Bài 01: Soạn bài truyện con rồng cháu tiên lớp 6
Đây là bài soạn văn truyện "con rồng cháu tiên" nằm trong sách văn học lớp 6 tập 1.
Con rồng cháu tiên là một thể loại truyện truyền thuyết, được đưa vào bộ môn văn học lớp 6 để giảng dạy. Bài này sẽ phân tích tìm hiểu câu chuyện, cũng như trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa để giúp các em học sinh dễ dàng ôn tập - củng cố kiến thức.
I. Tìm hiểu chung truyện con rồng cháu tiên
Thể loại
Văn bản con rồng cháu tiên là một câu chuyện truyền thuyết. Câu chuyện được truyền miệng từ đời này sang đời kia.
Tóm tắt câu chuyện
Thủa xưa, ở miền đất Lạc Việt có một vị thần thuộc nòi rồng tên là Lạc Long Quân. Ông là một người tài giỏi và chuyên diệt trừ yêu tinh, bày cho người dân cách trồng trọt chăn nuôi. Sau khi giúp nhân dân thì Thần sẽ quay lại với biển khơi để sinh sống.
Bài viết này được đăng tại [free tuts .net]
Lúc bấy giờ, trần gian xuất hiện nàng Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần, sau khi gặp nhau thì nàng và Lạc Long Quân đem lòng yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng. Họ chung sống hạnh phúc với nhau ở trên cạn, trong cung điện Long Trang.
Chuyện lạ xảy ra đó là nàng Âu cơ mang thai nhưng lại sinh ra một bọc trăm trứng và nở ra một trăm người con. Là nòi rồng- sống dưới nước còn Âu Cơ thuộc dòng dõi nhà tiên nên sống ở trên núi, vì vậy họ quyết định rời xa nhau.
Năm mươi người con theo cha xuống biển, năm mươi người con theo mẹ về vùng non cao. Người con trưởng theo mẹ được lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Cứ mỗi khi vua cha chết thì người con trưởng lại lên nhận ngôi vị. Cứ như thế, đến tận đời thứ mười tám vẫn lấy hiệu là Hùng Vương.
Bố cục
Văn bản được chia ra làm ba đoạn
- Đoạn 1: Từ đầu…..cung điện Long Trang : Kể về nguồn gốc và sự gặp gỡ, nên duyên của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
- Đoạn 2: Tiếp theo…. rồi chia tay nhau lên đường: Câu chuyện kì lạ khi mẹ Âu Cơ sinh được bọc trứng và nở ra một trăm người con và cuộc chia tay của họ.
- Đoạn 3: Phần còn lại: Sự hình thành nên nước Lạc Việt và nguồn gốc của con Rồng cháu Tiên.
Yêu cầu bài học
- Sau khi hoàn thành bài học các bạn phải biết được khái niệm về truyện truyền thuyết.
- Tóm tắt được câu chuyện và kể lại một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ nội dung.
- Hiểu được nguồn gốc vì sao chúng ta cho đến tận bây giờ vẫn gọi là con Rồng cháu Tiên.
- Nhớ được về cội nguồn của dân tộc, ghi nhớ công lao của các vị Vua Hùng.
II. Trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa
Câu 1: Trang 8- sgk ngữ văn 6, tập 1
Đề bài: Hãy tìm những chi tiết trong truyện thể hiện tính chất kì lạ, cao quý về nguồn gốc và hình dạng của Lạc Long Quân và Âu Cơ?
Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là thần, cả hai người đều có những nét đẹp và cao quý:
Lạc Long Quân: Là vị thần thuộc nòi Rồng, mình rồng, sức khỏe vô địch và có nhiều phép lạ. Thần giúp dân làng diệt yêu tinh và bày cho họ cách trồng trọt, chăn nuôi.
Âu Cơ là người thuộc dòng dõi Thần Nông, nàng xinh đẹp tuyệt trần và giúp loài người trồng trọt, cày cấy.
