Cách viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Hướng dẫn cách viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội lớp 11 chi tiết với các bước cụ thể và bài văn mẫu cùng một số lưu ý quan trọng cần nắm.
Viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội là một bài học quan trọng và rất mới trong chương trình Ngữ Văn lớp 11. Đây là bước tiền đề và giúp cho ác em học sinh làm quen với việc viết báo cáo trong tương lai.
Chính vì vậy, trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn cách viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội chi tiết nhất và chia sẻ thêm bài báo cáo mẫu cùng một số lưu ý quan trọng để cho các em học sinh có thể hiểu thêm về đề tài này nhé.
Các bước viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Hướng dẫn cách viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên, xã hội chi tiết nhất.
Để có thể viết được một báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hay xã hội hoàn chỉnh, các em học sinh cần thực hiện theo các bước hướng dẫn dưới đây nhé!
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Bước 1: Xác định đề tài
Trước khi bắt tay vào viết một báo cáo nghiên cứu, các em học sinh cần phải xác định rõ đề tài nghiên cứu của mình. Hãy lưu ý một số nội dung sau nhé:
- Chọn đề tài có tính thời sự đang nhận được sự quan tâm của đông đảo mọi người.
- Chọn đề tài có tính chung, đừng quá rộng sẽ gây khó khăn cho việc nghiên cứu.
- Chọn đề tài có nhiều tài liệu tham khảo, phù hợp với khả năng của bản thân.
Bước 2: Xác định đối tượng người đọc, phương pháp nghiên cứu
- Một bước quan trọng không kém việc xác định đề tài đó chính là xác định đối tượng sẽ đọc bài nghiên cứu của bạn, đối tượng này là ai? thường họ sẽ quan tâm đến vấn đề nào?
- Xác định được phương pháp nghiên cứu phù hợp. Tùy vào đề tài mà các em có thể chọn một trong các phương pháp sau: nghiên cứu lí thuyết, khảo sát thực tế, tiến hành thí nghiệm, thống kê, xử lí dữ liệu,...
Bước 3: Thu thập dữ liệu
Đây là một bước rất quan trọng đối với bài báo cáo nghiên cứu của bạn. Hãy chú ý đến những nội dung quan trọng sau nhé:
- Thu thập các tài liệu liên quan đến đề tài từ nhiều nguồn như sách, báo, internet, các chuyên gia có liên quan mang tính chính xác và có nguồn gốc tin cậy để cho bài báo cáo trở nên thuyết phục hơn, chặt chẽ hơn.
- Sau khi có một nguồn tài liệu dồi dào, hãy lập danh sách tài liệu để có thể dễ dàng theo dõi và sử dụng.
Bước 4: Lên đề cương báo cáo
Sau khi đã có nguồn dữ liệu phong phú, các em hãy tiến hành lập đề cương báo cáo với các mục chính như sau:
- Tên đề tài.
- Lý do chọn đề tài này
- Mục đích nghiên cứu đề tài
- Các câu hỏi nghiên cứu
- Cơ sở lí thuyết
- Phương pháp thu thập dữ liệu
Xem thêm: Cách viết văn bản thuyết minh, dàn ý chi tiết và văn mẫu hay
Bước 5: Thực hiện nghiên cứu
Phiếu thực hiện nghiên cứu.
Các em cần thu thập, tổng hợp dữ liệu nghiên cứu bao gồm kết quả khảo sát thực trạng hay thí nghiệm,...để có đủ cơ sở dữ liệu trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu.
Bước 6: Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội - Dàn ý
Viết báo cáo nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội dàn ý.
Sau khi đã có đầy đủ số liệu và hoàn thành việc nghiên cứu, các bạn cần viết báo cáo nghiên cứu theo bố cục sau:
- Tên đề tài báo cáo.
- Tóm tắt: Trình bày mục tiêu, phương pháp nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu.
- Từ khóa: Cần nêu 3 - 5 từ khóa quan trọng nhất liên quan đến đề tài nghiên cứu.
- Mở đầu: Nêu đề tài nghiên cứu, lý do chọn đề tài, câu hỏi nghiên cứu và nêu phương pháp, phạm vi nghiên cứu.
- Nội dung chính: Cần trình bày được cơ sở lí thuyết của đề tài nghiên cứu. Trình bày kết quả khảo sát, đưa ra các giải pháp,...Có thể trình bày bằng bảng biểu hoặc sơ đồ,...
- Kết luận: Tóm tắt lại nội dung nghiên cứu, đưa ra ý nghĩa, giá trị của công trình nghiên cứu.
