bá.
Chí Phèo vốn là một đứa trẻ mồ côi, không cha, không mẹ, và may mắn được mọi người trong làng nuôi nấng thành người, lớn lên, hắn trở thành một chàng trai hiền lành, chăm chỉ, chuyên đi ở đợ, làm thuê, cuốc mướn cho mọi người, sau cùng hắn về ở cho nhà Bá Kiến. Cũng từ đó, cuộc đời của Chí đã rẽ sang hướng khác. Hắn vốn chăm chỉ làm lụng nhưng vì sự ghen tuông của Bá Kiến mà ông ta đã đẩy Chí vào con đường tù tội, kết cục, hắn bị ngồi tù oan suốt bảy, tám năm trời.
Sau khi ra tù, Chí đã thay đổi hoàn toàn từ ngoại hình cho đến tính cách, “cái đầu trọc lốc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”, ngoài ra thân hình thì đặc những vết xăm trổ gớm ghiếc. Từ một người hiền lành, hắn trở thành một kẻ nát rượu, suốt ngày trong tình trạng say khướt, sau khi đến ăn vạ ở nhà Cụ Bá, hắn còn nghiễm nhiên trở thành tên tay sai chuyên rạch mặt ăn vạ để đòi nợ thuê cho Bá Kiến. Dần dần, Chí trở thành một nỗi khiếp sợ của làng Vũ Đại, tất thảy người lớn đến trẻ nhỏ, a cũng xa lánh và tỏ ra sợ hãi khi gặp Chí.
Cuộc đời hắn cứ chìm ngập trong vòng lặp, say rượu rồi đi đòi nợ thuê rồi say rượu, tuy nhiên, vào một buổi tối định mệnh hôm đó, hắn vô tình gặp gỡ Thị Nở, nàng là một người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, ma chê quỷ hơn nên đến nay dù đã ngoài ba mươi nhưng vẫn không ai dòm ngó. Có lẽ vì số phận hai người đều hẩm hiu như nhau, giữa họ như có một sợi dây kết nối khiến cả hai lao vào nhau và có một đêm ân ái mặn nồng.
Tỉnh dậy sau một đêm mãnh liệt, Chí cảm thấy trong người khang khác, lần đầu tiên hắn cảm nhận được sự tỉnh táo lạ thường của mình, hắn nghe được tiếng chim hót líu lo, tiếng những người đàn bà đi chợ sớm về,...những âm thanh hết sức quen thuộc mà trước giờ hắn đã bỏ lỡ. Đúng lúc đó, Thị Nở xuất hiện với bát cháo hành trong tay, bát cháo đã làm cho cuộc đời hắn thay đổi.
Chí Phèo ban đầu cảm thấy vô cùng ngạc nhiên rồi chuyển qua cảm động đến nỗi mắt ươn ướt. Hắn khóc vì trước nay chưa có ai lo lắng chăm sóc cho mình như Thị, hắn miệng thì húp lấy húp để bát cháo, còn trong đầu bắt đầu miên man suy nghĩ về một tương lai hạnh phúc bên Thị Nở, vì từ giây phút này, hắn đã có cảm giác yêu Thị mất rồi. Hắn nghĩ mình sẽ từ bỏ rượu chè, để cùng Thị xây dựng một gia đình nhỏ đầm ấm.
Tuy nhiên, cuộc đời vốn không như là mơ, Thị Nở sau khi nghe lời bà cô ngăn cản đã cự tuyệt Chí Phèo, đây là cú sốc quá lớn với hắn lúc này, ban đầu hắn không thể chấp nhận, nhưng rồi ngẫm lại thì hắn cũng cảm thấy có lý vì những tội lỗi mà bản thân mình đã gây ra trong suốt thời gian qua. Trong lúc tỉnh táo nhất, Chí Phèo vác dao tìm đến nhà Bá Kiến, hắn quyết định tự tay giết ông ta rồi tự tử, vì chính tên này đã khiến cho cuộc đời của Chí trượt dài trong vũng bùn đen tối, để rồi giờ đây khi hắn muốn trở thành người lương thiện cũng không thể được nữa.
Dưới ngòi bút tinh tế, cùng những lời văn mộc mạc, không hoa mỹ, nhà văn Nam Cao đã xuất sắc xây dựng nên một hình ảnh Chí Phèo vô cùng đặc biệt và để lại ấn tượng trong lòng người đọc, và qua đó phần nào ông cũng muốn khắc họa nên bức tranh đầy khổ cực của người nông dân trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, thật đáng thương cảm.
