Phân tích Làng Kim Lân, dàn ý và mẫu văn chọn lọc hay nhất
Hướng dẫn cách lập dàn ý bài phân tích Làng Kim Lân và chia sẻ một số sơ đồ tư duy cùng các bài văn mẫu hay đạt điểm cao nhất. Mời các em cùng tham khảo ngay nhé!
Phân tích Làng Kim Lân là một đề nghị luận văn học rất hay và thú vị đối với các em học sinh lớp 9, nó còn xuất hiện nhiều lần trong các kỳ thi quan trọng như tốt nghiệp THCS, thi đầu vào THPT,...Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều em học sinh không biết nên phân tích những nội dung gì, hình ảnh nào để đạt điểm cao nhất, chính vì thế trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn các em chi tiết cách lập dàn ý cho bài văn phân tích truyện ngắn Làng sao cho hay và ấn tượng nhất nha.
Dàn ý phân tích Làng Kim Lân chi tiết nhất
Hướng dẫn lên dàn ý phân tích bài Làng của Kim Lân.
Cùng tìm hiểu những nội dung quan trọng cần có trong dàn ý bài phân tích Làng của Kim Lân ngay bên dưới đây nhé.
Phần mở bài phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân
Đối với phần mở bài, các em có thể chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy theo khả năng và sở thích của bản thân, tuy nhiên cần có những nội dung quan trọng sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
- Giới thiệu về tác giả Kim Lân: Phong cách văn thơ như thế nào?, chuyên viết về đề tài gì?
- Giới thiệu truyện ngắn Làng: Truyện được viết trong thời gian nào, nội dung của đoạn trích thể hiện nội dung gì?
Phần thân bài phân tích đoạn trích Làng - Kim Lân
Để tránh bỏ sót ý ở phần thân bài, các em hãy phân tích theo hướng sau:
Tình huống truyện ngắn Làng:
- Ông Hai vốn là một người có tình yêu làng, yêu nước mãnh liệt, ông rất tự hào về ngôi làng chợ Dầu của mình, tuy nhiên khi ông đang ở nơi tản cư thì đột nhiên nghe đồn hung tin làng của ông đã theo giặc.
- Tình huống này đã đem đến những giằng xé trong nội tâm, suy nghĩ của ông Hai, khiến cho tâm trạng của ông thay đổi theo nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, đem đến sự kịch tính cho truyện ngắn.
Phân tích tình yêu làng, yêu quê hương, đất nước của ông Hai:
Cuộc sống của ông Hai khi ở nơi tản cư:
- Mặc dù đang ở nơi di tản, nhưng ông Hai luôn đau đáu nhớ về làng chợ Dầu, nhớ về những ngày tháng được làm việc, được cống hiến hết mình cho cách mạng của ông và những người dân ở đây.
- Ông rất tự hào về ngôi làng của mình bằng chứng là ông khoe với mọi người về ngôi làng anh dũng của mình.
- Khi nghe tin chiến thắng, ông rất vui mừng
Qua đó, thể hiện ông Hai là một người có lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn.
Sự thay đổi tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng theo giặc:
Khi vừa nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ những người ở miền xuôi lên:
- Ông sững người, xấu hổ đến nỗi da mặt tê rân rân, cổ họng nghẹn đắng tưởng chừng như không thở được.
- Sau đó ông giả vờ lảng ra khỏi đám đông, cúi gằm mặt, đi một mạch về nhà, trong đầu còn hoang mang với đủ thứ suy nghĩ.
Khi ông Hai về đến nhà:
- Ông chán nản, nằm vật ra giường, nhìn những đứa con rồi ứa nước mắt.
- Ông thương thay cho số phận của những đứa con rồi sẽ bị gắn mác là người của làng Việt gian, ông sợ chúng sẽ bị người ta hắt hủi.
- Đến cả vợ ông cũng trở về nhà trong tâm trạng chán nản.
- Những ngày sau đó, ông không dám ra khỏi nhà, chỉ cố gắng nghe ngóng tình hình xung quanh, chỉ một đám đông tụm 5 tụm bảy cũng khến ông chột dạ, lo lắng vì sợ mọi người đang bàn tán về làng chợ Dầu của mình.
- Ông nghĩ đến tương lai rồi gia đình mình sẽ ra sao khi quay trở về làng thì không được, mà ở lại thì mụ chủ nhà cũng tìm cớ đuổi đi.
- Trong khi trò chuyện với đứa con út, ông đã thể hiện rõ lập trường của bản thân, mặc dù ông rất yêu Làng, nhưng Làng theo Tây thì phải bỏ, phải thù.
