Phân tích nhân vật Mị hay ngắn gọn dễ đạt điểm cao nhất
Phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, hướng dẫn lên dàn ý phân tích Mị ngắn gọn nhất và chia sẻ thêm một số bài văn mẫu hay.
Phân tích nhân vật Mị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài là một trong những đề văn hết sức quan trọng đối với các em học sinh lớp 12 vì nó thường xuyên xuất hiện trong các kỳ thi cuối kỳ hay tốt nghiệp THPT.
Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn các em cách lập dàn ý cũng như chia sẻ thêm các bài văn mẫu phân tích Mị ngắn gọn, hay nhất để giúp các em đạt điểm cao với đề tập làm văn này, cùng tham khảo ngay nha!
Dàn ý phân tích nhân vật Mị ngắn gọn, đủ ý nhất
Hướng dẫn lên dàn ý phân tích Mị chi tiết nhất.
Để có một dàn ý phân tích Mị trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài đầy đủ, ngắn gọn nhất, các em cần chú ý các nội dung sau.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Mở bài phân tích Mị
Đối với phần mở bài phân tích nhân vật Mị, các em có thể chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thích, nhưng đều cần có các nội dung quan trọng sau:
- Giới thiệu tác phẩm “Vợ Chồng A Phủ” một cách ngắn gọn: In trong tập truyện “Truyện Tây Bắc”, chia làm hai giai đoạn là lúc ở Hồng Ngài và giai đoạn A Phủ trở thành du kích.
- Giới thiệu về nhà văn Tô Hoài: Ông là một trong những tác giả tiên phong trong chủ đề văn xuôi của nền văn học hiện đại nước nhà, nổi bật với lối kể chuyện tự nhiên, sinh động và phong phú.
- Giới thiệu khái quát về nhân vật Mị: Một nhân vật biểu tượng cho người phụ nữ có sức sống mãnh liệt, tiềm tàng sau chuỗi ngày bị áp bức, bóc lột.
Tham khảo:
Tiểu sử nhà văn Tô Hoài: Sự nghiệp sáng tác văn học của ông
Mở bài Vợ chồng A Phủ, mẫu phân tích chọn lọc hay nhất
Thân bài phân tích Mị
Trong phần thân bài, các em cần chú ý phân tích những nội dung sau để tránh bị lạc đề nhé:
Phân tích những phẩm chất tốt đẹp của Mị trước khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra:
- Mị là một cô gái H Mông trẻ tuổi, xinh đẹp, có tài thổi sáo, thổi lá rất hay khiến bao chàng trai mê mệt.
- Mị cũng là một người con hiếu thảo, chấp nhận làm nương, làm rẫy để thay bố mẹ trả nợ.
- Mị cũng từng có một tình yêu đẹp, luôn mong muốn được sống trọn vẹn với tình yêu.
Mị bị A sử, con trai thống lí Pá Tra bắt về làm vợ:
- Trong một đêm tình mùa xuân nọ, Mị sau khi bước ra khỏi nhà để hẹn hò với người yêu thì bỗng bị một đám người bịt mắt đưa đi.
- Sáng hôm sau, tỉnh dậy, Mị mới biết mình đang ở nhà thống lí Pá Tra, ngoài vacgs tiếng nhạc sinh tiền cúng ma rập rờn.
- Cuối cùng Mị đã bị bắt làm vợ để trừ nợ.
Khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra, Mị bị bốc lột, áp bức nặng nề:
- Thị cũng giống như những người đàn bà khác trong nhà, phải làm nương, làm rẫy quần quật suốt cả ngày lẫn đêm, thậm chí không bằng con trâu con ngựa, thường xuyên bị phạt đánh, trói mỗi khi làm sai.
- Ban đầu Mị còn có ý định tự tử bằng lá ngón, nhưng vì thương cha cô lại gạt đi ý định này.
