Phân tích người đàn bà hàng chài, lên dàn ý, văn mẫu siêu hay
Phân tích người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, hướng dẫn lập dàn ý phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài chi tiết và chia sẻ văn mẫu hay.
Phân tích người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một đề văn nghị luận rất hay và ý nghĩa, bởi nhân vật được xây dựng vô cùng đặc biệt và chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống.
Trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn các em học sinh lớp 12 cách lập dàn ý phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài chi tiết nhất và chia sẻ thêm các bài văn mẫu cùng sơ đồ tư duy cực hay, cực sáng tạo để giúp các em có thể dễ dàng hoàn thành bài tập làm văn này nha.
Dàn ý phân tích người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa”
Hướng dẫn lên dàn ý phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài ngắn gọn, đủ ý nhất.
Để có một bài phân tích người đàn bà làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” hay và đạt điểm cao nhất, các em cần lập được dàn ý với những nội dung cơ bản sau đây.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Mở bài phân tích người đàn bà làng chài
Ở phần mở bài, các em cần nêu được một số nội dung quan trọng sau đây:
- Giới thiệu tác giả Nguyễn Minh Châu và truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”
- Giới thiệu người đàn bà hàng chài.
Tham khảo:
Tiểu sử và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Minh Châu
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa và mẫu văn chọn lọc hay nhất
Thân bài phân tích người đàn bà hàng chài
Ở phần thân bài, các em hãy tập trung phân tích những nội dung chính dưới đây để tránh việc lạc đề nhé:
Ngoại hình của người đàn bà hàng chài:
- Người đàn bà vô danh, không có tên, trạc ngoài bốn mươi tuổi.
- Thân hình cao lớn, thô kệch, mặt rỗ vì mụn.
- Mái tóc bù xù, gương mặt mệt mỏi, tái ngắt sau một đêm thức trắng kéo lưới.
- Áo quần rách rưới, bạc phếch, nửa thân dưới thì ướt sũng vì nước biển.
Hoàn cảnh xuất thân của người đàn bà hàng chài:
-
Tuy gia đình thuộc hàng khá giả ở trong phố nhưng từ nhỏ đã là một đứa con gái có ngoại hình xấu xí nên không ai lấy.
- Có mang với anh con trai một nhà hàng chài hày đến nhà mình mua bả về đan lưới (chồng của cô lúc bấy giờ).
- Sau khi kết hôn, vì đẻ quá nhiều nên không lo đủ cơm ăn, áo mặc, phải vật lộn mưu sinh.
Hoàn cảnh hiện tại:
- Có tới mười đứa con nhỏ nheo nhóc, không đủ cơm ăn, áo mặc.
- Làm nghề chài lưới quanh năm bám biển.
- Suốt ngày bị chồng đánh đập, 5 ngày một trận nặng, 3 ngày 1 trận nhẹ.
Phân tích tính cách, phẩm chất đáng quý của người đàn bà hàng chài.
Là một người nhẫn nhục, cam chịu:
- Cho dù bị chồng đánh đập, mắng chửi nhưng không hề phản kháng hay chạy trốn.
- Thậm chí chấp nhận ngồi tù miễn không phải bỏ chồng.
Là một người mẹ thương yêu con vô bờ bến:
- Cô cắn răng chịu đựng tất cả sự dày vò, đánh chửi của chồng chỉ mong gia đình có một chỗ dựa vững chắc, con cái có cơm ăn, áo mặc.
- Mong con cái có một gia đình đầy đủ cả cha lẫn mẹ.
- Không muốn đứa con trai tên là Phát phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình để rồi căm thù bố của mình.
Là một người phụ nữ hiểu chuyện, bao dung:
- Mặc dù bị chồng đánh đập, hành hạ nhưng không hề trách móc chồng mà luôn đổ lỗi do bản thân mình đẻ quá nhiều.
- Cô còn thấy chồng mình cũng có nhiều lúc hiền lành, thương vợ con.
- Thấu hiểu nguyên nhân vì cuộc sống, vì hoàn cảnh đói nghèo nên đã làm tha hóa con người của chồng mình.