Tâm trạng của ông Hai khi nghe tin cải chính, làng chợ Dầu không theo giặc:
- Khi nghe được tin cải chính từ ông chủ tịch làng chợ Dầu, tâm trạng ông Hai thay đổi rõ rệt, ông vui sướng hân hoan, tự hào khoe khắp nơi, rằng làng mình không theo giặc.
- Thậm chí khi ngôi nhà của ông bị giặc “đốt nhẵn” ông cũng không tiếc nuối mà ngược lại cảm thấy tự hào, vì nó chứng tỏ làng của ông không phải là Việt gian.
- Không chỉ ông Hai mà tất cả mọi người, kể cả mụ chủ nhà cũng tỏ ra vui mừng.
Qua đó, cho ta thấy tinh thần yêu nước nồng nàn, vượt lên cả những sự mất mát về của cải, vật chất.
Kết bài phân tích tác phẩm Làng của Kim Lân
Ở phần kết bài, một lần nữa các em hãy nhận xét về tính nghệ thuật sử dụng trong truyện ngắn và nêu lên giá trị, nội dung cốt lõi của tác phẩm nhé.
Văn mẫu phân tích Làng Kim Lân hay, ý nghĩa nhất
Tổng hợp văn mẫu phân tích bài Làng hay nhất.
Cùng tham khảo một số bài văn, đoạn văn mẫu phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân siêu hay mà freetuts đã tổng hợp ngay bên dưới đây nhé.
Phân tích Làng hay nhất của học sinh giỏi
Đề bài: Viết bài viết nghị luận về tác phẩm truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.
Bài viết:
Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tinh thần yêu nước luôn là một đề tài được nhiều nhà văn, nhà thơ lấy làm chủ đề chính cho các tác phẩm của mình. Và nhà văn Kim Lân cũng vậy, bằng cách xây dựng tình huống độc đáo trong tác phẩm Làng ông đã thể hiện được tinh thần yêu nước bất diệt của nhân vật ông Hai.
Tác phẩm Làng được trích trong tập văn tuyển tập năm 1945 - 1956, Kim Lân đã xây dựng một tình huống vô cùng gay cấn từ đó đã bộc lộ được những cung bậc cảm xúc khác nhau của nhân vật ông Hai.
Ông Hai có xuất thân từ làng chợ Dầu, vì chiến tranh nên ông buộc phải đi tản cư tại vùng đất mới, mặc dù ở đây rất an toàn và nhàn nhã nhưng ông luôn đau đáu nhớ về làng chợ Dầu, nhớ về những ngày tháng được cống hiến hết mình cho cách mạng cùng những người dân ở đây. Ông luôn tự hào mình là một người con của ngôi làng có tình yêu nước bất diệt, ông rất hay kể cho mọi người ở nơi tản cư nghe về những việc mà mình cùng các anh em đã làm để ủng hộ cách mạng, ủng hộ cụ Hồ. Bên cạnh đó, ông cũng rất quan tâm về tin tức kháng chiến, chỉ cần nghe tin quân mình đánh thắng quân địch là lòng ông lại vui như mở cờ trong bụng.
Tuy nhiên, trong một lần khi những người đi di tản kể rằng làng chợ Dầu của ông là Việt gian, cả làng đã theo giặc, thì tâm trạng của ông đột nhiên rối bời, cổ họng ông lão nghẹn đắng lại, tai như ù đi, ông phải hỏi đi hỏi lại thông tin có chính xác không, sau đó ông cảm thấy xấu hổ, lảng dần ra khỏi đám đông đi một mạch về nhà.
Về đến nhà, ông buồn bã nằm xuống giường, suy nghĩ miên man, ông không thể tin ngôi làng mà mình vốn rất tự hào nay lại mang tiếng là theo giặc, ông lo lắng cho tương lai của những đứa con, sợ chúng sẽ mang tiếng là người của làng Việt gian, những hàng nước mắt cứ âm thầm rơi, như thể hiện sực bất lực đỉnh điểm của ông Hai. Suốt những ngày sau đó, ông không dám vác mặt ra ngoài vì sợ đám đông bàn tán, mụ chủ nhà thậm chí còn đánh tiếng đuổi cả gia đình ông đi nơi khác.
Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, ông chìm đắm trong suy nghĩ, rồi cả gia đình sẽ đi về đâu khi mà quay trở về làng thì không được, mà ở lại thì không ai cho. Giữa tình thế ấy, ông vẫn khẳng định rằng mặc dù “Làng thì có yêu thật, nhưng làng theo Tây thì buộc phải bỏ thôi”. Qua chi tiết này, ta có thể nhận thấy, tinh thần yêu nước, yêu cách mạng của ông Hai rất lớn, nó đã vượt lên cả tình cảm, cảm xúc của bản thân.
