Phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông và bài văn mẫu chọn lọc
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông chi tiết và chia sẻ một số bài văn, đoạn văn mẫu hay, đặc sắc nhất được tuyển chọn.
Phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông là một đề bài tập làm văn thường xuyên gặp trong các kỳ thi môn ngữ văn lớp 11 và kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, chắc hẳn còn nhiều bạn học sinh đang gặp khó khăn trong việc không biết nên phân tích tác phẩm này theo hướng nào, cần trình bày những nội dung quan trọng gì? Chính vì vậy, trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn các em lên dàn ý chi tiết để có thể phân tích bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông hay và dễ ghi điểm nhất nhé!
Phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông - Hoàng Phủ Ngọc Tường
Ai đã đặt tên cho dòng sông, dàn ý chi tiết.
Để làm một bài tập làm văn phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông hay và dễ ăn điểm nhất, các em cần lên một dàn ý thật chi tiết để liệt kê những nội dung cần phân tích, từ đó tránh việc bỏ sót các ý chính quan trọng. Dàn ý chi tiết như sau.
Phần mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
Ở phần mở bài, các em cần nêu được những nội dung quan trọng sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
- Giới thiệu về tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường: Có thể nói ông có xuất thân từ xứ Huế, có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà, ông thiên về thể loại bút ký,...
- Giới thiệu tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông: Được sáng tác vào năm 1981, in trong tập sách cùng tên. Nói sơ về nội dung hoặc phong cách của bài bút ký này.
- Hoặc các em có thể chọn cách mở bài Ai đã đặt tên cho dòng sông gián tiếp bằng lý luận văn học, đưa ra các dẫn chứng, bài thơ viết về dòng sông Hương để từ đó giới thiệu đến tác phẩm này.
Phần thân bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
Thân bài là một phần rất quan trọng của một bài tập làm văn, ở phần này, các em cần đi sâu phân tích những vấn đề chính sau:
Phân tích ý nghĩa nhan đề của bài bút ký:
- Tác giả muốn dẫn dắt người đọc đến với nguồn gốc xuất xứ của tên gọi sông Hương thông qua một huyền thoại của người dân làng Thành Chung.
- Đặt tên theo kiểu câu hỏi tu từ nhằm kích thích sự tò mò của độc giả về sự ra đời của tên gọi sông Hương.
- Và qua nhan đề này, tác giả cũng muốn thể hiện lòng biết ơn với những thế hệ ông cha đã gầy dựng nên một vùng đất yên bình như ngày nay.
Phân tích vẻ đẹp của dòng sông Hương qua hình tượng tự nhiên và văn hóa, lịch sử lâu đời:
Sông Hương dòng sông của thiên nhiên:
- Vẻ đẹp của sông Hương lúc ở thượng nguồn: Vượt qua bao ghềnh thác cheo leo, hiểm trở, được ví như bản trường ca của rừng già…
- Vẻ đẹp sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế: Có lúc mềm mại e ấp nhưng cũng có lúc dữ dội và táo bạo.
- Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy trong lòng tp Huế: được ví như một thiếu nữ e ấp đang say đắm bên người yêu.
- Vẻ đẹp sông Hương khi rời Huế: Mang chút gì đó lưu luyến và tiếc nuối.
Từ việc cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương theo nhiều góc độ khác nhau, rút ra được cái tài tình trong nghệ thuật của tác giả.
Sông Hương là một minh chứng của lịch sử:
- Sông Hương được ví là một chứng nhân lịch sử khi đã chứng kiến và trải qua biết bao đau thương và mất mát trong những cuộc chiến tranh.
- Bên cạnh đó, dòng sông này cũng góp sức trong các cuộc kháng chiến, giúp cho những người chiến sĩ lập được nhiều chiến công vang dội.
Sông Hương, một biểu tượng của văn hóa ngàn đời:
-
Sông Hương được ví như người mẹ phù sa, chứng kiến biết bao quá trình hình thành văn hóa độc đáo của xứ Huế, từ những câu hát ca trù, vọng cổ,...