- Cảm thấy biết ơn vì chồng đã chấp nhận lấy người con gái xấu xí như mình.
- Nhận thức được tầm quan trọng của người đàn ông trong gia đình.
- Nhận thức được vai trò, thiên chức của người phụ nữ là đẻ con, nuôi con đến khi trưởng thành nên có khổ cung phải chấp nhận.
⟹ Từ những điều trên, có thể rút ra lý do vì sao người đàn bà hàng chài không chịu bỏ chồng, là vì gia đình cần một người trụ cột để chèo chống, những đứa con cần có một người cha.
Nhận xét về tính nghệ thuật trong việc miêu tả người đàn bà hàng chài:
- Đưa ra tình huống truyện vô cùng độc đáo.
- Khắc họa nhân vật chân thực, sống động với ngôn từ giản dị, dễ hiểu.
- Giọng văn có nhiều cảm thông.
Kết bài phân tích người đàn bà hàng chài
Một lần nữa khát quát lại giá trị, vai trò của người đàn bà hàng chài trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” và rút ra cảm nghĩ của bản thân về nhân vật này.
Văn mẫu phân tích người đàn bà hàng chài chọn lọc hay nhất
Tổng hợp bài văn mẫu phân tích người đàn bà làng chài hay, ấn tượng nhất.
Mời các em học sinh tham khảo qua một số bài văn mẫu phân tích người đàn bà làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” siêu hay, siêu ấn tượng mà freetuts đã tổng hợp dưới đây nha.
Phân tích vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài hay nhất nhất của học sinh giỏi
Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, ngoài nhiếp ảnh gia Phùng ra thì nhân vật người đàn bà hàng chài cũng đã để lại cho người đọc rất nhiều ấn tượng và suy ngẫm bởi sự lạc quan và thấu hiểu lẽ đời của người phụ nữ từng trải này.
Người đàn bà hàng chài vốn chẳng có lấy một cái tên, chỉ biết năm nay cô đã ngoài bốn mươi tuổi, có ngoại hình xấu xí, mụn rỗ cả mặt vì bị bệnh đậu mùa từ lúc còn nhỏ, dáng người thì thô kệch, thân hình cao lớn chuẩn một người phụ nữ lao động miền biển. Ngoài ra, gương mặt cô trông rất mệt mỏi, tóc tai bù xù, quần áo rách tả tơi, ướt sũng vì một đêm dài làm việc vất vả ngoài biển. Cô vốn sinh ra trong một gia đình khá giả ở trong phố, nhưng vì ngoại hình xấu xí nên chẳng ai thèm lấy, mãi sau này cô có mang với người đàn ông thường đến nhà mình mua bả về để đan lưới, đó là chồng của cô hiện nay.
Từ ngày lấy nhau về, cô sinh được hẳn mười đứa con, chúng nheo nhóc, sàn sàn tuổi nhau, chính vì điều này đã đặt nặng vấn đề cơm áo, gạo tiền lên vai người đàn bà hàng chài và chồng, dẫn đến họ phải vất vả mưu sinh kiếm ăn nhưng vẫn lâm vào cảnh đói nghèo và túng quẫn, dẫn đến người chồng vốn bản tinh hiền lành nay cũng chuyển sang cục súc, suốt ngày đánh đập, chửi mắng vợ mình không thương tiếc.
Mặc dù người đàn bà hàng chài phải chịu bao vất vả, khổ cực, 5 ngày một trận nặng, 3 ngày một trận nhẹ tuy nhiên người phụ nữ ấy luôn cắn răng chịu đựng, không hề kêu la, không hề phản kháng, cô chấp nhận để chồng mình trút nhưng cơn tức giận, muộn phiền lên người mình vì hơn ai hết, người đàn bà ấy hiểu rằng nguồn cơn bắt nguồn sự việc này là do bản thân mình đẻ quá nhiều, do áp lực cuộc sống, cơm áo, gạo tiền.
Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, người đàn bà hàng chài vẫn luôn nghĩ đến những đứa con thơ của mình, cô thậm chí van xin người chồng đưa mình lên bờ mà đánh, đừng đánh ở trên thuyền vì có lẽ cô sợ những đứa con chứng kiến cảnh bạo lực gia đình rồi sẽ bị ám ảnh tâm lý giống như Phát, đứa con trai cả của mình, chỉ vì chứng kiến cảnh cha đánh mẹ mà cậu bé đã ôm mối hận thù với người cha sâu sắc.
Thậm chí khi người đàn bà hàng chài được Phùng và Đẩu khuyên hãy ly hôn với người chồng vũ phu ấy đi, thì cô cảm thấy sợ hãi và van xin rằng “Con lạy quý tòa, quý tòa phạt con cũng được, bỏ tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Câu nói này quá đỗi nghịch lý trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, nó khiến cho Phùng và Đẩu cảm thấy thất vọng và vô cùng khó nghĩ. Nhưng hơn ai cả, đằng sau đó chứa đựng những lý do hết sức thuyết phục.
Tuy người đàn bà hàng chài có vẻ ít học, quê mùa nhưng thực chất cô lại là một người từng trải và thấu hiểu lẽ đời hơn ai cả. Cô giải thích rằng “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con,...”. Vâng, đúng thế thật, chài lưới vốn là một nghề rất vất vả khi phải đối mặt với gió to, sóng lớn, với đêm tối đầy nguy hiểm, thì lúc này, họ rất cần một người đàn ông to khỏe để làm chỗ dựa, để lèo lái con thuyền ấy.
Rồi cô còn hiểu được “Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn nên phải gánh lấy cái khổ”...Đọc đến đây, chắc hẳn không chỉ riêng nhà báo Phùng, chánh án Đẩu và các bạn đều hiểu lý do tại sao người đàn bà hàng chài ấy luôn cắn răng chịu đựng những trận đòn roi nghiệt ngã và nhất định không ly hôn chồng rồi đúng không nào. Bởi vì người đàn bà ấy không chỉ là một người vợ, mà cô còn là người mẹ của mười đứa con, cô hiểu rõ được thiên chức và nhiệm vụ của mình.
Có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, tình huống nào, người đàn bà hàng chài cũng suy nghĩ rất thấu đáo, đâu ra đó, cô nhìn cuộc đời với nhiều góc nhìn khác nhau để rồi chấp nhận nó mà không than vãn “Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được!”. Đến đây, có lẽ người đàn bà ấy đã khiến cho Phùng và Đẩu cảm thấy ngại ngùng, hổ thẹn vì những suy nghĩ thiển cận của mình, họ chỉ mới quan sát bề ngoài mà đã dám đưa ra những lời khuyên, nhận định một cách vội vã.
Qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, chúng ta có thể thấy được nhà văn Nguyễn Minh Châu đã rất thành công trong việc xây dựng nhân vật người đàn bà hàng chài, cô là hình mẫu, là đại diện cho những đức tính tốt đẹp nhất của người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ, một người mẹ luôn nghĩ cho những đứa con, một người vợ luôn vun vén cho hạnh phúc của gia đình. Cho dù cuộc sống đói nghèo có dồn họ vào đường cùng thì cũng không thể nào làm lu mờ đi những đức tính đẹp đẽ ấy.
Phân tích người đàn bà hàng chài tại tòa án huyện ấn tượng nhất
Nếu để nhận xét rằng đoạn văn nào đặc biệt nhất, làm nổi bật được tính cách tốt đẹp của người đàn bà hàng chài trong truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” thì đó chính là đoạn người đàn bà ở tòa án huyện. Những lời tâm sự, bộc bạch của người phụ nữ ấy đã khiến cho mọi người phải có cái nhìn khác về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ này.
