Phân tích nhân vật Thị Nở trong Chí Phèo chọn lọc hay nhất
Phân tích nhân vật Thị Nở, hướng dẫn lên dàn ý phân tích Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo chi tiết nhất và chia sẻ các bài văn mẫu siêu hay.
Ngoài Chí Phèo thì Thị Nở là một nhân vật quan trọng trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao nên phân tích nhân vật Thị Nở cũng là một đề tập làm văn khá là thú vị đối với các em học sinh lớp 11. Nếu các em đang phân vân không biết làm sao để có thể viết được bài văn phân tích Thị Nở hay và đạt điểm cao nhất thì hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của freetuts để tìm hiểu cách lên dàn ý và tham khảo các bài văn mẫu hay, ấn tượng nhất nha.
Dàn ý phân tích nhân vật Thị Nở ngắn gọn nhất
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích Thị Nở trong Chí Phèo chi tiết nhất.
Cùng tìm hiểu về một dàn ý chi tiết cho bài phân tích Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao ngay bên dưới đây nhé.
Mở bài phân tích Thị Nở
Trong phần mở bài, các em cần nêu được những nội dung cơ bản như sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
- Giới thiệu về nhà văn Nam Cao
- Giới thiệu về tác phẩm Chí Phèo
- Giới thiệu khái quát về nhân vật Thị Nở
Tham khảo: Lịch sử và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao
Thân bài phân tích Thị Nở
Đối với nội dung phần thân bài, các em cần chú trọng đi sâu phân tích, nhận xét về những ý chính sau:
Tóm tắt nhân vật Thị Nở:
- Lai lịch của nhân vật Thị Nở: Một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, ế chồng, xuất thân nghèo khổ, gia đình không có ai ngoài một bà cô họ hàng xa, nhà có mả hủi,
- Thị Nở được miêu tả là người như thế nào? Ngoại hình của Thị Nở được ví von một cách trần trụi là “xấu đến ma chê quỷ hờn”, khuôn mặt ngắn, vuông, hai má hóp vào nhau, chiếc mũi to, đỏ, ngắn và sần sùi như vỏ cam.
- Tính cách của Thị Nở: Được bà cô miêu tả là hâm hâm, dở dở.
⟹ Từ những điều trên, chúng ta dễ dàng nhận ra, Thị Nở có một hoàn cảnh hết sức khó khăn cùng với ngoại hình không ưa nhìn nên cô khó có được hạnh phúc.
Phân tích phẩm chất tốt đẹp của Thị Nở:
- Sau buổi tối định mệnh hôm đó, Thị Nở hết sức quan tâm tới Chí Phèo, cô sợ hắn ốm ngỏm ra đó nên cũng ra sức chăm sóc hắn.
- Thị Nở nấu cháo hành cho Chí khi thấy hắn bị trúng gió, cô ân cần bưng cho hắn một bát cháo thơm phức, nóng hổi.
- Thị Nở nhìn Chí Phèo một cách trìu mến có phần thương hại và nghĩ rằng “ai dám bảo đó là cái thằng Chí Phèo vẫn đập đầu, rạch mặt, ăn vạ…”, thậm chí thị còn cười tin cẩn.
- Thị nở cảm thấy rất bằng lòng khi thấy Chí Phèo tỉnh táo và hiền lành như thế.
- Sự quan tâm của Thị Nở dành cho Chí như một liều thuốc quý giúp chữa lành tâm hồn và thể xác vốn không còn vẹn nguyên của Chí, giúp cho hắn có một niềm tin, một điểm tựa để tìm về với sự lương thiện.
Phân tích tâm trạng Thị Nở sau khi bị bà cô ngăn cấm:
- Khi nghe bà cô ngăn cấm, chửi rủa vì Thị lại đi phải lòng Chí Phèo, ban đầu thì cảm thấy tức tối, nhưng cô cũng không thể phản kháng mà chỉ biết im lặng lắng nghe.
- Sau đó, Thị chạy ngay tới nhà “nhân ngãi”, thị cứ thế trút hết cơn tức giận lên Chí Phèo, cô kể lại hết những lời bà cô nói rồi sau đó ngoay ngoáy cái mông đi về mặc cho Chí gọi với theo.
