Phân tích nhân vật Phùng, lập dàn ý và chia sẻ văn mẫu hay
Phân tích nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu”, hướng dẫn lập dàn ý phân tích nghệ sĩ Phùng chi tiết nhất và chia sẻ bài văn mẫu hay.
Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhiếp ảnh gia Phùng là tuyến nhân vật chính, góp phần tạo nên sự đặc biệt cho tác phẩm, chính vì vậy phân tích nhân vật Phùng là một đề tập làm văn thường xuyên xuất hiện trong các kỳ thi quan trọng của chương trình Ngữ Văn lớp 12.
Nắm bắt được điều này, trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ hướng dẫn các em cách lập dàn ý cũng như chia sẻ thêm các bài văn mẫu phân tích nhiếp ảnh gia Phùng hay, ấn tượng và dễ ghi điểm nhất nhé!
Dàn ý phân tích nhân vật Phùng ngắn gọn, đủ ý nhất
Hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích nhân vật nghệ sĩ Phùng chi tiết nhất.
Khi lên dàn ý cho bài phân tích nhiếp ảnh gia Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, các em cần tập trung vào những nội dung quan trọng sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Mở bài phân tích nhân vật Phùng
Đối với phần mở bài phân tích nhân vật nhiếp ảnh Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” các em có thể chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp, tuy nhiên cách viết nào cũng cần có những nội dung quan trọng sau:
- Giới thiệu tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”: Được sáng tác vào giai đoạn thứ hai, từ đầu thập kỷ tám mươi.
- Giới thiệu nhà văn Nguyễn Minh Châu: Một nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học nước nhà, những tác phẩm của ông chủ yếu viết về đạo đức và những triết lý nhân sinh sâu sắc.
- Giới thiệu qua về nhân vật Phùng: Một nhiếp ảnh gia có con mắt nghệ thuật tinh tường và có tâm hồn nhân ái, bao dung.
Tham khảo:
Tiểu sử và sự nghiệp nhà văn Nguyễn Minh Châu
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa và mẫu văn chọn lọc hay nhất
Thân bài phân tích nhân vật Phùng
Trong phần thân bài, các em cần tập trung phân tích những nội dung sau để tránh việc đi lạc đề nhé:
Giới thiệu về nhân vật Phùng:
- Trước đây, Phùng vốn là một người lính, khi chiến tranh kết thúc, cậu trở về làm một nhiếp ảnh gia cho tòa soạn báo.
- Trưởng phòng giao cho anh nhiệm vụ chụp một bộ ảnh cảnh biển buổi sáng có sương để bổ sung vào bộ ảnh lịch.
- Phóng viên Phùng miễn cưỡng lên đường đến một vùng biển miền Trung, nơi còn có sương mù vào giữa tháng bảy.
Nhân vật Phùng là một nghệ sĩ thực thụ và có niềm đam mê với cái đẹp sâu sắc:
- Nhân vật Phùng đã dành thời gian hơn một tuần trời để có thể mong săn được những khoảnh khắc đẹp nhất.
- Và trong một lần trú mưa trên bãi biển, anh đã vô tình bắt gặp được khoảnh khắc tuyệt đẹp nhất của thiên nhiên và con người hòa làm một.
- Đây là cảnh mà anh cho là “Đắt” nhất từ lúc cầm máy ảnh đến nay.
- Khung cảnh được anh ví như một bức tranh mực tàu của danh họa cổ, nó khiến cho nhân vật Phùng trở nên bối rối, cảm giác nghẹt thở.
- Anh đã giơ máy lên, bấm liên tục 1 lúc hết hơn một phần tư cuộn phim.
Nhân vật Phùng là một người có tấm lòng nhân ái, và đồng cảm với những số phận bất hạnh trong xã hội, điều này được thể hiện qua ba phân cảnh sau:
Khi đối mặt với cảnh bạo lực gia đình trên bãi biển:
- Khi chứng kiến cảnh người chồng đánh đập, bạo hành vợ trên bãi biển, ban đầu Phùng cảm thấy hơi sốc khiến cậu cứ đứng há mồm ra mà nhìn.