Phân tích những nghệ thuật đặc sắc mà tác giả đã dùng trong tác phẩm:
- Sử dụng ngôn từ đầy tính gợi hình đem đến những liên tưởng độc đáo.
- Xây dựng hình tượng sông Hương qua nhiều góc độ.
- Ngôn ngữ đặc sắc, văn phong bình dị nhưng lại rất ấn tượng.
Phần kết bài Ai đã đặt tên cho dòng sông
Ở phần này, các em cần tóm gọn lại nội dung của bài bút ký, qua đó nêu lên cảm nhận của mình về bài viết này.
Sơ đồ tư duy phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông
Cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy sau để hình dung rõ hơn cách phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường nha.
Sơ đồ tư duy phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Sơ đồ tư duy phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông đoạn 1.
Sơ đồ tư duy phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông đoạn 2.
Sơ đồ tư duy phân tích bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông đoạn 4.
Sơ đồ tư duy phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông ngắn nhất.
Sơ đồ tư duy phân tích vẻ đẹp của dòng sông Hương trong Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Bài văn mẫu phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông hay nhất
Tổng hợp bài văn mẫu phân tích tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông hay nhất.
Cùng tham khảo một số bài văn, đoạn văn mẫu phân tích bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông hay nhất mà freetuts đã tuyển chọn được ngay bên dưới đây nhé!
Văn mẫu phân tích bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông của học sinh giỏi
Ai mà đã một lần đến với Huế mộng mơ, chắc hẳn đều chìm đắm trong vẻ đẹp nên thơ của dòng sông Hương, biểu tượng của vùng đất cố đô này, chắc có lẽ chính vì vậy mà nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho các thi sĩ. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho độc giả một bút ký rất ấn tượng “Ai đã đặt tên cho dòng sông” để miêu tả vẻ đẹp của dòng sông Hương.
Mở đầu đoạn trích, tác giả đã khẳng định rằng sông Hương là một trong những dòng sông đẹp nhất, và tiếp theo đó ông đã đi phân tích vẻ đẹp của dòng sông này qua từng không gian địa lý để cho người đọc có thể cảm nhận được một cách khách quan nhất. Trước khi chảy vào thành phố Huế, sông Hương đã trải qua những đoạn đường đầy gian khổ, những ghềnh thác cuộn xoáy khi xuyên qua lòng Trường Sơn mà được tác giả ví như một cô gái Di gan đầy phóng khoáng. Và chắc hẳn nhờ cánh rừng đã chế ngự được sự mạnh mẽ, ngang tàng của dòng sông để rồi khi đi ra khỏi khu rừng, sông Hương lại trở nên êm đềm và dịu dàng hơn bao giờ hết, nó mang đến phù sa cho những bãi bồi ven sông, đem đến nhiều sản vật quý cho người dân nơi nó chảy qua.
Tác giả đã thể hiện mình là một người vô cùng am hiểu địa lý và tự nhiên tại vùng đất này, khi ông có thể kể rõ ràng và rành mạch cung đường đi của con sông như “Từ ngã ba Tuần, sông Hương theo hướng nam bắc qua điện Hòn Chén, cấp Ngọc Tran, rồi chuyển hướng sang tây bắc, vòng qua thềm đất bãi Nguyệt Biểu….ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế”, chỉ trong một đoạn văn ngắn, tác giả đã đồng thời giới thiệu được những địa danh nổi tiếng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường rất tinh tế khi vừa miêu tả vẻ đẹp tự nhiên của dòng sông, vừa thể hiện được bề dày lịch sử của nó, khi mà con sông đã chứng kiến giấc ngủ ngìn năm của vua chúa, hay có lúc trầm mặc vì gặp tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngâm nga để rồi khi tìm đúng đường về với thành phố Huế, sông Hương trở nên vui tươi, uốn lượn nhẹ nhàng, mềm mại và thanh thoát giữa lòng cố đô.