Thật may mắn thay, khi tin tức làng chợ Dầu theo giặc được cải chính từ ông chủ tịch xã, ông Hai cảm thấy như được sống lại một lần nữa, ông vui mừng khôn xiết đi khoe khắp nơi rằng làng mình không phải là Việt gian. Thậm chí ông còn rất dõng dạc kể với mọi người rằng “Giặc đốt nhà mình cháy nhẵn, cháy rụi luôn rồi” mà không hề có chút cảm giác nuối tiếc gì cả.
Qua truyện ngắn Làng, chúng ta có thể cảm nhận được ông Hai là một hình tượng vô cùng tuyệt vời đại diện cho tinh thần yêu nước bất diệt. Mặc dù chỉ là một lão nông tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng ông vẫn có cách yêu nước của riêng mình. Bằng ngòi bút tuyệt vời của mình và cách xây dựng tình huống đặc biệt, nhà văn Kim Lân đã gửi đến cho chúng ta một tác phẩm quá đỗi là xuất sắc.
Phân tích bài Làng, nhân vật ông Hai ý nghĩa nhất
Đề bài: Phân tích Làng khi ông Hai nghe tin làng mình theo giặc
Bài viết:
Kim Lân là một nhà văn tiêu biểu trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, những tác phẩm của ông luôn nói về tình yêu quê hương, đất nước và thể hiện tinh thần cách mạng bất khuất. Truyện ngắn “Làng” được ông sáng tác vào năm 1948 là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất cho giai đoạn bấy giờ. Thông qua tình huống truyện éo le, tác giả đã gửi đến cho chúng ta hình ảnh ông Hai, một lão nông với tinh thần yêu nước bất diệt, điều này được thể hiện rõ nhất trong đoạn trích lúc ông hai nghe tin làng mình theo giặc.
Mở đầu tác phẩm, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy ông Hai là một người rất yêu làng, mặc dù ở nơi tản cư nhưng ông luôn nhớ về những kỷ niệm đẹp của mình cùng những người bạn già tại đây. Ông hào hứng kể cho mọi người xung quanh nghe làng của ông đã làm những gì để ủng hộ cách mạng, ủng hộ cụ Hồ. Tuy nhiên, tâm trạng hào hứng ấy nhanh chóng bị dập tắt bởi hung tin làng chợ Dầu theo giặc. Khi nghe tin tức ấy, ông cảm thấy khó tin và rất hoang mang, nhưng khi được sự khẳng định từ những người đi tản cư, ông cảm thấy rất xấu hổ, da mặt tê rân rân, cổ họng cứ thế mà nghẹn đắng cả đi.
Ông vờ lảng tránh khỏi đám đông, đi nhanh về nhà sau đó nằm bịch xuống, chìm trong đống suy nghĩ miên man. Ban đầu ông vẫn không tin được rằng làng của mình vốn yêu nước là thế mà tại sao lại theo giặc được. Nhưng rồi, ông cũng chép miệng chấp nhận sự thật, lòng chua xót đến độ trào nước mắt. Ông nhìn những đứa con rồi lo lắng cho tương lai của chúng sẽ mang tiếng là người của làng Việt gian rồi sẽ bị mọi người xa lánh, bàn tán.
Suốt những hôm sau đó, ông không dám bước chân ra khỏi cửa, ông sợ mọi người đang bàn tán về ngôi làng chợ Dầu, bàn tán về gia đình mình. Đỉnh điểm là khi mụ chủ nhà có ý đuổi cả gia đình ông đi nơi khác bởi vì mọi người là người của làng Việt gian. Trong chính khoảnh khắc ấy, qua đoạn tâm sự với cậu con trai út, ông đã làm rõ được một vấn đề quan trọng rằng tuy ông rất yêu làng, nhưng làng đã theo tây thì ông sẵn sàng từ bỏ, bởi vì tinh thần yêu nước và tin tưởng cách mạng, tin tưởng chủ tịch Hồ Chí Minh là bất diệt.
Qua đoạn trích trên, nhà văn Kim Lân thật tài tình khi đã tạo ra tình huống hết sức éo le để qua đó có thể làm nổi bật lên lòng yêu nước của nhân vật ông Hai, một lão nông biết phân biệt phải trái, biết cái gì là đúng, cái gì là sai.
Để có thể hiểu thêm về nhân vật ông Hai, các em có thể tham khảo thêm bài viết phân tích nhân vật ông hai tại đây nhé!.
Đoạn văn mẫu phân tích bài Làng của Kim Lân ngắn gọn, đủ ý nhất
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng.
Bài viết:
Nhắc tới các tác phẩm văn học có đề tài yêu nước trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp mà không nhắc đến truyện ngắn “Làng” của Kim Lân là một thiếu sót lớn. Bằng việc đưa ra nút thắt gay cấn trong diễn biến tâm lý của nhân vật ông Hai, tác giả đã làm nổi bật được tấm lòng yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của bác Hồ và cách mạng của người nông dân này.