- Đến khi cha cô mất rồi, thì Mị dường như đã chai sạn với nỗi đau, cô không còn nghĩ tới cái chết, lúc nào làm việc mặt cũng buồn rười rượi, không màng tới mọi thứ xung quanh.
Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị
- Mị trong đêm tình mùa xuân:
- Trong đêm hội mùa xuân diễn ra tại bản Hồng Ngài, sức sống trong Mị chợt trỗi dậy, cô bất chấp tất cả sửa soạn váy áo để đi chợ tình.
- Sau bao nhiêu thời gian, âm thanh vui nhộn của cuộc sống đã xuất hiện, len lỏi vào tâm trí cô.
- Mị cảm thấy phơi phới trở lại, rồi nhận thấy mình còn trẻ, mình muốn được đi chơi.
- Cô muốn được đi chơi để thoát khỏi cuộc sống tăm tối, đày đọa này.
- Thậm chí khi bị A Sử trói trên cột nhà, tiếng sáo gọi bạn tình vẫn văng vẳng trong đầu cô.
⟹ Sau tất cả, chúng ta thấy được một sức sống mãnh liệt vẫn tồn tại trong con người Mị, cô vẫn khát khao được sống, được tự do.
- Mị lúc quyết định giải cứu cho A Phủ:
- Sau khi bị đày đọa vào đêm tình mùa xuân, Mị lại quay trở lại trước đây, như một cái xác không hồn.
- Nhưng khi nhìn thấy A Phủ, cô chợt cảm thấy đồng cảm, xót xa cho anh như chính bản thân mình nên cô quyết định cởi trói cho A Phủ.
- Sau khi A Phủ trốn thoát, Mị chợt bừng tỉnh và quyết định sẽ chạy theo A Phủ để giải thoát khỏi địa ngục trần gian này.
Kết bài phân tích Mị
Ở phần kết bài, các em hãy nêu suy nghĩ của bản thân về nhân vật Mị, và những giá trị nhân đạo có trong truyện “Vợ chồng A Phủ”
Văn mẫu phân tích nhân vật Mị siêu hay, đạt điểm cao nhất
Tổng hợp một số bài văn mẫu phân tích Mị hay nhất.
Ngay bên dưới đây là một số bài văn mẫu phân tích Mị hay nhất được freetuts chọn lọc, mời các em học sinh cùng tham khảo thêm nhé!
Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân hay nhất
Phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.
“Vợ chồng A Phủ” là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài, thông qua tác phẩm này, tác giả vừa lên án chế độ phong kiến hà khắc đang từng ngày đày đọa người dân cực khổ lầm than vừa cho chúng ta thấy được sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong nhân vật Mị, đặc biệt nhất trong cảnh đêm tình mùa xuân tại Hồng Ngài.
Mị vốn là một thiếu nữ Mông xinh đẹp, ngoan ngoãn và vô cùng hiếu thảo, nhưng vì gia đình cô đang mắc nợ nhà thống lí Pá Tra mà Mị bị con trai của lão bắt về làm vợ. Những ngày tháng cô làm dâu ở nhà Pá Tra, là những ngày tháng tăm tối nhất, đau khổ nhất của cuộc đời cô, khuôn mặt cô lúc nào cũng buồn rười rượi kể cả lúc làm việc nhà hay quay tơ, dệt vải. Mị phải làm việc quần quật từ sáng đến đêm, còn hơn cả trâu cả ngựa, những trận đòn roi vô cớ liên tục diễn ra. Đây quả thực là một địa ngục trần gian không hơn không kém.
Chính những tháng ngày đau khổ ấy, đã biến Mị từ một thiếu nữ trẻ hồn nhiên vô tư trở thành một con người chai sạn, không có cảm xúc, suốt ngày chỉ “lùi lũi như con rùa nuôi sống xó cửa”, thậm chí cô còn chẳng màng quan tâm đến thời gian diễn ra xung quanh mình đang là ngày hay đêm, vì thực chất nó chẳng có ý nghĩa gì với cô cả.