- Tài liệu tham khảo: Cần đưa ra danh mục tài liệu đã tham khảo trong đề tài bao gồm tên tác giả, tên tài liệu,...
Bước 7: Kiểm tra và chỉnh sửa
Sau khi đã viết xong báo cáo nghiên cứu, các em cần đọc lại một vài lần để rà soát, kiểm tra lỗi chính tả và chỉnh sửa nếu cần.
Lưu ý khi viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Để có một báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên, xã hội chi tiết và đầy đủ, các em học sinh cần lưu ý một số điều sau:
- Trong một báo cáo nghiên cứu phải trình bày đủ các đề mục quan trọng như ở mục dàn ý đã chia sẻ, không được lược bỏ phần nào cả.
- Khi tiến hành nghiên cứu, phải đảm bảo lấy tài liệu ở những nguồn đáng tin cậy, rõ ràng.
- Tiến hành khảo sát phải mang tính chính xác, khách quan nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài nghiên cứu.
- Mục đề cương báo cáo có thể tùy ý sửa đổi trong quá trình nghiên cứu, miễn sau phù hợp với đề tài.
Mẫu báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Sau khi đã tìm hiểu các bước để viết một báo cáo nghiên cứu, bây giờ mời các em học sinh cùng tham khảo thêm một số mẫu báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên xã hội hay nhất được freetuts tổng hợp dưới đây nhé.
Báo cáo nghiên cứu về vấn đề ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội đến tình hình học tập của học sinh trường THPT Nguyễn Trãi.
-
Lý do chọn đề tài:
Ngày nay, nền khoa học công nghệ ngày càng phát triển, chính vì thế nhu cầu giải trí của con người cũng ngày càng nhiều, nhất là việc trao đổi thông tin qua các trang mạng xã hội và Facebook là một MXH tiêu biểu và thu hút được đông đảo người dùng nhất là một bộ phận lớn các em học sinh.
Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng Facebook không chỉ dừng lại ở việc giải trí mà nó dần ảnh hưởng lớn đến tâm lý, hành vi của các em học sinh, chính vì thế chúng tôi đã lựa chọn thực hiện đề tài nghiên cứu này để thấy được sự ảnh hưởng của Facebook đến các em học sinh trường THPT Nguyễn Trãi.
-
Mục đích nghiên cứu:
- Tìm hiểu thời gian sử dụng Facebook của các em học sinh.
- Tìm hiểu những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của mạng xã hội Facebook đối với học sinh trường THPT Nguyễn Trãi.
- Đối tượng nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu: Tác động của mạng xã hội Facebook với học sinh
- Phạm vi nghiên cứu: 240 học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Trãi.
- Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp khảo sát, thống kê
- Phương pháp so sánh, đối chiếu, tổng hợp số liệu.
Phần nội dung:
-
Khái quát về mạng xã hội Facebook
Facebook là một phương tiện truyền thông xã hội và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến được Mark Zuckerberg sáng lập vào năm 2004. Bạn có thể sử dụng máy tính hoặc điện thoại di động có kết nối mạng để truy cập vào Facebook, tạo một hồ sơ cá nhân và sau đó sử dụng nó để trò chuyện, tương tác với bạn bè trên khắp toàn cầu.
-
Vai trò của mạng xã hội Facebook trong đời sống
Không thể phủ nhận được Facebook là một mạng xã hội rất phổ biến và có vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày, điển hình như:
- Giao lưu, kết nối bạn bè toàn cầu: Facebook sẽ giúp bạn rút ngắn khoảng cách địa lý giữa các nơi trên khắp thế giới, giờ đây bạn có thể dễ dàng trò chuyện hoàn toàn miễn phí và nhanh chóng với bạn bè của mình ở bất kỳ nơi đâu qua ứng dụng Facebook.
- Cập nhật, lan truyền tin tức nhanh chóng: Một trong những điểm nổi bật của Facebook đó là tốc độ lan truyền thông tin siêu nhanh. Bạn không cần ngồi chờ hàng giờ để biết một thông tin quan trọng mà chỉ cần lướt Facebook 1 vòng là đã biết được tất tần tật các tin tức nóng hổi nhất trong ngày.
- Công cụ giải trí tuyệt vời: Facebook không chỉ là nơi kết bạn, trò chuyện với bạn bè mà bạn có thể thư giãn với hàng triệu video hài hước, phim ảnh, ca nhạc trên nền tảng xã hội này.
- Là nơi kinh doanh, mua bán: Ngày nay bạn không cần phải đi ra cửa hàng để mua món đồ mình cần mà chỉ cần ngồi lướt FB là có thể mua được tất tần tật mọi thứ.
