Phân tích nhân vật bà cụ Tứ và bài văn mẫu chọn lọc hay nhất
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong “Vợ Nhặt” - Kim Lân, hướng dẫn lập dàn ý phân tích bà cụ Tứ chi tiết và chia sẻ thêm một số bài văn mẫu hay cùng sơ đồ tư duy.
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ Nhặt” của Kim Lân là một bài tập làm văn rất hay và ý nghĩa, vì nhân vật này là đại diện cho những người mẹ vĩ đại nhất với tấm lòng yêu thương con cái vô bờ bến.
Để có thể đạt điểm cao nhất đối với đề văn này, các em hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây của freetuts để biết cách lên dàn ý cũng như tham khảo thêm các bài văn mẫu phân tích bà cụ Tứ hay nhất được chọn lọc nha.
Dàn ý phân tích nhân vật bà cụ Tứ ngắn gọn, dễ hiểu
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ Nhặt”
Ngay bên dưới đây là những nội dung cần có trong dàn ý của bài phân tích cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ Nhặt” của Kim Lân, mời các em cùng tham khảo ngay nhé.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Mở bài phân tích bà cụ Tứ
- Giới thiệu nhà văn Kim Lân: Chuyên viết về đề tài cuộc sống của những người nông dân và nông thôn Bắc Bộ.
- Giới thiệu tác phẩm Vợ Nhặt: Có nội dung viết về nạn đói năm Ất Dậu (1945), tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”
- Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ: Một người mẹ nghèo khổ nhưng lại có tấm lòng yêu thương con bao la.
Tham khảo:
Tiểu sử nhà văn Kim Lân và sự nghiệp sáng tác văn học
Mở bài Vợ nhặt của Kim Lân được chọn lọc hay nhất 2024
Thân bài phân tích bà cụ Tứ
Trong phần thân bài, các em cần tập trung đi sâu phân tích những nội dung chính sau đây nhé:
Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ:
- Là một người mẹ nghèo khổ, tuổi cao sức yếu.
- Chồng và con gái đã mất, hiện chỉ còn bà và cậu con trai là Tràng sống nương tựa vào nhau.
- Ngoại hình được miêu tả là dáng đi lọng khọng, có phần chậm chạp và hơi run
Phân tích diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ khi Tràng nhặt được vợ
- Ban đầu cảm thấy ngạc nhiên khi thấy một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện trong nhà còn gọi mình là u.
- Cảm thấy buồn, tủi vì bản thân không lo được cho con đến nơi đến chốn mà để cậu phải lấy vợ nhặt.
- Cảm thấy thương cho người con gái chấp nhận lấy Tràng vì hoàn cảnh khốn khó.
- Vui mừng vì ít ra sau tất cả, con trai của mình cũng được yên bề gia thất.
- Cảm thấy lo lắng về tương lai sau này, không biết hai đứa con của mình có vượt qua được giai đoạn khó khăn này không.
Phân tích tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ vào sáng hôm sau:
- Tâm trạng bà trở nên phấn chấn lạ thường, khuôn mặt vốn bủng beo nay cũng rạng rỡ hẳn.
- Bà cùng con dâu vui vẻ dọn dẹp nhà cửa, vườn tược và chuẩn bị bữa cơm đầu tiên cho con dâu.
Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ khi ngồi trong bữa ăn:
- Bà tỏ ra rất lạc quan, suy nghĩ về một tương lai tốt đẹp.
- Vui đùa nói nồi cháo cám là cháo khoái để đãi con dâu, trong thời buổi khó khăn lúc bấy giờ, đây cũng là nhưng món ăn hết sức xa xỉ và trân quý.
⟹ Tuy bà cụ Tứ là một người mẹ nghèo khổ nhưng lại rất giàu tình thương, bà rất hiền lành và nhân hậu, luôn đặt mối quan tâm, lo lắng cho con cái lên hàng đầu.
Kết bài phân tích bà cụ Tứ
Nêu cảm nhận của em về nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ Nhặt” của Kim Lân.
Văn mẫu phân tích nhân vật bà cụ Tứ hay đạt điểm cao nhất
Tổng hợp văn mẫu phân tích bà cụ Tứ hay, điểm cao nhất.
Mời các em cùng tham khảo thêm một số bài văn mẫu phân tích bà cụ Tứ hay, đạt điểm cao nhất mà freetuts đã tổng hợp dưới đây để tìm thêm nhiều ý tưởng cho bài văn của mình nha.