Thế nhưng, vào một ngày nọ, khi mùa xuân lại về khắp bản Hồng Ngài, khung cảnh thiên nhiên, đất trời vào xuân thật tươi đẹp và căng tràn nhựa sống, “Những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá xòa như con bướm sặc sỡ, lũ trẻ chơi đùa cười nói ầm ầm trước sân nhà, đầu núi lấp ló tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi báo hiệu những đêm tình mùa xuân đã tới”. Suốt những ngày tết, Mị chỉ vùi đầu vào rượu, cô thậm chí còn lén lấy hũ rượu rồi uống ừng ực từng bát một, tiếng sáo cứ văng vẳng bên tai cô.
Mị lấy một chiếc lá rồi thổi, cô thổi lá cũng hay như thổi sáo, nhờ những âm thanh sống động này, dường như đã làm trỗi dậy sức sống đang tiềm tàng trong con người cô, nó đã bị chôn vùi quá lâu rồi. Mị cảm thấy mình còn trẻ, Mị cũng muốn được đi chơi, rồi Mị thắp lên ngọn đèn dầu đang le lói, những tia sáng ấy dường như tiếp thêm sức mạnh cho cô. Mị cũng mạnh dạn sửa soạn, cô chải tóc, rồi mặc chiếc váy hoa vốn cất ở trong xó, trong lòng phơi phới chuẩn bị bước đi chơi.
Nhưng nào ngờ đâu A Sử - chồng Mị xuất hiện, hắn đã dập tắt tia hy vọng của cô, để ngăn việc Mị đi chơi mà hắn nhẫn tâm dùng dây đay trói cô vào cột nhà, hắn còn ác độc tới mức quấn tóc của cô lên cột, khiến cô không thể nào cựa quạy đầu được nữa. Xong xuôi đâu đó, hắn đi chơi mặc cho Mị đang chịu biết bao đau đớn. Rồi tiếng sáo dần vụt tắt trong đầu Mị, thay vào đó là tiếng chân ngựa đạp vào vách, tiếng chó sủa xa xa. Mị phải chịu cảnh đau đớn ấy suốt cả một đem dài.
Qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài đã phần nào lên án sự tàn khốc của chế độ thực dân phong kiến, họ bắt nạt những người nông dân nghèo khổ, tước đoạt những quyền cơ bản của người phụ nữ nên rất cần bị bài trừ ra khỏi xã hội này.
Phân tích Mị trong đêm tình mùa đông học sinh giỏi ấn tượng nhất
Nếu như ở đêm tình mùa xuân, Mị đã trỗi dậy sức sống tiềm tàng, mãnh liệt về khái khao được dạo chơi ở chợ tình, được sống trọn vẹn với tuổi trẻ thì trong đêm tình mùa đông, là đêm đánh dấu bước ngoặt cho cuộc đời của Mị khi cô quyết định cởi trói cho A Phủ và giải thoát cho bản thân khỏi chốn “địa ngục trần gian” này.
A Phủ vốn cũng là một chàng trai có số phận giống như Mị, cũng phải ở lại làm trâu, làm ngựa cho nhà thống lí Pá Tra để trả nợ. Trong một lần để hổ vồ mất trâu, mất bò mà cậu bị trói và đánh đập tàn nhẫn suốt mấy ngày, mấy đêm.
Mị thì vốn mang tiếng là con dâu trong gia đình, nhưng cô chẳng khác gì người ăn, kẻ ở trong nhà, làm việc quần quật suốt ngày suốt đêm, bị giam lỏng một cách đáng thương, đôi khi cô còn bị đánh đập, rồi thậm chí trói vào cột nhà một cách không thương tiếc. Tưởng chừng như Mị đã cảm thấy quá quen với những điều này, rồi cô sẽ chôn vùi cuộc đời mình tại đây mãi mãi. Nhưng buổi tối mùa đông ngày hôm ấy, đã thay đổi cuộc đời cô mãi mãi.