- Ngay sau đó, khi bình tĩnh lại, cậu đã vứt luôn cả chiếc máy ảnh quý giá xuống đất rồi chạy nhào tới để ngăn cản, giúp đỡ người vợ đang bị bạo hành.
- Lần thứ hai, Phùng lại được chứng kiến cảnh bạo hành ấy thêm một lần nữ, lần này Phùng đã đánh nhau với người chồng và bị thương nhẹ.
- Sau đó, mặc dù đã hoàn thành xong nhiệm vụ được giao nhưng Phùng vẫn quyết định ở lại vài ngày để mong có thể giúp đỡ người phụ nữ hàng chài tội nghiệp ấy theo lời mời của Đẩu - bạn thân anh cũng là chánh văn phòng Tòa án huyện.
Phân tích tâm trạng của Phùng khi được nghe kể về cuộc sống của người phụ nữ hàng chài bị bạo hành:
- Tại tòa án, sau khi được khi người đàn bà kể về cuộc đời của mình với những lần bị bạo hành, Phùng tư vấn cho người đàn bà hàng chài rằng chỉ có li hôn là con đường duy nhất có thể giải cứu cô khỏi cảnh bạo hành này.
- Khi người phụ nữ nhất định không chịu li hôn, Phùng cảm thấy vô cùng bối rối và bức xúc.
Phân tích tâm trạng của Phùng khi biết lý do người phụ nữ không muốn li hôn:
- Những lý do, những lời tâm sự của người đàn bà hàng chài đã khiến cho Phùng vỡ lẽ ra nhiều điều, nó khiến cho anh chấp nhận được những nghịch lý vốn có trong cuộc đời này và rút ra được kinh nghiệm rằng cần phải có một cái nhìn đa chiều, khách quan với mọi sự việc trong cuộc sống, bởi mọi sự vật, sự việc vốn không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ.
- Phùng quay trở lại công việc thường ngày, bức ảnh anh chụp lúc ấy đã được trưởng phòng khen ngợi, tấm ảnh cũng được treo ở nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật.
Nhận xét về tính nghệ thuật được dùng để miêu tả nhân vật Phùng:
- Tác giả đặt nhân vật vào nhưng tình huống đặc biệt, éo le, từ đó giúp cho anh có những biến đổi về tâm lý, nhận thức sâu sắc.
- Câu chuyện được kể lại thông qua nhân vật Phùng nên cũng có nhiều cảm xúc và chiều sâu hơn.
Kết bài phân tích nhân vật Phùng
-
Rút ra nhận xét về nhân vật Phùng, nêu lên vai trò của anh trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và từ đó rút ra cảm nghĩ, nhận xét của bản thân.
Văn mẫu phân tích nhân vật Phùng “Chiếc thuyền ngoài xa” hay nhất
Tổng hợp một số bài văn mẫu phân tích nghệ sĩ Phùng hay, ấn tượng nhất.
Ngay bên dưới đây, freetuts đã tổng hợp được một số bài văn mẫu phân tích nhiếp ảnh gia Phùng trong tác phẩm “Chiêc thuyền ngoài xa” hay nhất, ấn tượng nhất, mời các em học sinh cùng tham khảo ngay nhé!
Phân tích nhân vật Phùng hay nhất của học sinh giỏi
Nguyễn Minh Châu được mệnh danh là một trong những tác giả tiên phong trong việc đổi mới nền văn học nước nhà từ sau giai đoạn 1975, đa số những tác phẩm của ông đều nói về những vấn đề đạo đức hay triết lý nhân sinh về cuộc sống. Điển hình nhất là truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, thông qua nhân vật Phùng, tác giả đã truyền tải được nhiều thông điệp hay và ý nghĩa nhất.
Trước đây, Phùng vốn là một anh bộ đội cụ Hồ đầy anh dũng và quả cảm, anh đã gắn bó cả tuổi uân của mình với chiến trường đầy khốc liệt. Khi đất nước được hòa bình, anh trở về bắt đầu cuộc sống mới với nghề nhiếp ảnh gia cho một tòa soạn. Trong một lần nọ, trưởng phòng đã giao cho anh một nhiệm vụ là phải chụp được bức ảnh cảnh biển buổi sáng có sương mù để bổ sung vào bộ lịch mới. Phùng miễn cưỡng nhận nhiệm vụ rồi lên đường đến vùng biển miền Trung, nơi duy nhất vẫn còn sương mù vào giữa tháng bảy.