Sau khi người đàn bà bị chồng bạo hành, đánh đập quá nhiều lần, cuối cùng cô cũng được Đẩu, chánh án tòa án huyện mời lên để tìm cách giải quyết hòng chấm dứt vấn đề này. Vì là lần đầu tiên đến nơi công sở nên người đàn bà tỏ vẻ sợ sệt và có phần rất lúng túng. Rồi khi nghe chánh án Đẩu nói rằng “Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu ! Chị nghĩ thế nào?”. Lúc bấy giờ, người đàn bà chỉ biết vái tay lia lịa rồi van xin rằng “Qúy tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó…”
Câu nói ấy khiến cho Đẩu và Phùng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và có phần thất vọng. Tuy nhiên, người đàn bà ấy đã cảm ơn ý tốt của cả hai, rồi cô bắt đầu giãi bày về cuộc đời của mình. Cô kể rằng từ nhỏ gia đình mình vốn khá giả, nhưng vì ngoại hình xấu xí mà chẳng ai thèm lấy cô, đến lúc cô có mang với anh thanh niên hàng chài hay đến nhà mình mua bả về đan lưới, đó chính là chồng của cô bấy giờ, nhưng lúc đó tính tình anh ta rất hiền lành, không bao giờ đánh đập cô cả.
Nhưng vì cô đẻ quá nhiều, chiếc thuyền lại quá nhỏ, biển động suốt mấy tháng trời khiến cả nhà toàn phải ăn cây xương rồng luộc trừ bữa. Chị cũng kể rằng trước đây hắn thường xuyên đánh đập chị trên thuyền, nhưng mãi sau này, khi mấy đứa con lớn hơn, chị xin hắn đưa mình lên bờ mà đánh. Nghe đến đây, Đẩu và Phùng cảm thấy vô cùng khó hiểu, nhưng người đàn bà giải thích rằng, các chú không biết đâu, “Đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sấp con”.
Lúc ấy, mọi người dường như vỡ lẽ ra nhiều điều, vâng, người đàn bà hàng chài trông ít học là thế, nhưng mà cô ấy lại là một người rất từng trải và thấu hiểu sự đời sâu sắc. Cô hiểu được thiện chí, ý tốt của Đẩu và Phùng khi họ muốn giải thoát cho cô, nhưng hơn ai cả, người phụ nữ ấy hiểu rằng, đối với cô, đối với những đứa con thì người chồng đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhờ có người chồng vũ phu ấy, những đứa con của cô mới có được những bữa ăn no, những tấm áo, quần lành lạnh. Chưa kể ngoài những lúc vũ phu ra thì gia đình cô cũng có những phút giây vui vẻ, quây quần bên nhau. Cô hiểu được chỉ vì đói nghèo mà đã khiến cho bản tính của chồng mình thay đổi, biến anh ta trở thành một người thường xuyên đánh đập vợ. Nhưng sâu trong đó, hắn vẫn hoàn thành tốt trách nhiệm của một người chồng, người cha.
Qua đoạn trích trên, tác giả Nguyễn Minh Châu đã cho chúng ta thấy được người đàn bà hàng chài thực chất là một người phụ nữ rất hiểu sự đời, cô cũng có một cái nhìn sâu sắc về những khía cạnh trong cuộc sống, những điều mà chưa chắc người học cao đã hiểu được. Bên cạnh đó, cô cũng là đại diện cho những người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó, suốt cuộc đời hy sinh, vất vả vì chồng, vì con.
Cảm nhận về người đàn bà làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” chọn lọc siêu hay
Đọc truyện “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu em cảm thấy vô cùng ấn tượng và cảm phục với nhân vật người đàn bà hàng chài, một người phụ nữ vừa chịu thương, chịu khó, vừa thấu hiểu lẽ đời và đem đến cho ta những triết lý, suy ngẫm về cuộc đời này.
Người dàn bà ấy vốn chẳng có lấy một cái tên, nhà văn Nguyễn Minh Châu chỉ gọi cô là người đàn bà hàng chài, chỉ người phụ nữ làm nghề chài lưới. Cô được miêu tả đã ngoài bốn mươi tuổi, gương mặt đầy rỗ, thân hình cao lớn, thô kệch chuẩn dáng dấp của một người phụ nữ chuyên làm việc vất vả. Gương mặt cô thì trông rất mệt mỏi, quần áo rách tả tơi, ướt sũng vì làm việc suốt đêm trên biển.
