Phân tích nhân vật chú Năm, lên dàn ý và các bài văn mẫu hay
Phân tích nhân vật chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, hướng dẫn lập dàn ý phân tích chú Năm và chia sẻ các bài văn mẫu, sơ đồ hay.
Phân tích nhân vật chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi là một đề văn thường xuyên xuất hiện trong các kỳ thi quan trọng trong chương trình Ngữ Văn lớp 12.
Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ chia cách lên dàn ý cũng như các bài văn mẫu phân tích chú Năm hay, ấn tượng nhất để giúp các em học sinh có thể dễ dàng đatk điểm cao nhé!
Dàn ý phân tích nhân vật chú Năm chi tiết nhất
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”.
Để có một dàn ý cho bài phân tích chú Năm trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” đủ ý, chi tiết nhất, các em cần tập trung đi phân tích những nội dung quan trọng sau đây:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Phần mở bài
- Giới thiệu truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” và nhà văn Nguyễn Thi.
- Giới thiệu chung về nhân vật chú Năm.
Tham khảo: Tiểu sử nhà văn Nguyễn Thi và sự nghiệp sáng tác của ông
Phần thân bài
Trong phần thân bài phân tích chú Năm, các em cần tập trung vào các nội dung chính sau:
Giới thiệu về chú Năm:
- Chú Năm là người thân duy nhất còn lại của Việt và chị Chiến.
- Là người đồng hành, giúp đỡ ba chị em từ khi ba, má mất đi.
- Là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho Chiến và Việt.
- Là đại diện cho người nông dân Nam Bộ hiền lành, chất phác.
Chú Năm là một nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ truyền thống gia đình:
- Chú là người lưu giữ và ghi chép cuốn sổ “đặc biệt” của gia đình. Là người ghi chép lại những đau thương hay những chiến công vẻ vang của cả nhà.
- Chú cũng là người động viên chị em Chiến và Việt lên đường nhập ngũ, giúp duy trì, tiếp bước truyền thống đánh giặc của gia đình.
Phân tích điểm đặc biệt trong tính cách, hành động của chú Năm:
- Chú Năm là một người kiệm lời, ít nói, nhưng câu nói nào cũng sâu sắc và đầy triết lý.
- Dặn dò các cháu trước khi lên đường nhập ngũ “Kỳ này đi là chân trời mặt biển, xa nhà thì ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về là chú chặt đầu”.
Ý nghĩa giọng hò của chú Năm:
- Khi Việt và chị Chiến dọn dẹp bàn thờ, chú Năm cất lên giọng hò khàn đặc, không trong trẻo như những câu hò trong đêm của chú.
- Câu hò cất lên như một hiệu lệnh: Ý chỉ việc hiệu lệnh tòng quân, hiệu lệnh cho chị em Chiến và Việt chuẩn bị lên đường nhập ngũ.
- Câu hò như một lời nhắn nhủ tha thiết về việc hai chị em cố gắng tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống quý báu của gia dình.
- Câu hò như một lời thề son sắc: Là lời thề thủy chung với Đảng, với cách mạng, lời thề với gia đình sẽ trở về bình an.
Phần kết bài
Khẳng định lại vai trò của nhân vật chú Năm đối với Chiến với Việt, và tác phẩm “Những đứa con trong gia đình”, từ đó rút ra nhận xét của em.
Văn mẫu phân tích nhân vật chú Năm hay nhất
Tổng hợp văn mẫu phân tích chú Năm hay, ấn tượng nhất.
Bên dưới đây freetuts đã chia sẻ hai bài văn mẫu phân tích chú Năm hay nhất, ấn tượng nhất, mời các em học sinh cùng tham khảo để biết thêm bố cục cũng như cách trình bày cho bài văn này nha.
Phân tích nhân vật chú Năm hay nhất của học sinh giỏi
“Những đứa con trong gia đình” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Nguyễn Thi. Truyện có nội dung kể về những đứa con trong một gia đình Nam Bộ giàu truyền thống Cách Mạng, và bên cạnh những tuyến nhân vật chính như chị Chiên, Việt thì còn một người mặc dù không xuất hiện nhiều nhưng lại đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự trưởng thành của hai chị em đó chính là nhân vật chú Năm.
Trong tác phẩm này, tác giả không miêu tả rõ chú Năm mà chú chỉ xuất hiện qua những lời kể thoáng của Việt mà thôi. Sau khi ba má mất đi, chú Năm là người thân duy nhất của hai chị em Chiến và Việt, chú đồng hành, theo dõi từng bước lớn khôn, trưởng thành của hai chị em, và có lẽ chính vì thế chú Năm hiểu hai đứa cháu mình hơn ai cả nên khi thấy Việt và Chiến dành nhau đi bộ đội, chú đã ủng hộ cả hai bằng việc sẽ là hậu phương vững chắc, sẽ là người chăm sóc đứa em út để cho hai chị em yên tâm lên đường.
Bình thường chú Năm cũng rất kiệm lời, nhưng những lời nói của chú đều mang những ý nghĩa sâu sắc, chú dặn chị em Chiến và Việt rằng “kỳ này cả hai đi là ra chân trời mặt biển” hay là lời khen ngợi dành cho Chiến khi cô tính toán chu toàn mọi việc “Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó được mở rộng, gọn bề gia thế, đặng bề nước non”, có lẽ giờ đây chú rất tự hào khi những đứa cháu của mình đã trưởng thành và chính chắn trong suy nghĩ, nhất là việc chúng vân có một tinh thân yêu nước và niềm tin vào Đảng vào Cách mạng mãnh liệt như các thế hệ tiền bối trong gia đình.
Và hơn cả nếu nói gia đình Chiến và Việt là một gia đình có bề dày lịch sử với truyền thống yêu nước lâu đời như những con sông chảy xuyên suốt qua các thế hệ thì chú Năm chính là thượng nguồn, là nơi bắt đầu và gìn giữ những điều tốt đẹp nhất, quý báu nhất. Chú luôn gìn giữ cuốn sổ gia đình quý báu, nó không chỉ là một cuốn gia phả mà hơn cả cuốn sổ này còn ghi lại những chiến công hay nỗi đau thương, mất mát mà họ đã trải qua.
Mặc dù chú Năm ít học, nhưng đối với chú, cuốn sổ gia đình ấy là báu vật vô giá, chú lọng khọng, tỉ mẩn ghi từng nét chữ tiếp nối vào cuốn gia phả ấy, chỉ mong có thể viết tiếp những trang sử đầy vẻ vang và hào hùng của dòng tộc. Chú cũng thường xuyên kể về những điển tích của gia đình cho con cháu nghe, để vừa ôn lại những kỷ niệm đẹp, vừa nhắc nhở họ phải cố gắng gìn giữ và tiếp tục phát huy những truyền thống quý báu ấy.
Và hình ảnh chú Năm cất câu hò ở đoạn cuối bài trong lúc Chiến và Việt dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị lên đường nhập ngũ cũng đã khiến cho độc giả cảm thấy ấn tượng và xúc động. Bình thường chú Năm cũng rất thích hò, nhất là vào những đêm trăng sáng dưới ghe, giọng hò của chú trong trẻo vang xa khắp không gian. Thế nhưng, ngay lúc này đây, giọng hò của chú lại khàn đặc lại, chất chứa biết bao nỗi niềm.
Câu hò cất lên như một hiệu lệnh uy nghiêm, nó như là hiệu lệnh dành riêng cho Chiến và Việt chuẩn bị lên đường nhập ngũ, đi theo lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ để có thể trả thù cho dân tộc, cho gia đình. Sau đó câu hò kéo dài từng tiếng rồi vỡ ra như những lời nhắn nhủ tha thiết các cháu hãy yên tâm mà ra trận, chú sẽ mãi là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các cháu, cho gia đình này. Cuối cùng, câu hồ ngắt lại như một lời thề dữ dội, là lời thề sẽ trung thành với cách mạng, với dân tộc, hay là lời thề của hai chị em phải bình an trở về.
Câu hò của chú Năm khàn đặc đi bởi lẽ chú xúc động và lo sợ. Chú xúc động vì Chiến và Việt đã lớn khôn, đã gìn giữ được truyền thống của gia đình, và hơn hết, chắc có lẽ chú Năm biết được sự khó khăn, tàn khốc của chiến tranh, chú lo sợ hai cháu của mình lành ít dữ nhiều,...Nhưng biết làm sao được, khi đây vừa là sứ mệnh, vừa là niềm tự hào của gia đình.
Mặc dù chú Năm không phải là tuyến nhân vật chính và xuất hiện rất ít trong truyện, nhưng hơn cả chú lại là người đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên những tư tưởng tốt đẹp của Việt và chị Chiến, đồng thời chú Năm cũng là hình ảnh đại diện cho những người nông dân hiền lành chất phát, góp phần truyền đạt những triết lý ý nghĩa của truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình”.