Nhiếp ảnh gia Phùng vốn là một người vô cùng kỷ luật và rất tâm huyết với nghề, mặc dù ban đầu có hơi miễn cương như một khi đã nhận nhiệm vụ, anh sẽ quyết tâm thực hiện tới cùng. Tính tới hôm đó, đã hơn một tuần anh bám trụ tại vùng biển này mà vẫn chưa tìm được bức ảnh nào ưng ý. Khi trời đột ngột chuyển mưa, nhiếp ảnh gia Phùng nhanh chân trú tạm dưới bánh xích của một chiếc xe tăng, trong khoảnh khắc ấy, nhân vật Phùng đã vô tình bắt gặp được khoảnh khắc đẹp nhất, đắt giá nhất.
Đó là khung ảnh chiếc thuyền đang tiến từ từ vào bờ, mũi thuyền lòe nhòe vào bầu sương mù trắng như sữa có pha chút ánh hồng của mặt trời, vài bóng người lớn, trẻ con ngồi im như tượng trên mũi thuyền, chiếc gọng vó hiện ra như một con dơi, tất cả tạo nên một vẻ đẹp vô cùng hài hòa, nó khiến cho anh cảm thấy bối rối và có chút gì đó thắt lại ở tim. Khung cảnh này đẹp đến độ nhân vât Phùng miêu tả nó sánh ngang bằng một bức tranh thủy mặc được vẽ bởi một danh họa nổi tiếng nhất. Anh ấy sung sướng giơ máy ảnh lên bấm liên tục hết một phần tư cuộn phim để mong có thể lưu trữ trọn vẹn được vẻ đẹp ấy.
Phải công nhận rằng, Phùng là một nghệ sĩ tinh tế tới đâu, yêu mến vẻ đẹp tới nhường nào thì mới có thể cảm nhận được một cách sâu sắc và trọn vẹn những khoảnh khắc tuyệt vời ấy của tự nhiên.
Khi Phùng đang vui mừng vì đã hoàn thành được nhiệm vụ thì thực tế phũ phàng đã khiến cho anh tỉnh mộng. Chiếc thuyền vừa cập bến, anh đã được chứng kiến một cảnh bạo lực gia đình nghiêm trọng, người chồng vũ phu đang ra sức đánh đập người phụ nữ tội nghiệp, hắn ta như trút giận tất cả những bực dọc, tức tối nhất lên người đàn bà ấy. Cảnh tượng này khiến Phùng có hơi sốc và bị “đứng hình” mất mấy giây, nhưng rồi sau đó, anh đã mạnh dạn vứt chiếc máy ảnh quý giá của mình xuống bãi cát rồi lao đến mong sẽ ngăn cản cảnh những trận đòn roi tàn nhẫn ấy.
Tiếp ngày hôm sau, Phùng lại tiếp tục được chứng kiến cảnh bạo lực gia đình ấy thêm một lần nữa, người chồng vẫn đánh đập người đàn bà hàng chài một cách tàn nhẫn, mặc cho những đứa con đang kêu gào, lần này, Phùng đã lao tới ngăn cản để rồi bị thương nhẹ. Sau đó, anh được mời ở lại để cùng Tòa án huyện giải quyết sự vụ này. Phùng quyết định gác lại mọi công việc, ở lại đây thêm ít ngày để mong có thể cứu rỗi người đàn bà hàng chài tội nghiệp ấy.
Ban đầu, tại tòa án huyện, Phùng và Đẩu - vốn là bạn của anh, nay đã trở thành chánh án của tòa án huyện ra sức khuyên răn người phụ nữ hãy ly hôn chồng mình, vì chỉ có cách này mới có thể giải thoát cô khỏi những trận đòn roi khủng khiếp ấy. Tuy nhiên, khi nghe người phụ nữ nhất định không chịu ly hôn chồng cho dù có chấp nhận phạt tù cô ấy cũng chịu., lòng Phùng cảm thấy vô cùng bức bối và cảm thấy khó chịu vì tại sao tận cùng của đau khổ như vậy mà người phụ nữ vẫn nhất định bấu víu lấy một người đàn ông tệ bạc đến thế?