Phân tích nhân vật bà cụ Tứ hay nhất của học sinh giỏi
“Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân, có nội dung viết về nạn đói năm Ất Dậu (1945). Trong tác phẩm này, ngoài Tràng và Thị thì còn có nhân vật bà cụ Tứ - một người mẹ khắc khổ nhưng luôn tràn ngập tình yêu thương con cái cũng đem đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
Bà cụ Tứ là mẹ của Tràng, một thanh niên to khỏe chuyên làm nghề đẩy xe bò, bà được miêu tả là một bà lão già nua, khọm khẹm, tướng đi lọng khọng, chậm chạp và có phần hơi run run, có lẽ vì phần tuổi đã cao nên lúc đi bà hay ho húng hắng liên hồi. Chồng và con gái bà đã mất, hiện chỉ còn mình cụ Tứ và người con trai sống nương tựa vào nhau.
Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ là đỉnh điểm của nạn đói năm 1945, người chết như ngả rạ, ngày nào hai bên đường cũng vất vưởng vài ba xác chết nằm cong queo, việc chạy ăn từng bữa cũng là cả một vấn đề thế mà anh cu Tràng, con của bà lại đem về một cô gái và tự nhận là vợ của mình. Ban đầu bà cảm thấy hết sức ngạc nhiên khi thấy người con gái lạ mặt xuất hiện trong nhà và còn gọi mình là u.
Sau khi nghe rõ ngọn ngành, bà vừa vui mừng vừa cảm thấy buồn tủi, vui vì cuối cùng con trai của mình cũng yên bề gia thất, cũng có người chịu lấy làm vợ, nhưng buồn vì người ta dựng vợ gả chồng lúc gia đình ăn nên làm ra mà Tràng phải lấy vợ nhặt, và trong hoàn cảnh hết sức éo le như bây giờ. Chính vì điều này nên bà cảm thấy rất có lỗi vì mình là một người mẹ tồi không lo được cho con đến nơi đến chốn.
Bà cũng vừa thương Thị - vợ của Tràng vì khốn khổ mới phải lấy con trai mình, còn Tràng thì lại vô tư ngờ nghệch không biết gì, tuy nhiên cũng may vì thế mà con mình mới có được vợ. Tuy nhiên, nói là thế nhưng tâm trạng của cụ Tứ vui mừng khôn xiết khi “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”.
Khi nghĩ về tương lại, lòng cụ Tứ bỗng chùng xuống, bà lo rằng không biết Tràng và Thị có vượt qua được giai đoạn đói khát này không? Liệu cuộc đời của hai người có tốt đẹp hơn bà và chồng trước đây không?
Tuy nhiên, cụ Tứ cũng chính là người đã giúp thắp sáng thêm ngọn lửa về một tương lai tươi sáng hơn, điển hình là trong bữa ăn bà chăm chăm bàn tính đến những chuyện tốt đẹp trong tương lai với giọng phấn chấn nhất, bà bàn tính sẽ nuôi thêm đôi gà rồi chẳng mấy chúng ta sẽ có một đàn gà cho mà xem, rồi cái cách bà nói đùa rằng nồi cháo cám là cháo khoái (cháo đậu xanh) để đãi con dâu khiến cho mọi người đều nghẹn đắng trong lòng.
Qua nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân đã thành công miêu tả tấm lòng bao la vĩ đại của người mẹ đối với đứa con của mình, tuy nghèo khổ về tiền bạc nhưng bà lại rất giàu về tình thương. Tất cả những điều này càng khiến cho hình ảnh bà cụ Tứ trở nên ấm áp và thân thương hơn bao giờ hết, tình yêu của bà sẽ là ngọn lửa thắp sáng cho Tràng và Thị vào những lúc tăm tối nhất của cuộc đời.
Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ đạt điểm cao nhất
Kim Lân là một nhà văn chuyên viết về đề tài người nông dân vào giai đoạn trước cách mạng tháng Tám, tuy số lượng tác phẩm của ông không nhiều nhưng bài nào cũng rất đặc sắc và nổi bật nhất chính là truyện ngắn “Vợ Nhặt”, thông qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh người mẹ cao quý, thiêng liêng nhất.
Bối cảnh truyện xảy ra vào giai đoạn nạn đói năm Ât Dậu (1945) đang hoành hành, khiến cho người chết như ngả rạ, nằm ngổn ngang khắp lều chợ, khắp những cánh đồng khiến cho bầu không khí có mùi ẩm thối và hơi gây bởi xác người. Bà Cụ tứ vốn là mẹ của Tràng, chồng và con gái bà mất sớm, hiện chỉ có hai mẹ con sống nương tựa vào nhau. Một buổi chiều ảm đạm nọ, Tràng dẫn về một người con gái và nói đó là vợ của mình, khiến cho tâm trạng của cụ Tứ rối bời và hỗn độn.