-
Thực trạng sử dụng Facebook của các em học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Trãi.
Theo kết quả khảo sát mà chúng tôi đã triển khai trên 240 học sinh khối 11 trường THPT Nguyễn Trãi thì có tới hơn 95% người trả lời rằng Facebook là mạng xã hội mà các bạn sử dụng nhiều nhất. Các bạn coi Facebook là một phần không thể thiếu và việc sử dụng nó đã trở thành thói quen, sở thích hàng ngày.
Trong số 240 học sinh tham gia khảo sát thì có tới 50% bạn sử dụng Facebook hơn 4 tiếng mỗi ngày, 30% sử dụng 2 tiếng mỗi ngày và 20% sử dụng dưới 1 tiếng mỗi ngày.
Qua các số liệu nghiên cứu trên đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy FB đã trở thành một phần không thể thiếu đối với các bạn ở lứa tuổi học sinh.
-
Mục đích học sinh sử dụng Facebook
Theo như khảo sát của chúng tôi thì phần lớn các bạn học sinh sử dụng Facebook với những mục đích cơ bản sau:
- Trò chuyện, tương tác với bạn bè, người thân.
- Thể hiện cá tính, cảm xúc của bản thân thông qua việc post ảnh, stt,...
- Xem phim ảnh, video hài hước, ca nhạc.
- Tìm kiếm, trao đổi, cập nhật tin tức.
- Tham gia các lớp học online, livestream,...
- Ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của việc sử dụng Facebook
Mạng xã hội Facebook cũng có những mặt tích cực, tiêu cực như sau:
Ảnh hưởng tích cực:
- Giải trí sau những giờ học căng thẳng.
- Là phương tiện liên lạc với bạn bè, người thân hoàn toàn miễn phí.
- Cập nhật tin tức một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Ảnh hưởng tiêu cực:
- Dành quá nhiều thời gian để lướt Facebook gây sao nhãng học tập, kết quả sa sút.
- Dễ bị các nội dung tiêu cực, không phù hợp với độ tuổi tác động đến tâm lý, gây thói đua đòi, học theo thói hư, tật xấu.
- Là nơi tạo ra các hội nhóm để nói xấu thầy cô, bạn bè hoặc tiếp xúc với các văn hóa phẩm đồi trụy.
- Biện pháp nâng cao tác động tích cực của Facebook đối với học sinh.
- Chia sẻ rộng rãi các hội nhóm có tính tích cực như liên quan đến học tập, giải trí lành mạnh để đông đảo bạn bè biết đến và cùng tham gia.
- Lên kế hoạch, thời gian biểu cho bản thân hợp lý để cân đối việc sử dụng FB.
- Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của Facebook đối với học sinh
- Mỗi cá nhân cần tự nâng cao ý thức của mình, sử dụng FB một cách lành mạnh, văn mình, không tiếp xúc với các nội dung phản cảm, đồi trụy hay phản động.
- Không tham gia vào các hội nhóm không lành mạnh trên FB.
- Tự cân đối thời gian của bản thân để tránh việc quá lãng phí thời gian vào FB.
- Nhà trường cũng cần định hướng các em học sinh về việc sử dụng mạng Facebook hợp lý, hiệu quả.
Phần kết luận:
Mạng Facebook dần đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của các em học sinh và nó đem lại nhiều lợi ích vô cùng thú vị. Tuy nhiên, nếu sử dụng FB không đúng cách thì đây sẽ là nơi bắt đầu cho những vấn đề tiêu cực. Chính vì thế các bạn học sinh không nên quá lạm dụng mạng xã hội Facebook, hãy là những người sử dụng MXH thông minh và tích cực.
Tài liệu tham khảo:
- Luận án Tiến sĩ Xã hội học - Ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội Facebook đến học tập và đời sống của sinh viên hiện nay (Nguyễn Lan Nguyên).
- Facebook - Wikipedia.
- Bài viết 5 lợi ích Facebook mang lại cho cuộc sống con người
- Bài viết 10 tác động của Facebook đến cuộc sống - Bảo Bình.
Trên đây, freetuts.net đã chia sẻ cách viết báo cáo nghiên cứu về vấn đề tự nhiên hoặc xã hội chi tiết nhất cùng các lưu ý quan trọng và bài văn mẫu để các em học sinh lớp 11 có thể tham khảo. Hy vọng qua đây các em sẽ hoàn thành tốt được các bài tập làm văn với chủ đề này.
Đừng quên rằng tại chuyên mục Văn học của chúng tôi còn rất nhiều bài viết thú vị khác đang chờ đón các em cùng tìm hiểu đó nha! Chào tạm biệt và hẹn sớm gặp lại!