Ngoài việc thể hiện mình rất am hiểu về địa lý, chúng ta có thể thấy tác giả cũng rất thông thạo về lịch sử, ông đã khái quát lại một bề dày lịch sử của xứ Huế từ thời các vua Hùng cho đến những bản trường ca kháng chiến đầy gian khổ vào cuối thế kỷ 19. Ông đã chắt lọc những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất để giúp cho độc giả thêm hiểu hơn về sông Hương và vùng đất nên thơ này.
Với sự kết hợp tài tình giữa thi ca và lịch sử nước nhà, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem đến cho người đọc một bút ký vô cùng đặc sắc và mang đậm chất riêng của mình, qua đó làm nổi bật nên vẻ đẹp của dòng sông Hương, và thể hiện được tình yêu quê hương của tác giả.
Bài văn mẫu phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông đoạn ở thượng nguồn
Chắc nhiều người sẽ nghĩ, dòng sông Hương của thành phố Huế luôn êm đềm và hiền hòa như con người ở mảnh đất cố đô này vậy, nhưng thực chất, để có được sự bình yên ấy, dòng sông này cũng đã từng rất dữ dội và hoang dã khi len lỏi qua các cánh rừng già. Điều này được Hoàng Phủ Ngọc Tường miêu tả rất rõ nét trong đoạn trích sông Hương ở thượng nguồn qua bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”
Sông Hương chảy trong lòng thành phố Huế sao mà dịu dàng, nên thơ đến vậy, tuy nhiên, khi phóng tầm mắt ra xa, trở về với cội nguồn thì Sông Hương đã có một bản tình ca đầy dữ dội với dãy Trường Sơn khi nó phải trải qua biết bao gềnh đá cheo leo, những con thác cuộn xoáy như cơn lốc. Sự mạnh mẽ và hoang dại này được tác giả miêu tả như một cô gái Di gan đầy phóng khoáng.
Qủa thật không biết diễn tả ngôn từ nào để có thể cảm ơn những cánh rừng già, bởi vì nhờ có những thử thách của thiên nhiên hoang dã nơi đây mà có thể “thuần hóa” được sự hoang dại, dữ dội của dòng sông này để rồi khi thoát khỏi cánh rừng, sông Hương được khoác lên mình một vẻ đẹp hiền hòa và dịu êm hơn cả được ví như “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.
Nếu không có Hoàng Phủ Ngọc Tường, chắc hẳn ít ai biết được nguồn gốc bắt nguồn của dòng sông và bản chất hoang dại vốn có của nó. Trong đoạn trích này, tác giả khéo léo sử dụng biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa và cả ẩn dụ để khắc họa một dòng sông Hương đầy sống động và mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Đoạn văn mẫu phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông, vẻ đẹp Sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những nhà văn tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông đã đóng góp cho nền văn học nước nhà nhiều tác phẩm bút ký, tùy bút hay và đặc sắc. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là một trong nhũng bút ký tiêu biểu nhất của ông, tác phẩm được viết vào năm 1981 và in trong tập bút ký cùng tên. Trọng đoạn trích này, ông đã giới thiệu cho độc giả một cái nhìn rất đa chiều về dòng sông Hương, và đoạn ấn tượng nhất có lẽ là khúc sông Hương ở ngoại vi thành phố Huế.
Ngay từ ở nhan đề của bài bút ký, tác giả đã sử dụng một câu hỏi tu từ để khơi gợi nên sự tò mò của người đọc khi muốn tìm hiểu, khám phá về nguồn gốc của cái tên sông Hương. Từ việc giải thích nguồn gốc của tên gọi, ông vừa giới thiệu được vẻ đẹp của dòng sông và cũng thể hiện được lòng yêu quê hương, đất nước của mình.