Ban đầu, khi cụ Tứ thấy một người con gái lạ mặt xuất hiện trong nhà và gọi mình là u, bà vô cùng ngạc nhiên và có chút sững sỡ. Bà ngạc nhiên vì trong cái thời buổi đói khổ này, thằng con trai xấu xí, nghèo khổ của mình lại lấy vợ - Vốn là một việc hệ trọng nhất của đời người.
Sau đó, khi nghe Tràng giải thích, bà mới vỡ lẽ ra rồi cảm thấy có chút buồn tủi. Bà buồn vì trách số phận mình quá đỗi nghèo khó nên không thể lo cho con trai được tử tế, đào đâu ra cơm, ra gạo để có thể làm bữa cơm đãi làng xóm, trình tổ tiên. Nhưng bên cạnh đó, cụ Tứ lại cảm thấy rất vui mừng vì từ nay Tràng đã yên bà gia thất, cuối cùng cũng có người chịu lấy con mình làm chồng.
Nhưng rồi khi nghĩ về tương lai sau này, nét mặt bà lại hiện nên vẻ lo lắng vì không biết hai đứa có thể vượt qua được giai đoạn nghèo đói này không? Sau này cuộc sống của hai người có trở nên tốt hơn không? Đây chính là nỗi lo của một người mẹ đã trải qua nhiều vất vả, khổ cực. Tuy nhiên, người đọc vẫn có thể cảm nhận được sự lạc quan của bà cụ Tứ khi bà vẽ nên những bức tranh tươi đẹp ở tương lai, bà cũng động viên Tràng và Thị cùng nhau cố gắng vượt qua mọi khó khăn để xây dựng một gia đình ấm êm, hạnh phúc.
Thông qua việc xây dựng tình huống truyện độc đáo với cách miêu tả tâm lý nhân vật bà cụ Tứ hết sức có chiều sâu, nhà văn Kim Lân đã đem đến cho người đọc một hình ảnh người mẹ tuy nghèo khổ nhưng lại hiểu chuyện và thương con hơn bao giờ hết. Đây chính là điểm giúp cho nhân vật này ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mọi người.
Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ chọn lọc ấn tượng nhất
“Vợ Nhặt” là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của nhà văn Kim Lân, tác phẩm được ra đời vào thời điểm diễn ra nạn đói năm 1945, tuy là thời gian khốn khó nhất của dân tộc nhưng giữa lúc đó, tác giả đã làm nổi bật lên sức sống mạnh mẽ và bản chất tốt đẹp của những người nông dân, đặc biệt nhất là thông qua nhân vật bà cụ Tứ.
Bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân miêu tả là một bà lão lớn tuổi, nghèo khó, chồng và con gái út của bà mất sớm, hiện chỉ còn mỗi bà cụ và cậu con trai tên là Tràng sống nương tựa vào nhau. Khi nạn đói diễn ra, cuộc sống của hai mẹ con bà ngày càng khốn khổ hơn, căn nhà nhỏ rúm ró trên mảnh vườn đầy cỏ dại, bữa cơm đạm bạc với lùm rau chuối thái rối hay lúc thì có thêm nồi cháo cám.
Giữa thời điểm lúc bấy giờ, lo cho bản thân còn khó, thế mà con trai bà lại đem về một cô gái lạ rồi giới thiệu đó là vợ của mình. Ban đầu bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên nhưng bản chất bà vốn là một người nhân hậu, bao dung nên bà cũng gật đầu đồng ý cho việc con trai lấy vợ. Bà chỉ xót thương cho con trai mình vì nghèo khó mà phải lấy vợ nhặt, rồi bà cũng đồng cảm với cô con dâu vì hoàn cảnh khốn khổ mà đồng ý lấy con trai của mình.
Cụ Tứ nói chuyện rất từ tốn với con dâu “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”, nhưng bên cạnh đó thì bà cũng tỏ ra rất vui, vì ngẫm lại cuối cùng con trai của bà cũng yên bề gia thất, cũng có người chấp nhận hoàn cảnh của hai mẹ con bà mà đồng ý về làm dâu “Khuôn mặt bủng beo trông rạng rỡ hẳn”.
Dù biết tương lai phía trước của gia đình họ sẽ gặp muôn vàn khó khăn nhưng bà luôn tỏ ra mạnh mẽ, lạc quan để muốn động viên và thắp nên gọn lửa hy vọng trong lòng các con, bà luôn nói về những chuyện vui như việc sau này sẽ nuôi một đàn gà,...
Ngoài lời nói ra, cụ tứ cũng thể hiện sự vui vẻ phấn chấn thông qua hành động, bà cùng con dâu dọn dẹp nhà cửa, quét dọn vườn tược, nhà cửa sạch sẽ tinh tươm, ngoài ra bà còn chào đón con dâu bằng một nồi cháo cám - thứ được cho là xa xỉ lúc bấy giờ.
Qua những điều trên, chúng ta có thể thấy được bà cụ Tứ quả thật là một người mẹ vĩ đại, cả cuộc đời luôn hy sinh, lo lắng cho con cái. Dù cái đói, cái nghèo có thảm khốc đến đâu thì vẫn không thể thắng nổi tình cảm mẹ con thiêng liêng và cao quý ấy, thật quá đỗi trân trọng.
Bà cụ Tứ vốn là một bà lão già nua, nghèo khổ, chồng và con gái đã mất từ lâu, hiện chỉ còn lại mỗi bà và cậu con trai là Tràng. Khi thấy Tràng đưa về một cô vợ nhặt, ban đầu bà cảm thấy ngạc nhiên rồi sau đó tỏ ra lo lắng và hơi buồn bã. Bà lo vì sợ hai đứa sẽ có tương lai ra sao khi cái đói ngày một hoành hành, bà buồn vì nghĩ bản thân mình là mẹ mà lại không thể lo lắng chu toàn được cho cậu con trai duy nhất mà để cậu phải thiếu thốn như vậy.
Tuy nhiên, sau cùng thì bà cụ Tứ lại rất vui mừng, vui vì cuối cùng Tràng cũng đã có vợ, niềm vui thể hiện rõ rệt nhất qua các hình ảnh như “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”, ngoài ra bà còn phấn chấn, hào hứng quét dọn sân vườn cùng con dâu.
Trong bữa cơm ngày đói, mặc dù chỉ đơn sơ với lùm rau chuối thái rối, đĩa muối trắng ăn với cháo, nhưng mà luôn tỏ ra rất vui vẻ, bà vừa ăn vừa nói đến những chuyện vui, rồi thậm chí bà còn hồ hởi khi nghĩ về tương lai sẽ nuôi một đàn gà,...Bà có thái độ như vậy chắc hẳn chỉ muốn truyền thêm niềm tin và thắp lên những tia hy vọng cho hai đứa con về một tương lai tươi sáng hơn. Thậm chí bà còn đãi con dâu một nồi cháo cám - món mà khối nhà còn chả có mà ăn, rồi bà ân cần trò chuyện cùng với con dâu với lời lẽ hết sức nhẹ nhàng và gần gũi.
Qua đoạn trích trên, chúng ta có thể thấy rõ được sự vui mừng và hạnh phúc của bà cụ Tứ khi thấy con trai của mình đã lập gia đình, bà cũng có một người con dâu hiền lành, đảm đang, đây có lẽ là mong muốn lớn nhất của bà lúc bấy giờ. Tuy bà cụ Tứ chỉ là nhân vật phụ nhưng hình ảnh của bà là đại diện cho những người mẹ vĩ đại, luôn hy sinh vì con cái và thật đáng trân trọng.
Phân tích bà cụ Tứ trong đoạn “Sáng hôm sau đến hết”
Trong tác phẩm “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân, bên cạnh nhân vật chính là Tràng thì còn có sự góp mặt của một nhân vật khác cũng không kém phần quan trọng là bà cụ Tứ - mẹ của Tràng, bà không chỉ là một người mẹ với tình yêu thương vĩ đại mà còn là người truyền lửa, thắp sáng niềm tin giữa cái thời điểm u tối, khó khăn nhất, điều này được thể hiện rõ nhất trong trích đoạn từ “Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào,...cho đến hết”.
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ Nhặt
Ngoài dàn ý và bài văn mẫu ở trên, mời các em cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy phân tích Vợ Nhặt bên dưới đây để có thể hình dung rõ hơn về nội dung và bố cục của bài tập làm văn này nhé!
Sơ đồ tư duy phân tích bà cụ Tứ trong “Vợ Nhặt” của Kim Lân.
Sơ đồ phân tích nhân vật bà cụ Tứ chi tiết nhất.
Trên đây, freetuts.net đã hướng dẫn cách lập dàn ý chi tiết cho bài văn phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm “Vợ Nhặt” của Kim Lân và chia sẻ thêm một số văn mẫu hay cho các em học sinh lớp 11 cùng tham khảo. Hy vọng, với những kiến thức này, các em sẽ đạt điểm cao trong môn Ngữ Văn.
Nếu các em muốn tìm hiểu thêm nhiều đề văn hay khác, hãy ghé thăm chuyên mục Văn học của chúng tôi ngay nhé!
Sơ đồ phân tích vẻ đẹp tình mẫu tử của bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt”