Phân tích Chiều tối (Mộ), lên dàn ý và bài văn mẫu chọn lọc
Phân tích Chiều tối (Mộ) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh chốn lao tù nói lên tinh thần lạc quan và một lòng hướng về cách mạng của Bác.
Chiều tối (Mộ) là một bài thơ nằm trong tập thơ “Nhật ký trong tù” được Bác sáng tác trong thời gian bị giam giữ tại Trung Quốc, và nó đã được đưa vào chương trình ngữ văn lớp 11. Phân tích Chiều tối là một đề bài tập làm văn thường gặp trong các kỳ thi kiểm tra.
Vậy các em đã nắm được cách lập dàn ý cũng như phân tích bài thơ này sao cho hay và đầy đủ ý nhất chưa? Nếu chưa thì hãy cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây của freetuts để tìm được hướng đi đúng nhé.
Phân tích dàn ý Chiều tối hay nhất
Phân tích dàn bài thơ Chiều Tối (Mộ).
Để có thể hoàn thành tốt bài tập làm văn phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh, trước tiên các em cần lập một dàn ý chi tiết để tránh việc phân tích lạc đề và sót ý, hãy cùng tham khảo dàn bài sau nha.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Phần mở bài Chiều tối - Giới thiệu tác giả, tác phẩm
Ở phần mở bài, các em cần giới thiệu được những điểm sau:
- Tác giả của tác phẩm Chiều tối (Mộ) là ai?, sơ lược vài nét về tác giả, những đóng góp của Bác cho nền văn học nước nhà.
- Tác phẩm này được ra đời vào năm nào?, trích từ tập thơ nào? Nội dung chính của tác phẩm này là gì?
Phần thân bài - Phân tích bức tranh thiên nhiên, con người
Đối với phần thân bài, các em nên chia ra phân tích theo cặp 2 câu thơ một.
Hai câu thơ đầu:
- Phân tích bức tranh thiên nhiên, núi rừng có trong hai câu thơ này.
- Hình ảnh cánh chim, chòm mây trôi gợi ẩn dụ cho điều gì?
Hai câu thơ tiếp theo:
- Phân tích về bức tranh sinh hoạt cuộc sống hàng ngày, về vẻ đẹp của con người lao động trong thơ.
- Phân tích những hình ảnh ẩn dụ, ý nghĩa thực sự mà tác giả đang muốn hướng tới.
Phần kết bài Chiều tối - Nêu cảm nghĩ về tác phẩm
- Nói về vẻ đẹp tâm hồn của tác giả, sự lạc quan, lòng nhân ái như thế nào.
- Nhận xét về bút pháp mà tác giả sử dụng trong bài thơ.
Bài văn mẫu phân tích Chiều tối (Mộ) - Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng vĩ đại và đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc của dân tộc. Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật kí) là một trong những tác phẩm tiêu biểu, gắn liền với tên tuổi của Bác, tác phẩm này được Bác viết vào lúc bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ tại Quảng Tây từ năm 1942 đến năm 1943.
Chiều tối (Mộ) là một bài thơ được trích trong tập thơ này. Đây là một bài thơ độc đáo về cả nội dung lẫn tính nghệ thuật được Bác sáng tác trong quá trình người bị áp giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo vào cuối năm 1942. Dù trong hoàn cảnh bị xiềng xích vô cùng khó khăn nhưng Bác vẫn lạc quan ngâm thơ để tiếp thêm sức mạnh cho bản thân mình và khẳng định tinh thần thép cùng ý chí sắt đá của người chiến sĩ Cộng sản.
Bài thơ được bắt đầu bằng một bức tranh thiên nhiên chân thực với hình ảnh những chú chim bay lượn, những đám mây đang lững lờ trôi trên bầu trời.
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không”
Dịch nghĩa:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
Trong hai câu thơ này, Bác đã tinh tế sử dụng bút pháp tượng trưng và chấm phá để tạo nên những hình ảnh vô cùng sống động: một con chim bay lượn trên bầu trời bao la rộng lớn đến cuối ngày cũng đã thấm mệt, vội vã tìm đường trở về tổ để nghỉ ngơi. Hình ảnh cánh chim bé nhỏ đã làm nổi bật nên sự bao la, vô hạn của bầu trời. Ngoài ra, trên bầu trời ấy, còn có những đám mây đang lững lờ trôi trong vô định, không có phương hướng, quả thật là một bức tranh chiều tà phảng phất những nỗi buồn mang mác, như đang đồng cảm với tình cảnh của Bác, chân tay bị trói chặt bởi xiềng xích, đang lê từng bức đi mệt nhoài, nhưng Bác vẫn không đầu hàng, không hề bị khuất phục mà ngược lại còn xuất khẩu thành thơ, quả là một chiến sĩ có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần thép.
Và trong bức tranh thiên nhiên giữa buổi chiều tà ấy, hình ảnh người con gái xóm núi đang chăm chỉ lao động đã trở nên nổi bật hơn bao giờ hết:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”
Dịch nghĩa
“Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng”.
Ở hai câu thơ đầu là bức tranh tả thực về vẻ đẹp của thiên nhiên, thì qua hai câu thơ tiếp theo Bác đã chuyển sang miêu tả về vẻ đẹp của con người đang hăng say lao động qua hình ảnh một cô gái miền núi đang chăm chỉ xay ngô bên cạnh lò than rực lửa, một nét đẹp lao động hết sức mộc mạc và thân thương như một tia sáng nổi bật trong khung cảnh thiên nhiên buồn.
Màn đêm đã dần buông, là lúc con người trở về nhà sau những giờ làm việc mệt mỏi, tuy nhiên bản thân Bác là một người tù binh vẫn chưa biết đâu là điểm dừng, đâu là nơi nghỉ chân. Hình ảnh lò than rực hồng dường như thắp nên sự ấm áp cho tâm hồn đang cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo, giúp tiếp thêm ý chí và sức mạnh cho người tù nhân, khiến họ cảm thấy vững bước trên con đường đầy chông gai phía trước.
Qua bài thơ Chiều tối - Mộ, mượn hình ảnh miêu tả về thiên nhiên, về con người mà tác giả đã cho chúng ta thấy sự lạc quan của một người chiến sĩ Cách mạng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng Bác vẫn tìm cách quên đi mệt mỏi và tự động viên bản thân mình để luôn vững bước trên con đường cách mạng đầy gian khổ.
Hỏi đáp về bài thơ Chiều tối (Mộ)
Bài thơ Chiều tối được sáng tác theo thể thơ nào?
Tác phẩm Chiều tối (Mộ) được Bác sáng tác theo thể thơ Đường luật.
Tác phẩm Nhật ký trong tù gồm bao nhiêu bài thơ?
Nhật ký trong tù hay còn gọi là Ngục trung nhật ký là tập thơ chữ Hán gồm 134 bài thơ, Mộ là một trong những bài thơ tiêu biểu của tập Nhật ký trong tù.
Qua bài viết trên, freetuts.net đã chia sẻ dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích Chiều tối (Mộ) - Hồ Chí Minh, hy vọng qua đây sẽ giúp các em hiểu thêm về tác phẩm đặc sắc này và từ đó có thể phân tích tác phẩm này một cách hay và đầy đủ ý nhất.