Những tưởng rằng sau một ngày làm việc vất vả, người đàn bà ấy sẽ có những phút giây nghỉ ngơi thế mà đâu ngờ rằng, khi vừa đặt chân lên đất liền, cô đã bị người chồng vũ phu chửi mắng, đánh đập một cách tàn nhẫn. Lạ lùng thay, chúng ta có thể thấy được người phụ nữ ấy cắn răng chịu đựng, không kêu la cũng chẳng hề phản kháng, chắc bởi lẽ cô đã cảm thấy quá quen với việc này rồi, bởi vì ít ai biết rằng cô 3 ngày chịu một trận đòn nhẹ, 5 ngày một trận nặng…
Vâng, lý do vì đâu mà người ta có thể đối diện bình thản với những cơn hành hạ xác thịt đến vậy? Bởi vì cô biết rằng tại mình đẻ quá nhiều, tại cuộc sống quá nghèo đói nên người chồng mới trở nên cục súc, thay đổi tính nết đến vậy, chứ trước đây hắn vốn là một người đàn ông hiền lành và chẳng hề mắng chửi, đánh đập vợ con bao giờ. Cô biết rằng những đứa con của mình cần có một người cha, chiếc thuyền nhỏ của cô cần có một người chồng để làm trụ cột, chèo chống con thuyền ấy vượt qua những khó khăn, giông bão.
Cô cũng hiểu rằng, thiên chức của mình là làm mẹ và phải lo được cơm ăn, áo mặc cho những đứa con, tất thảy những điều trên đã là một lý do, một cái cớ quá hoàn hảo cho việc tại sao cô thà chịu đựng những trận đòn, những lời mắng chửi của chồng còn hơn là phải ly dị hắn, chưa kể ngoài những lúc đó ra thì gia đình cô cũng có những phút giây rất vui vẻ và hạnh phúc bên chiếc thuyền nhỏ.
Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng người đàn bà hàng chài quả thật là một người mẹ vĩ đại nhất, tuyệt vời nhất. Cô luôn đặt lợi ích của những đứa con lên hàng đầu, miễn chúng có cơm ăn, áo mặc thì khổ cực đến mấy, tủi nhục đến mấy cô cũng chịu được, cô còn khẳng định rằng “Người đàn bà hàng chài chúng tôi sống cho con chứ không phải sống cho mình”. Bên cạnh đó cô cũng là một người vợ hiểu chuyện, sẵn sàng chấp nhận bị đánh để chồng được giải tỏa những nỗi u uất, bực dọc dồn nén trong lòng vì chị hiểu rằng chồng mình vốn không phải là kẻ vô tâm, tồi tệ.
Vâng, tìm đâu ra được một người phụ nữ hiểu chuyện, hiểu đời đến vậy được nữa. Cái nhìn sâu sắc của cô về cuộc đời đã khiến cho nhiếp ảnh gia Phùng cùng chánh án Đẩu và cả chúng ta cảm thấy kinh ngạc và có hơi hổ thẹn khi chỉ nhìn sự vật một cách phiến diện, một chiều. Cô cũng là đại diện cho những người phụ nữ với các đức tính tốt đẹp và cao quý nhất, quả thật đáng khâm phục và ngưỡng mộ người đàn bà hàng chài ấy.
Sơ đồ tư duy phân tích người đàn bà hàng chài trong đoạn trích “Chiếc thuyền ngoài xa”
Ngay bên dưới đây là một số sơ đồ tư duy phân tích người đàn bà làng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” cực sáng tạo và dễ hiểu, mời các em học sinh cùng tham khảo thêm nhé!
Sơ đồ dàn ý phân tích vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài.
Sơ đồ tư duy phân tích người đàn bà hàng chài nâng cao cực chi tiết.
Sơ đồ phân tích người đàn bà làng chài ngắn gọn.
Trên đây, freetuts.net đã hướng dẫn chi tiết cách lập dàn ý phân tích người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu và chia sẻ thêm một số bài văn mẫu cực hay cùng các sơ đồ tư duy sáng tạo, dễ hiểu, hy vọng đây sẽ là những kiến thức bổ ích đối với các em học sinh lớp 12.
Chúc các em học tốt, đạt kết quả cao, và hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo để cùng nhau tìm hiểu thêm nhiều kiến thức Văn học thú vị khác nha.