Bài 07: Soạn bài em bé thông minh lớp 6 tập 1
Đây là bài soạn văn em bé thông minh nằm trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 1, trả lời câu hỏi sách giáo khoa bài em bé thông minh trang 70 dễ hiểu nhất.
Tìm hiểu chung
Thể loại
Em bé thông minh là văn bản thuộc thể loại truyện cổ tích.
Tóm tắt văn bản
Ngày xưa, để tìm người tài cho đất nước nên nhà Vua ra lệnh cho một viên quan đi tìm hiền tài. Đi đến đâu, ông cũng ra những câu hỏi hóc búa để tìm người tài giỏi nhưng chẳng thấy ai.
Một ngày nọ, quan gặp hai cha con đang cày ruộng thì liền hỏi con trâu ấy một ngày cày được mấy đường. Khi người cha đang không biết trả lời như thế nào thì cậu bé liền hỏi lại quan là ngựa của quan một ngày đi được bao nhiêu bước thì sẽ trả lời cho quan biết một ngày trâu nhà mình cày được mấy đường. Nghe đến đây thì quan biết đã gặp được nhân tài nên tức tốc chạy về báo vua.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Vua chưa tin lắm nên lại bày cách thử. Nhà vua sai lính mang đến làng 3 vò nếp và 3 con trâu đực và yêu cầu dân làng chăm sóc chúng và năm sau phải nộp được chín con trâu con. Dân làng lấy làm lo sợ thì cậu bé bảo dân làng thịt hai con trâu và đồ hai vò nếp để ăn mừng, còn lại để làm kinh phí lên kinh thành gặp vua. Sau đó cậu đã chứng minh cho vua thấy được rằng giống đực thì không thể nào đẻ con được.
Vẫn chưa dừng lại, nhà vua lại yêu cầu cậu bé làm thịt con chim sẻ và làm thành ba mâm cỗ. Cậu bé đưa cho tên lính chiếc kim và yêu cầu rèn thành một con dao để làm thịt chim. Từ đây vua biết đất nước ta đã có nhân tài.
Để xem nước ta có nhân tài hay không thì có sứ giả của nước ngoài qua và đố làm sao để đưa được sợi chỉ qua con ốc. Chưa ai biết phải làm thế nào thì nhà vua đã sai lính đi mời cậu bé về. Khi nghe xong chuyện thì cậu bé đã giải quyết được. Nhà vua phong cậu lên làm trạng nguyên và xây dinh thự bên cạnh để tiện bề hỏi han.
Bố cục văn bản
Văn bản được chia làm 3 đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu….thật lỗi lạc Nội dung của đoạn này nói đến việc nhà vua sai người đi tìm hiền tài cho đất nước.
- Đoạn 2: Tiếp theo….sứ giả nước láng giềng Nhà vua thử thách và tài trí thông minh của cậu bé.
- Đoạn 3: Phần còn lại Cậu bé được làm trạng nguyên bên cạnh nhà vua.
Yêu cầu bài học
Nắm được nội dung chính của câu chuyện, hiểu được ý nghĩa câu chuyện Em bé thông minh.
Nêu được những phương pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu chuyện.
Tóm tắt và kể lại truyện Em bé thông minh.
Trả lời câu hỏi trong sgk
Câu 1: Trang 74- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật có phổ biến trong truyện cổ tích không? Tác dụng của hình thức này?
Trả lời câu hỏi
Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật được sử dụng phổ biến trong truyện cổ tích. Việc này có tác dụng:
- Câu chuyện sẽ có những chi tiết thú vị, li kì. Tạo tình huống để phát triển câu chuyện.
- Tạo hứng thú cho người đọc. Người đọc sẽ thấy được sự thông minh, nhanh nhẹn của nhân vật.
Câu 2: Trang 74- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua mấy lần? Lần sau có khó hơn lần trước không? Vì sao?
Trả lời câu hỏi
Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua bốn lần:
- Lần 1: Đáp lại câu hỏi của viên quan khi hai cha con cậu bé đang cày ruộng.
- Lần 2: Xử lí thử thách của nhà vua đối với dân làng: trâu đực thì không thể đẻ được.
- Lần 3: Lần này cũng là thử thách của nhà vua, muốn làm thịt được con chim sẻ thì cần phải mài chiếc kim thành dao.
- Lần 4: là thử thách của sứ giả nước ngoài: xâu chỉ qua thân con ốc.
Nhận xét: Qua những lần thử thách chúng ta thấy được độ khó tăng dần. Bởi vì chúng ta thấy được tính chất của câu đố oái oăm hơn qua từng lần đố. Bên cạnh đó thì người đặt ra câu đố cũng được thay đổi, ban đầu là viên quan, sau đó là nhà vua và cuối cùng là sứ giả nước ngoài.
Câu 3: Trang 74- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Trong mỗi lần thử thách, em bé đã dùng những cách gì để giải những câu đố oái oăm? Theo em, những cách ấy lí thú ở chỗ nào?
Trả lời câu hỏi
Đối với mỗi lần thử thách thì cậu bé lại đưa ra cách giải quyết một cách khác nhau:
- Lần 1: Khi viên quan hỏi thì cậu bé hỏi ngược lại viên quan.
- Lần 2: Cậu chỉ ra sự vô lí của câu đố.
- Lần 3: Lần này cậu cũng đố ngược lại nhà vua.
- Lần 4: Sử dụng kinh nghiệm đời sống của dân gian để giải câu đố.
Những cách giải ấy rất thông minh và cực kì thú vị:
- Cậu sử dụng kế “ gậy ông đập lưng ông”, thay đổi vị trí, đẩy thế bí về người đặt câu hỏi.
- Cách xử lí của cậu khiến cho người đố cảm thấy được sự vô lí trong chính câu đố của mình.
- Những câu trả lời của cậu đều dựa vào kinh nghiệm trong đời sống chứ không hề phụ thuộc vào sách vở.
- Những câu trả lời mang tính hồn nhiên nhưng chứa đựng một sự thông minh, tài giỏi, nó khiến cho người đọc, người nghe sự bất ngờ.
Câu 4: Trang 74- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Hãy nêu ý nghĩa của truyện cổ tích Em bé thông minh?
Trả lời câu hỏi
Qua câu chuyện ta thấy được những ý nghĩa sau:
- Truyện đề cao về trí thông minh trong dân gian.
- Khi đọc câu chuyện chúng ta cảm thấy được sự vui vẻ, hài hước mà câu chuyện mang lại.
- Câu truyện đề cao trí tuệ thông minh của những người lao động Việt Nam. Sự thông minh đó được đúc kết từ đời sống hàng ngày, trong cuộc sống lao động của họ, tuy không được đi học, không được tiếp nhận kiến thức từ sách vở, nhưng cuộc sống đã mang lại cho họ nguồn kiến thức lớn.
Luyện tập
Bài 2: Hãy kể một câu chuyện Em bé thông minh mà em biết.
Trả lời câu hỏi
Các bạn có thể tìm đọc câu truyện Trạng Quỳnh. Đây cũng là một câu truyện có nôi dung và ý nghĩa tương tự như truyện Em bé thông minh.
Lời kết: Vậy là chúng ta vừa tìm hiểu văn bản “ Em bé thông minh”, qua đó các bạn đã hiểu thêm về câu chuyện, cũng như là ý nghĩa của câu chuyện mang lại. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở câu chuyện tiếp theo nhé.