Nhưng sau khi Phùng nghe được những lời tâm sự của người đàn bà hàng chài và biết rõ lý do tại sao cô ấy nhất định không chịu ly hôn, tại sao cô ấy lại cần người đàn ông ấy đến vậy thì Phùng dường như vỡ lẽ ra nhiều điều. Cuộc sống luôn phức tạp hơn chúng ta nghĩ, đôi khi phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau, chứ không thể nào chỉ nhìn sơ qua bề nổi để đánh giá chúng được.
Có thể nói, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã rất xuất sắc khi đặt nhân vật Phùng vào những tình huống vô cùng đặc biệt để từ đó có thể làm rõ được tâm trạng của anh, giúp cho người đọc có những cái nhìn khách quan nhất, chân thật nhất về cuộc sống. Và qua đây, tác giả cũng muốn nhắn nhủ rằng, trong cuộc sống này, bạn phải có một cái nhìn khách quan nhất, toàn diện nhất về mọi việc vì cuộc sống vốn muôn màu, muôn vẻ.
Phân tích nhân vật Phùng qua hai phát hiện đặc sắc nhất
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất thể hiện được rõ phong cách rất riêng của nhà văn Nguyễn Minh Châu đó chính là lối viết chuyên về đạo đức con người và các triết lý nhân sinh. Và trong tác phẩm này, thông qua việc mô tả hai phát hiện của nhân vật Phùng đã đem đến những cái nhìn mới về cuộc sống muôn màu muôn vẻ này.
Nhân vật Phùng vốn là một nhiếp ảnh gia của tòa soạn, anh được giao nhiệm vụ là phải chụp một bức ảnh cảnh biển có sương để bổ sung thêm vào bộ ảnh lịch sắp tới. Sau khi nhận nhiệm vụ, Phùng lên đường đến với vùng biển miền Trung, nơi duy nhất vẫn còn sương sớm vào những ngày tháng bảy.
Tại đây, Phùng đã có hai phát hiện vô cùng đắt giá, nhờ những phát hiện này mà anh đã có cái nhìn khác về nghệ thuật và cuộc đời. Phát hiện đầu tiên đó chính là vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa đang từ từ cập bến trong làn sương sớm. Đây là phát hiện mà nhana vật Phùng cho là “đắt” nhất từ những ngày anh cầm máy ảnh tới nay. Đó là một cảnh tượng chiếc thuyền đang từ từ cập bến giữa làn sương mờ đục xen lẫn chút ánh hồng của mặt trời, trên mũi thuyền là bóng dáng một số người đang ngồi im như tượng.
Dưới đôi mắt tinh tế của một người nghệ sĩ thực thụ, nhân vật Phùng đã cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp quý giá ấy, thậm chí anh còn ví nó như một bức tranh thủy mặc cổ được vẽ bởi một họa sĩ nổi tiếng. Cảnh đẹp ấy khiến anh cảm thấy thổn thức và trái tim dường như bị bóp nghẹn lại, đây phải chăng là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi bắt gặp được những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất, đẹp nhất ư?
Chưa hết bất ngờ trước vẻ đẹp của phát hiện thứ nhất thì phát hiện thứ hai trong “Chiếc thuyền ngoài xa” đã kéo anh về với thực tại, về với hiện thực cuộc sống quá đỗi phũ phàng. Cũng chính trong khung cảnh tuyệt diệu ấy, Phùng bắt gặp được cảnh bạo lực gia đình vô cùng đáng lên án, người chồng to khỏe, vạm vỡ đang vừa ra sức chửi mắng, vừa đánh đập người vợ tội nghiệp trước sự chứng kiến của những đứa con. Cảnh tượng này khiến cho Phùng hơi bất ngờ cảm giác đơ ra vài giây.
Vâng, chính trong cái đẹp mà anh cho là tuyệt tác của thiên nhiên, đất trời lại chứa đựng một tội ác không thể chấp nhận được, đây phải chăng chính là sự trêu đùa của cuộc sống, những góc khuất tăm tối về số phận của một con người đang được phơi bày trước mặt anh.
Nhân vật Phùng đã dứt khoát vứt chiếc máy ảnh xuống cát rồi chạy tới can ngăn, nhưng rồi sau đó, bãi cát lại trở về với sự hoang sơ, vắng lặng vốn có của nó, “như trong câu chuyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó đã biến mất”.
Có thể thấy, hai phát hiện của nhân vật Phùng đều xoay quanh chiếc thuyền trên bãi biển, khi nhìn từ xa, nó là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng tuyệt đẹp, nhưng thực tế, khi lại gần hơn, quan sát kỹ hơn thì nó lại chứa đựng nhưng hiện thực vô cùng phũ phàng. Nghệ thuật sẽ không bao giờ che giấu hết được những góc khuất của cuộc sống. Và hai phát hiện này cũng đã làm nên sự độc đáo, hấp dẫn cho truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, giúp cho tác phẩm này trở nên nổi tiếng hơn và để lại nhiều ấn tượng cho độc giả.
Phân tích phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng
Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã đưa ra những tình huống truyện vô cùng đặc biệt để từ đó có thể xây dựng nên một nhân vật Phùng, một người nghệ sĩ có tính nghệ thuật sâu sắc. Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua phát hiện thứ nhất của nhiếp ảnh gia Phùng, đó là một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.
Nhân vật Phùng hiện đang là một nhiếp ảnh gia của một tờ báo, một ngày nọ, anh được giao nhiệm vụ phải chụp được một bức ảnh cảnh biển trong sương sớm để kịp thời bổ sung cho bộ lịch ảnh sắp phát hành của tòa soạn. Chắc ngại khoản phải đi công tác xa nên nhân vật Phùng miễn cưỡng lên đường tìm đến với vùng biển vắng ở miền tận miền Trung, vì lúc bấy giờ chỉ có duy nhất tại đây là còn sương mù vào giữa tiết trời tháng bảy.
Anh Phùng đang cảm thấy chán nản vì đã lang thang tại vùng biển này hơn một tuần trời mà vẫn chưa chụp được bức ảnh nào ưng ý cả. Bông nhiên lúc bấy giờ, trời chuyển mây mù, lác đác vài giọt mưa, anh vội chui tạm vào dưới bánh xích của chiếc xe tăng để tránh mưa, lúc ngửng đẩu lên, anh đột nhiên trông thấy cảnh “Một chiếc thuyền lưới vó” đang chèo thẳng tới trước mặt mình.
Và trong khoảnh khắc ấy, thời gian như ngừng đọng lại, anh Phùng đã phát hiện ra một cảnh “đắt” trời cho, nó đẹp tựa như một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ với mũi thuyền lòe nhòe trong bầu sương mù trắng như sữa có pha chút màu hồng của ánh mặt trời chiếu vào. Một vài bóng người lớn cùng trẻ em đang ngồi im như tượng trước chiếc mui khum khum, những cái mắt lưới, tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó trông giống hệt cánh của một con dơi,...tất cả những điều nhỏ nhặt nhất kết hợp với nhau một cái hài hòa và tạo nên một vẻ đẹp không có từ nào diễn tả được.
Cái vẻ đẹp mà nghệ sĩ Phùng cho rằng từ lúc anh cầm máy ảnh đến nay, chưa cảm nhận được vẻ đẹp nào hoàn mỹ đến thế, chấn động đến thế. Vẻ đẹp ấy khiến anh cảm thấy bối rối rồi trong tim như có gì đó bóp chặt lại, đây là một cảm xúc không thể diễn tả hết được bằng lời. Nó khiến anh phải thốt lên rằng, phải chăng cái đẹp ấy chính là đạo đức? Và có lẽ từ giây phút ấy, anh cảm thấy mình như khám phá ra được “cái chân lí của sự toàn thiện” hay “khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
Và chớp lấy thời cơ ấy, nhân vật Phùng đã dơ máy ảnh lên, bấm liên tục một chặp hết tận hơn một phần tư cuốn phim, có lẽ bởi vì anh muốn ưu giữ trọn vẹn khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời và con người ấy, giây phút này anh cảm thấy sự hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình khi được thưởng thức “Cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”.
Vâng, quả thật, nhân vật Phùng là một người nghệ sĩ thực thụ, bởi phải có tâm hồn bay bổng đến đâu mới có thể cảm nhận được trọn vẹn cái vẻ đẹp “đắt giá” ấy, vẻ đẹp mà có lẽ người thường chưa chắc đã cảm nhận được.
Phân tích nhân vật Phùng trong đoạn cuối “Chiếc thuyền ngoài xa” ấn tượng nhất
Nguyễn Minh Châu là một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam vào giai đoạn sau năm 1975, những tác phẩm của ông đa số sẽ thiên về những triết lý nhân sinh, đạo đức của con người trong thời kỳ đổi mới. Điều này được thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhất là ở đoạn cuối “Những tấm ảnh tôi mang về đến hết”.
Phùng vốn là một nhiếp ảnh gia của một tờ báo, cậu được trưởng phòng giao cho nhiệm vụ phải chụp được những bức ảnh cảnh biển trong sương mù để kịp thời bổ sung vào bộ lịch ảnh sắp tới. Sau khi nhạn nhiệm vụ, Phùng đã lên đường tìm đến những vùng biển vắng ở dải đất miền Trung, nơi duy nhất giữa tháng bảy vẫn còn sương mù vào buổi sớm mai.
Sau một thời gian vật vã bám trụ tại đây và trải qua nhiều biến cố, tình huống trớ trêu thì cuối cùng nghệ sĩ Phùng cũng đã thu được những bức ảnh đắt giá nhất, đẹp nhất về cảnh chiếc thuyền đang từ từ tiến vào bờ trong sương sớm.
Và cũng nhờ lần công tác này, đã khiến cho người nghệ sĩ ấy vỡ lẽ ra nhiều điều về cái đẹp, cái nghệ thuật và cuộc sống đầy rẫy những phức tạp này. Khi trở về, trưởng phòng rất hài lòng với những tấm ảnh mà anh đã chụp được, và một tấm ảnh đẹp nhất đã được in trong bộ lịch năm ấy, và thậm chí những năm về sau, bức ảnh này còn được treo trong nhiều gia đình sành nghệ thuật.
Có lẽ đối với mọi người đây chỉ đơn thuần là một tấm ảnh đẹp, một kiệt tác nghệ thuật nhưng đối với nghệ sĩ Phùng, nó còn chứa đựng vô vàn ý nghĩa. Tuy chỉ là một tấm ảnh đen trắng, nhưng chắc chỉ có Phùng mới cảm nhận được những tia nắng màu hồng hồng của ánh sương mai, hay là hình ảnh người đàn bà vùng biển với những đường nét thô kệch, tấm lưng bạc phệch, gương mặt mệt mỏi vì mưu sinh cả đêm dài đang bước những bước chậm rãi rồi hòa lẫn trong đám đông.
Và mấy ai biết rằng, đằng sau bức ảnh đó là cả một câu chuyện dài về sự mưu sinh, về cuộc sống gia đình, về tình người. Đó là cảnh người đàn bà hàng chài nhẫn nhục, cam chịu những trận đòn roi từ người chồng vũ phu, đó là cảnh đứa con trai chấp nhận bất hiếu với cha để bảo vệ mẹ, đó là cả một hy vọng về một cuộc đời no đủ cho những đứa con của người mẹ miền biển ấy. Cả một cuộc đời của người đàn bà hàng chài gói gọn trong một bức tranh ấy.
Bức ảnh này hơn cả là một tác phẩm nghệ thuật, bởi vì nhờ nó mà nghệ sĩ Phùng đã chiêm nghiệm ra được nhiều điều, nó khiến cho cậu phải suy ngẫm, phải cảm thông và phải nhìn nhận cuộc đời ở một khía cạnh khác. Chính nhờ điều này đã tạo nên một giá trị riêng cho tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.
