Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa và mẫu văn chọn lọc hay nhất
Hướng dẫn lên dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa và chia sẻ sơ đồ tư duy cùng một số đoạn văn mẫu, bài văn mẫu hay nhất cho các em học sinh lớp 12 tham khảo.
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những đề bài tập làm văn đã gây không ít khó khăn cho các em học sinh lớp 12, bởi tác phẩm này rất dài và chứa đựng nhiều nội dung, ý nghĩa khác nhau. Chính vì thế, trong bài viết hôm nay, freetuts sẽ chia sẻ cho các bạn học sinh cách lập dàn ý chi tiết để có một bài phân tích hoàn hảo và dễ ăn điểm nhất nha, bên cạnh đó, chúng tôi còn đưa ra một số bài văn, đoạn văn mẫu hay cho các em tham khảo nữa nè. Cùng tìm hiểu ngay nhé!
Dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu
Hướng dẫn lập dàn ý phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
Cùng tìm hiểu những nội dung chính nào cần có trong phần mở bài, thân bài và kết bài của bài phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của tác giả Nguyễn Minh Châu nhé.
Mở bài Chiếc thuyền ngoài xa
Đối với phần mở bài, các em có thể lựa chọn cách mở bài gián tiếp hoặc trực tiếp, tùy vào khả năng và sở thích của bản thân, tuy nhiên cách nào cũng cần có những nội dung cơ bản như sau:
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
- Giới thiệu sơ lược về tác giả Nguyễn Minh Châu: Có thể giới thiệu năm sinh, năm mất, quê quán, phong cách nghệ thuật ra sao, ông có ảnh hưởng gì trong nền văn học Việt Nam hay không? hoặc ông có những tác phẩm nổi tiếng nào…
- Giới thiệu tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa: Được sáng tác năm nào? in trong tập truyện nào? hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
- Nêu nội dung chính của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.
Thân bài phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
Với phần thân bài, các em hãy tập trung đi phân tích những nội dung chính sau đây nhé:
Phân tích chiếc thuyền ngoài xa phát hiện 1 - phát hiện về nghệ thuật
Trong một lần “miễn cưỡng” đi công tác, nhà báo Phùng đã phát hiện được một cảnh đẹp mà ông đánh giá là “đắt như trời cho” đó là:
- Cảnh chiếc thuyền neo đậu trên bến hiện lên vô cùng đẹp mắt và được đánh giá là “bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”.
- Vẻ đẹp này khiến cho ông cảm thấy bối rối, nghẹt thở cả con tim và liên tục bấm máy chụp đến độ hết một phần tư cuốn phim.
Phân tích chiếc thuyền ngoài xa phát hiện 2 - phát hiện về bức tranh cuộc sống chân thật
Khi con thuyền cập bến, anh phát hiện ra những nghịch lý của cuộc sống, đó là cảnh bạo lực gia đình rất nghiêm trọng:
- Người chồng bước xuống với tấm lưng rộng, cong, từng bước đi chắc chắn, đôi mắt đầy giận dữ đang nhìn chằm chằm người đàn bà.
- Người vợ thì trạc bốn mươi tuổi, thân hình thô kệch, khuôn mặt toát nên sự mệt mỏi sau một ngày dài làm việc vất vả.
- Cảnh tượng tiếp theo khiến cho anh nhà báo Phùng cảm thấy giật mình khi thấy người đàn rút ra chiếc thắt lưng trút lên người vợ những trận đòn kinh khủng, hắn vừa đánh vừa mắng nhiếc người vợ không chết đi cho ông nhờ,...
- Người đàn bà cắn răng chịu đựng, không hé răng nửa lời.
Rút ra kết luận, có thể hình ảnh con thuyền thì rất đẹp, rất thơ, nhưng câu chuyện thực tế chứa đựng đằng sau nó lại vô cùng tàn nhẫn và chua xót.
Phân tích câu chuyện người đàn bà hàng chài khi có mặt ở tòa án nhân dân huyện
Sau khi được tòa án nhân dân huyện triệu tập về việc bị chồng bạo hành, người đàn bà làng chài lại có những hành động hết sức ngạc nhiên:
Người vợ tỏ ra lúng túng, sợ hãi khi làm việc với Đẩu - chánh án tòa án. Khi chánh án đề nghị ly hôn người chồng vũ phu, chị ta lại ra sức van xin đừng bắt mình phải bỏ nó. Chị cũng có lý lẽ riêng cho mình như:
- Bản chất người chồng rất tốt, chỉ là do cuộc sống đưa đẩy, hoàn cảnh đói nghèo nên mới dẫn đến sự cục cằn và thô lỗ như vậy.