Phân tích quá trình tha hóa của Chí Phèo
Nhận xét về sự tha hóa của Chí Phèo ngắn gọn nhất.
Trong tác phẩm “Chí Phèo”, nhà văn Nam Cao đã khắc họa vô cùng rõ nét và chân thật quá trình Chí Phèo tha hóa từ một con người lương thiện trở thành “con quái vật của làng Vũ Đại” khiến cho mọi người ai nấy đều coi thường và xa lánh.
Từ thuở mới lọt lòng, Chí Phèo đã bị bỏ rơi tại lò gạch cũ, may mà có người dân tốt bụng mang về nuôi nấng nên người. Chí trở thành một người nông dân hiền lành, chất phát, quanh năm chăm chỉ với việc đồng áng, cậu cũng từng mơ mộng về một gia đình nhỏ, đầm ấm hạnh phúc. Tuy nhiên bi kịch đã xảy đến với cậu, vì Bá Kiến ghe tuông mù quáng nên hắn đã hãm hãi đẩy cậu rơi vào cảnh tù tội, đây cũng là bắt nguồn cho sự tha hóa về tính cách của Chí Phèo.
Trong suốt bảy, tám năm ở tù, không biết cậu đã chịu biết bao giày vò, tủi nhục của nhà tù thực dân mà đã khiến cho Chí thay đổi 180 độ từ ngoại hình tới tính cách. Từ một chàng trai cục mịch, cậu trở thành một kẻ có tướng mạo đáng sợ với cái đầu trọc lóc, đôi mắt lừ đừ, xăm trổ đầy mình với những hình gớm ghiếc.
Tiếp theo đó là sự thay đổi về tính cách, Chí trở thành một kẻ nát rượu, căm phẫn với đời, với người, cậu chỉ biết tìm đến rượu chè để quên đi hết muộn phiền, hễ uống say vào là cậu bắt đầu chửi rủa tất cả mọi người, chửi cả trời, cả đất. Rồi Chí còn chuyên đi rạch mặt, ăn vạ để kiếm tiền, kiếm rượu. Sau khi bị Bá Kiến dụ dỗ, Chí nhanh chóng quên đi việc chính hắn là người đã đẩy cậu vào hoàn cảnh này mà vẫn chấp nhận làm tay sai cho tên cường hào này, trở thành một kẻ chuyên đi đòi nợ thuê.
Bằng ngòi bút tính tế, cùng với giọng văn giản dị, dễ hiểu, Nam Cao đã rất thành công trong việc miêu tả quá trình tha hóa của Chí Phèo, qua đó cũng nhằm lên án sự mục rỗng của chế độ phong kiến lúc bấy giờ, người nông dân luôn phải chịu cảnh lầm than, áp bức, bóc lột.
Phân tích nhân vật Chí Phèo trước khi vào tù và sau khi ra tù
Phân tích Chí Phèo trước và sau khi ra tù.
Nam Cao là một nhà văn rất chi là nổi tiếng của dân tộc ra, suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông dã cống hiến cho đời vô vàn tác phẩm hay và ý nghĩa, nhất là những tác phẩm phản ánh về đời sống của con người trước Cách mạng. Điển hình nhất là truyện ngắn “Chí Phèo”, có nội dung kể về cuộc đời đầy bi kịch của Chí Phèo, một nạn nhân của bọn cường hào ác bá. Cùng phân tích chuyển biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo trước và sau khi vào tù để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.
Nhà văn Nam Cao đã cho Chí Phèo xuất hiện vô cùng ấn tượng khi bắt đầu với những tiếng chửi rủa vô cớ “Hắn vừa đi vừa chửi”, rồi nào thì “Chửi trời, chửi đất, rồi thậm chí chửi hết cả làng Vũ Đại…” Nhưng lạ lùng thay là không có một ai đáp lại lời hắn mà chỉ có tiếng chó sủa inh ỏi, chắc hẳn vì mọi người trong làng đã quá quen với cảnh này và không mảy may bận tâm.