Phân tích phát hiện thứ hai của ngệ sĩ Phùng
Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, hai phát hiện của nghệ sĩ Phùng được coi là đắt giá nhất, tạo nên sự độc đáo cho tác phẩm này. Nếu như ở phát hiện thứ nhất, nhiếp ảnh gia Phùng đã cảm nhận được vẻ đẹp của đạo đức thì pử phát hiện thứ hai nó đã có tác động vô cùng lớn đến nhận thức và suy nghĩ của người nghệ sĩ này.
Câu chuyện xảy ra khi nhân vật Phùng nhận nhiệm phụ phải chụp được một bức cảnh biển trong sương sớm để bổ sung cho bộ ảnh lịch sắp xuất bản của tòa báo. Anh lên đường tìm đến vùng biển miền Trung, nơi duy nhất còn sương mù giữa tiết trời gay gắt của tháng bảy. Trời không phụ lòng người, sau khi phục hàng tuần trời tại đây, cuối cùng nghệ sĩ Phùng cũng hoàn thành được nhiệm vụ, anh đã chụp được những bức ảnh mà chính anh cho là đắt giá nhất, đẹp nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, khi đang chìm đắm trong cái vẻ đẹp của đạo đức ấy, thì một tình huống trớ trêu bất ngờ xuất hiện, khiến cho Phùng cảm thấy bối rối. Khi chiếc thuyền tiến sát vào bờ, anh đã chứng kiến được cảnh bạo lực gia đình vô cùng ám ảnh.
Một người đàn ông xuất hiện với mái tóc tổ quạ, tấm lưng rộng và cong, hai đôi mắt đầy vẻ độc dữ, quát lên “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”. Người đàn bà trạc ngoài bốn mươi tuổi với thân hình thô kệch, đậm chất miền biển lúi húi đi phía trước. Ngay lúc đó, người đàn ông rút chiếc thắt lưng ra, chẳng nói chẳng rằng, quất tới tấp lên tấm lưng của người đàn bà ấy, vừa đánh hắn vừa nghiến răng, vừa chửi rủa “Mày chết đi cho ông nhờ, chúng mày chết hết đi cho ông nhờ”.
Người đàn bà có vẻ đã quá quen với những trận đòn roi khủng khiếp ấy vì cô chỉ cúi mặt cam chịu mà không hề kêu la dù chỉ một tiếng. Cảnh tượng ấy khiến cho nhân vật Phùng cảm thấy kinh ngạc đến mức há hốc mồm ra nhìn, sau đó, khi bình tĩnh lại, anh vứt luôn chiếc máy ảnh để lao tới can ngăn. Nhưng lúc dó, cậu bé Phác đã lao lên trước và nhảy xổ vào người đàn ông. Hắn dang tay, cho thằng bé hai cái tát đau điếng rồi lảo đảo bỏ đi trở về thuyền.
Vâng, quả thực là một tình huống vô cùng bất ngờ với Phùng, khi ẩn đằng sau vẻ đẹp mà anh cho là trời ban, là đạo đức thì lại có những góc khuất đến lặng người như thế. Chính điều này đã giúp anh nhận ra, trên cuộc đời nay, không có vẻ đẹp nào hoàn mỹ cả, cái quan trọng là chúng ta có thể nhìn vào hết được các góc độ khác nhau của nó không thôi. Vì cuộc đời luôn có những nghịch lí, mâu thuẫn khác nhau.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Phùng sáng tạo nhất
Mời các em cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy sáng tạo, chi tiết về phân tích nhân vật nghệ sĩ Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” để có thể hiểu hơn về bố cục của bài văn này nha.
Sơ đồ phân tích nhân vật Phùng chi tiết nhất.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Phùng Studocu.
Sơ đồ phân tích 2 phát hiện của nghệ sĩ Phùng Facebook.
Trên đây, freetuts.net đã hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích nhân vật Phùng chi tiết, ngắn gọn và giới thiệu thêm một số bài văn mẫu hay nhất, ấn tượng nhất. Hy vọng với những nội dung kể trên sẽ giúp cho các em học sinh lớp 12 đạt điểm cao hơn với để tập làm văn này.
Chúc các em học tốt và hẹn gặp lại trong những bài viết tiếp theo để cùng nhau tìm hiểu thêm nhiều kiến thức Văn học quan trọng khác nha!