Tiểu sử nhà văn Nguyễn Thi và sự nghiệp sáng tác của ông
Tóm tắt tiểu sự và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Thi, ông còn có tên thật là Nguyễn Hoàng Ca và bút danh là Nguyễn Ngọc Tấn.
Nguyễn Thi là một trong những ngòi bút cá tính và đặc sắc nhất trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Hầu hết các sáng tác của ông đều gắn liền với người nông dân Nam Bộ vậy nên ông còn được mệnh danh là nhà văn của người dân Nam Bộ. Không phải là một danh nhân lẫy lừng hay một nhà cách mạng lỗi lạc nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng được rất nhiều người kính trọng và ngưỡng mộ.
1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Thi
Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, ông còn biết đến với bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn. Ông sinh ngày 15/5/1928 và hy sinh ngày 9/5/1968 tại mặt trận Sài Gòn. Quê quán của ông ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Ông sinh ra trong một gia đình rất nghèo khổ, cha là hương sư Nguyễn Bội Quỳnh còn mẹ là Thành Thị Du - vợ hai của cha ông. Hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn, tuổi thơ bất hạnh vì những trận đòn ghen từ người vợ cả nhưng ông vẫn ham học.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Năm 1938, cha ông mất, mẹ đi bước nữa nên ông phải tự kiếm sống như một đứa trẻ lang thang, phải sống nhờ vào anh em, họ hàng. Đầu năm 1945, ông theo người họ hàng vào Sài Gòn sinh sống, từ đây ông tham gia vào con đường cách mạng, gia nhập lực lượng vũ trang và bắt đầu làm thơ, viết văn dưới bút danh Nguyễn Ngọc Tấn.
Năm 1947, ông chính thức là đội viên đội Cảm tử quân trong những ngày tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn và được kết nạp Ðảng.
Năm 1953, Nguyễn Thi kết hôn. Một năm sau đó, ông được lệnh tập kết ra Bắc, làm Đội trưởng Đội Văn công sư đoàn 330. Đến năm 1956, ông chuyển công tác về Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Năm 1962, ông xung phong quay trở lại chiến trường miền Nam, tham gia chống Mỹ và là một thành viên rất sôi nổi và tích cực của lực lượng Văn nghệ giải phóng.
Vào tháng 5 năm 1968, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, ông đi theo một đơn vị pháo binh của Quân giải phóng đánh chiếm Sài Gòn và đã hy sinh trên chiến trường.
Trong khoảng thời gian công tác ở các tiền tuyến lớn ở miền Nam, ông đã đi rất nhiều nơi và có mặt tại tại hầu hết những điểm nóng của chiến trường Đồng bằng Nam Bộ như: Củ Chi, Bến Tre, Ấp Bắc, …
2. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Thi
Nguyễn Thi là một nghệ sĩ rất tài năng với nhiều tài lẻ, ngoài viết văn ông còn có thể diễn kịch, vẽ bìa, vẽ minh họa rồi dạy múa, dạy hát, …
Sự nghiệp sáng tác văn học của ông được chia theo 2 giai đoạn.
Từ năm 1950 đến năm 1962: ở giai đoạn này ông sáng tác ở miền Bắc với 2 thể loại chính là thơ và truyện ngắn dưới bút danh là Nguyễn Ngọc Tấn.
Một số tác phẩm tiêu biểu đó là:
- Hương đồng nội (tập thơ, 20 bài)
- Trăng sáng (truyện ngắn)
- Ðôi bạn (truyện ngắn)
Mặc dù những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tấn trong giai đoạn này đều tập trung về chủ đề khá quen thuộc lúc bấy giờ như tinh thần dân tộc, tình nghĩa quân dân, tội ác của giặc, … nhưng với lối văn phong vừa giàu chất trữ tình vừa giàu chất hiện thực cùng năng lực phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo đã giúp cho những tác phẩm của ông vẫn ấn tượng, mang một sức hấp dẫn và thuyết phục riêng.
Giai đoạn thứ hai từ năm 1963 đến năm 1968: Đây được coi là giai đoạn rất thành công của ông, dưới bút danh Nguyễn Thi ông đã đóng góp cho nền văn học Cách mạng miền Nam rất nhiều tác phẩm tiêu biểu ở các thể loại như: ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, …
Thời điểm này ông sinh sống tại Nam Bộ, hiểu được con người, cuộc sống cực khổ cũng như lòng căm thù giặc của người dân nơi đây Nguyễn Thi đã viết lên những tác phẩm rất có giá trị nói về hình ảnh người nông dân Nam bộ, đặc biệt là phụ nữ đồng hời giúp cho độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn về tình thế cách mạng, về vai trò và khả năng của nhân dân trong các cuộc kháng chiến.
Một số truyện ngắn xuất sắc của ông là:
- Chuyện xóm tôi (1964)
- Mùa xuân (1964)
- Những đứa con trong gia đình (1966)
- Mẹ vắng nhà
Nguyễn Thi còn sáng tác một số tác phẩm thuộc thể loại ký nhưng được viết dưới dạng tùy bút. Nội dung chính của những tác phẩm này nói về mối quan hệ thế giới quan, nhân sinh quan thời chiến đồng thời thể hiện tấm lòng yêu nước và thủy chung của đồng bào Nam bộ; khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, .
Tùy bút của ông thường ngắn gọn, súc tích cùng văn phong bình dị, khiêm tốn với giọng điệu thiết tha nên có sức vang vọng sâu xa trong tâm hồn người đọc.
Những tùy bút tiêu biểu:
- Ðại hội anh hùng
- Những câu nói trong đại hội
- Dòng kinh quê hương
Nguyễn Thi còn được biết đến là tác giả của 2 truyện kí xuất sắc là: Người mẹ cầm súng, Uớc mơ của đất. Trong đó tác phẩm “Người mẹ cầm súng” được Hội đồng Văn học nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trao tặng giải thưởng văn học Nguyễn Ðình Chiểu năm 1960-1965.
Ngoài ra, ông cũng góp vào văn học một số tác phẩm thuộc thể loại tiểu thuyết như: Ở xã Trung Nghĩa, Sen trong đồng, Cô gái đất Ba Dừa. Mặc dù hầu hết những sáng tác này đều dở dang khi nhà văn hy sinh nhưng vẫn mang những giá trị văn học to lớn nhờ phản ánh hiện thực cuộc sống lúc bấy giờ.
Suốt cả cuộc đời của mình, Nguyễn Thi tự đã nguyện sáng tác bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu từ trái tim mình để ngợi ca chủ nghĩa anh hùng Cách mạng miền Nam. Năm 2000, ông đã vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Đến năm 2011, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nguyễn Thi là một nhà văn có sự hài hòa tuyệt vời giữa sống – chiến đấu – sáng tác. Tuy sự nghiệp sáng tác không lâu, nhưng với tinh thần lao động nghệ thuật quên mình ông đã thể hiện được sức sống mãnh liệt, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của con người Việt Nam trước những thử thách sống còn của lịch sử đồng thời có những đóng góp quý báu vào nền văn học Việt Nam thời chống Mỹ và công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc.