Từ láy là gì? Phân loại từ láy và các dạng bài tập liên quan
Từ láy là gì? Từ láy là một loại từ phức đặc biệt có 2 âm tiết, trong đó các tiếng sẽ có sự lặp về mặt âm thanh hay ngữ nghĩa, bao gồm từ láy toàn bộ và láy bộ phận.
Từ láy là một loại từ đặc biệt thường gặp trong các bài văn, bài thơ hoặc trong giao tiếp hàng ngày, vậy các em có thực sự hiểu từ láy là gì không nào? Nếu không hãy cùng freetuts tìm hiểu về khái niệm từ láy, phân loại cũng như một số bài tập liên quan đến loại từ này trong bài viết dưới đây nha.
Từ láy là gì có mấy loại từ láy?
Từ láy là một loại từ phức đặc biệt, có cấu tạo từ 2 tiếng trở lên.
Khái niệm từ láy là gì?
Từ láy là dạng đặt biệt của từ phức, có cấu tạo từ hai tiếng trở lên, trong đó các tiếng lặp lại nhau về mặt âm thanh hoặc ngữ nghĩa. Các tiếng trong từ láy có thể hoàn toàn giống nhau hoặc khác nhau một chút về âm thanh hoặc ngữ nghĩa. Từ láy thường chỉ có một từ có nghĩa hoặc không có từ nào có nghĩa khi đứng riêng lẻ một mình.
Ví dụ: Lấp lánh, thăm thẳm, long lanh, xào xạc, man mác,...
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Về mặt ngữ âm, từ láy có thể được chia thành hai loại chính như sau.
Từ láy toàn bộ
Đây là loại từ láy có hai tiếng giống nhau hoàn toàn về mặt vần và âm thanh, chẳng hạn như: xinh xinh, xanh xanh, ào ào,...nhằm nhấn mạnh sự vật, sự việc được nhắc đến.
Tuy nhiên sẽ có một số trường hợp từ láy toàn bộ có sự thay đổi về phụ âm cuối hoặc thanh điệu như: tim tím, thoang thoảng, thăm thẳm, mơn mởn,...
Từ láy bộ phận
Đây là loại từ láy có hai tiếng giống nhau một phần về mặt âm thanh hoặc vần:
- Láy âm: Là những từ được lặp lại phần âm như: xào xạc, mênh mông, ngơ ngác,...
- Láy vần: Là những cụm từ có phần vần được lặp lại như: đìu hiu, liêu xiêu, chênh vênh,...
Trong hai loại từ láy thì từ láy bộ phận là phổ biến hơn cả bởi vì chúng dễ sử dụng trong việc phối âm, phối vần hơn.
Công dụng của từ láy trong văn học và giao tiếp
Công dụng của từ láy trong văn học.
Vậy là các em đã hiểu từ láy là gì rồi đúng không nào, bây giờ hãy cùng freetuts tìm hiểu về công dụng của loại từ này trong văn học hoặc trong giao tiếp hàng ngày nha.
Tạo âm điệu cho câu văn
Từ láy có thể tạo nên âm điệu cho câu văn, giúp câu văn trở nên nhịp nhàng, mềm mại và tượng thanh hơn.
Ví dụ: "Trong đêm khuy thanh vắng, tiếng gió xào xạc ngoài hiên như một bản nhạc du dương."
Miêu tả sự vật, sự việc một cách sinh động
Từ láy có thể giúp miêu tả sự vật, tính chất, trạng thái hoặc hoạt động một cách sinh động và cụ thể hơn, qua đó, người đọc sẽ có cái nhìn đa chiều hơn về sự vật, sự việc đó.
Ví dụ: "Mái tóc cô ấy mềm mại như nhung."
Tạo điểm nhấn, không khí cho câu văn
Từ láy có thể giúp tạo không khí, điểm nhấn cho một câu văn, giúp người đọc hoặc người nghe cảm nhận được bầu không khí của sự vật, hiện tượng được nhắc đến.
Ví dụ: "Trong màn đêm u tối, tiếng chim cú kêu thảm thiết."
Phân biệt từ láy và từ ghép
So sánh sự khác nhau giữa từ láy và từ ghép.
Để có thể phân biệt được từ láy và từ ghép thì trước tiên chúng ta phải tìm hiểu từ ghép là gì? Thế nào là từ ghép? Từ ghép là từ được cấu tạo bằng cách ghép các từ ngữ có cùng quan hệ, hoặc ý nghĩa tương đồng lại với nhau.
Vậy các em đã biết từ láy là gì từ ghép là gì rồi đúng không nào, bây giờ hãy cùng so sánh và phân biệt 2 loại từ này nha:
So sánh |
Từ láy |
Từ ghép |
Ví dụ minh họa |
Nghĩa của từ |
Từ láy thường chỉ có 1 từ có nghĩa hoặc không có từ nào có nghĩa nếu đứng một mình cả. |
Từ ghép được tạo thành từ 2 từ có nghĩa riêng biệt, và chúng hoàn toàn có thể đứng độc lập trong câu. |
Từ ghép “quần áo” thì cả từ quần, áo đều có nghĩa. Từ láy “xôn xao” thì 2 từ xôn, xao không có nghĩa khi đứng một mình. |
Cấu tạo |
Được tạo thành từ các từ giống nhau về vần, phụ âm đầu, hoặc giống nhau hoàn toàn. |
Hai từ tạo thành từ ghép thì không có sự giống nhau về âm hoặc vần. |
Từ láy “quyến luyến” giống nhau về vần “uyên”. Từ ghép “ông bà” không có sự giống nhau về cả âm lẫn vần. |
Đảo ngữ |
Từ láy khi đảo ngữ thì chúng hoàn toàn không có ý nghĩa |
Từ ghép khi đảo ngữ thì chúng vẫn có nghĩa và nghĩa hầu như không bị thay đổi |
Từ láy “xanh xao” khi đổi thành “xao xanh” thì hoàn toàn vô nghĩa. Từ ghép “thầy cô” khi đảo ngữ thành “cô thầy” vẫn giữ nguyên nghĩa. |
Các dạng bài tập liên quan đến từ láy
Bây giờ, chắc hẳn các em đã nắm vững được khái niệm từ láy là gì và các loại từ láy rồi đúng không nào, bây giờ hãy vận dụng những kiến thức này để đi giải một số dạng bài tập ngay bên dưới đây nha.
Dạng 1: Tìm từ láy trong đoạn văn, khổ thơ
Ví dụ 1: Tìm các từ láy xuất hiện trong đoạn thơ sau:
"Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng…"
(Trích Lượm - Tố Hữu)
Trong khổ thơ trên, tác giả đã sử dụng các từ láy là: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh để miêu tả về cậu bé Lượm.
Ví dụ 2: Tìm những từ láy trong câu ca dao sau
"Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng,
mênh mông bát ngát
Đứng bền tê đồng ngó bên ni đồng
bát ngát mênh mông
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai."
(Trích ca dao, tục ngữ Việt Nam)
Trong câu ca dao trên, có các cụm từ láy là: mênh mông, bát ngát, phất phơ.
Dạng 2: Phân biệt từ láy toàn bộ và từ láy bộ phận
Ví dụ: Trong các cụm từ sau, từ nào là từ láy toàn bộ, từ nào là từ láy bộ phận:
Xào xạc, xao xuyến, cập rập, biêng biếc, dần dần, lan man, thoăn thoắt, xa xa, thăm thẳm, ào ào, chôm chôm, loáng thoáng, mềm mềm.
Đáp án:
- Từ láy toàn bộ: xa xa, mềm mềm, chôm chôm, ào ào, dần dần, thăm thẳm,
- Từ láy bộ phận: xao xuyến, xào xạc, cập rập, lan man, loáng thoáng, biêng biếc, thoăn thoắt.
Dạng 3: Phân biệt từ láy và từ ghép
Ví dụ:
Hãy sắp xếp các cụm từ sau vào các cột từ láy, từ ghép tương ứng:
Mênh mông, giản dị, thoăn thoắt, sách vở, cha mẹ, châm chọc, tươi tắn, mê mẩn, phương hướng, hung dữ, lủng củng, thanh cao, thẳng thắn.
Đáp án:
Từ láy |
Từ ghép |
Mênh mông, thoăn thoắt, châm chọc, tươi tắn, mê mẩn, lủng củng, thẳng thắn. |
giản dị, sách vở, cha mẹ, phương hướng, hung dữ, thanh cao. |
Như vậy, qua bài viết trên, freetuts.net đã giải đáp từ láy là gì? công dụng, phân loại từ láy, cách phân biệt từ láy và từ ghép cùng một số dạng bài tập liên quan. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho các em, chúc các em học tập tốt, đạt kết quả cao nhé!