Trong đêm khuy lạnh lẽo, tĩnh mịch, nhờ ánh lửa le lói mà Mị thấy những dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt A Phủ nay đã khô và đen xám lại, nó khiến cho cô nhớ về lúc cô bị A Sử trói ở cột nhà chỉ vì ngăn cấm việc mình đi chợ tình. Mị lo sợ A Phủ sẽ chết vì đau, vì đói hay thậm chí là vì rét…Ở A Phủ, Mị như nhìn thấy số phận của chính mình, cô quyết định lấy dao, cởi trói cho người đàn ông tội nghiệp ấy.
Ngay giây phút A Phủ chạy mất dạng trong bóng tối, Mị như bừng tỉnh, cô cũng mạnh dạn chạy theo A Phủ để tìm đường giải thoát cho bản thân mình, vì nếu thống lí Pá Tra biết cô giải cứu cho A Phủ thì sớm muộn gì cô cũng chết rũ ở nhà này mà thôi. Nhờ hành động mạnh mẽ này, Mị không những cứu được A Phủ mà dường như cô đã tự cứu bản thân mình.
Qua hành động trong đêm tình mùa đông này, chúng ta có thể thấy được sức sống mãnh liệt của Mị, dù cho cô bị đày đọa về cả tinh thần lẫn thể xác nhưng len lỏi đâu đó trong tâm hồn cô vẫn có một khát khao được tự do, được sống một cuộc đời đúng nghĩa. Và nhà văn Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng được một nhân vật Mị rất có chiều sâu và để lại ấn tượng trong lòng độc giả, chinh điều này cũng góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.
Phân tích nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra đạt điểm cao nhất
Đọc truyện “Vợ chồng A Phủ” hẳn các bạn ai cũng cảm thấy tiếc thương và xót xa cho nhân vật Mị, một cô gái trẻ bỗng trở thành nạn nhân của chế độ cường quyền, nam quyền, cô phải chịu biết bao tủi nhục và xót xa, tất cả điều này được thể hiện rõ trong đoạn Mị về làm dâu nhà thống lí Pá Tra.
Mị vốn là một cô gái Mông trẻ tuổi, tràn đầy sức sống, nhưng chỉ vì gia đình cô mang nợ nhà Pá Tra mà Mị đã bị bắt về làm dâu để trừ nợ. Những tưởng về làm dâu nhà giàu ít ra cô sẽ có cuộc sống sung túc, no đỏ, nhưng tế lại trái ngược hoàn toàn, ngày cô bước chân vào cửa nhà thống lí, chính là bắt đầu cho chuỗi ngày tăm tối nhất cuộc đời cô.
Mang tiếng là con dâu nhưng Mị chẳng khác gì người ăn kẻ ở của nhà này, cô phải làm việc quần quật từ sáng đến đêm, hết việc trên nương trên rẫy rồi việc ở trong nhà, thậm chí cô còn khổ hơn con trâu, con ngựa vì ít ra chúng còn có thời gian nghỉ ngơi, được ăn no bụng, còn Mị và những người phụ nữ khác trong nhà này thì không, họ còn bị đánh, bị trói một cách không thương tiếc.
Ban đầu, Mị còn cảm thấy uất ức, cô lén trốn về nhà với nắm lá ngón trong tay, cô tính tự tử để giải thoát bản thân, nhưng lại sợ cha mình sẽ khổ nên Mị đành nuốt ngược nước mắt vào trong, mạnh mẽ mà sống tiếp. Thời gian cứ trôi qua, Mị cũng dần quen với sự áp bức, bóc lột này, cô trở nên chai sạn hơn, không quan tâm tới mọi thứ xung quanh, chỉ lầm lũi trong xó nhà hết ngày này qua tháng nọ.