⟹ Tình cảm Thị Nở dành cho Chí Phèo là thật, nhưng vì bản tính hâm hâm dở dở, cô cũng biết nghe lời bà cô của mình nên đã quyết định chấm dứt mối tính chớm nở với Chí Phèo.
Nhận xét về nhân vật Thị Nở:
Thị Nở là một nhân vật quan trọng trong truyện ngắn Chí Phèo, cô cũng chính là người đã góp phần cho bi kịch của Chí trở nên đắt giá hơn, sâu sắc hơn.
Kết bài phân tích Thị Nở
Nêu ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật miêu tả nhân vật Thị Nở.
Rút ra ý nghĩa, hình tượng của nhân vật Thị Nở, và qua đó nhà văn Nam Cao muốn truyền đạt điều gì.
Văn mẫu phân tích nhân vật Thị Nở hay nhất được chọn lọc
Một số bài văn mẫu phân tích Thị Nở hay và ấn tượng nhất.
Ngay bên dưới đây là một số bài văn mẫu phân tích Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo hay nhất được freetuts chọn lọc kỹ lưỡng, mời các em cùng tham khảo ngay nhé.
Phân tích nhân vật Thị Nở hay nhất HSG
Thị Nở được miêu tả là môt người phụ nữ có ngoại hình xấu xí, khuôn mặt ngắn tũn nhưng lại có bề ngang rất bè, hai má hóp vào cùng chiếc mũi to, đỏ, lúc nào trông cũng sần sùi và đỏ ửng. Cô có tính cách hâm hâm, dở dở, có vẻ không được bình thường cho lắm. Ngoài ra, Thị Nở cũng không có ai than thích ngoài một bà cô già họ hàng xa. Có lẽ chính những điều trên là nguyên nhân dẫn đến việc Thị Nở đã ngoài ba mươi nhưng vẫn ế chỏng ế chơ, chẳng ma nào thèm.
Không giống như những truyện ngắn hay tuồng, chèo khác, nhà Văn Nam cao miêu ta ngoại hình Thị Nở có phần xấu xí, kỳ dị không nhằm mục đích mang lại tiếng cười mua vui cho khán giả, cho người đọc mà có lẽ ông muốn làm nổi bật lên được tính cách, nội tâm đầy sâu sắc của thị, và quan trọng hơn cả là chỉ có một người phụ nữ xấu xí như vậy mới dám yêu kẻ không ra gì như Chí Phèo.
Ngay sau buổi tối định mệnh với Chí Phèo, Thị Nở cũng vui vẻ lạ thường, cô cũng tỏ ra quan tâm, lo lắng khi thấy hắn bị ốm và nôn mửa, đầu tiên cô dìu hắn lên chõng, đắp chiếu cho hắn rồi mới ra về. Sáng hôm sau, Thị quyết định nấu một bát cháo hành để sang thăm hắn.
Sau sự việc đó, Thị vốn nghĩ cô và hắn đã như vợ chồng, vì chỉ có vợ chồng mới làm chuyện ấy với nhau, nghĩ lại thì cô còn ngượng chín cả mặt, nhưng cũng có vẻ là thích thú và phấn chấn lắm, vì ít ra, sau hơn ba mươi cái tuổi xuân, lần đầu tiên có người đàn ông chấp nhận cô. Có lẽ cũng chính vì lý do ấy, mà Thị Nở vốn hâm hâm dở dở lại có một ước mơ về một gia đình hạnh phúc với Chí Phèo.
Tình yêu giữa Thị Nở và Chí Phèo đã nảy nở như thế đó, tuy giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa. Chính Thị và bát cháo hành đã khiến cho “con quỷ của làng Vũ Đại” thức tỉnh, khiến cho Chí Phèo từ bỏ những điều xấu xa để quay trở về thành người lương thiện. Và có lẽ tình yêu ấy cũng phần nào tưới mát tâm hồn cằn cỗi bấy lâu của Thị Nở.