Ông Hai vốn là người xuất thân từ ngôi làng chợ Dầu, vì chiến tranh mà buộc phải bỏ nhà cửa, quê hương để đi di tản. Tuy nhiên, tại nơi ở mới, ông Hai luôn một lòng hướng về quê nhà, ông rất lấy làm tự hào và kể với mọi người rằng làng ông yêu nước ra sao, mọi người đã cùng nhau đào lũy, đắp hào, mở đường giúp cho cách mạng…Những câu chuyện của ông đều khiến cho mọi người trầm trồ và thán phục. Việc ông suốt ngày khoe về làng chợ Dầu của mình cũng như một cách để ông giải tỏa nỗi nhớ nhà, nhớ quê.
Bỗng một ngày, tin tức làng chợ Dầu theo giặc đã khiến cho ông phải rối bời, ban đầu ông thực sự không tin vào những gì mình nghe nhưng khi mọi người kể vanh cách tên của các nhân vật trong làng, ông như chết lặng đi. Lúc này, một cảm giác tủi nhục và đau đớn đã lan tỏa khắp cơ thể ông, ông Hai lầm lũi rời khỏi đám đông rồi mất hút.
Khi trở về nhà, nhìn lũ trẻ con đang vui đùa mà lòng ông đau như cắt, liệu rồi mai này đây chúng sẽ sống ra sao khi mang tiếng là người dân của làng Việt gian. Ông thở dài rồi chực trào nước mắt. Vợ ông sau buổi chợ cũng lặng lẽ trở về, ngồi bần thần ở góc nhà. Những ngày sau đó, ông đóng cửa không dám bước nửa chân ra khỏi nhà, ông sợ đám đông đang bàn tán về ngôi làng của mình. Đỉnh điểm là việc mụ chủ đã có lời đòi đuổi cả gia đình ông đi vì gắn mác làng Việt gian theo giặc. Lúc này đây, ông Hai đã vực dậy tinh thần, ông tỉnh táo suy nghĩ rằng, dù làng là quê hương, làng là nơi mình yêu thương nhưng giờ làng theo Tây thì ông chấp nhận bỏ thôi, vì trong lòng ông lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ và cách mạng là cao quý hơn cả.
Rồi may mắn thay, ông chủ tịch xã đã tới và mang theo tin cải chính rằng làng “Chợ Dầu” của ông không theo giặc, tất cả tin trước đó chỉ là tin vịt, tin đồn nhảm mà thôi. Nghe được điều đóa, ông Hai như vỡ òa trong vui sướng, ông chạy đi loan tin khắp nơi rằng “Nhà mình đã bị giặc đốt cháy tàn, cháy rụi và làng của ông không hề theo giặc, mọi người vẫn chiến đấu rất anh dũng. Đời thuở nào có ai nhà mình bị đốt cháy rụi mà lại vui như ông Hai không nào, chỉ với chi tiết nhỏ đó, Kim Lân đã cho chúng ta thấy ông Hai có tinh thần yêu nước ra sao, mặc cho tài sản có mất mát, hư hao miễn làng ông không theo giặc là được.
Tác giả rất tinh tế khi qua việc miêu tả diễn biến cảm xúc của ông Hai mà đã nói lên được tinh thần yêu quê hương, đất nước của lão nông nghèo này, qua đó cũng khắc họa nên tình cảm chung của nhân dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp lúc bấy giờ. Đây quả thực là một tác phẩm rất hay và ý nghĩa nhằm động viên và cổ vũ tinh thần của người dân Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống Pháp.
Sơ đồ tư duy phân tích Làng Kim Lân trực quan nhất
Cùng tìm hiểu thêm một số sơ đồ tư duy trực quan về phân tích truyện ngắn Làng của Kim Lân ngay bên dưới đây để nắm rõ hơn các nội dung cần phân tích nhé.
Sơ đồ tư duy phân tích bài Làng ngắn gọn, đủ ý nhất.
Sơ đồ tư duy cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
Sơ đồ tư duy viết bài văn, đoạn văn nghị luận về Làng lớp 9.
Sơ đồ cảm nhận của em về truyện ngắn Làng ngắn nhất.
Qua bài viết trên, freetuts.net đã hướng dẫn lập dàn ý phân tích Làng Kim Lân và chia sẻ thêm các sở đồ tư duy cùng nhiều bài văn mẫu hay và ý nghĩa nhất. Hy vọng với những thông tin này, các em học sinh lớp 9 có thể hoàn thành tốt bài văn của mình.
Đừng quên ghé thăm chuyên mục Văn học của chúng tôi để tìm hiểu thêm nhiều bài văn nghị luận thú vị khác nha!