Căn buồng của Mị được Tô Hoài mô tả là một căn phòng nhỏ, tăm tối, chỉ có một ô cửa sổ bé tí xíu, khiến cho mọi người phải liên tưởng đến đây là một căn buồng giam, nó đã giam giữ cả thể xác lẫn tâm hồn của Mị. Thậm chí Mị không phân biệt được dòng chảy thời gian đang trôi qua, như thể cô đã buông xuôi tất cả, kể cả sự tồn tại của mình.
Qua tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”, nhân vật Mị như là đại diện của những người phụ nữ có thân phận nghèo khổ đang bị đày đọa, áp bức bởi tầng lớp thống trị của xã hội phong kiến miền núi, nơi chỉ có chế độ nam quyền, thật đáng lên án và quá đỗi xót xa cho người con gái tội nghiệp ấy.
Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị cực hay
Bên cạnh truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” thì “Vợ chồng A Phủ” cũng là một trong những tác phẩm đã làm nên tên tuổi cho nhà văn Tô Hoài. Dưới ngòi bút tinh tế, gần gũi của mình, tác giả đã đem đến cho người đọc một tác phẩm vô cùng xuất sắc, thậm chí nó còn được chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng cùng tên. Thông qua truyện ngắn này, chúng ta có thể thấy được sức sống tiềm tàng vô cùng mãnh liệt của nhân vật Mị, một người con gái phải chịu biết bao áp bức, bóc lột.
Chúng ta có thể thấy rõ được sức sống mãnh liệt của Mị được thể hiện rất rõ trong ba giai đoạn cuộc đời cô. Trước khi về làm dâu nhà Pá Tra, Mị vốn là một thiếu nữ Mông trẻ tuổi, có tài thổi sáo, thổi lá rất hay. Bên cạnh đó, cô cũng là một người con hiếu thảo, ý thức được sự khó khăn của gia đình, cô chấp nhận làm nương, làm rẫy để trả nợ thay cho bố mẹ, nhưng rồi sức sống ấy đã bị lụi tàn dần khi cô bị bắt về làm dâu cho nhà thống lí.
Sau khi chính thức trở thành con dâu nhà Pá Tra, là vợ của A Sử, cuộc đời Mị đã bị thay đổi hoàn toàn, cô bị trói buộc trong căn phòng nhỏ, nơi chôn vùi tất cả tuổi xuân của cô. Ngoài ra, Mị còn phải làm lụng vất vả, cực khổ từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, cô mất đi quyền tự do vốn có của mình.
Những tưởng rằng Mị sẽ chấp nhận sống một cuộc đời cô độc và đau khổ đến hết đời, nhưng may mắn thay, trong một đêm tình mùa xuân, nhờ tiếng sáo gọi bạn tình, nhờ không khí vui tươi, náo nhiệt mà một lần nữa, Mị cảm thấy căng tràn sức sống. Cô nhận thấy mình còn trẻ, mình cũng cần được đi chơi, được đi dạo chợ tình như những người khác. Cô muốn được ngắm trọn vẹn cảnh vật mùa xuân, hay được chìm đắm trong những bản sáo gọi bạn tình đầy êm dịu.
Rồi trong đêm tình mùa đông, cái đêm làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Mị, nhờ nhìn thấy những dòng nước mắt bất lực của A Phủ mà một lần nữa, sự khát khao tự do lại sống dậy trong cô. Mị đã liều lĩnh quyết định cởi trói, giải thoát cho A Phủ rồi chạy theo người đàn ông ấy, rời bỏ cái “địa ngục trần gian” đầy đau khổ này, để tìm lại tự do cho bản thân.
Với những lời văn hết sức là chỉnh chu và gần gũi, nhà văn Tô Hoài đã đem đến cho chúng ta một nhân vật Mị vô cùng xuất sắc với sức sống mãnh liệt, tiềm tàng. Mị cũng chính là đại diện cho những người phụ nữ mạnh mẽ luôn tìm cách vươn lên trong cái xã hội phong kiến đầy thối nát hay những hủ tục lạc hậu đang đè nặng lên vai những người dân tộc thiểu số lúc bấy giờ, thật đáng khâm phục trước người con gái ấy.