Tuy nhiên, vì sự hâm hâm, dở dở của mình mà chuyện tình giữa Thị và Chí đang mặn nồng thì cô quyết định tạm dừng để hỏi ý kiến bà cô già - người thân duy nhất của mình. Và sau khi nghe bà cô chửi rủa, cấm cản, thì tình yêu của Thị Nở và Chí Phèo không thắng nổi định kiến của xã hội, chính vì thế cô quyết định chấm dứt với hắn một cách quyết liệt nhất.
Nhà văn Nam Cao đã rất thành công trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Thị Nở, một người phụ nữ không đẹp người nhưng lại “đẹp nết”, cô tuy xấu xí thật nhưng ngẫm rằng cả làng Vũ Đại có ai dám như Thị, có ai dám cứu vớt cuộc đời Chí Phèo và cho hắn một tia hy vọng như cô!
Nêu cảm nhận của em về nhân vật Thị Nở chọn lọc hay nhất
Nam Cao là một trong những nhà văn chuyên viết về cuộc sống của người nông dân trước cách mạng tháng tám. Những tác phẩm của ông phản ánh rất gần gũi và chân thực với lời văn hết sức giản dị. Điển hình nhất là “Chí Phèo”, một trong những kiệt tác của nền văn học nước nhà. Và hơn cả, bên cạn nhân vật Chí Phèo thì Thị Nở cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên sự thành công cho bộ truyện này.
Chắc hẳn các bạn đã đôi ba lần nghe đến sự ví von là “xấu như Thị Nở” đúng không nào? Vậy nhan sắc của Thị Nở ra sao mà được lấy làm chuẩn mực cho cái xấu? Thị Nở trong “Chí Phèo” được Nam Cao miêu tả vô cùng trần trụi rằng cô có ngoại hình vô cùng xấu xí, xấu đến độ ma chê, quỷ hơn, gương mặt vuông vắn, chiếc mũi thấp tẹt, to bè còn nổi sần sần, hai má hóp vào,...nói chung là cô sở hữu một nhan sắc mà khiến cho đàn ông phải lắc đầu và không ai thèm để ý.
Bên cạnh ngoại hình xấu xí, tính cách hâm hâm, dở dở của Thị cũng được tác giả đề cập đến nhiều lần. Ngoài ra, Thị Nở cũng không cha, không mẹ, không người thân thích ngoài một bà cô già ở xa. Vâng, chính sự nghèo khổ cộng với ngoại hình xấu xí, tính cách dở người đã làm cho cô dù đã ngoài ba mươi nhưng vẫn ế chồng.
Phải chăng, nhà văn Nam Cao xây dựng hình ảnh Thị Nở với tính cách như vậy, ngoại hình như vậy để đem lại tiếng cười cho mọi người ư? Tuy nhiên, không phải đâu nhé, ông xây dựng nhân vật Thị Nở như vậy là có lý do cả, ông muốn minh chứng cho câu nói mặc dù ngoại hình xấu xí nhưng tâm hồn, phẩm chất lại rất đỗi trân quý.
Qủa đúng là như vậy, Thị Nở là người đi ngược với đám đông, khi cả thảy làng Vũ Đại xa lánh, sợ hãi Chí Phèo thì cô lại lao vào người đàn ông dở người này không chút vụ lợi và tính toán. Sau buổi tối ngày hôm ấy, Thị Nở trở nên lo lắng cho Chí Phèo hơn, cô thậm chí còn chạy đôn, chạy đáo đi tìm gạo để nấu cho hắn một bát cháo hành. Vâng, bát cháo hành này không chỉ giúp hắn giải cảm, mà nó còn là bước ngoặt giúp cho Chí Phèo thức tỉnh, giúp cho hắn khát khao được làm người lương thiện.
So với sự hung dữ, bết bát của một kẻ chuyên rạch mặt ăn vạ, thì Thị Nợ lại cảm thấy Chí Phèo những lúc tỉnh khá là hiền lành và đáng thương hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, tưởng chừng như cả hai người sẽ có một gia đình hạnh phúc, một cái kết có hậu, nhưng vì sự hâm hâm dở dở của Thị Nở cộng với việc bà cô già ngăn cấm mà niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của hai người đã vụt tắt sau một thời gian ngắn lóe lên.