Chí Phèo vốn xuất thân là một đứa trẻ mồ coi, cậu bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, may mà được người dân đùm bọc, nuôi nấng thành người. Sau khi lớn lên, Chí trở thành người hầu, kẻ hạ cho hết nhà này đến nhà khác, sau cùng thì làm canh điền cho nhà lão Bá Kiến. Cậu quanh năm tháo vát, chăm chỉ lo việc đồng áng và là một người đàn ông có lòng tự trọng rất cao, khi được bà Ba vợ của Bá Kiến sai đến bóp chân cho, cậu chỉ cảm thấy nhục nhã chứ không hề có chút thích thú nào.
Cũng vì chuyện này, mà Bá Kiến nổi cơn ghen, hắn bày mưu, tính kế để hòng đẩy cậu vào tù, kết cục là Chí đã phải ngồi tù oan suốt bảy, tám năm trời. Cũng trong khoảng thời gian đó, cậu đã bị hiện thực vùi dập, bị nhà tù thực dân giết chết ước mơ khiến cậu trở thành một con người hoàn toàn khác.
Sau khi ra tù, trước tiên, ngoại hình của Chí cũng có nhiều thay đổi nhất, từ một người có vẻ ngoài chân chất, cậu trở thành một tên lưu manh không hơn không kém với quả đầu nhẵn bóng, đôi mắt gườm gườm, người thì đầy những hình xăm trổ trông rất gớm. Tiếp đó là sự thay đổi về tính cách. Từ một anh nông dân hiền lành, Chí trở thành một kẻ nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ, là “quái vật của làng Vũ Đại”, khiến cho ai nấy đều tỏ ra sợ hãi và xa lánh.
Sau đó, Chí còn ung dung xách chai rượu đến nhà Bá Kiến để ăn vạ, khi không gặp ai, hắn lại đứng ở ngay cửa mà chửi toáng cả lên, những câu chửi khiến cho dân làng phải bàn tán xôn xao và phần nào cảm thấy hả dạ bởi trước giờ chỉ có lão Bá Kiến là chửi người khác, còn không ai dám đụng đến cả nhà lão. Nhờ Chí Phèo mà mọi người cũng hả dạ được phần nào.
Tuy nhiên, sau khi lão Bá Kiến trở về, hắn đã nhanh chóng dỗ ngon dỗ ngọt Chí Phèo, khiến cho cậu một lần nữa trở thành tay sai chuyên đi đòi nợ thuê cho lão, Chí dường như lúc này cũng đã mất hết niềm tin vào cuộc sống, miễn ai cho hắn tiền, cho hắn rượu là hắn sẽ làm cho người đó.
Nhà văn Nam Cao thật tài tình khi miêu tả diễn biến tâm lý của Chí Phèo đối lập trong hai hoàn cành, điều này vừa góp phần giúp cho người đọc hiểu rõ hơn được sự tàn khốc của chế độ phong kiến ngày xưa, chính những sự bất công, áp bức bóc lột đã làm tha hóa người nông dân hiền lành lương thiện.
Phân tích tính bi kịch khi bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo
Đoạn văn phân tích bi kịch khi Chí Phèo bị cự tuyệt quyền làm người.
Phải công nhận rằng điều giúp cho truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao trở nên nổi tiếng và thành công đó chính là sự xây dựng cốt truyện đầy bi kịch và tàn nhẫn, điều này được thể hiện rõ nhất khi Chí Phèo vừa mới thức tỉnh sau những chuỗi ngày sa đọa thì lại bị đẩy vào bước đường cùng khi bị tước đoạt quyền làm người.
Chí Phèo có xuất thân là một đứa trẻ mồ côi, được cả làng Vũ Đại nuôi nấng, cậu trở thành một chàng nông dân hiền lành, chất phát nhưng rồi lão Bá Kiến vô cớ đẩy cậu vào con đường tù tội, sau khi ra tù, Chí trở thành một con người nát rượu và là “ác quỷ của làng Vũ Đại”. Nhưng may mắn thay, số phận đưa đẩy cho cậu gặp Thị Nở vào một đêm khuy thanh vắng, nhờ có cô mà Chí dần tỉnh ngộ, cậu dần cảm nhận được những điều tốt đẹp của cuộc sống xung quanh mình.
