Văn thuyết minh là gì? Phương pháp làm bài thuyết minh
Bài giới thiệu khái niệm về văn thuyết minh, phương pháp làm nhận được điểm cao dành cho các em học sinh cấp II.
Trong chương trình ngữ văn lớp 8 thì các em sẽ được làm quen với văn thuyết minh. Vậy văn thuyết minh là gì? Làm thế nào để có thể viết được một bài thuyết minh hay và chuẩn thì hôm nay freetuts.net sẽ hướng dẫn cho các em nhé.
I. Văn thuyết minh là gì?
Văn thuyết minh là một kiểu văn bản mà chúng ta rất hay bắt gặp nó trong đời sống bởi nó sẽ cung cấp cho người đọc thi thức về đặc điểm, tính chất, nguyên nhân của sự vật, sự việc và các hiện tượng trong tự nhiên, xã hội bằng hình thức trình bày, giới thiệu và giải thích.
Yêu cầu của văn thuyết minh
- Nội dung của bài văn thuyết minh đó đòi hỏi tính khách quan và độ xác thực cao, nó phải mang lại tính hữu dụng, có ích cho mọi người.
- Khi sử dụng ngôn từ để viết một bài văn thuyết minh các bạn chú ý sử dụng từ một cách chính xác, câu chữ rõ ràng, mạch lạc.
Bố cục của một bài văn thuyết minh
Đối với một bài tập làm văn thông thường thì bao giờ chúng cũng có 3 phần đó là mở bài, thân bài và kết bài. Văn thuyết minh cũng đầy đủ bố cục như thế
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
- Mở bài: giới thiệu khái quát về sự vật, sự việc mà cần thuyết minh.
- Thân bài: Đi sâu vào sự vật, hiện tượng đó. Nêu một cách khách quan nhất về đối tượng thuyết minh, giải thích nguyên nhân, nguồn gốc, tính chất, công dụng…. của vấn đề, đối tượng mà chúng ta đang thuyết minh.
- Kết bài: Đây là phần mà chúng ta phải đánh giá vai trò và công dụng của nó trong thực tế.
II. Phương pháp làm văn thuyết minh
Để đảm bảo được tính chính xác và vốn ngôn ngữ khi viết một bài văn thuyết minh thì chúng ta cần phải để ý, quan sát trong thực tế rất nhiều. Khi muốn thuyết minh một vật, hiện tượng nào đó chúng ta phải nắm rõ được bản chất của chúng để tránh khỏi việc lan man không đúng trọng tâm của đối tượng thuyết minh.
Chúng ta có thể sử dụng nhiều phương pháp nhằm giúp cho bài văn thuyết minh của chúng ta được thuyết phục hơn và dễ hiểu hơn.
Phương pháp nêu định nghĩa, giải thích
Với phương pháp này chúng ta sẽ sử dụng câu trần thuật với mục đích giới thiệu, giải thích cho người đọc hiểu về một vấn đề, sự vật, sự việc nào đó.
Ví dụ: Khi bài văn yêu cầu chúng ta thuyết minh về chiếc điện thoại di động. Thì chúng ta cần đưa ra khái niệm của nó.
Vậy điện thoại di động chính là một thiết bị điện tử dùng để liên lạc mà chúng ta có thể cầm nó và di chuyển đi khắp mọi nơi mà không cần phải kết nối dây điện hay ổ cắm.
Phương pháp liệt kê
Khi sử dụng phương pháp này chúng ta cần liệt kê những công dụng, tính chất của đối tượng thuyết minh theo một trình tự nhất định với mục đích khi độc giả họ đọc vào họ sẽ hiểu và có một cái nhìn tổng quát nhất về thứ mà chúng ta đang thuyết minh.
Ví dụ: Khi chúng ta thuyết minh cây chuối thì chúng ta sẽ liệt kê phần công dụng của cây chuối trong đời sống. Quả chuối thì để ăn, nó có giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho mọi đối tượng, lá chuối, thân cây chuối…. chúng đều có tác dụng.
Phương pháp nêu ví dụ
Chúng ta áp dụng phương pháp này vào bài văn thuyết minh bằng cách đưa ra những ví dụ thực tiễn có tính thuyết phục cao, tạo được độ tin cậy đối với ngườ đọc
Ví dụ: Trong một bài văn thuyết minh về vấn nạn sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông thì chúng ta phải đưa ra những ví dụ thực tiễn như là tỉ lệ người tham gia giao thông khi uống rượu bia gây tai nạn là rất cao (số phần trăm)....
Phương pháp dùng số liệu
Làm rõ vấn đề bằng cách sử dụng con số, khi dùng những con số thực tế sẽ tạo ra sức thuyết phục cho đặc điểm và vai trò của đối tượng.
Ví dụ: Khi thuyết minh một bức tượng thì chúng ta phải nêu ra được rằng bức tượng ấy cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu và chiều dài của bức tượng đó.
Phương pháp so sánh
Để người đọc cảm thấy gần gũi và dễ hiểu thì chúng ta sẽ so sánh đối tượng thuyết minh với một thứ gần gũi, cụ thể.
Ví dụ: Thuyết minh cây bàng
Nhìn từ xa, tán lá cây bàng bao trùm mát rượi cả một góc sân trường. Nó giống như là một chiếc ô khổng lồ vậy.
Phương pháp phân loại, phân tích
Khi thuyết minh một vật hoặc một sự việc đa dạng thì chúng ta nên chia ra thành từng loại, từng phần theo từng đặc điểm của đối tượng để ta trình bày. Nó sẽ giúp cho bài văn thuyết minh được đầy đủ hơn.
Ví dụ: Khi chúng ta thuyết minh về ngôi trường thì chúng ta phải phân ra cổng trường, sân trường, vào lớp học..
III. Một số yếu tố khác
Khi thực hiện viết một bài văn thuyết minh chúng ta sẽ sử dụng thêm một số yếu tố nhằm làm cho bài văn thuyết minh trở nên sinh động và lưu giữ lại trong tâm trí của người nghe, người đọc.
- Sử dụng biện pháp nghệ thuật trong văn thuyết minh: Những biện pháp nghệ thuật rất hay được sử dụng trong bài văn thuyết minh đó là so sánh, kể chuyện, nhân hóa, thơ ca… nhằm khơi gợi sự cảm thụ về đối tượng mà ta đang thuyết minh.
- Sử dụng yếu tố miêu tả: Chúng ta sẽ sử dụng hình ảnh, màu sắc, âm thanh vào trong một bài văn thuyết minh, đó chính là những hiện thực, khách quan trong cuộc sống hàng ngày. Nó sẽ giúp cho bài văn của chúng ta không bị khô khan mà trở nên sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều.
Bài viết này mình đã giới thiệu và hướng dẫn cách để giúp các bạn có một bài văn thuyết minh hay nhất. Văn thuyết minh không hề khô khan và nhàm chán như nhiều bạn vẫn nghĩ đâu ạ, nếu các bạn biết cách sử dụng các biện pháp nghệ thuật, các phương pháp một cách logic thì chắc chắn rằng bài văn của các bạn sẽ rất hay. Chúc các bạn thành công.