Với giọng văn hết sức gần gũi, Nam Cao đã xây dựng được những nhân vật chứa đựng nhiều cảm xúc và suy ngẫm, những nhân vật đại diện cho lớp người bần cùng, cực khổ trong xã hội phong kiến lúc bấy giờ, họ tuy xấu xí về ngoại hình, nhưng ấn sâu trong đó ai cũng khát khao được một lần sống trọn vẹn và đúng nghĩa. Nhân vật Thị Nở không chỉ góp phần giúp cho truyện ngắn “Chí Phèo” trở nên hấp dẫn hơn, đặc sắc hơn mà cô còn để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Phân tích vai trò của nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo
“Chí Phèo” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nam Cao với chủ đề phản ánh cuộc sống nghèo khổ của người nông dân trong xã hội phong kiến giai đoạn trước cách mạng tháng tám. Ngoài nhân vật chính là Chí Phèo thì có một nhân vật nữ cũng để lại nhiều ấn tượng và đóng vai trò quan trọng trong bộ truyện này đó chính là Thị Nở.
Thị Nở được miêu tả là một cô gái vô cùng xấu xí, với ngoại hình khác lạ khiến cho đàn ông phải lắc đầu, tránh xa, thậm chí, cô còn được lấy làm quy chuẩn cho cái đẹp trong xã hội thông qua câu nói “Xấu như Thị Nở”. Không những thế, tính cách của Thị cũng hâm hâm, dở dở, chẳng giống ai. Vâng, lý do nào mà nhà văn Nam Cao lại xây dựng hình tượng một người đàn bà xấu đến vậy? Phải chăng vai trò của cô chỉ dừng lại ở việc mua vui, đem lại những tiếng cười trào phúng ư?
Sau những việc làm sai trái của Chí Phèo khiến cho cả xã hội quay lưng với hắn thì duy nhất chỉ có một mình Thị Nở là đối xử với hắn như một con người, chỉ có thị là người quan tâm xem hắn sống hay chết, thậm chí là còn nấu cháo giúp hắn giải cảm.
Thị Nở thế mà lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong truyện ngắn “Chí Phèo”, cô chính là người đã đánh dấu bước chuyển biến lớn trong sự thay đổi của Chí Phèo, nhờ có tình yêu của Thị Nở, nhờ bát cháo hành ấy mà Chí Phèo đã thức tỉnh, hắn muốn được sống và làm người một cách đúng nghĩa, muốn trở thành người lương thiện. Có thể nói, Thị Nở là một liều thuốc giúp Chí Phèo chữa lành những vết thương về tâm hồn và cả những vết rạch trên thân xác hắn.
Có thể nói nhân vật Thị Nở cũng thành công và không kém phần quan trọng như nhân vật chính Chí Phèo, cô là đại diện cho những người phụ nữ tuy xấu xí nhưng lại có một tâm hồn thanh cao, một tấm lòng nhân hậu khiến cho người đọc phải ấn tượng sâu sắc. Đây có lẽ là giá trị nhân văn cao đẹp nhất mà nhà văn Nam Cao muốn truyền tải trong tác phẩm của mình.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Thị Nở
Mời các em học sinh cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy phân tích Thị Nở hay và chi tiết ngay bên dưới đây nhé.
Sơ đồ phân tích nhân vật Thị nở ấn tượng, chi tiết nhất.
Sơ đồ cảm nhận về nhân vật Thị Nở ngắn gọn nhất.
Qua bài viết trên, freetuts.net đã hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích nhân vật Thị Nở chi tiết nhất và chia sẻ thêm các bài văn mẫu hay, ấn tượng, hy vọng với những kiến thức này, các em học sinh lớp 11 sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn với đề tập làm văn này.
Nếu muốn tìm hiểu thêm nhiều tác phẩm ngữ văn hay đề bài tập làm văn thú vị khác, các em hãy ghé chuyên mục Văn học của chúng tôi ngay nha.