Phân tích nhân vật Mị khi lén cởi trói cho A Phủ
Đọc truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, chắc hẳn các bạn sẽ bị ấn tượng bởi nhân vật Mị, một cô gái H Mông trẻ tuổi nhưng lại có sức sống tiềm tàng, mãnh liệt khi ở trong nghịch cảnh nhưng vẫn có một khát khao cháy bỏng về sự tự do, điều này được thể hiện rõ nhất trong đoạn Mị lén cởi trói cho A Phủ.
Mị vốn là một cô gái Mông trẻ tuổi, phải về làm dâu cho nhà thống lí Pá Tra để trừ nợ cho bố mẹ, tại đây, cô đã có một cuộc sống hết sức vất vả và khó khăn, bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong một đêm mùa đông lạnh lẽo nọ, khi cô dậy sớm đốt lửa sưởi ấm thì vô tình bắt gặp hình ảnh A Phủ bị trói ở cột nhà. A Phủ cũng có số phận như cô, cậu ta vì mắc nợ nhà thống lí nên cũng bị bắt ở đợ để trừ nợ, tuy nhiên trong một lần để hổ ăn mất bò, cậu ấy đã bị nhà thống lí trói vào cột để phạt.
Tại căn nhà lãnh lẽo theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này, vào hững ngày mùa đông giá lạnh, Mị chỉ biết tìm đến hơi ấm của những ngọn lửa để sưởi ấm tâm hồn và cơ thể mình. Những tưởng rằng, Mị sẽ chấp nhận chôn vùi cuộc sống của mình tại đây, tuy nhiên vào một ngày đông nọ, nhờ nhưng ánh sáng le lói từ bếp lửa, Mị vô tình nhìn thấy những dòng nước mắt chảy dài trên gương mặt A Phủ, nay đã khô xám lại từ bao giờ.
Nếu như trong “Chí Phèo” của Nam Cao thì bát cháo hành nghi ngút khói của Thị Nở đã thức tỉnh mong muốn được làm người lương thiện của Chí Phèo thì trong “Vợ Chồng A Phủ”, những giọt nước mắt của A Phủ đã khiến cho Mị phải suy nghĩ và quyết định một hành động liều lĩnh thay đổi cả cuộc đời của cô và A Phủ.
Ở A Phủ, Mị như nhìn thấy bản thân mình lúc xưa, cô cũng bị hành hạ, chà đạp như thế, cô tiếc thương cho một chàng trai sức dài vai rộng không lẽ cứ thế mà chết ở đây ư? Mị rủ lòng thương cho cậu cũng như thương cảm với chính mình. Trong thời khắc đó, Mị đã quyết định dùng dao cởi trói để giải thoát cho A Phủ. Sau cậu ấy chạy vụt ra khỏi nhà, Mị cũng không chần chừ mà quyết định chạy theo cậu để giải thoát cho bản thân mình, vì cô biết nếu cô ở lại thì sẽ chết dưới tay nhà thống lí Pá Tra thôi. Cứ thế, bóng hai người khuất dần sau màn đêm tối đen kịt của Hồng Ngài.
Qua cảnh Mị cởi trói cho A Phủ, nhà văn Tô Hoài đã ca ngợi sức sống tiềm tàng và khát vọng mãnh liệt của nhân vật Mị, nhờ sự mạnh mẽ này mà Mị đã giải thoát được bản thân sau bao nhiêu năm trời bị áp bức bóc lột. Cô đã dám bước ra khỏi bóng tối để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, một tương lai tươi sáng hơn.