Với đoạn trích tả sông Hương đang chảy ở ngoại vi trước khi tiến vào thành phố Huế, tác giả đã thể hiện mình rất tinh thông địa lý khi kể vanh vách những địa danh, còn, hến mà dòng sông này đã chảy qua. Ông ví vẻ đẹp của dòng sông như “người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng” góp phần miêu tả sự mềm mại, uyển chuyển của dòng sông trước khi dòng chảy được biến hóa đầy linh hoạt qua “điện Hòn Chén, vấp Ngọc Trản rồi vòng qua Nguyệt Biểu, Lương Quán rồi đột ngồi vòng về hướng đông bắc ôm lấy chân đồi Thiên Mụ, xuôi dần về Huế,...” Trải qua bao vùng đất suốt bao năm tháng, sông Hương cũng dần trở thành một chứng nhân lịch sử khi chứng chiến giấc ngủ nghìn năm của vua chúa trong những lăng tẩm đồ sộ đầy u ám, hay cả một thời chiến tranh mưa rơi đạn lạc…
Qua đoạn trích ngắn này, tác giả đã thể hiện hết được tài năng cũng như sự uyên bác của mình về khía cạnh văn hóa, lịch sử và thi ca. Ông khéo léo kết hợp các biện pháp tu từ như nhân hóa, so sánh, ẩn dụ để khiến dòng sông vốn vô tri mà trở nên sống động hơn bao giờ hết, góp phần đem đến cho độc giả một tác phẩm vô cùng hay và ý nghĩa.
Phân tích ai đã đặt tên cho dòng sông đoạn sông Hương chảy trong lòng thành phố Huế
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn đầy tài năng của nền văn học nước nhà, với lối hành văn độc đáo, đậm chất riêng, ông đã đem đến cho người đời vô vàn những tác phẩm hay và ý nghĩa, trong đó phải kể đến “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” một bút ký xuất sắc làm nên tên tuổi cho ông. Với sự hiểu biết của mình, tác giả đã miêu tả vẻ đẹp của sông Hương từ nhiều góc độ khác nhau và đoạn văn nhất chắc có lẽ là đoạn kể về hành trình của sông Hương chảy trong lòng thành phố Huế.
Nếu như đoạn ở thượng nguồn, ta bắt gặp một sông Hương rất dữ dội và hoang dã thì khi xuôi về ngoại vi thành phố, dòng sông này trở nên hiền hòa hơn, e ấp hơn và để đến lúc chảy trong lòng cố đô Huế, con sông này mới thực sự phô ra hết những gì tuyệt vời nhất với “đường cong tuyệt mĩ của người con gái đẹp đang ngủ mơ màng chờ người đánh thức”.
Tác giả đã sử dụng biên pháp tu từ nhân hóa như “Sông Hương vui hẳn lên” để chỉ sự háo hức của dòng sông khi được đến với Huế sau một hành trình dài với đầy khó khăn, thử thách. Sông Hương uốn lượn mềm mại, mặt nước như một mặt hồ yên tĩnh, lững lờ trôi, những nhanh sông đào nhỏ mang nước sông Hương lan tỏa đi khắp thành phố, tưới mát cho những cánh đồng, những cây đa hay những xóm thuyền tấp nập. Hoàng Phủ Ngọc Tường còn ví điệu chảy của dòng sông như điệu “slow” dành riêng cho cố đô.
Qủa thực không sai khi nói sông Hương là biểu tượng của thành phố Huế, bởi vì dường như mọi hoạt động, hình ảnh của con người nơi đây đều gắn liền với dòng sông này, thậm chí nó còn được ví như người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, hay thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế trên sông Hương thì quả là “Tứ đại cảnh”.
Qua đoạn trích trên, chúng ta có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của dòng sông Hương khi chảy trong lòng thành phố Huế và nói lên được sự tự hào, trân trọng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người con xứ Huế với mảnh đất nên thơ này.
Qua bài viết trên, freetuts.net đã hướng dẫn cách lên dàn ý chi tiết cho bài phân tích Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường và chia sẻ một số bài văn mẫu hay để các em có thể tham khảo, từ đó có thêm nhiều ý tưởng hay cho bài văn của mình. Chúc các em học tốt. đạt kết quả cao nhé!