Phân tích ý nghĩa câu hò của chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”
Trong truyện “Những đứa con trong gia đình” của nhà văn Nguyễn Thi, ngoài tuyến nhân vật chính là chị em Chiến và Việt thì còn có sự xuất hiện của chú Năm, một nhân vật phụ xuất hiện rất ít lời thoại nhưng lại là người đóng vai trò quan trọng trong quá trình lớn lên và trưởng thành của hai chị em, là người gìn giữ những truyền thống quý báu của gia đình, điều này được thể hiện rõ nét qua câu hò ở cuối bài của chú Năm.
Chú Năm chỉ xuất hiện qua những lời kể mộc mạc, bình dị của nhân vật Việt, nhưng chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, đối với hai chị em Chiến và Việt, chú Năm là một người vô cùng quan trọng. Ba má cả hai mất sớm, chú Năm là người thân duy nhất ở bên cạnh, giúp đỡ hai chị em đi qua những tháng ngày khó khăn để có thể trưởng thành như ngày hôm nay. Chú Năm cũng là người đã giúp cho cả hai thấm nhuần tư tưởng về Cách mạng, và những truyền thống quý báu của gia đình mà tất cả đều gói gọn trong cuốn sổ “gia đình” mà chú Năm là người đã gìn giữ và ghi chép qua biết bao thế hệ.
Ở đoạn cuối truyện, khi chú Năm chỉ còn một mình ở trong nhà trên, chú lại cất tiếng hò, “Không phải là tiếng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông, rồi dội lại trên cái ghe heo chèo mướn của chú” mà đây là câu hò nổi lên giữa ban ngày, hơi khàn đặc và chất chứa vô vàn nỗi niềm của chú.
Ban đầu, câu hò cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, phải chăng đây là hiệu lệnh đặc biệt mà chú Năm dành riêng cho hai đứa cháu của mình báo hiệu việc ngày mai cả hai sẽ lên đường nhập ngũ, sẽ trở thành những người chiến sĩ cụ Hồ vẻ vang, gánh vác trên vai những trách nhiệm cao cả nhất là giành lại hòa bình cho dân tộc, là trả mối nợ máu cho gia đình.
Tiếp sau đó, câu hò kéo dài từng tiếng, từng tiếng một rồi vỡ ra như những lời nhắn nhủ tha thiết của một người chú dành cho những đứa cháu thân yêu nhất, nhắn nhủ rằng hai cháu hãy vững tin mà lên đường, ở nhà mọi chuyện đã có chú lo, nhắn nhủ rằng chiến tranh rất tàn khốc và ác liệt, các cháu phải biết tự bảo vệ bản thân, nhắn nhủ rằng các cháu hãy cố gắng viết tiếp những trang sử đầy hào hùng vào cuốn sổ “gia đình” nhé.
Rồi cuối cùng, câu hò ngắt lại đột ngột như một lời thề dữ dội, thề rằng phải trung thành với Đảng, với cách mạng, thề rằng phải dũng cảm kiên cường, thề rằng phải cố gắng vì độc lập, tự do của nước nhà, và thề rằng hãy cố gắng trở về bình an hai cháu nhé!
Vâng, chú Năm không chỉ là người nuôi dưỡng và chấp cánh cho Chiến và Việt để cả hai trở thành những thế hệ trẻ đầy tự hào của dân tộc mà chú còn là đại diện cho con người Nam Bộ, hiền lành, ngay thẳng và hơn cả là luôn có một lòng yêu nước nồng nàn.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật chú Năm trong Những đứa con trong gia đình
Mời các em học sinh cùng tham khảo thêm sơ đồ tư duy phân tích chú Năm sáng tạo và chi tiết dưới đây để có thể hiểu hơn về đề tập làm văn này nhé.
Sơ đồ phân tích chú Năm trong đoạn trích “Những đứa con trong gia đình”
Trên đây, freetuts.net đã hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích nhân vật chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình” ngắn gọn, chi tiết nhất và chia sẻ thêm các bài văn mẫu hay cùng sơ đồ tư duy sáng tạo. Hy vọng bài viết sẽ đem đến nhiều kiến thức bổ ích cho các em học sinh lớp 12 để giúp các em có thể hoàn thiện bài tập làm văn của mình hơn.
Và đừng quên theo dõi chuyên mục Văn học của chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức Ngữ Văn quan trọng khác nha. Chào tạm biệt và hẹn gặp lại!