Bài 12: Soạn bài - Treo biển lớp 6 tập 1
Đây là bài soạn văn treo biển nằm trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 1, trả lời câu hỏi sách giáo khoa bài treo biển trang 124 chi tiết và dễ hiểu nhất.
Tìm hiểu chung
Thể loại
Văn bản treo biển được viết theo thể loại Truyện cười.
Tóm tắt văn bản
Câu chuyện kể về một anh chủ cửa hàng nọ treo một tấm biển có ghi dòng chữ “Ở đây có bán cá tươi”. Khi nghe một người qua đường thắc mắc là trước bán cá ươn hay sao mà giờ lại đề chữ tươi vào. Thế là anh chủ nghe thấy liền bỏ chữ tươi đi.
Ngày hôm sau, lại có người bảo rằng họ đến hàng hoa để mua cá hay sao mà phải đề chữ “ ở đây”. Thế là anh chủ quán lại xóa đi chữ “ở đây”.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Cách vài hôm lại có người bảo bày cá ra để khoe hay sao mà phải có từ “có bán”. Anh chủ tiệm nghe thấy liền xóa bỏ ngay chữ “có bán”. Vậy là tấm bảng chỉ còn chữ “cá”.
Nghĩ vậy là đã xong, nhưng khi nghe người hàng xóm bảo chưa đến đã ngửi thấy mùi tanh, ai mà chả biết. Vậy là anh chủ quán cất luôn cả cái bảng.
Bố cục văn bản
Văn bản có thể được chia làm hai đoạn:
Đoạn 1: Từ đầu…. ở đây có bán cá tươi → Nội dung của đoạn này là giới thiệu về một cửa hàng treo biển bán cá.
Đoạn 2: Phần còn lại → Những góp ý và sự thay đổi tên của cái bảng.
Yêu cầu cần đạt
Hiểu và cảm nhận được nội dung và ý nghĩa truyện Treo biển.
Nắm được các phương pháp nghệ thuật thông qua câu chuyện.
Tóm tắt và kể lại được truyện Treo bảng.
Trả lời câu hỏi sgk
Câu 1: Trang 125- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Nội dung tấm biển đề treo ở cửa hàng “Ở đây có bán cá tươi” có mấy yếu tố? Vai trò của từng yếu tố?
Trả lời:
Nội dung tấm biển treo ở cửa hàng “ Ở đây có bán cá tươi” có 4 yếu tố. Và vai trò của từng yếu tố đó chính là:
-
“ Ở đây” : Thông báo địa điểm chính xác cho khách hàng.
-
“ có bán” : Cho mọi người biết hoạt động của cửa hàng.
-
“cá” : Cho mọi người biết mặt hàng của cửa hàng bán.
-
“tươi” : Mọi người sẽ biết được chất lượng của mặt hàng.
Những yếu tố trên là những yếu tố cần thiết có trong một tấm biển hiệu quảng cáo.
Câu 2: Trang 125- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Có mấy người góp ý về cái biển đề ở cửa hàng bán cá? Em có nhận xét gì về từng ý kiến?
Trả lời:
Có 4 người góp ý về cái biển đề ở cửa hàng bán cá.
-
Người thứ nhất góp ý không nên để chữ “tươi”.
-
Người thứ hai góp ý bỏ chữ “ ở đây”.
-
Người thứ ba góp ý bỏ chữ “có bán”.
-
Người thứ tư góp ý bỏ chữ “cá”.
Những ý kiến mà họ đưa ra đều mang những ý kiến chủ quan, và ngụy biện cho ý kiến đó.
-
Khi người đầu tiên ý kiến bỏ chữ “tươi”: Cửa hàng sẽ bị mất đi sự khẳng định thương hiệu về chất lượng cá của bên mình. Tuy nhiên nếu bỏ đi chữ “tươi” thì chúng ta vẫn chấp nhận được.
-
Khi bỏ đi chữ “ở đây” : Tấm biển đã bắt đầu có sự thay đổi, thiếu sự tôn trọng đối với khách hàng.
-
Khi bỏ chữ “ có bán” và chỉ còn lại chữ “cá”: Đã bắt đầu có sự vô lí ở đây. Tấm biển quảng cáo trở nên cụt ngủn.
-
Cho đến cuối cùng thì anh chủ lại nghe theo rằng ai cũng ngửi thấy mùi cá, nên anh chàng đã quyết định cất đi tấm bảng.
Câu 3: Trang 125- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Đọc truyện cười, những chi tiết nào làm em cười? Khi nào cái đáng cười bộc lộ rõ nhất? Vì sao?
Trả lời:
Những chi tiết làm em cười đó là: Mỗi khi nghe có người góp ý thì anh chủ quán đã không cần suy nghĩ mà có thể xóa ngay đi phần chữ được góp ý. Yếu tố bật cười ở đây là anh chủ quán đã không hiểu hết được ý nghĩa của việc treo biển quảng cáo. Không có chính kiến mà chỉ nghe theo lời người khác.
Chi tiết gây thú vị và bật cười nhất ở cuối câu truyện. Khi có người góp ý, anh ấy sẵn sàng cất luôn tấm biển quảng cáo. Chúng ta thấy bật cười bởi vì những lời góp ý có vẻ có lý tuy nhiên cứ nghe theo và hành động thì nó sẽ trở thành phi lí. Anh chủ quán đã hoàn toàn mất chủ kiến.
Câu 4: Trang 125- sgk ngữ văn lớp 6 tập 1
Hãy nêu ý nghĩa của truyện,
Trả lời:
Treo biển là một câu chuyện gây cười nhằm phê phán những ai làm việc mà chỉ biết nghe theo lời của người khác mà không có chủ kiến của bản thân. Làm cho việc làm của mình trở nên vô lí.
Khi có sự góp ý của người khác thì cần phải có sự suy xét chứ không nên vội vàng hành động. Phải có kiến thức, chủ kiến trước khi nghe lời góp ý của người khác. Từ đó chọn lọc để thực hiện.
Luyện tập
Nếu nhà hàng bán cá trong truyện nhờ em làm lại cái biển, em sẽ "tiếp thu" hoặc phản bác những "góp ý" của bốn người như thế nào hoặc sẽ làm lại cái biển ra sao? Qua truyện này, có thể rút ra bài học gì về cách dùng từ?
Trả lời:
Nếu nhà hàng bán cá có nhờ em làm lại cái biển thì em vẫn sẽ giữ nguyên tấm biển như ban đầu. Vì nó đã thể hiện tất cả những yếu tố cần có khi làm một biển quảng cáo.
Qua truyện này, chúng ta có thể rút ra được những bài học sâu sắc. Khi sử dụng từ thì cần phải có nghĩa, chúng ta phải có được những thông tin cần thiết. Những gì viết trên bảng quảng cáo phải đầy đủ nhằm thể hiện rõ ràng mục đích của quảng cáo.
Kết lời: Mình tin rằng bài giảng đã giúp cho các bạn hiểu được nội dung cũng như ý nghĩa của nó. Thông qua tiếng cười là những phê phán cho những việc vô lí. Chúc các bạn học giỏi.