Câu 2: Trang 8- sgk ngữ văn 6, tập 1
Đề bài: Việc kết duyên của Lạc Long Quân cùng Âu Cơ và chuyện Âu Cơ sinh nở có gì kì lạ ? Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con như thế nào và để làm gì? Theo truyện này thì người Việt là con cháu của ai?
Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là con cháu, dòng dõi nhà thần, nhà tiên nên khi họ nên duyên với nhau đó là sự kết hợp giữa sắc đẹp, sức mạnh và cả trí thông minh. Đó là một sự kết hợp tuyệt vời.
Câu chuyện sinh nở của Âu Cơ cũng thật lạ kỳ, nàng sinh ra một cái bọc có trăm quả trứng và từ đó nở thành một trăm người con. Các con không cần bú mớm nhưng lại lớn nhanh như thổi, ai cũng khỏe mạnh, hồng hào và khôi ngô.
Khi cảm thấy không thể chung sống với nhau lâu dài vì một người là Vua dưới nước và một người là Thần trên núi, họ khác nhau về phong tục và tập quán nên đã quyết định chia tay nhau và chia con ra để một nửa đi theo cha xuống biển và một nửa đi theo mẹ lên rừng. Họ chia nhau cai quản các phương, khi nào cần thì sẽ giúp đỡ lẫn nhau.
Thông qua câu chuyện này ta thấy được chúng ta sinh ra và lớn lên đều là con cháu của Vua Hùng, đều mang dòng máu của con Rồng cháu Tiên.
Câu 3: Trang 8- sgk ngữ văn lớp 6, tập 1
Đề bài: Em hiểu thế nào là chi tiết tưởng tượng kì ảo? Hãy nói rõ vai trò của chi tiết này trong truyện?
Chi tiết tưởng tượng kì ảo chính là những chi tiết tưởng tượng không có thật và nó có phần hư cấu, mang tính hoang đường, nhưng nó được tạo ra đều có mục đích riêng của nó.
Trong truyện con Rồng cháu Tiên cũng có những chi tiết tưởng tượng kì ảo, nó có mục đích:
- Tạo cho nhân vật sự cao quý và nhân văn với mỗi sự việc, tạo nên được sự kì lạ, hấp dẫn trong câu chuyện. Nó khiến cho người nghe nhớ lâu hơn về câu chuyện.
- Những chi tiết ấy khiến cho truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc được thần linh hóa, con cháu đời sau cảm thấy được sự thiêng liêng của dân tộc, từ đó lại càng thêm tôn kính tổ tiên của mình.
Câu 4: Trang 8-sgk ngữ văn lớp 6, tập 1
Đề bài: Thảo luận ở lớp: ý nghĩa của truyện con Rồng cháu Tiên?
Qua truyện con Rồng cháu Tiên chúng ta phần nào hiểu rõ hơn nguồn gốc của dân tộc mình, thông qua đó thể hiện sự kính trọng các vị tổ tiên cao quý và thiêng liêng của dân tộc.
Chúng ta đều chung một cha một mẹ, là con cháu Vua Hùng nên phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Dù là đồng bằng hay vùng núi, miền xuôi lên miền ngược, 54 dân tộc anh em chúng ta đều chung một dòng máu. Câu chuyện thể hiện ý chí đoàn kết của dân tộc Việt Nam.
III. Kiến thức bổ sung
Bên cạnh truyện con Rồng cháu Tiên chúng ta cũng sẽ bắt gặp những câu chuyện cũng mang ý nghĩa giải thích nguồn gốc dân tộc như:
- Truyện quả trứng to nở ra con người- là truyện của người Mường
- Truyện Quả bầu mẹ- truyện của người Khơ Mú
Hi vọng qua bài học ngày hôm nay, các em học sinh đã biết rõ về nguồn gốc của dân tộc, qua đó hãy hành động và thể hiện sự tôn kính của mình đối với tổ tiên. Yêu thương giúp đỡ lẫn nhau khi bắt gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, luôn nâng cao tinh thần đoàn kết dân tộc.