- Người chồng là chỗ dựa duy nhất cho mẹ con chị, chị không thể một mình lo đủ cho 10 miệng ăn.
- Ngoài những lúc đánh đập ra thì vợ chồng chị cũng có những lúc rất là vui vẻ.
Qua đó cho ta thấy, người phụ nữ rất cam chịu, cho dù mình chịu bao khó khăn, tủi nhục nhưng vẫn hết lòng suy nghĩ cho chồng, cho con.
Chánh án Đẩu và anh Phùng ban đầu thì tỏ ra giận dữ và bất bình khi người đàn bà nhất định không chịu ly hôn với chồng, tuy nhiên sau khi nghe chị giải thích, cả hai lại chìm ngập trong suy ngẫm.
Qua đó, rút ra được, chúng ta không nên đánh giá sự việc theo một cách phiến diện, phải nhìn nhận đúng bản chất vấn đề vì cuộc sống này rất đa chiều.
Phân tích giá trị hiện thực và triết lý nhân sinh, trong Chiếc thuyền ngoài xa
- Câu chuyện được kể lại qua lời kể của nhà báo Phùng đem đến một cái nhìn khách quan, chân thật.
- Tình huống truyện cũng vô cùng thực tế và đem lại nhiều suy ngẫm cho người đọc.
- Hình ảnh trong truyện cũng được chọn lọc kỹ càng, đắt giá nhưng vô cùng thực tế.
Nêu ý nghĩa nhan đề của tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:
Hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” trong tác phẩm là chi tiết vô cùng đắt giá, nó vừa là biểu tượng của nghệ thuật cũng vừa là phương tiện kiếm sống của gia đình hàng chài, đây cũng chính là sợi dây liên kết giữa tính nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, đem lại nhiều suy ngẫm cho độc giả.
Kết bài Chiếc thuyền ngoài xa
Nhận xét về cốt truyện, tính nghệ thuật và thông điệp Chiếc thuyền ngoài xa từ đó đưa ra cảm nghĩ của mình.
Sơ đồ tư duy phân tích Chiếc thuyền ngoài xa
Cùng tham khảo thêm một số sơ đồ tư duy phân tích truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa dưới đây để tìm thêm nhiều ý tưởng cho bài viết của mình nha.
Sơ đồ phân tích Chiếc thuyền ngoài xa ngắn gọn, đủ ý
Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Phùng trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
Sơ đồ phân tích Chiếc thuyền ngoài xa người đàn bà hàng chài.
Sơ đồ tư duy nêu cảm nhận về truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa đoạn 1.
Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đoạn 2.
Văn mẫu phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu
Tổng hợp bài văn, đoạn văn mẫu phân truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất.
Cùng tìm hiểu về một số bài văn, đoạn văn mẫu phân tích Chiếc thuyền ngoài xa hay nhất được freetuts tổng hợp ngay bên dưới đây nha.
Phân tích Chiếc thuyền ngoài xa của học sinh giỏi hay nhất
Nguyễn Minh Châu được biết đến là một trong những tác giả văn xuôi nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông, nên có lẽ vì thế những tác phẩm của ông thiên về cuộc sống hằng ngày với những tình tiết mang đậm triết lý nhân sinh và “Chiếc thuyền ngoài xa” là một trong những tác phẩm điển hình nhất. Tác phẩm này chứa đựng tình huống vô cùng bất ngờ và những câu chuyện đáng suy ngẫm về cuộc sống mưu sinh đầy vất vả của người dân làng chài.
Câu chuyện được kể thông qua lời của anh nhà báo tên Phùng trong một lần anh phải “miễn cưỡng” đi công tác tại vùng biển miền Trung. Cũng tại đó, anh đã có một phát hiện để đời với cảnh đẹp đắt giá được ví như “trời cho” với hình ảnh chiếc thuyền đánh cá lặng lẽ tiến vào bờ, nó như một bức tranh thủy mạc cổ được vẽ nên bởi một người họa sĩ tài ba nhất. Tại thời khắc ấy, con người, cảnh vật, đất trời hòa vào làm một đem đến một vẻ đẹp mà khiến cho anh Phùng cảm thấy như nghẹt thở, anh đã sung sướng chớp lấy thời cơ bấm máy liên tục để ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp ấy để hoàn thành chuyến công tác “bất đắc dĩ của mình”.