Đoạn văn phân tích Mị trọng đoạn trích “Ngày tết Mị cũng uống rượu” đến quả phao rơi rồi”
Tô Hoài là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất trong nền văn xuôi, truyện ngắn của Việt Nam, suốt sự nghiệp sáng tác của mình, ông đã cống hiến cho độc giả rất nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa, điển hình nhất phải kể đến truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Bằng giọng văn giản dị, tình huống truyện độc đáo và khả năng miêu tả diễn biến tâm trạng xuất sắc, tác giả đã đem đến một nhân vật Mị vô cùng ấn tượng, điều này được thể hiện rõ nét nhất trong đoạn trích “Ngày tết Mị cũng uống tượi…quả phao rơi rồi”
Mị vốn là một thiếu nữ xinh đẹp người Mông, nhưng vì cha mẹ mắc nợ nhà thống lí Pá Tra mà cô phải chấp nhận làm dâu để gạt nợ. Từ khi bước chân về nhà Pá Tra, cũng chính là lúc những chuỗi ngày bất hạnh nhất của cuộc đời Mị bắt đầu. Mị làm việc vất vả suốt cả ngày lẫn đêm, thậm chí còn khổ hơn con trâu, con ngựa, khi làm phật ý thì còn bị đánh, bị trói một cách không thương tiếc. Có lẽ vì quá quen với cảnh này, nên Mị ngậm ngùi, lặng lẽ sống như một con rùa lầm lũi nơi xó nhà.
Mãi cho đến một ngày nọ, khi mùa xuân đã tràn về khắp bản Hồng Ngài, Mị đã lén uống rượu, cô cứ thế uống ừng ực từng bát, rồi cũng vì vậy mà Mị say, chính cơn say này đã khiến sự khát khao cháy bỏng trong cô trỗi dậy. Mị nghe được tiếng sáo gọi bạn tình văng vẳng bên tai, những ký ức đẹp ngày xưa cứ thế ùa về, nào là cảnh Mị uống rượu bên bếp rồi thổi sáo, nhờ tiếng sáo ấy mà cô khiến bao chàng trai mê mệt.
Khi rượu đã tan, cũng chính là lúc Mị cảm thấy trong lòng phơi phới trở lại, cô thấy mình còn trẻ, mình cũng muốn được đi chơi. Cô ngẫm về cuộc hôn nhân không tình yêu của mình với A Sử mà lòng cảm thấy quặn thắt lại. Trong giây phút ấy, Mị trở nên yếu đuối, cô nghĩ nếu có nắm lá ngón trong tay, chắc mình sẽ ăn để cho chết ngay, để có thể giải thoát bản thân khỏi nghịch cảnh này.
Bằng ngôn từ bình dị, giọng văn nhẹ nhàng nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc, nhà văn Tô Hoài đã đem đến một cái nhìn đồng cảm nhất, xót xa nhất cho nhân vật Mị, cũng chính là đại diện cho những người phụ nữ đang chịu áp bức bóc lột bởi chế độ phong kiến miền núi lạc hậu, cổ hủ.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Mị
Để có thể hình dung rõ hơn về bố cục cũng như nội dung của bài phân tích Mị trong “Vợ chồng A Phủ”, mời các em cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy dưới đây nhé.
Sơ đồ phân tích Mị chi tiết nhất của VietJack.
Sơ đồ phân tích nhân vật Mị hay, ấn tượng nhất.
Sơ đồ tư duy dàn ý sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị.
Sơ đồ tư duy tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa đông, khi quyết định cứu A Phủ.
Trên đây, freetuts.net đã hướng dẫn cách lên dàn ý phân tích nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” chi tiết nhất, và còn chia sẻ thêm các bài văn mẫu hay nhất được chọn lọc. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại nhiều kiến thức hữu ích cho các em học sinh.
Đừng quên rằng tại chuyên mục Văn học của chúng tôi vẫn còn rất nhiều bài viết hay khác được cập nhật mỗi ngày đấy nhé, cùng tham khảo ngay nha.