Những tưởng cuộc đời Chí sẽ thay đổi từ giây phút này, nhưng nào ngờ đây cũng là lúc bi kịch đau đớn nhất của cậu xuất hiện. Chỉ vì mang tiếng và kẻ lưu manh, chuyên rạch mặt ăn vạ mà cuộc hôn nhân của Chí với Thị Nở bị cấm đoán, Chí đau đớn nhận ra thực chất mình đã bị tước đoạt quyền làm người rồi, bởi vì giờ đây cậu muốn sống lương thiện cũng không được, bởi vì sau những tội lỗi mà Chí đã gây ra, giờ đây không ai cho cậu cơ hội và không ai chấp nhận điều này.
Từ một người đang vui vẻ, Chí dần trở nên chán nản, tuyệt vọng, trong giây phút đó, cậu đã quyết định lựa chọn tìm đến giết chết tên Bá Kiến rồi sau đó tự tử để có thể kết thúc tấn bi kịch của cuộc đời mình, vì đây là cách giải thoát tốt nhất.
Vậy đó, chính xã hội phong kiến đầy rẫy bất công, hà khắc đã đẩy Chí Phèo vào con đường bi kịch này, từ một người lương thiện trở thành kẻ bị xã hội xa lánh, coi thường rồi phải tìm đến cái chết để giải thoát. Thật đáng buồn cho Chí Phèo, đáng buồn cho những người nông dân thấp cổ bé họng.
Phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở
Phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo ngắn gọn, hay nhất.
Đề bài: Viết đoạn văn ngắn phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi ăn bát cháo hành của Thị Nở
Bài viết:
Một điểm độc đáo nhất đã giúp cho truyện ngắn “Chí Phèo” trở nên thành công vang dội đó chính là nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo cũng như việc phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo qua từng hoàn cảnh. Điển hình nhất phải kể đến sự chuyển biến tích cực của Chí sau khi gặp gỡ Thị Nở và được ăn bát cháo hành đầy tình nghĩa của cô.
Chí Phèo vốn là một đứa trẻ mồ côi được cả làng Vũ Đại cưu mang và nuôi nấng nên người, ban đầu hắn cũng là một người nông dân chăm chỉ hiền lành, nhưng vì Bá Kiến, vì nhà tù thực dân đã biến hắn trở thành một kẻ nát rượu, chuyên rạch mặt ăn vạ và bị tất cả mọi người xa lánh, sợ hãi.
Tưởng chừng như cuộc đời của Chí sẽ chìm ngập trong vũng bùn, nhưng chính vào lúc ấy, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hắn với Thị Nở đã làm thay đổi tất cả. Vào buổi tối định mệnh hôm đó, sau khi Chí say khướt và trở về túp lều rách nát, hắn vô tình gặp Thị Nở, vốn là một người phụ nữ xấu xí, ế chồng, chắc vì có chút men trong người, hắn làm liều xong vào thị, cả hai đã trải qua một đêm mặn nồng.
Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, lần đầu tiên hắn có cảm giác tỉnh táo, hắn lắng nghe mọi thứ xung quanh, những mẩu chuyện nhỏ giữa hai người phụ nữ, cảm nhận được cuộc sống bình dị mà có lẽ lâu lắm rồi hắn không có cảm giác này, tất cả điều này, đều diễn ra hằng ngày nhưng phải chăng vì men say mà Chí không cảm nhận được. Rồi từ đó, khiến hắn lại nhớ về ước mơ ngày xưa của mình là có một gia đình nhỏ, hạnh phúc.
Tuy nhiên, hắn bừng tỉnh và trở về với thực tại, rằng giờ đây mình đã già yếu và cô độc, vâng một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ, không từ mọi thủ đoạn nay lại sợ cô độc, nghe thật buồn cười đúng không? Phải chăng bản chất con người trong Chí đã dần trỗi dậy?
Khi đang miên man suy nghĩ thì Thị Nở xuất hiện, đem theo một bát cháo hành nóng hổi, ban đầu Chí Phèo hết sức ngạc nhiên, sau đó mắt hắn hơi ươn ướt, vâng “con quỷ dữ của làng Vũ Đại” lại biết khóc ư? Đúng thế, hắn khóc vì cảm động, vì đây là lần đầu tiên có người quan tâm tới hắn. Hắn nhìn bát cháo hành đạm bạc rồi nhìn qua Thị Nở, một niềm vui, một thứ gì đó bắt đầu trỗi dậy trong lòng hắn, chắc có lẽ đó chính là tình yêu.
Bát cháo hành tuy đơn giản là thế, bình thường là thế, nhưng đối với Chí nó dường như là một món cao lương mĩ vị mà trước giờ hắn chưa tưng được thưởng thức. Chí bắt đầu suy nghĩ về một tương lai tươi sáng, một gia đình hạnh phúc với Thị, hắn quyết tâm sẽ lấy Thị và thay đổi bản thân, không đắm chìm trong rượu chè nữa.
Phải công nhận rằng, hình ảnh bát cháo hành là chi tiết đắt giá nhất của bộ truyện, chỉ một bát cháo thôi mà có thể cứu vớt một con người, khiến cho hắn thay đổi 180 độ, từ một kẻ lưu manh lại khát khao được làm người lương thiện.
Phân tích ý nghĩa 3 câu nói cuối cùng của Chí Phèo với Bá Kiến
Phân tích những câu nói cuối cùng của Chí Phèo.
Sau khi Chí Phèo rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người, hắn nhanh chóng tàm tới nhà Bá Kiến để giải quyết mọi vấn đề, trước khi giết Bá Kiến và tự tử, Chí Phèo đã nói 3 câu nói hết sức ý nghĩa “Tao muốn làm người lương thiện”, “Ai cho tao lương thiện”, “Tao không thể thành người lương thiện”.
Câu nói đầu tiên “Tao muốn làm người lương thiện” chắc hẳn là tiếng lòng của Chí sau những chuỗi ngày bị đè nén, áp bức, đây có lẽ là lời nói thật lòng nhất, bởi người ta thường nói, lúc say là người ta dễ nói thật nhất. Có lẽ Bá Kiến và mọi người đều bất ngờ vì lần này Chí Phèo không cần rượu, không cần vài ba đồng bạc lẻ mà cậu muốn trở thành một người lương thiện.
Rồi cậu tự hỏi “Ai cho tao lương thiện”, đúng là một câu hỏi chí mạng, khi chính Bá Kiến là người đã gây ra hàng tấn bi kịch cho cuộc đời của cậu, giá như ngày ấy Chí không phải ngồi tù thì có lẽ cuộc đời cậu đã rẽ sang hướng khác.
Nhưng sau đó, Chí cũng nhanh chóng nhận ra sự thật cay đắng là “Tao không thể là người lương thiện được nữa”. Câu nói cuối cùng này cũng không hẳn là nói với Bá Kiến mà là nói với chính bản thân mình. Trước đây, ngày rộng tháng dài cậu không biết lương thiện là gì, chỉ biết chìm đắm trong sai trái, rượu chè, giờ đây khi nhận ra sự lương thiện thì cũng là lúc cậu phải chấp nhận đánh đổi tất cả, kể cả mạng sống của mình vì sau những tội lỗi này, chỉ có cái chết mới có thể giải thoát được tất cả.
Ba câu nói này không chỉ chứa đựng nhiều ý nghĩa mà nó như là những lời tố cáo chân thực nhất đối với xã hội phong kiến mục nát lúc bấy giờ.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Chí Phèo
Mời các em cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy phân tích Chí Phèo hay, chi tiết dưới đây để hiểu hơn về bố cục cũng như nội dung của bài phân tích này nha.
Sơ đồ tư duy phân tích Chí Phèo chi tiết nhất.
Sơ đồ quá trình thức tỉnh của Chí Phèo.
Sơ đồ quá trình tha hóa của Chí Phèo.
Sơ đồ tư phân tích diễn biến tâm trạng của Chí Phèo.
Sơ đồ tư duy dàn ý quá trình thức tỉnh của Chí Phèo.
Sơ đồ tư duy phân tích quá trình bị tha hóa nhân cách của Chí Phèo.
SĐTD Phân tích tâm trạng của Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối và bị cự tuyệt quyền làm người.
Trên đây, freetuts.net đã hướng dẫn cách lên dàn ý cho bài văn phân tích nhân vật Chí Phèo và chia sẻ thêm một số bài văn mẫu, đoạn văn mẫu hay cùng sơ đồ tư duy trực quan, sinh động, hy vọng các em học sinh sẽ cảm thấy dễ hiểu và hứng thú với những kiến thức này.
Nếu các em muốn tìm hiểu thêm nhiều bài tập làm văn hay khác, hãy ghé thăm chuyên mục Văn học của chúng tôi ngay nhé!