Tuy nhiên, khi đang chìm đắm trong vẻ đẹp ấy, một chi tiết đã kéo anh trở lại với thực tế, hình ảnh người đàn ông với thân hình vạm vỡ bước xuống từ chiếc thuyền, ánh mắt ông ấy chứa đầy giận giữ, mồm thì không ngừng quát mắng người đàn bà tội nghiệp đang bước đi theo sau, đó là một cặp vợ chồng hàng chài, chủ nhân của chiếc thuyền mà anh vừa chụp.
Khi chưa kịp hoàn hồn thì anh lại bị những hành động của người chồng làm cho đứng hình, hắn ta rút vội chiếc thắt lưng bằng da sau đó liên tục quật vào người vợ tội nghiệp kèm những câu chửi rủa.
Người vợ cứ thế mà ngồi im hứng chịu sự phẫn nộ và những trận đòn roi tới tấp của ông chồng vũ phu. Qúa giận dữ trước hành động này, anh định lao tới can ngăn nhưng ngay lúc đó, cậu con trai Phác đã xuất hiện lao tới ngăn cản người cha. Khung cảnh hỗn loạn này trái ngược hoàn toàn với bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp mà anh nhà báo mới phát hiện ra, qua đó tác giả muốn nhắn nhủ với người đọc rằng, không phải cái gì đẹp cũng hoàn hảo cả, đằng sau nó còn cả một góc khuất đầy rẫy những sự bất công và xấu xa, con người cần tỉnh táo để có thể nhận thức được điều này.
Và cuộc gặp gỡ người đàn bà làng chài tại tòa án đã gợi mở cho tác giả nhiều suy ngẫm hơn. Vì nghĩ rằng mình cần giúp đỡ, giải thoát cho người vợ khỏi ông chồng vũ phu, anh Phùng đã nhờ đến sự giúp đỡ của Đẩu là chánh án tòa án huyện. Nhưng lạ lùng thay, khi người đàn bà được mời lên gặp, chị ấy tỏ ra sợ sệt và cuống quýt khi nghe tòa án bắt mình phải bỏ chồng, chị ấy nói rằng cho dù bắt mình phải làm gì cũng được miễn là đừng bắt phải ly dị chồng.
Ngay lúc đó, người đàn bà đã đưa ra những lý lẽ của riêng mình rằng bản chất của người chồng vốn rất tốt, nhưng vì cuộc sống đói nghèo, vì miếng cơm manh áo đã khiến anh ta trở nên cục súc và thô lỗ. Một mình chị không thể nuôi nổi 10 miệng ăn trong gia đình và hơn cả, nghề chài lưới rất vất vả, và anh chồng là trụ cột duy nhất, là chỗ dựa cho mẹ con chị bấu víu…Sau khi nghe những lời giãi bày của người vợ, Đẩu và anh Phùng cũng rơi vào trầm tư, họ như vỡ lẽ ra nhiều điều hơn. Đúng là không thể đánh giá câu chuyện một cách phiến diện được, phải là người trong cuộc thì mới hiểu rõ được bản chất vấn đề vì cuộc sống này vốn dĩ rất phức tạp và đầy nghịch lý.
Qua tác phẩm trên của tác giả Nguyễn Minh Châu, chúng ta có thể thấy được ông quả thật là một nhà văn tài ba khi kết hợp tài tình giữa vẻ đẹp của tự nhiên và hiện thực của cuộc sống, ông đã đem đến cho chúng ta rất nhiều bài học và kinh nghiệm sống quý báu.
Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa đoạn người đàn bà ở tòa án huyện
Từ xưa đến nay, tình mẫu tử luôn là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý hơn cả, đây cũng là chủ đề chính trong nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam. Và trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, chúng ta sẽ bắt gặp được hình ảnh mẫu tử thắm thiết qua trích đoạn người đàn bà ở tòa án huyện.
Tác phẩm Chiếc Thuyền ngoài xa được sáng tác vào năm 1983, trong giai đoạn đất nước bước vào thời kỳ đổi mới sau chiến tranh đã khắc họa lên những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn lúc bấy giờ.
Người đàn bà hàng chài được miêu tả là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, gương mặt đầy khắc khổ và in hằn dấu vết của thời gian. Khi chị được mời lên tòa án nhân dân huyện, cũng là lúc mà chị giãi bày về cuộc đời đầy thăng trầm và bi kịch của mình. Tại đây, khi được chánh án đề nghị giúp đỡ, giải thoát cho chị khỏi người chồng vũ phu thì chị lại vô cùng sợ hãi và một mực nhất quyết không chịu ly hôn. Chị đã kể cho Phùng và Đẩu nghe về cuộc đời của mình.
Chị vốn sinh ra ở một gia đình khá giả, nhưng vì ngoại hình xấu xí mà không ai thèm lấy, duy chỉ có anh hàng chài là để ý và yêu thương chị, lúc đó “lão chồng” tuy cục tính nhưng lại rất hiền lành, thương yêu chị. Nhưng vì cuộc sống khắc nghiệt, cái đói nghèo bủa vây, hai vợ chồng chị phải gánh vác trách nhiệm nuôi 10 đứa con nheo nhóc, chính áp lực cuộc sống đã biến chồng chị thành người vũ phu như vậy. Mặc dù bị chồng đánh đập suốt ngày, nhưng hơn ai cả, chị hiểu được rằng đàn con thơ cần một người cha, chị cần một người chồng để trụ cột và gồng gánh gia đình này, bởi vì một mình chị thì không thể nào xoay sở được.
Sau khi giãy bày được câu chuyện của mình, tâm trạng chị dường như thoải mái hơn, bằng chứng là chị đã tự tin thay đổi cách xưng hô với Phùng và Đẩu, chị cũng cảm ơn vì biết thực ra hai người chỉ muốn tốt cho chị mà tôi. Qua đó, cho ta thấy, mặc dù người đàn bà hàng chài ít học, nhưng chị lại rất thấu hiểu sự đời, trong hoàn cảnh ấy, chị cũng rút ra được nhiều chân lý sâu sắc khiến cho Đầu và Phùng cảm thấy suy ngẫm về nhân sinh, về cuộc sống muôn màu muôn vẻ này.
Qua phân đoạn này, tác giả Nguyễn Minh Châu đã giúp chúng ta nhận ra được nhiều triết lý trong cuộc sống. Người đàn bà hàng chài cũng đại diện cho những người phụ nữ lao động nghèo khổ, tuy phải chịu nhiều vất vả, khổ đau nhưng đối với họ sự yên ấm của gia đình, sự no đủ của những đứa con là điều quan trọng hơn cả.
Đoạn văn phân tích tình huống truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa
Nhắc tới những nhà văn thiên về văn học hiện đại của Việt Nam thì không thể nào không kể đến tác giả Nguyễn Minh Châu được, bằng sự tài năng của mình, ông đã có rất nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp văn chương của nước nhà, và nổi bật trong số đó là tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” với một tình huống truyện vô cùng độc đáo và ấn tượng.
Đối với một tác phẩm văn học, tình huống truyện đóng vai trò hết sức quan trọng, nó được coi là chìa khóa then chốt khiến cho câu chuyện trở nên hay và ý nghĩa nghĩa hơn cả. Trong tác phẩm truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa”, tác giả Nguyễn Minh Châu đã khéo léo xây dựng nhiều tình huống truyện đối lập nhau đem đến sự kịch tính và bất ngờ cho câu chuyện.
Tình huống đầu tiên là khi anh vô tình phát hiện ra một bức tranh tuyệt đẹp, đó chính là hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa trở về neo đậu sau một ngày làm việc dài. Hình ảnh này “đắt giá” đến nỗi được tác giả ví như một bức tranh thủy mạc cổ xưa được vẻ bởi một họa sĩ tài ba, anh đã không ngần ngại dơ máy ảnh lên chụp hết cả một phần tư cuộn phim, vẻ đẹp ấy khiến anh cảm thấy choáng ngợp và không thể dùng từ gì để diễn tả hết được. Anh cảm thấy rất mãn nguyện và cho rằng mình đã tìm ra được kết quả cho chuyến đi công tác lần này.
Tuy nhiên, đối lập với vẻ đẹp tuyệt vời ấy, là một tình huống thực tế hết sức éo le. Khi anh đang say mê tận hưởng bức tranh trời cho này, thì người đàn ông xuất hiện với nét mặt dữ tợn, tiếng thét “Mày cứ ngồi yên đấy, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ” đã dội một gáo nước lạnh lên tâm hồn đang bay bổng của anh Phùng, nó kéo anh lại với thực tại tàn khốc. Tiếp đó anh mắt chữ o, mồm chữ a khi tận mắt chứng kiến cảnh bạo lực gia đình vô cùng dã man. Người chồng dùng chiếc thắt lưng bằng da liên tục đánh đập người vợ một cách không thương tiếc, kèm theo đó là những lời nói cay độc, trù ẻo…Người vợ cứ thế mà ngồi im chịu trận, không hề phản kháng dù chỉ là một lời.
Sau khi chứng kiến cảnh này, anh Phùng quyết định vứt chiếc máy ảnh để chạy tới căn ngăn nhưng cậu con trai đã xuất hiện kịp thời, thay anh làm điều ấy. Sau đó cả nhà kéo nhau rời đi để anh Phùng ở lại một mình, cảnh đẹp “đắt giá” cũng vì thế mà biến mất.
Chưa dừng lại ở đó, tình huống người đàn bà hàng chài xuất hiện ở tòa án huyện với tâm trạng lo sợ và sau đó là một mực nhất định không chịu bỏ chồng, chị ấy đưa ra những lý lẽ của riêng mình khiến cho Phùng và chánh án Đẩu vỡ lẽ ra nhiều thứ. Đứng ở khía cạnh của chị, sự vũ phu của người chồng chỉ vì do hoàn cảnh cuộc sống đói nghèo nên anh ta mới có hành động như thế, nhưng chị lại rất biết ơn và coi trọng người chồng này, bởi vì anh là chỗ dựa duy nhất của mẹ con chị.
Thông qua những tình huống ở trên, tác giả Nguyễn Minh Châu đã đưa đến cho độc giả một tác phẩm vô cùng ý nghĩa. Ông cũng muốn nhắn nhủ rằng, cuộc đời này vốn muôn màu muôn vẻ, cuộc sống cũng có nhiều khía cạnh khác nhau, chúng ta phải nhìn nhận một vấn đề từ mọi phía, như vậy mới thực sự công bằng và khách quan.
Đoạn văn phân tích nhan đề tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa
“Chiếc thuyền ngoài xa” là một nhan đề rất hay và ý nghĩa, qua đó tác giả Nguyễn Minh Châu cũng đã phần nào gợi mở được tình huống và chủ đề của truyện ngắn này thông qua hai tầng nghĩa
Tầng nghĩa đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được rõ rệt nhất, đó chính là vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh vật tự nhiên và con người. Chiếc thuyền hiện lên trong buổi chiều tà đẹp đến mê hồn, nó được anh Phùng ví như một bức tranh thủy mạc được vẽ bởi một danh họa tài ba nhất. Tất cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất như mũi thuyền, bóng người lớn, trẻ con hay cả tám lưới, chiếc gọng vó cũng đều hiện lên thật hoàn hảo dưới bầu trời sương mù trắng như sữa có pha chút sắc hồng. Vẻ đẹp này đã khiến cho anh chết lặng, sau đó giơ máy ảnh lên bấm liên hồi một lúc hết cả 1 phần 4 cuộn phim.
Tầng nghĩa thứ hai rất chân thực và thực tế, đằng sau vẻ đẹp cực phẩm ấy là một câu chuyện bạo lực gia đình hết sức thương tâm, những người dân chài lưới bị cái đói nghèo bủa vây, áp lực cơm áo gạo tiền đè nén lên những đôi vai bé nhỏ, khiến cho tâm tính người ta thay đổi. Người vợ vì hạnh phúc gia đình, vì những đứa con mà cắn răng chịu đựng không một lời oán than, trách móc.
Qua hai hình ảnh này, chúng ta thấy được sự đối lập giữa nghệ thuật và hiện thực cuộc sống, có nhiều thứ chỉ mang một vẻ đẹp phù phiếm ở bên ngoài, còn thực chất bên trong thì quá đỗi xót xa. Cuộc sống này vốn muôn màu, muôn vẻ, chúng ta phải nhìn nhận sự việc từ nhiều khía cạnh để có một cái nhìn khách quan và đúng đắn nhất.
Qua bài viết trên, freetuts.net đã hướng dẫn cách lập dàn ý phân tích Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết nhất và chia sẻ những sơ đồ tư duy và bài văn mẫu, đoạn văn mẫu được đánh giá cao nhất, hy vọng các em học sinh có thể tìm thêm nhiều ý tưởng mới lạ và độc đáo cho bài tập làm văn của mình.
Nếu các em muốn tìm hiểu thêm nhiều bài phân tích tác phẩm văn học hay khác hãy ghé chuyên mục Văn học của chúng tôi ngay nhé, còn rất nhiều bài viết hay chờ các em khám phá đó nha!